Điểm tin y tế ngày 16/5/2018

16/05/2018 | 00:26 AM

 | 

I. Thông tin y tế trong nước

1. Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác y tế cơ sở ở Thái Bình

Trong chương trình làm việc tại Thái Bình ngày 15/5 về công tác y tế trên địa bàn, trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và làm việc tại các trạm y tế xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, Trung tâm y tế huyện Quỳnh Phụ.

Báo cáo tại buổi làm việc, BS Bùi Thị Thu- Trưởng trạm y tế xã Quỳnh Trang cho biết, hiện trạm có 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, 3 y sĩ đa khoa, 1 dược tá. Với điều kiện nhân lực hiện có, đại diện trạm y tế xã Quỳnh Trang cho biết đủ điều kiện nhân lực thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản.

Về danh mục thuốc theo quy định của Thông tư 39 hiện có 225 loại thuốc, thiếu 16 loại thuộc nhóm thuốc sốt rét, thuốc chống parkinson, dung dịch cao phân tử, thuốc cản quang, thuốc chống huyết khối... Hiện nay tỷ lên người dân trên địa bàn xã tham gia BHYT khoảng 85%, trong đó đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế khoảng hơn 50%. Lắng nghe báo cáo của trạm y tế xã và qua kiểm tra thực tế các phòng chức năng của trạm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận những nỗ lực của trạm y tế xã Quỳnh Trang trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, tuy nhiên Bộ trưởng cũng chỉ rõ trong công tác ghi “nhật ký” khám chữa bệnh cho người dân tại trạm y tế vẫn còn bất cập, chưa khoa học. Bộ trưởng cũng lưu ý về công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh,bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tiêm chủng, khám sàng lọc... cần được đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

Tiếp sau đó, Bộ trưởng cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm y tế huyện Quỳnh Phụ. Báo cáo của UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết, hiện 38/38 trạm y tế của huyện đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2. Trong năm qua, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, các chương trình/ dự án y tế, phòng chống bệnh không lây nhiễm được duy trì tốt như tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường...

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những thay đổi trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.Địa phương đã đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa nhiều trạm y tế khang trang, kiên cố hoá, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn được nâng cao hơn.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng đề nghị UBND huyện nghiên cứu xin ý kiến UBND tỉnh về việc luân phiên đưa cán bộ y tế tuyến trên về tuyến xã công tác nhằm bù đắp cho thực trạng thiếu bác sĩ của một số trạm y tế hiện nay và đảm bảo các trạm y tế luôn có bác sĩ thăm khám cho nhân dân. Mô hình này hiện đang áp dụng hiệu quả tại Thái Lan. “Chúng ta tiến tới đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người dân theo hướng tăng cường vai trò của y tế dự phòng, quyết liệt thực hiện lồng ghép y tế dự phòng với khám chữa bệnh tận tuyến cơ sở để phát huy hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”- Bộ trưởng nêu rõ. Theo Bộ trưởng các trạm y tế mẫu đạt chuẩn phải có phòng chờ cho trẻ tiêm chủng, cho người lớn đi khám và đảm bảo có quạt mát khi mùa hè, ấm khi mùa đông.Các phòng còn chưa sử dụng hiệu quả cần bố trí chuyển công năng sử dụng để tránh lãng phí.

2. 70% bệnh nhân khám ở trạm y tế nhưng chỉ chi 5% tổng Quỹ BHYT

Ngày 15.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, cơ quan này đã phê duyệt cho nhiều trạm y tế xã thực hiện tới 80% số danh mục kỹ thuật trong gói dịch vụ y tế cơ bản mà Bộ Y tế ban hành đối với y tế cơ sở, nhưng hầu hết các trạm y tế đều chưa thực hiện được do khó khăn về nguồn kinh phí bảo hiểm y tế (nguồn kinh phí bảo hiểm y tế cấp cho trạm y tế xã rất thấp, chỉ chiếm 10% số tiền Quỹ bảo hiểm y tế của huyện).

Ngoài ra, nhân lực tuyến xã cũng chưa đáp ứng yêu cầu đầy đủ chứng chỉ chuyên môn thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Y tế Thái Bình cũng “phàn nàn” về khó khăn cho y tế cơ sở, như Bảo hiểm xã hội giao khoán quỹ bảo hiểm y tế cho các tỉnh, thành phố khó khăn trong việc chỉ định thuốc, vật tư y tế, kỹ thuật điều trị. Năm 2016, các cơ sở y tế ở Thái Bình bị bội chi hơn 500 tỉ đồng, đến nay chưa được thanh toán và dự kiến năm nay cũng sẽ bội chi ít nhất 350 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp và đã thống nhất được các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng hiện nay là nâng cao chất lượng y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh cho người dân, góp phần giảm bội chi bảo hiểm y tế.

Bà Tiến cũng dẫn đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế cho rằng, y tế nước ta đã đầu tư dàn trải về kỹ thuật cao, chi tiêu quá nhiều tiền cho các bệnh viện, cho điều trị mà lãng quên y tế cơ sở, còn xem nhẹ y tế dự phòng.

"Hiện nay, 70% bệnh nhân khám tại trạm y tế xã nhưng tiền bảo hiểm y tế chỉ chi gần 5% tổng Quỹ, còn lại là chi cho tuyến trên và vượt tuyến khám chữa bệnh. Do vậy, cần đầu tư ra tấm ra món cho y tế cơ sở, chứ không đầu tư manh mún nữa. Khi chất lượng y tế có sở nâng cao thì đồng thời giảm tải tuyến trên, và người dân thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế”, Bộ trưởng Y tế nói.

Tại buổi làm việc, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam tỉnh Thái Bình cũng nhìn nhận việc giao khoán Quỹ Bảo hiểm y tế cho các tỉnh, thành phố cũng có mặt hạn chế, gây khó khăn cho bệnh viện. Tuy nhiên, nếu các phần bội chi được chứng minh là hợp lý, Bảo hiểm xã hội sẽ chấp nhận thanh toán, cấp thêm quỹ dự phòng.

3. Chung tay chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới

Chiều 14/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã ký kết chương trình phối hợp về triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, giai đoạn 2018 - 2021.

Chung tay chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới Đại diện Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH tại lễ ký kết

Theo chương trình được ký kết, trong giai đoạn 2018 - 2021, 2 Bộ sẽ bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.

Tập trung vào việc triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức khỏe cho nhân dân và người có công với cách mạng, người lao động, các đối tượng chính sách, người cao tuổi, người khuyết tật; phòng, chống bệnh nghề nghiệp; an toàn lao động, phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động, việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, người cao tuổi.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng của ngành LĐTB&XH.

Ngành Y tế hỗ trợ nhân lực y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng cho các cơ sở của ngành LĐTB&XH cử cán bộ y tế luân phiên hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở của ngành LĐTB&XH.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng tại các cơ sở thuộc Bộ, ngành LĐTB&XH quản lý nhằm tăng sự hài lòng của người dân.

Đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức và xây dựng cơ sở thuộc Bộ, ngành xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý các cơ sở y tế công lập gắn với trao quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

5. HPG 2018: Cơ chế tài chính cho công tác Chăm sóc sức khỏe ban đầu

Ngày 15/5, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế (HPG) đầu tiên của năm 2018 với chủ đề Cơ chế tài chính cho công tác Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn dân (UHC).

Đây là cuộc họp đầu tiên trong chuỗi các cuộc họp HPG năm 2018, tập trung vào chủ đề tăng cường CSSKBĐ hướng đến bao phủ CSSK toàn dân.Bao phủ CSSK toàn dân cũng là chủ đề của ngày Sức khỏe thế giới 07/04/2018.

Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS.Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO; TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội và TS Keiko Inoue (WB).

Chăm sóc sức khỏe ban đầu-ưu tiên của ngành y tế

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết theo Tuyên bố Alma Ata, CSSKBĐ là nền tảng và là cấu phần quan trọng nhất của hệ thống y tế, và là chiến lược quan trọng để đạt sức khỏe cho mọi người dân. Trong những năm qua, các ưu tiên và chiến lược y tế đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên CSSKBĐ vẫn  giữ vai trò quan trọng trong hệ thống y tế của mọi quốc gia.

Bởi vậy, sau 40 năm, cộng đồng quốc tế tiếp tục cùng cam kết tăng cường CSSKBĐ hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, dự kiến bản Tuyên bố chung mới sẽ được ký tại  Kazakhstan vào tháng 10 tới đây.

Tại Việt Nam, CSSKBĐ đã, đang và sẽ là ưu tiên của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành y tế nói riêng. Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH TW Đảng vừa ban hành vào tháng 10/2017,  đã xác định “Y tế dự phòng (YTDP) giữ vai trò then chốt, đổi mới y tế cơ sở (YTCS) và CSSKBĐ là nền tảng, nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới”. “Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 có mục tiêu đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng của dịch vụ CSSKBĐ theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép bảo đảm công bằng, hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cơ chế tài chính hiệu quả- đòn bẩy cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững

“Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam hướng đến bao phủ CSSK toàn dân, điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết 20 NQ-TW về công tác bảo vệ, chăm sóc, và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, trích lời TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam. So với các quốc gia khác, Việt Nam có hệ thống CSSKBĐ  tương đối phát triển. Tuy nhiên, một cơ chế tài chính hiệu quả cho công tác CSSKBĐ là cần thiết để xây dựng hệ thống CSSKBĐ bền vững.

