Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Xây dựng đề án "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới" sát, đúng và trúng

29/03/2023 | 14:55 PM

 | 

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế muốn lắng nghe ý kiến từ y tế cơ sở gặp những khó khăn vướng mắc gì để xây dựng đề án "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới" sao cho bám sát thực tế và thật sự có hiệu quả khi đi vào triển khai.

Ngày 29/3/2023, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì Hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế muốn lắng nghe ý kiến từ y tế cơ sở, trong quá trình triển khai có gặp khó khăn vướng mắc gì. Ảnh: Kim Vân

'Bộ Y tế muốn lắng nghe ý kiến từ y tế cơ sở'

Thông tin tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngày 22/01/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 06- CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.

Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, phòng chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai tại tuyến xã; chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06- CT/TW vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Sau 20 năm, cung ứng dịch vụ mới tập trung tới điều trị cho người bệnh, chưa chú trọng đúng mức đến phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh nhất là các bệnh mạn tính.

Toàn cảnh Hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới tại TP.HCM. Ảnh: Kim Vân

Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã giao Ban cán sự đảng Bộ Y tế chủ trì chuẩn bị đề án xây dựng "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới", trình Ban Bí thư trong tháng 5/2023.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, so với thời điểm Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, cùng với sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng, hệ thống y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như già hóa dân số nhanh, thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lẫy nhiễm và diễn biến khó lường của một số dịch bệnh mới, biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa...

"Bộ Y tế muốn lắng nghe ý kiến từ y tế cơ sở, trong quá trình triển khai có gặp khó khăn vướng mắc gì. Từ thực tế đó đề xuất những giải pháp để y tế cơ sở tốt hơn, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và Kết luận số 126-TB/TW vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Ảnh: Kim Vân

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính trình bày báo cáo đánh giá thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và đề xuất chính sách

Nhiều 'tâm tư' được giãi bày

Tại hội thảo, bác sĩ Đoàn Minh Cương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho hay, trung tâm gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Cụ thể, về cơ sở vật chất, sau gần 38 năm, trung tâm đã được đầu tư hơn nhưng chưa đồng bộ so với nhu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của đơn vị.

Bác sĩ Cương cho biết, về nhân lực, đến thời điểm này, tỉ lệ bác sĩ/10 vạn dân ở huyện Lâm Hà đạt 5,2 và 16/16 trạm y tế xã có bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng bác sĩ này không bền vững. Thực tế, 10 năm qua, trung tâm chỉ tuyển được 3 bác sĩ đào tạo chính quy từ nơi khác về, chủ yếu hợp lý hóa theo gia đình. Số còn lại là tăng thêm thay thế cho những bác sĩ nghỉ hưu đều là nguồn đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển và đào tạo từ y sĩ lên bác sĩ. Đây là những nhóm không bền vững, rất nhiều người xin rời đi với nhiều lý do nhưng chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà còn gặp khó khăn về thực hiện danh mục kỹ thuật, cụ thể khi thực hiện các chuyên khoa chưa có. Ví dụ như răng hàm mặt, vật lý trị liệu, liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề. Do đó, trong thời gian dài sẽ không đủ chuyên khoa.Đối với kinh phí hoạt động, Sở Y tế đã được cấp theo định mức của HĐND tỉnh Lâm Đồng, trong đó nguồn hệ điều trị chủ yếu nguồn thu từ BHYT khoảng 90-92%. Song, với cơ cấu giá hiện nay thì rất khó đảm bảo được nguồn chi.

Ông Đoàn Minh Cương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho hay những vướng mắc và khó khăn tồn tại ở cơ sở. Ảnh: Kim Vân

Cũng theo ông Cương, đối với hệ dự phòng, hiện tại chưa có quy định về định mức giá dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe trong khám chữa bệnh, vì vậy mặc dù có tiền dự phòng nhưng không thể chi được.

Đối với thực hiện chế độ chính sách cho viên chức, những ngày qua thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc xây dựng, tổng hợp số lượng người khi thực hiện Nghị định 05 thay thế Nghị định 56, các nhân viên y tế rất tâm tư, chưa thấy sự hướng dẫn cụ thể.

Đa số người làm quản lý trong ngành y tế là bác sĩ, thời gian quản lý chỉ có 30%, còn lại 70% làm chuyên môn nhưng lại không được hưởng đầy đủ theo định mức quy định Nghị định 05.