Khi hệ thống y tế không có khả năng bảo vệ tài chính, người dân phải chi tiền túi và có nguy cơ dẫn đến đói nghèo. Theo  tài liệu quốc gia về phát triển bền vững và UHC được đưa ra vào ngày Sức khỏe Thế giới, tại Việt Nam, khoảng 19% gia đình dành hơn 10% thu nhập cho các dịch vụ y tế - một gánh nặng tài chính chưa hợp lý. Tài liệu quốc gia này sẽ giúp Chính phủ xác định các khoảng trống và ưu tiên nhằm tăng cường hệ thống và bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế cho mọi người dân, tại bất cứ đâu và bất cứ khi nào mà không phải chịu gánh nặng về tài chính.

Trước những khó khăn và thách thức của cơ chế tài chính cho CSSKBĐ hướng đến UHC tại Việt Nam, cuộc họp HPG lần này xem xét thực trạng hệ thống CSSKBĐ tại Việt Nam, cung cấp các kinh nghiệm và bằng chứng quốc tế; và thảo luận các lựa chọn, bước đi tiếp theo nhằm tăng cường tài chính cho CSSKBĐ tại Việt Nam.

 TS. Momoe Takeuchi, Trưởng Nhóm Phát triển Hệ thống y tế (WHO) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tài chính cho CSSKBĐ hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Theo kinh nghiệm quốc tế, % BHYT chi cho CSSKBĐ: Đức (27-29%); Nhật (22-26%); Hàn Quốc (19% hiện nay, giai đoạn 1980: 34%).

TS Takeuchi nêu một số thách thức Việt Nam đang gặp phải như: tăng bao phủ BHYT nhưng không có hệ thống “gác cổng”, chăm sóc ban đầu phân bổ dưới 4% quỹ BHYT, thiếu nền tảng y tế điện tử để kết nối hệ thống tài chính và chi trả BHYT cho khám chữa bệnh cá nhân,....WHO khuyến nghị tăng phân bổ quỹ BHYT cho các cơ sở CSSKBĐ đạt 30% tổng quỹ BHYT, trong đó y tế tuyến xã tăng từ 4% mức hiện nay lên 20% (bao gồm cả phòng khám bác sỹ gia đình); bệnh viện huyện từ 26% lên 30% (10% cho CSSKBĐ).

6. Tỷ lệ hộ gia đình bị nghèo hóa do chi phí y tế cao

Đó là thông tin được đưa ra trong tham luận của PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) tại Cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế (HPG) đầu tiên năm 2018 với chủ đề: Cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức sáng 15.5, tại Hà Nội.

So với các quốc gia khác, Việt Nam có hệ thống CSSKBĐ tương đối phát triển.Tuy nhiên, một cơ chế tài chính hiệu quả cho công tác CSSKBĐ là cần thiết để xây dựng hệ thống CSSKBĐ bền vững.Khi hệ thống y tế không có khả năng bảo vệ tài chính, người dân phải chi tiền túi và có nguy cơ dẫn đến đói nghèo. Tỷ lệ hộ gia đình bị nghèo hóa do chi phí y tế vẫn cao. Theo  tài liệu quốc gia về phát triển bền vững và UHC được đưa ra vào ngày Sức khỏe Thế giới, tại Việt Nam, khoảng 19% gia đình dành hơn 10% thu nhập cho các dịch vụ y tế - một gánh nặng tài chính chưa hợp lý.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Với mạng lưới hơn 11.000 trạm y tế và hơn 600 trung tâm y tế huyện trên khắp cả nước cung cấp các dịch vụ CSSKBĐ đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân.

“Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cung cấp dịch vụ CSSKBĐ có chất lượng và hiệu quả. Đó là khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho CSSKBĐ ở tuyến cơ sở; năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ CSSKBĐ còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số; những vướng mắc và khó khăn trong lộ trình thực hiện gói dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở và phương thức thanh toán/chi trả cho CSSKBĐ" - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đặc biệt nhấn mạnh.

7. Xây dựng cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu

 “Cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” là chủ đề của cuộc họp Nhóm đối tác y tế (HPG) đầu tiên trong năm 2018 do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đại điện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự cuộc họp có đại biểu các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố và các đối tác phát triển.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Tại Việt Nam, chăm sóc sức khỏe ban đầu đã, đang và sẽ là ưu tiên của cả hệ thống chính trị nói chung, ngành y tế nói riêng. Hiện nay, mạng lưới y tế trên cả nước cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng và hiệu quả. Chính vì vậy, một cơ chế tài chính hướng đến hệ thống tài chính bền vững, công bằng và hiệu quả, để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, không phải chịu gánh nặng về tài chính là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nêu rõ: Việc xây dựng, đổi mới cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân phải đi đôi với việc tăng cường huy động hợp lý các nguồn từ bảo hiểm xã hội, ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, ODA, vốn tư nhân...

Tại cuộc họp này, các đại biểu sẽ cùng trao đổi và đưa ra các khuyến nghị để góp phần xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả, công bằng, minh bạch cho y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đây là một cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính y tế của Việt Nam.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Phan Lê Thu Hằng, công tác tăng cường y tế cơ sở hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản và thách thức. Trong đó có già hóa dân số; sự gia tăng nhanh chóng của gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm; khoảng cách bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe chưa được thu hẹp.

Đặc biệt, người dân còn thiếu hiểu biết về hoạt động phòng bệnh, tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế hợp lý; cơ chế thông tuyến đã làm số lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế xã giảm rõ rệt; năng lực phòng bệnh, quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng còn yếu...

Trước thực trạng này, ngành y tế cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc... nâng cao vị thế của y tế cơ sở trong hệ thống y tế quốc gia; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch...

Về vấn đề tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ toàn dân tại Việt Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Việt Nam cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu qua mạng lưới cơ sở đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp nhiều thách thức, trong đó việc tăng bao phủ bảo hiểm y tế nhưng không có hệ thống "gác cổng"; chăm sóc sức khỏe ban đầu mới được phân bổ dưới 4% quỹ Bảo hiểm y tế; thiếu nền tảng y tế điện tử để kết nối với hệ thống tài chính và chi trả bảo hiểm y tế cho khám chữa bệnh cá nhân...

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị: Việt Nam cần tăng phân bổ quỹ Bảo hiểm y tế cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đạt 30% tổng quỹ Bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua gói dịch vụ, mô hình chăm sóc và nhân lực. Đặc biệt, Việt Nam cần cân nhắc sự tăng trưởng của y tế tư nhân và tận dụng hệ thống này trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng...

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính như: Thực trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam; kinh nghiệm và bằng chứng về cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; các bước tiếp theo về cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu...

8. Thủ tướng Hun Sen ủng hộ công nhận bằng tốt nghiệp y khoa Việt Nam

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Bộ Y tế nước này công nhận bằng tốt nghiệp y khoa Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng tòa nhà Hữu nghị Campuchia - Hàn Quốc thuộc Bệnh viện Nhi Quốc gia Campuchia ngày 14/5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã hoan nghênh quyết định của Bộ Y tế Campuchia hủy bỏ quy định bắt buộc sinh viên tốt nghiệp các trường đại học y khoa tại Việt Nam phải vượt qua một kỳ thi trước khi hành nghề.

Thủ tướng Hun Sen cho rằng tất cả các sinh viên y khoa đã học tập 6 năm tại Việt Nam cần phải được Bộ Y tế Campuchia công nhận mà không cần phải kiểm tra thêm.

Thủ tướng Hun Sen nói: “Những sinh viên này đã hoàn thành toàn bộ chương trình học tập. Việt Nam là nước có nền y học rất tốt, thậm chí còn cao hơn Campuchia.Nếu chúng ta không công nhận bằng cấp của Việt Nam nghĩa là chúng ta đánh giá thấp Việt Nam”.

Thủ tướng Hun Sen cũng cho rằng việc công nhận bằng cấp y khoa của Việt Nam sẽ khuyến khích các sinh viên Campuchia phát huy năng lực và sử dụng những kiến thức tiếp thu được tại Việt Nam để phục vụ đất nước.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen, ngày 5/5 vừa qua Bộ Y tế Campuchia đã ra thông báo chính thức công nhận bằng cấp y khoa của tất cả các cơ sở giảng dạy trong lĩnh vực y tế hợp pháp của Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp các trường này không còn phải vượt qua kỳ thi trước khi hành nghề tại Campuchia.

Trước đây, Bộ Y tế Campuchia yêu cầu những người tốt nghiệp đại học tại Việt Nam phải kiểm tra lại để đảm bảo tiêu chuẩn với lý do sinh viên ngành y tại Campuchia phải học tập 8 năm mới tốt nghiệp, trong khi thời gian học tập tại Việt Nam ngắn hơn./.

9.Cập nhật các tiến bộ mới trong lĩnh vực sản phụ khoa

Hội nghị sản phụ khoa Việt- Pháp năm 2018, do bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Paris Descartes (Pháp) phối hợp tổ chức đã khai mạc ngày 14/5, tại Hà Nội.

Hội nghị kéo dài 2 ngày (14 và 15/5) với 75 bài tham luận của các diễn giả trong nước và quốc tế về chuyên ngành sản phụ khoa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, hội nghị là cơ hội để các bác sỹ chuyên ngành sản phụ khoa Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cũng như cập nhật những kỹ thuật mới.

Đây là cơ hội tốt bởi không phải bác sỹ sản phụ khoa nào của Việt Nam cũng có cơ hội được sang học tập kinh nghiệm những kỹ thuật mới của các đồng nghiệp nước Pháp.

Các tham luận cập nhật những tiến bộ mới trên thế giới như sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HIV DNA, kỹ thuật phẫu thuật sa sinh dục đường âm đạo, các kỹ thuật cầm máu khi tai biến chảy máu sau sinh, rau cài răng lược, các khuyến cáo về lạc nội mạc tử cung, chữa hiếm muộn…

Đặc biệt là vấn đề hiếm muộn – hiện nay đang là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của các cặp vợ chồng và đời sống xã hội.

Nhiều diễn giả tại Hội nghị cho rằng, ở Việt Nam hầu như chưa có nghiên cứu nào được công bố chính thức, để cập một cách toàn diện về tình trạng chất lượng cuộc sống của những người hiếm muộn. Phần lớn, các nghiên cứu mới chỉ nêu được một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của người hiếm muộn như tình trạng kết hôn, nguyên nhân hiếm muộn…

Chia sẻ bên lề hội nghị, phó giáo sư Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết hiện nay tỷ lệ sản phụ được bác sỹ mổ phẫu thuật lấy thai chủ động ngày càng nhiều. Trong số 10 bà bầu nhập viện để chờ sinh thì có 9 người xin bác sỹ được đẻ mổ.

Trong số hơn 21.700 các trường hợp đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2017, có gần 11.200 (chiếm 55%) các trường hợp phẫu thuật mổ lấy thai chủ động. Khoảng 65% nhóm phẫu thuật lấy thai chủ động có tiền sử từng sinh mổ trước đó, nhóm phẫu thuật lấy thai lần đầu chiếm tới 46%, nhóm đa thai tỉ lệ phẫu thuật lấy thai là gần 63%...

Theo các chuyên gia về sản khoa, dù tỷ lệ tai biến do phẫu thuật lấy thai có giảm nhờ tiến bộ của khoa học, việc mổ lấy thai làm tăng nguy cơ thai chết lưu khi người mẹ mang thai lần sau.

Bởi người mẹ trong lần mổ lấy thai đầu tiên, tử cung sẽ bị sẹo, không may thai tiếp sau làm tổ đúng vết sẹo sẽ khiến việc tưới máu cho thai không bảo đảm, đồng thời việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi cũng khó khăn hơn so với việc thai làm tổ ở vị trí tử cung lành./.

10. Đoàn viên thanh niên Bộ Y tế báo công với Bác

Kỷ niệm 128 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế vừa có hành trình về nguồn tại huyện Yên Thành và huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Anh Quang – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế cho biết, chương trình ở Nghệ An vừa qua gồm đợt khám, tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng và phát thuốc miễn phí cho bà con xã Tăng Thành, huyện Yên Thành và buổi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn).

Đợt tình nguyện khám, tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng và phát thuốc miễn phí cho bà con xã Tăng Thành đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đồng chí Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đồng chí Nguyễn Văn Định – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đình Lưu – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Thành và đồng chí Đào Văn Khai – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tăng Thành.

Đặc biệt, chương trình thăm khám, tư vấn dinh dưỡng ở xã Tăng Thành vừa qua có sự tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên Bộ Y tế và các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đến từ các bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, Viện huyết học Truyền máu trung ương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, Bệnh viện E, bệnh viện Phổi Hà Nội, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam… và các thầy thuốc tại Trung tâm Y tế huyện Yên Thành, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An…

Hơn 400 người dân tại xã Tăng Thành là những người có công với cách mạng, người cao tuổi, hộ nghèo… đã được các đoàn viên thanh niên là các bác sĩ, điều dưỡng đến từ các BV tuyến Trung ương tại Hà Nội khám và tư vấn sức khoẻ, đặc biệt là một số bệnh: huyết áp, tim mạch, cơ xương khớp, mắt, tai mũi họng, các bệnh nội khoa, ngoại khoa…; tư vấn dinh dưỡng cho các em nhỏ, cấp phát thuốc thiết yếu và phát quà miễn phí. Một người dân ở xã Tăng Thành sau khi được các y, bác sĩ thăm khám, cấp phát thuốc cho biết, do điều kiện gia đình kinh tế khó khăn nên không mấy khi tới bệnh viện khám, chữa bệnh mà thường tự ra các hiệu thuốc mua thuốc để uống. Qua đợt khám, tư vấn sức khỏe lần này của các y, bác sĩ tại các bệnh viện ở Hà Nội đã giúp người dân xã Tăng Thành nắm được cơ bản cách bảo vệ sức khỏe, đồng thời nâng cao nhận thức về việc cần phải khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh các loại bệnh.

“Chương trình đã thành công tốt đẹp, Đoàn đã thăm khám, phát thuốc cho trên 400 lượt người, tư vấn dinh dưỡng cho 200 trẻ em với tổng số thuốc và quà tặng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Bà con nơi đây rất vui mừng và cảm nhận được sự sẻ chia của thế hệ trẻ đến từ Bộ Y tế” – đồng chí Nguyễn Anh Quang chia sẻ.

Sau khi kết thúc chương trình tại xã Tăng Thành, đoàn viên thanh niên Bộ Y tế đã di chuyển tới Khu di tích Kim Liên dâng hương, hoa để báo công và cũng là thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

“Cả hai chương trình tại Nghệ An vừa qua đều hướng tới mục đích giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong đoàn viên, thanh niên; qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ với các thế hệ cha anh. Đồng thời, đó cũng là điều kiện tốt để đoàn viên, thanh niên trong Bộ Y tế nói chung, các Bệnh viện nói riêng có cơ hội chia sẻ vật chất và tinh thần với những người có hoàn cảnh khó khăn, từ đó giáo dục đoàn viên, thanh niên tiếp tục vun đắp truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam” – đồng chí Nguyễn Anh Quang nhấn mạnh.

Những hình ảnh buổi khám, tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng và phát thuốc miễn phí cho bà con xã Tăng Thành và buổi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên của đoàn viên thanh niên Bộ Y tế vừa qua xin được gửi đến bạn đọc

11. Nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Để Phòng quản lý bệnh hen và và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoạt động hiệu quả, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với các Hội chuyên ngành xây dựng Tiêu chí Phòng quản lý hen và COPD.

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức cuộc họp góp ý Dự thảo Tiêu chí Phòng quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cho Chương trình “Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam 2017-2020”.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Hoàng Văn Thành cho biết, thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác về Chương trình “Vì lá phổi khoẻ tại Việt Nam 2017-2020” được ký kết giữa Cục quản lý Khám, chữa bệnh và Astra Zeneca Singapore, giai đoạn 2018-2020, dự kiến150 phòng quản lý ngoại trú hen và COPD với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước sẽ được thành lập và củng cố góp phần chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và COPD.

Để Phòng quản lý bệnh hen và COPD hoạt động hiệu quả, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các Hội chuyên ngành xây dựng Tiêu chí Phòng quản lý Hen và COPD.

Theo dự thảo, Phòng quản lý hen và COPD chỉ được thành lập khi có sự ủng hộ của ban giám đốc; Phòng quản lý phải đảm bảo có thuốc điều trị hen và COPD trong danh mục thuốc BHYT của cơ sở theo khuyến cáo quốc gia điều trị hen và COPD và thuốc được cấp phát ngoại trú. Bệnh viện cam kết cử cán bộ chuyên trách cho đơn vị quản lý và hỗ trợ cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo về quản lý ngoại trú hen và COPD. Dự thảo cũng đưa ra những tiêu chí về cơ sở vật chất, nhân lực và các hoạt động chuyên môn liên quan đến hoạt động của Phòng quản lý Hen và COPD.

Hiện nay, Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là những bệnh mạn tính không lây phổ biến trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, trên toàn cầu có khoảng 3 triệu người chết do COPD vào năm 2015 (chiếm 5% số ca tử vong trên toàn cầu trong năm đó), 383.000 trường hợp tử vong do hen năm 2015.

Nguyên nhân chính của COPD là do phơi nhiễm với khói thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, bụi và khói nơi làm việc. Một số trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn do mắc hen trong thời gian dài. COPD có thể sẽ tăng lên trong những năm tới do tăng tỷ lệ hút thuốc và dân số già hóa ở nhiều quốc gia. Các yếu tố nguy cơ mạnh nhất để phát triển hen là các chất, các hạt được hít vào có thể gây phản ứng dị ứng hoặc gây kích ứng đường hô hấp.

COPD có thể ngăn ngừa được bằng cách không hút hoặc cai thuốc lá. COPD không thể chữa được, nhưng điều trị có thể làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong. Thuốc có thể kiểm soát hen và tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen cũng có thể làm giảm mức độ hen. Quản lý bệnh hen phù hợp có thể giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từ năm 2015, phòng và kiểm soát hen và COPD đã được đưa vào trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm 2015-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này thể hiện sự cam kết, ưu tiên của Chính phủ, ngành y tế trong phòng, chống hen và COPD. Mục tiêu của Chiến lược là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm, được điều trị, tăng tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát hen và COPD theo hướng dẫn, tăng cường năng lực của hệ thống y tế để thực hiện nhiệm vụ phòng, kiểm soát hen và COPD./.