Hiện các phụ cấp không còn phù hợp, trong đó có phụ cấp về trực, nếu để kéo dài tình trạng này gây bức xúc rất nhiều cho nhân viên y tế. Ngành y tế huyện Lâm Hà nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.

 

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nên có cơ chế bắt buộc các bác tốt nghiệp thực hành về cơ sở trong 1 thời gian nào đó, như thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Kim Vân

Cần sớm luật hóa về phát triển y tế cơ sở

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ông cảm nhận thiếu một bộ luật quan trọng để hướng dẫn về củng cố phát triển y tế cơ sở. Hiện tại, có Luật dự phòng và kiểm soát bệnh tật nhưng luật này không thể áp dụng cho khám chữa bệnh ở y tế cơ sở. Cần sớm luật hóa về phát triển y tế cơ sở.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nên có cơ chế bắt buộc các bác sĩ tốt nghiệp thực hành về cơ sở trong 1 thời gian nào đó, như thực hiện nghĩa vụ quân sự. Như vậy y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người.

"Chúng ta đưa người luân phiên cũng không thể tiếp cận từng nhà dân, nếu không có hệ thống mạng lướt cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Do vậy cần sớm có chính sách để các tỉnh thành có kế hoạch xây dựng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, mỗi một khu phố có 3 người để giúp cho các trạm y tế làm công tác sức khỏe", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu vấn đề.

Sau khi lắng nghe các báo cáo, ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được Bộ Y tế tiếp thu để xây dựng đề án "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới", trình Ban Bí thư trong tháng 5/2023. Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề với các trung tâm y tế cấp huyện, các trạm y tế, tham khảo các ý kiến chuyên gia, tập trung vào những đề xuất giải quyết khó khăn thực tế.

"Các ý kiến tại hội thảo hôm nay sẽ được Bộ Y tế tiếp thu đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện, để "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới" ra đời bám sát thực tế và thật sự có hiệu quả chứ không phải ban hành để lấy chỉ tiêu, phong trào", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Ông Christophe Lemiere - Giám đốc Ban phát triển con người của Ngân hàng thế giới cho hay, qua khảo sát thực tế, 30% bệnh nhân nội trú có thể điều trị tại y tế cơ sở. Hiện tại Việt Nam đang phải chi trả chi phí nội trú nhiều hơn hệ thống y tế khác trong khu vực.

 

Ông Christophe Lemiere - Giám đốc Ban phát triển con người của Ngân hàng thế giới cho hay, 30% bệnh nhân nội trú có thể điều trị tại y tế cơ sở. Ảnh: Kim Vân

Theo ông, Christophe Lemiere, có thể đầu tư nhiều hơn nữa vào tuyến y tế cơ sở và giải pháp quan trọng hơn là đầu tư vào chính sách mới để tạo cơ sở để cấp vốn giúp y tế cơ sở có thể vận hành về tài chính. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia có nguồn quỹ làm về công tác bảo hiểm xã hội, trong đó có phòng ngừa bệnh. Đó cũng chính là một trong những giải pháp./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Tổng thuật trực tiếp chiều 18/3: Phiên chất vấn và trả lời chất vẫn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao

Thứ Hai, ngày 18/03/2024 08:13

Vietnam Medi-Pharm 2024 diễn ra từ ngày 09 - 12/ 5 tại Hà Nội

Thứ Ba, ngày 19/03/2024 03:01

Hội nghị trực tuyến liên ngành về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024

Thứ Tư, ngày 27/03/2024 09:07

Giới hạn tuổi nào cho bệnh nhân phẫu thuật điều trị ung thư đường tiêu hóa

Thứ Tư, ngày 27/03/2024 06:56

Danh sách tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự nhà nước

Thứ Hai, ngày 25/03/2024 01:21

Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người năm 2024

Thứ Tư, ngày 27/03/2024 00:40

Tổng thuật: Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên

Thứ Ba, ngày 26/03/2024 03:07

[Ảnh] Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3

Thứ Hai, ngày 25/03/2024 08:43

Phát hiện 08 ca sốt phát ban nghi mắc sởi tại huyện Đức Thọ

Chủ Nhật, ngày 24/03/2024 10:33

Cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho những cộng đồng dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, ngày 24/03/2024 09:55

Thăm dò ý kiến