12. Việt Nam sản xuất vắc-xin ngừa cúm mùa "3 trong 1" rẻ hơn 1/3 giá nhập

Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) vừa có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo về việc đã chế tạo và sản xuất thành công vắc xin cúm mùa “3 trong 1” ở quy mô công nghiệp sau thời gian nghiên cứu từ đầu năm 2015 đến nay.

Theo đó, vắc xin cúm mùa do IVAC sản xuất có tên gọi là IVACFLU-S. Đây là loại vắc xin “3 trong 1”, phòng 3 chủng virus cúm thông thường gồm: chủng A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B. Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang bắt đầu nghiên cứu, sản xuất loại vắc xin này từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2018.

Vắc xin này đã được kiểm định chất lượng và nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thí nghiệm. Kết quả cho thấy vắc xin cúm IVACFLU-S do IVAC Nha Trang sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng; đạt yêu cầu về an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp và tạo được đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm phù hợp với khuyến cáo của WHO và quy định của Việt Nam.

Với thành công này, IVAC Nha Trang đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước công nhận dây chuyền sản xuất vắc xin cúm ở quy mô 1,5 triệu liều/năm tại IVAC đủ điều kiện sản xuất vắc xin cúm dự tuyển sử dụng cho người. Dây chuyền sản xuất vắc xin cúm mùa có thể sản xuất và cung ứng trên quy mô lớn, sẵn sàng ứng phó khi có các biến thể virus cúm mới gây dịch hoặc dịch xuất hiện.

Nếu được cấp phép lưu hành, vắc xin cúm mùa do Việt Nam sản xuất sẽ được bán với giá từ 80.000-120.000 đồng/liều, trong khi hiện nay vắc xin cúm mùa ngoại nhập có giá từ 240.000-300.000 đồng/liều.

WHO ước tính mỗi năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và 20-30% trẻ em mắc cúm trên thế giới.Trong đó có khoảng 3-5 triệu trường hợp nặng và khoảng 250.000-500.000 người tử vong.

Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu ca mắc cúm thường. Nhiều người chủ quan cho rằng cúm mùa không nguy hiểm. Bệnh do virus cúm mùa gây ra cũng có tỷ lệ tử vong cao.

Trước khi sản xuất thành công vắc xin cúm mùa "3 trong 1", Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều loại vắc xin như: vắc xin lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella, vắc xin ngừa cúm A/H5N1.

Mới đây nhất, đầu tháng 4/2018 Việt Nam chính thức đưa vắc xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất vào chương trình tiêm chủng mở rộng, dùng tiêm chủng miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã phường, thay thế loại của Ấn Độ. Đến nay, đã có 19 tỉnh, thành triển khai. 50.000 trẻ đã được tiêm và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào.

13. Bộ Y tế: 4 loại vắc xin phòng dại đủ để đáp ứng nhu cầu người dân

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu vắc xin, khả năng cung ứng vắc xin dại trong tháng 5/2018 và các tháng tiếp theo đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Hiện nay, theo thông báo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có 04 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vắc xin Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất, vắc xin Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất, vắc xin Speeda do Công ty Liaoning Chengda Biotechnology, Trung Quốc, sản xuất, vắc xin Indirab do Công ty Bharat Biotech International, Ấn Độ sản xuất.

Trong đó 3 loại vắc xin đã được nhập khẩu là vắc xin Verorab, Abhayrab và Speeda, dự kiến cuối tháng 5/2018 vắc xin Indirab sẽ được nhập khẩu về Việt Nam.

Theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu vắc xin, khả năng cung ứng vắc xin dại trong tháng 5 năm 2018  và các tháng tiếp theo đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Để chủ động trong công tác phòng bệnh dại trong mùa hè, thời gian bệnh có xu hướng tăng cao, đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm phòng dại cần khẩn trương xây dựng kế hoạch dự trù, dự trữ vắc xin, chủ động thay thế nguồn cung vắc xin khi nguồn cung vắc xin hiện tại thiếu hụt, liên hệ với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để được cung cấp vắc xin kịp thời.

 Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.Tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.

Mùa hè là mùa cao điểm bệnh dại, để chủ động phòng chống bệnh Dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút,nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch -đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnhDại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời.Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.

Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại

14. Khoảng 40 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giảm giá

Thông tin từ Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính vừa tiến hành khảo sát lại giá dịch vụ y tế đang áp dụng, đồng thời xây dựng thông tư điều chỉnh nhiều giá dịch vụ y tế. Dự kiến thông tư sẽ được ban hành trong tháng 5, thực hiện vào tháng 7 tới, áp dụng cho tất cả các đối tượng có hay không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, khung giá mới giảm giá khoảng 40 dịch vụ khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán trong các cơ sở y tế như: Giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị, các dịch vụ cận lâm sàng: Xquang, chụp cộng hưởng từ, nội soi tai mũi họng, siêu âm, chụp cắt lớp... Trong đó, giá khám, chữa bệnh sẽ giảm từ 10 - 20% tùy hạng bệnh viện (BV).

Lý do vì giá dịch vụ y tế phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất...; hiện một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Vì thế, mức giá được xây dựng từ năm 2012, 2015 hiện không còn phù hợp.

Giá khám tại BV hạng đặc biệt, hạng 1 đề xuất giảm từ 39.000 đồng xuống 35.000 đồng; Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 đồng còn 20.000 đồng. Giá tại bệnh viện hạng 2 giảm từ 35.000 đồng xuống 29.000 đồng.

Về giá giường bệnh, dự kiến tăng với các BV hạng đặc biệt, hạng 1 và giảm nhẹ ở BV hạng 3, 4. Ví dụ, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại BV hạng đặc biệt tăng từ 677.100 đồng lên 751.000 đồng; tại BV hạng 1 cũng lên 710.000 đồng (tăng gần 80.000 đồng). Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại BV hạng 4 sẽ giảm từ 226.000 đồng xuống 215.000 đồng.

Bộ Y tế sẽ cân nhắc dịch vụ nào có nguy cơ bị lạm dụng thì sẽ siết lại giá như chiếu chụp, Xquang, nội soi... Nguyên tắc là dịch vụ nào khuyến khích các cơ sở y tế dùng thì sẽ điều chỉnh tăng giá để BV cung cấp cho người dân, ngược lại sẽ giảm giá dịch vụ không khuyến khích cung cấp nhiều.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là do thời gian qua, việc thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh, số lượng người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế tuyến huyện tăng cao. Số lượng bệnh nhân trên tổng số bàn khám ở một số nơi tăng từ 20-40%. Do đó, cùng với việc điều chỉnh giảm giá một số dịch vụ y tế, Bộ Y tế dự kiến sẽ điều chỉnh tổng số bệnh nhân được bác sĩ khám trong 1 ngày làm việc 8 giờ từ 35 người lên 45 - 50 người/bàn khám. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương vào thời điểm hiện nay.

Theo lộ trình đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện lại danh mục giá dịch vụ y tế, giảm từ 18.000 dịch vụ y tế hiện nay xuống còn 2.000 - 3.000 dịch vụ. Các dịch vụ y tế sẽ được gom theo từng nhóm với quy định về giá trần, ví dụ như các dịch vụ X-quang tay, chân, khuỷu chân… như hiện nay chỉ ban hành theo giá một dịch vụ X-quang.

Trước đó, đầu tháng 4/2018, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Y tế về sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh công tác khám, chữa bệnh nói chung, khám, chữa bệnh BHYT nói riêng, cung ứng và quản lý giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là rất quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều bên liên quan, từ người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh, quỹ BHYT và cả quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới. Do vậy, việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan cần phải công khai, minh bạch, phân công trách nhiệm cụ thể các bộ, ngành.

15. Bộ Y tế: Đề xuất tăng cường hậu kiểm lĩnh vực trang thiết bị y tế

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT), theo đánh giá, Nghị định 36 được ban hành kịp thời đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn quản lý, tạo cơ sở pháp lý phòng chống các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực TTBYT và hội nhập khu vực, thế giới...

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin quản lý giữa các bộ, ngành liên quan nhằm tạo môi trường bình đẳng và thuận lợi cho các DN kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực TTBYT.

Tính đến đầu tháng 5/2018, theo báo cáo của các Sở Y tế và theo dõi trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến quản lý TTBYT cho thấy, đã tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả 10.462 hồ sơ của DN thực hiện các thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 36 về quản lý TTBYT.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, trong quá trình triển khai Nghị định 36 vẫn gặp một số khó khăn. Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý TTBYT lớn, nhiều nội dung khó, mang tính đặc thù, phức tạp, thường xuyên được thay đổi; các cán bộ được phân công thực hiện tại sở y tế hầu hết là kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực. Hệ thống phần mềm chưa đầy đủ, hoàn thiện các tính năng để phục vụ cho công tác quản lý như tìm kiếm, truy xuất số liệu báo cáo theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, sự phối hợp của Bộ Y tế với sở y tế trong thanh, kiểm tra mới chỉ được thực hiện ở hai TP lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Hiện Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định 36 theo hướng tạo điều kiện tối đa cho DN. Theo đó sẽ bãi bỏ 11 điều kiện sản xuất, kinh doanh và sửa đổi 24 điều kiện sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế; phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Danh mục TTBYT kèm theo mã số HS theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế.

Để kiểm soát, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh thiết bị y tế của DN, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN, Bộ Y tế đề xuất tăng cường hậu kiểm trong lĩnh vực TTBYT. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường hậu kiểm về việc chấp hành các quy định kinh doanh TTBYT, chất lượng, nguồn gốc TTBYT, từ đó đề ra các giải pháp để kiểm soát giá TTBYT, vật tư y tế khi tham gia đấu thầu vào bệnh viện công, tránh tình trạng đẩy giá cao bất hợp lý.

16. Đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động hiến máu tình nguyện

Đó là ý kiến đề xuất của TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-truyền máu Trung ương nhằm thúc đẩy công tác vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) phát triển đảm bảo chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động HMTN do BCĐ(BCĐ) quốc gia HMTN tổ chức vừa qua, TS Bạch Quốc Khánh cho biết: Trong hơn 20 năm qua và đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, hoạt động HMTN của Việt Nam có những bước phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ dân số hiến máu tăng dần hàng năm góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của ngành truyền máu Việt Nam cũng như nền y học hiện đại.

Trong giai đoạn 2008-2017, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tiếp nhận được hơn 1,8 triệu đơn vị máu, chiếm gần 25% tổng lượng máu của cả nước. Để đạt được kết quả trên, Viện đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của BCĐQuốc gia vận động HMTN, sự phối hợp rất tích cực của BCĐ HMTN các cấp.“Điều đó càng khẳng định rất rõ vai trò quan trọng, sự đúng đắn trong việc thành lập BCĐ quốc gia vận động HMTN trong 10 năm qua”.

TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng BCĐ quốc gia vận động HMTN đánh giá, chỉ tính trong 10 năm (2008-2017), tổng lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc đạt hơn 10 triệu đơn vị. Năm 2017 tổng số lượng máu cả nước tiếp nhận tăng hơn 3 lần so với năm 2008 (từ 500.000 đơn vị lên gần 1,5 triệu đơn vị máu); tỷ lệ HMTN tăng từ 71,6% lên 98%; tỷ lệ dân số hiến máu từ 0,61% lên gần 1,6%.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc vận động và tiếp nhận máu trên 250ml, có nhiều đợt HMTN điển hình như: Lễ Hội xuân hồng, Hành trình đỏ, Chủ nhật đỏ, qua đó đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia HMTN. Kết quả của phong trào HMTN đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh, hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác HMTN còn gặp các khó khăn, thách thức, đó là: Nhu cầu điều trị máu và các chế phẩm của người bệnh tiếp tục tăng; công tác tuyên truyền, vận động hiến máu chưa liên tục, rộng khắp tới mọi người có tiềm năng hiến máu, lực lượng hiến máu chủ yếu vẫn là thanh niên, sinh viên; kế hoạch hiến máu thường tập trung vào một số thời điểm, chưa dàn đều các tháng trong năm, nhân lực chuyên trách về công tác vận động HMTN còn thiếu và kinh nghiệm vẫn còn hạn chế; chính sách khuyến khích, động viên người hiến máu cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện. Ở một số thời điểm, nhất là vào dịp Tết, dịp hè, tại nhiều địa phương, khu vực còn tình trạng thiếu máu…

Đóng góp một số ý kiến, đề xuất để phong trào HMTN đạt hiệu quả cao hơn, TS Bạch Quốc Khánh cho rằng cần có sự đổi mới từ BCĐ vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các ngành đến các cơ sở tiếp nhận máu và BV sử dụng máu. Các thành viên của BCĐ như Hội Chữ thập đỏ, MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và các cơ quan truyền thông tổ chức, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động truyền thông, tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, chú trọng đến công tác truyền thông tới lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trường học...

“Để thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động hiến máu tình nguyện trên cả nước, BCĐ quốc gia vận động HMTN, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ cần tiếp tục tham mưu để Quốc hội ban hành Luật về máu và các văn bản pháp quy nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện”, TS Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.

Đồng thời, các cơ sở tiếp nhận máu và BV sử dụng máu cần xây dựng kế hoạch, tiếp nhận máu, sàng lọc, điều tiết nguồn máu và sử dụng máu, hỗ trợ nguồn nhân lực đảm bảo công tác chuyên môn-đặc biệt vào thời điểm khan hiếm nguồn người hiến máu. Cần xây dựng cơ chế cho phép điều tiết máu giữa các địa phương, cũng như huy động lực lượng, tổ chức tiếp nhận máu với số lượng lớn khi có xảy ra thảm họa.

Tập trung hóa hệ thống cung cấp máu, xây dựng Trung tâm máu mỗi khu vực trở thành ngân hàng đủ năng lực cung cấp máu cho các BV, các tỉnh mà trung tâm bao phủ. Các cơ sở truyền máu nhỏ, lẻ cần trở thành cánh tay nối dài cho các trung tâm trong việc tiếp nhận hiến máu, phát máu an toàn và truyền máu lâm sàng hợp lý, hiệu quả.

17. Quản lý hàng loạt bệnh nhân qua smartphone

Thay vì phải ghi chép thủ công qua hàng loạt cuốn sổ ghi chép, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, mọi dữ liệu có thể được quản lý qua smartphone.

Từ chủ trương đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành y tế, từ 2013, Sở Y tế Đắk Lắk bắt đầu nghiên cứu, xây dựng đề tài ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế  xã trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Doãn Hữu Long là chủ nhiệm đề tài.

Đề tài được Hội đồng khoa học tỉnh Đắk Lắk phê duyệt vào tháng 10/2014 với tên sản phẩm MMS.NET.

Sau khi được nghiệm thu, từ tháng 6/2015 đến nay, ứng dụng này bắt đầu được sử dụng rộng rãi, hiện đã được vận hành tại 54 trạm y tế tại TP. Buôn Ma Thuộc, huyện Cưkuin, KrôngANa, Krông Bông và tại các BV tuyến 3 như BV đa khoa huyện Krông Bông, Trung tâm da liễu tỉnh Đắk Lắk, Bệnh xá sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (Củ Chi, TP.HCM).   

Phần mềm cho phép quản lý danh mục dữ liệu; quản lý kho dược phẩm; quản lý gói khám, quản lý điều trị nội trú và cấp cứu; quản lý phẫu thuật thủ thuật; quản lý xét nghiệm (Kết nối máy, lấy mẫu, trả kết quả, thống kê); quản lý hồ sơ bệnh án, bệnh án điện tử; phân hệ kế toán viện phí...

Đặc biệt, phần mềm cho phép kết nối với điện thoại smartphone và máy tính bảng.

Dự kiến, trong năm nay, ứng dụng sẽ tiếp tục được nâng cấp, tích hợp thêm chức năng gọi y tá, cảnh báo sức khỏe từ xa bằng cách tích hợp công nghệ IP Touch. Đồng thời xây dựng các webservice cho ứng dụng có khả năng kết nối với các thiết bị cảnh báo như máy đo huyết áp, đồng hồ thông minh để cảnh báo và gọi trực tiếp đến cán bộ y tế để có sự can thiệp, tư vấn, điều trị kịp thời.

Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, trước khi có phần mềm, tất cả các hồ sơ bệnh án, chỉ định, đơn thuốc, sổ thuốc, sổ khám bệnh, tiêm chủng, phòng dịch vv…phải làm thủ công.

Có ít nhất 12 cuốn sổ ghi chép về nghiệp vụ hàng ngày phải ngồi tra cứu và chép lại toàn bộ từ số liệu có được trong cả tháng. Sau đó phải cộng  lại và phân loại thủ công ra 10 báo cáo y tế để nộp về Trung tâm Y tế huyện.

Tại trung tâm cũng sẽ nhập tiếp tục nhập vào excel số liệu toàn huyện từ 10 báo cáo đó rồi cộng lại thành báo cáo của huyện để nộp lên Sở Y tế.

Riêng khâu khám chữa bệnh và dược phẩm, cuối tháng kết sổ, nhân viên có thể phải làm cả tuần chưa xong bảng kê.Làm xong có sai sót lại điều chỉnh cho khớp với số liệu thanh quyết toán BHYT, khớp với số liệu tồn kho.Trong đó việc thất thoát một vài chứng từ trên giấy nhiều thời điểm không tìm ra được phải bồi thường thiệt hại.

Chưa nói đến độ chính xác của dữ liệu việc sửa đi sửa lại gây mất thời gian, tốn kém mà số liệu có qua nhiều bản sao nhiều lúc không kiểm soát được.

Từ khi triển khai giải pháp phần mềm, nguồn số liệu được kiểm soát chặc chẽ, cán bộ chỉ cần lập hồ sơ theo quy trình khám, chữa bệnh, việc tổng hợp báo cáo và kiểm tra số liệu chỉ thực hiện 5 phút là hoàn tất.

Bệnh nhân vào khám bệnh chỉ cần đọc tên là tra cứu ra ngay.Toàn bộ hồ sơ bệnh sử được lưu trữ trên máy và có thể truy xuất bất kỳ lúc nào.

Đặt biệt là việc liên thông giám định thanh toán BHYT và liên thông dữ liệu KCB được chủ động cập nhật nhanh chóng, đúng tiến độ làm tăng độ hài lòng cao, số lượng bệnh nhân đến y tế ngày một tăng lên.

Phầm mềm MMS.NET đã góp phần không nhỏ đưa Công nghệ Y tế Đắk Lắk xếp vào Top 5 toàn quốc về việc trích xuất dữ liệu liên thông thanh toán BHYT tại công văn 9324/BYT-BH  ngày 30/11/2015 và Quyết định 324/QĐ-BHXH  ngày 2/03/2016.

Mới nhất đây nhất, phần mềm này Hội đồng khoa học tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) thẩm định và trao giải ba về lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

Lễ trao giải đã được tổ chức tối 14/5 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Trước đó, phần mềm này đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT trao Danh hiệu Sao Khuê 2018.

18. Nhà thuốc không ứng dụng CNTT để truy suất nguồn gốc thuốc sẽ bị xử phạt nặng

Việc triển khai thí điểm ứng CNTT đối với nhà thuốc nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7300 đại lý.  Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ đã được Bộ Y tế quy định nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn trong hoạt động phân phối thuốc…

Trong thông tin gửi các cơ quan báo chí ngày 14/5, Cục Quản lý Dược cho biết, Bộ Y tế bắt đầu triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn thông qua việc nối mạng giữa các nhà thuốc. Mục tiêu của Đề án hướng tới là tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải kết nối internet và quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính, có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc.

Các cơ sở bán lẻ cũng bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT với lộ trình, đến ngày 1/01/2019, cơ sở bán lẻ cũng phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển Giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Đối với quầy thuốc, đến ngày 1/01/2020 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển Giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Riêng đối với Tủ thuốc trạm y tế xã, đến ngày 1/01/2021 phải có thiết bị và thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.

“Việc triển khai thí điểm ứng CNTT đối với nhà thuốc nhằm  đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn”- ông Vũ Tuấn Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược nói.

Vi phạm sẽ phạt tiền/ tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề dược

Theo Cục Quản lý Dược, các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc để triển khai các quy định tại về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Do đó, ông Vũ Tuấn Cường cho hay, các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm 1 lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường…  Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.

Hiện nay, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi. Theo đó, Bộ Y tế sẽ rà soát bổ sung những hành vi vi phạm về việc không chấp hành triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý dược cũng cho biết, việc ứng dụng CNTT, kết nối mạng đối với các nhà thuốc bước đầu có thể gặp một số khó khăn.Các cơ sở phải kết nối mạng, nhân sự phải được đào tạo, tập huấn, vì vậy, sẽ phát sinh chi phí nên sẽ có cơ sở bán thuốc thiếu thiện chí.

 “Để triển khai thành công ứng dụng CNTT với các nhà thuốc, các cấp, các ngành liên quan cùng chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc không bị xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, để họ yên tâm và phối hợp thực hiện. Như vậy, mục tiêu kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc chắc chắn sẽ hoàn thành trong năm 2018”, lãnh đạo Cục Quản lý dược khẳng định.

19. Thu hồi toàn quốc 6 loại mỹ phẩm của Công ty KNV Connection

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các sản phẩm mỹ phẩm của Công ty KNV Connection bị đình chỉ lưu hành và thu hồi do không đáp ứng quy định về ghi nhãn mỹ phẩm.

Cục Quản lý Dược vừa ra quyết định số 259 về việc thu hồi 6 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cấp cho Công ty TNHH một thành viên KNV Connection (địa chỉ 43/4 Nguyễn Thái Sơn, phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM) nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo quyết định do ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược ký, lý do đình chỉ lưu hành và thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm của công ty KNV Connection là do không đáp ứng quy định về ghi nhãn mỹ phẩm; doanh nghiệp không thực hiện báo cáo và không có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu.

 Cục Quản lý dược ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi 6 loại mỹ phẩm của công ty KNV Connection

Các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm bị thu hồi bao gồm: Kem trang điểm DR.G Brightening Balm SPF30 PA+++ có số phiếu là 95755/14/CBMP-QLD, cấp ngày 31/7/2014; Kem dưỡng da O!MP B-glucan soothing cream số phiếu 22977/16/CBMP-QLD, cấp ngày 23/11/2016.

Tiếp đó là 4 sản phẩm đều được cấp ngày 13/01/2017 gồm: Son Bobmiki Get Chu Tint Marigold Carat số phiếu 26403/17/CBMP-QLD; Phấn má hồng Bobmiki Aura Pangpang Blusher Pure Coral số phiếu 26448/17/CBMP-QLD; Kem chống nắng Bobmiki Oasis Sun Gel số phiếu 26438/17/CBMP-QLD; Phấn nước trang điểm Bobmiki Real Cushion True Beige số phiếu 26440/17/CBMP-QLD.

Trước vi phạm của Công ty TNHH một thành viên KVN Connection, Cục Quản lý Dược cũng ra quyết định tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm cho công ty trong thời gian 6 tháng kể từ ngày ký quyết định trên. Đồng thời, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KVN Connection, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định.

20. Bệnh viện quận đầu tiên tại Việt Nam mở phòng khám chuyên gia

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một bệnh viện quận ở TP.HCM mở phòng khám chuyên gia với những dịch vụ chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại cùng với hơn 100 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực y tế thuộc nhiều chuyên khoa.

Ngày 15.5, Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) đã chính thức ra mắt phòng khám chuyên gia. Đây là phòng khám mà bệnh viện này phối hợp với Công ty cổ phần Fami Medic.

Phòng khám được thiết kế theo đúng kiểu VIP dành cho các chuyên gia. Ngoài dịch vụ chuyên nghiệp, hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại giúp chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất, phòng khám còn được quản lý bằng phần mềm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở, giúp giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi, tạo tiện ích cho khách hàng.

Điều đặc biệt ở phòng khám chuyên gia này là có thể kết nối bác sĩ, bệnh nhân và các cơ sở y tế chuyên khoa nhi khi có nhu cầu liên hệ; miễn chi phí khám, sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân khi gặp chấn thương hoặc tai nạn trên địa bàn; miễn phí tư vấn sức khỏe và tư vấn trực tuyến...

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) hiện phòng khám tập hợp hơn 100 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế đến từ các bệnh viện hàng đầu ở TP.HCM, Trung tâm bác sĩ gia đình Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cùng với ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm chuyên môn trực tiếp tham gia công tác khám và điều trị.

“Mô hình phòng khám chuyên gia này hoạt động với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, cung cấp thông tin sức khỏe mọi lúc mọi nơi. Với sự ra đời của phòng khám này, bệnh viện mong muốn sẽ đáp ứng nhu cầu tư vấn bệnh lý toàn diện, tạo niềm tin y khoa vững chắc cho mọi người”, bác sĩ Khanh chia sẻ và cho biết dù là phòng khám chuyên gia nhưng ở đây vẫn thực hiện các chế độ bảo hiểm y tế đối với những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.

Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cũng cho hay trong thời gian tới, phòng khám này sẽ thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài. Hiện bệnh viện đã có được những bác sĩ có chứng chỉ đủ điều kiện khám, điều trị cho bệnh nhân nước ngoài do Bộ Y tế cấp. Bệnh viện cũng đang phấn đấu trong năm 2018 này được công nhận là bệnh viện hạng 1.

"Hiện các tiêu chuẩn của bệnh viện hạng 1 theo quy định, bệnh viện đều đáp ứng, giờ chỉ chờ Sở Y tế TP.HCM thẩm định để công nhận", bác sĩ Khanh nói.

Như vậy, nếu được công nhận trong năm 2018 này thì Bệnh viện quận 2 sẽ là bệnh viện tuyến quận-huyện thứ 2 của cả nước đạt bệnh viện hạng 1.

21. Tước giấp phép, chứng chỉ hành nghề với cơ sở bán thuốc không có kết nội mạng

Các cơ sở bán thuốc không chấp hành triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng có thể sẽ bị tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề dược.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ thuốc được thực hiện theo lộ trình từng năm một. Đối với nhà thuốc từ 1/1/2019, đối với quầy thuốc từ 1/1/2020, đối với tủ thuốc trạm y tế xã từ 1/1/2021.

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay, trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám, chữa bệnh và 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý.

Nếu không kiểm soát bằng công nghệ kết nối mạng thì rất khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về dược. Vì vậy, theo lộ trình, đối với nhà thuốc, đến 1/1/2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.

Các nhà thuốc phải có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.

“Việc triển khai thí điểm ứng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn”, ông Vũ Tuấn Cường cho hay.

 Theo Cục Quản lý Dược, việc quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện sẽ giúp thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Việc ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng sẽ bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 22/1/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2018/TT- BYT quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Thông tư 03/2018/TT-BYT (ngày 9/2/2018) quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc (các Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/3/2018), trong đó đưa ra quy định về việc tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải có máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính.

Các cơ sở phân phối thuốc phải có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Đây cũng sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc.

Theo Cục Quản lý Dược, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra thẩm định định kỳ việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm một lần với các nhà thuốc. Ngoài ra, các nhà thuốc còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường…

Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định này sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài việc bị xử phạt hành chính theo quy định thì các cơ sở bán thuốc có thể bị tước giấy phép điều kiện kinh doanh và tước chứng chỉ hành nghề.

Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc tại bốn tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Nam Định, tỉnh Vĩnh Phúc.

 22. Bệnh viện ngoài công lập đầu tiên tại ĐBSCL đạt chứng chỉ ISO 15189

Ngày 15-5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long chính thức đón nhận chứng chỉ ISO 15189:2012 dành cho Khoa Xét nghiệm.

Đây là công nhận của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế - International Organization for Standardization (ISO) về năng lực quản lý và chất lượng kỹ thuật đối với Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Với sự kiện này, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long chính thức là bệnh viện ngoài công lập đầu tiên tại ĐBSCL và là đơn vị thứ 2 của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đạt chứng chỉ ISO 15189:2012 dành cho Khoa Xét nghiệm

Quản lý thị trường mỹ phẩm vẫn như "bắt cóc bỏ đĩa"

Tại buổi lễ chính thức đón nhận sự kiện này, BSCKII Nguyễn Thành Lập, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết hướng đến việc triển khai tăng cường chất lượng bệnh viện Việt Nam theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế quy định, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long là một trong số những bệnh viện luôn luôn đạt mức chất lượng cao nhất qua kết quả đánh giá chất lượng hàng năm. Năm 2017, đây là một trong những bệnh viện đạt mức chất lượng cuối năm rất tốt.Chỉ có duy nhất tiêu chí về xét nghiệm thì chưa có bệnh viện nào đạt được ở mức 5. Và hôm nay, với sự kiện này, Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc khám điều trị bệnh.

Tiêu chuẩn ISO 15189:2012 xây dựng dựa trên 2 tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 và ISO 9001, được biên soạn bởi các chuyên gia thuộc Tổ chức ISO có trụ sở tại Geneve Thụy Sĩ. Hiện đang lưu hành phiên bản 2012. Tiêu chuẩn ISO 15189:2012 quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các dịch vụ của phòng xét nghiệm, bao gồm: Chỉ định xét nghiệm; chuẩn bị bệnh nhân; nhận biết bệnh nhân, lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, xử lý và xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm; diễn giải, báo cáo kết quả xét nghiệm; tư vấn tiếp theo; an toàn phòng xét nghiệm.

Để đạt được chứng nhận, phòng thí nghiệm y tế đạt chuẩn mực ISO 15189:2012, Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã trải qua quá trình gần 3 năm cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng được các yêu cầu về năng lực kỹ thuật và yêu cầu về hệ thống quản lý.

Theo Ths.BS Lâm Xuân Uyên, Trưởng Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 sẽ giúp đảm bảo cung cấp kết quả xét nghiệm một cách chính xác và tin cậy, là cơ sở để thúc đẩy việc thừa nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám và điều trị bệnh nhân, chuẩn hóa các hoạt động xét nghiệm, mang đến cho khách hàng dịch vụ xét nghiệm có chất lượng.

Để đạt được chứng nhận, phòng thí nghiệm y tế đạt chuẩn mực ISO 15189:2012, Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã trải qua quá trình gần 3 năm cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng được các yêu cầu về năng lực kỹ thuật và yêu cầu về hệ thống quản lý.

Theo Ths.BS Lâm Xuân Uyên, Trưởng Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 sẽ giúp đảm bảo cung cấp kết quả xét nghiệm một cách chính xác và tin cậy, là cơ sở để thúc đẩy việc thừa nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám và điều trị bệnh nhân, chuẩn hóa các hoạt động xét nghiệm, mang đến cho khách hàng dịch vụ xét nghiệm có chất.

23. Cử tri và nhân dân lo lắng về tình trạng sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc giả

Về vấn đề xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, nhái... chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân là do hành lang pháp lý, chế tài xử lý còn thiếu.

Là một mặt hàng siêu lợi nhuận bỏ 1 đồng vốn mà thu về 5 đến 10 lần nên dù có bị lực lượng chức năng bắt giữ liên tục, với số lượng lớn thì những người sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng vẫn ngang nhiên tiếp tục bán tràn lan trên thị trường.

Nguyên nhân là bởi chưa có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các đối tượng trong việc sản xuất kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Vẫn bán tràn lan

Dạo qua, các chợ tại Hà Nội như: Chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang, chợ Nhà Xanh... không khó để tìm mua được các sản phẩm mỹ phẩm hàng hiệu Shiseido, Lancome, Ohui, Dior, Laneige, Chanel, Gucci... với giá rẻ đến bất ngờ chỉ khoảng từ 200.000 - 500.000 đồng là có thể sở hữu 1 bộ trang điểm có đầy đủ son, phấn, chì kẻ mắt, kem nền...

Trên thực tế, để có thể mua được 1 sản phẩm chính hãng giá phải đắt gấp nhiều lần từ 5-10 lần.

Trong vai người muốn mua một lượng lớn mỹ phẩm để về bán, chị Đặng Kim Dung chủ cửa hàng mỹ phẩm ở chợ Nhà Xanh đon đả giới thiệu đủ các loại son, phấn nền của các hãng Dior, Shiseido, Ohui với giá rẻ bất ngờ chỉ có 50.000 - 70.000 đồng/cây son, nếu mua nhiều sẽ bớt nữa.

Ngoài việc bán các mặt hàng mỹ phẩm nhái với giá rất rẻ, không đảm bảo chất lượng tại các chợ, những mặt hàng này còn được tiêu thụ trên toàn quốc dưới hình thức mua bán online qua mạng xã hội facebook, các trang fanpage trên facebook, sau đó được chuyển tới khách mua hàng thông qua các công ty chuyển phát nhanh.

Mới đây, Đoàn liên ngành số 2, BCĐ 389 Hà Nội do đội Quản lý thị trường số 13 chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả tại số nhà 45 ngõ 9 Hoàng Cầu (Đống Đa) và đã phát hiện cơ sở sản xuất, đóng gói hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các loại thuốc trị nám, sữa rửa mặt, thuốc đặc trị xương khớp...

Đặc biệt, chủ cơ sở sản xuất mỹ phẩm này đã sử dụng nhà vệ sinh để sang chiết, sản xuất các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng núp bóng đông y gia truyền.

Đội Quản lý thị trường số 1 qua kiểm tra kho tập kết hàng hóa mỹ phẩm tại số 7 ngõ 95 phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) cũng đã phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng giả gồm: 19.144 tuýp kem đánh răng nhãn Sensodyne và Colgate 100ml...

Trị giá lô hàng ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội qua kiểm tra Kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam đã phát hiện 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 11 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, để “qua mắt” lực lượng chức năng dân buôn lậu, sản xuất mỹ phẩm giả đã có nhiều thủ đoạn mới.Đó là, đăng ký xin phép lưu hành đối với 1 lô sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu đầu tiên.

Sau đó, đặt hàng tại nước ngoài sản xuất với chất lượng thấp, giá thành rẻ hơn và sử dụng giấy phép lưu hành đã được cấp từ trước để tiêu thụ.

Đối với mỹ phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thường vi phạm chất lượng không đúng đăng ký với cơ quan chức năng, không đúng địa điểm sản xuất.

Hành lang pháp lý còn yếu và thiếu

Lý giải về vấn đề xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng của lực lượng chức năng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân là do hành lang pháp lý, chế tài xử lý còn thiếu, chưa có bộ quy chuẩn thế nào là hàng giả.

Quy định cũng chưa rõ ràng nên việc xác định hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để xử lý không đơn giản.

Đặc biệt, việc khởi tố đã khó, xử lý hình sự còn khó hơn, trong khi làm hàng giả, hàng kém chất lượng dễ, lợi nhuận cao.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đưa ra quy định về khung hình phạt với hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa mức phạt cao nhất chỉ từ 7 – 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Chế tài xử phạt quá thấp không đủ sức răn đe vi phạm.

Hiện nay, nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, pháp luật chỉ yêu cầu doanh nghiệp công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời chỉ cần cam kết không có những chất cấm, chất không được phép sử dụng là có thể sản xuất, đưa sản phẩm đó ra thị trường. Cơ chế thông thoáng nhưng lại thiếu hậu kiểm đang là tác nhân khiến mỹ phẩm giả, kém chất lượng vẫn có đất sống.

Lãnh đạo Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, chính vì cơ chế thông thoáng như vậy nên bao giờ cũng có những mặt trái, bất cập.

Cụ thể, Cục quản lý Dược đã tiến hành nhiều đoàn kiểm tra trên thị trường, cơ bản các doanh nghiệp đã nắm bắt được các quy định của nhà nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều sai phạm trong công tác quản lý như: công thức trong mỹ phẩm không đúng với đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất... tất cả đều bị xử phạt nghiêm.

Để việc đấu tranh chống nạn sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả đạt hiệu quả cao hơn rất cần sự vào cuộc phối hợp giữa lực lượng chống buôn lậu, hàng giả với chính quyền địa phương.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể tra được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Về phía người tiêu dùng, khi mua bất cứ sản phẩm nào đều nên lựa chọn kỹ từ tem mác, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ, không nên ham rẻ mà làm hại sức khỏe chính bản thân.

24. Bắc Giang: Bệnh nhi tử vong bất thường tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang

Sở Y tế Bắc Giang vừa có công văn hỏa tốc gửi Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang yêu cầu ông Nguyễn Doanh Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lạng Giang báo cáo chi tiết, trình tự diễn biến bệnh nhân nhi Nguyễn Bảo Q (30 tháng tuổi) tử vong sau khi nhập viện trong tình trạng đi ngoài phân lỏng, nôn, sốt, còn tỉnh táo.

Bệnh nhi tử vong bất thường tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang Sở Y tế Bắc Giang yêu cầu làm rõ vụ bệnh nhi tử vong bất thường tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang. Ảnh: Hoàng Long

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang, vào khoảng 5h30 phút ngày 1/5, kíp trực bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Bảo Q (30 tháng tuổi).

Gia đình cháu bé kể lại, cháu Q bị đi ngoài phân lỏng nhiều lần từ tối hôm trước kèm nôn, sốt, ở nhà đã dùng thuốc không đỡ nên được gia đình đưa đến viện.

Khi mới vào viện, trẻ tỉnh, khát nước, mắt không trũng, da và niêm mạc hồng, mạch 126 lần/phút, sốt 39 độ, không co giật, nhịp thở 26 lần/phút. Bụng chướng nhẹ, không có u cục, gan lách không to, nếp véo vào da mất nhanh…

Sau khi khám, bệnh nhân được bác sỹ Lê Văn Sinh sơ bộ chẩn đoán mắc bệnh tiêu chảy cấp không mất nước, viêm họng cấp và cho vào điều trị nội trú tại khoa Nhi.

Tại Khoa Nhi, cháu bé được xử trí ban đầu bằng tiêp bắp ½ ống Piperacilin 1g, tiêm bắp ½ ống Dimedrol 10mg, tiêm bắp ½ ống Propara 450mg, uống 1 gói Smecta, trẻ được phát 5 gói orezol pha với 1000ml nước uống theo hướng dẫn. Cháu bé được thực hiện chế độ chăm sóc cấp II, theo dõi tại Khoa Nhi.

Đến 6h10, bé Q được thăm khám lại và được chỉ định tiếp tục uống Orezol theo y lệnh.

Sau 2 lần thăm khám tiếp theo, đến 7h10, cháu Q đã tỉnh, còn đau bụng, bụng chướng nhẹ, khát nước, mắt trũng, sốt 38,8 độ, tim nhịp đều, phổi không có ran. Cháu Q được bác sỹ Nguyễn Thị Mười chẩn đoán bổ sung: TD nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn có mất nước, viêm họng, được chỉ định tiếp tục duy trì truyền dịch.

Sau đó, tiến triển của cháu Q rất tốt khi 9h30, cháu đã tỉnh, đi ngoài thêm nhiều lần, tiếp tục được bác sĩ truyền dịch và uống orezol.

Đến 13h10, cháu Q đã tỉnh táo, chơi ngoan, không co giật.

Tiếp đến, nửa giờ đồng hồ sau đó, cháu Q đang chơi ngoan ngoài hành lang bệnh viện bỗng xuất hiện mệt lả, được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, da xanh tái, môi tím, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch quay nhỏ khó bắt, nhịp thở không đều, tiếng tim mờ, nếp véo da mất nhanh.

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang, thời điểm đó, bác sĩ bổ sung chẩn đoán: Sốc chưa rõ nguyên nhân, nghĩ đến do nhiễm trùng nhiễm độc và được cấp cứu ngay.

Tuy nhiên, đến 13h45, bé Q bất tỉnh, không cử động, toàn thân tím tái, quan sát 10 giây không thấy nhịp thở nào, bắt mạch canh không thấy.

Chưa đầy 1 giờ sau đó, bệnh viện thông báo cấp cứu không thành công, cháu Q đã tử vong.

Kíp trực bệnh viện ngày 1/5 gồm: Bác sĩ Vũ Văn Động, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, phụ trách khoa Nhi; bác sĩ Nguyễn Thị Mười, bác sĩ Trần Văn Sinh và các điều dưỡng.

Theo yêu cầu của Sở Y tế Bắc Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang phải tổ chức họp hội đồng chuyên môn của bệnh viện xem xét thực hiện quy trình chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình tiếp đón, theo dõi, điều trị và xử trí cấp cứu cho bệnh nhân Q.

Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang có trách nhiệm báo cáo kết quả họp Hội đồng chuyên môn về Sở Y tế trước ngày 10/5/2018 để báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.

Về phía Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang đã làm tròn nhiệm vụ khi tiếp nhận, tiên lượng, theo dõi, xử trí trong trường hợp bệnh nhi tử vong bất thường tại bệnh viện hay chưa? Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên do đâu?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

25. 6 giờ cân não giành sự sống cho 1 quân nhân

Chỉ chưa đầy một giờ sau khi vào viện, ca mổ cấp cứu cho bệnh nhân Tuấn diễn ra và bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục

Ngày 15-5, BV E (Hà Nội) cho biết các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã giành giật sự sống cho một bệnh nhân là sĩ quan công an nhân dân công tác tại Đắk Lắk mắc bệnh tim nặng.

Bệnh nhân may mắn là ông Đỗ Mạnh Tuấn (55 tuổi, ngụ tại Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà kể lại, trong một chuyến công tác ra Bắc gần đây, bệnh nhân Tuấn có biểu hiển đau ngực không ổn định, khám và điều trị tại BV 198 (Bộ Công an, Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp động mạch vành và xác định: Có tổn thương ba thân động mạch vành.

Sau đó, bệnh nhân được can thiệp đặt stent LAD thì xuất hiện lóc tách động mạch chủ ngực. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E trong tình trạng cấp cứu tối cấp: Đau ngực dữ dội, nhịp tim đập nhanh, huyết áp tụt… Siêu âm tim có hình ảnh lóc tách từ xoang động mạch vành trái vào động mạch chủ.

“Lúc đó là 8 giờ tối 9-5, Hà Nội đang ngập trong cơn mưa giông, ThS-BS Nguyễn Công Hựu - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực - Trung tâm Tim mạch BV E đã “lao” vào cơn giông để đến bệnh viện nhanh nhất. BS Hựu chỉ kịp thay bộ quần áo ướt và lau vội mái tóc đẫm nước mưa” - GS Lê Ngọc Thành kể lại.

Chỉ chưa đầy một giờ sau khi vào viện, ca mổ cấp cứu cho bệnh nhân Tuấn diễn ra.ThS-BS Nguyễn Công Hựu là người trực tiếp mổ cho bệnh nhân.

GS Lê Ngọc Thành khẳng định: Đây là trường hợp đặc biệt khi bệnh nhân rơi vào tình trạng cấp cứu rất nặng, tiên lượng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao và tỉ lệ tử vong tăng dần theo thời gian chờ mổ. Các bác sĩ trong kíp mổ đã phải lên các phương án khác nhau để phòng tình huống bệnh xấu nhất. Sau sáu giờ cố gắng, ca mổ thành công và các bác sĩ đã giành giật được sự sống cho bệnh nhân.

26. BS Lương từ chối trách nhiệm nhận bàn giao máy lọc nước

Bác sỹ Hoàng Công Lương khai không được biết về việc có phải lấy mẫu nước xét nghiệm không và mình không có trách nhiệm nhận bàn giao máy lọc nước.

Chiều 15/5, phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình bước sang phần xét hỏi các bị cáo. Trong phiên tòa, bác sỹ Hoàng Công Lương cho rằng mình không có trách nhiệm nhận bàn giao máy lọc nước.

Ngày 28/5/2017, điều dưỡng Đỗ Thị Điệp (Điều dưỡng viên BVĐK tỉnh Hòa Bình) là người nhận bàn giao máy. "Buổi sáng 29/5/2017 chị Điệp có thông báo với tất cả là phòng vật tư đã bàn giao máy", bác sỹ Lương trình bày tại phiên tòa chiều nay.

Bác sĩ Lương cho rằng, bản thân không được biết về việc có phải lấy mẫu nước xét nghiệm không."Việc bàn giao giữa bệnh viện và công ty sửa chữa không phải nhiệm vụ của bị cáo".

Trình bày về diễn biến hôm xảy ra sự việc (29/5/2017), bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng, ban đầu không có hiện tượng gì. Khoảng 45 phút sau, một số bệnh nhân xuất hiện tình trạng bất thường. Sau khi xử trí, bác sĩ đã báo cáo lãnh đạo khoa rồi sang bệnh viện thành phố để chăm sóc bệnh nhân được chuyển viện từ Bệnh viện tỉnh sang.

Đơn đề xuất sửa chữa ngày 20/4/2017 xuất phát từ đề xuất của phòng vật tư y tế, bị cáo chỉ ký theo đề xuất.

Bị cáo cũng cho rằng, bản thân cùng 2 bác sĩ khác được phân công làm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh còn máy là do phòng vật tư, bệnh viện quản lý.

Khi HĐXX xét hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc về việc thành lập công ty, Quốc nói, công ty có chức năng xử lý nước.Trước khi thành lập công ty, bị cáo Quốc khai đã làm chuyên môn về kỹ thuật xử lý nước được 12 năm.

Quốc khai, từ ngày thành lập công ty, ngoài làm việc cho công ty Thiên Sơn, công ty của bị cáo có nhiều khách hàng khác. Khi Trần Văn Sơn đến, bị cáo đang cho máy hoạt động thử hệ thống RO số 2, vệ sinh 2 trong 4 màng và thay thế 3 van của hệ thống RO số 2 của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Chưa lấy mẫu nước, hệ thống đã hoạt động

Trần Văn Sơn trình bày, sáng 29/5/2017 anh ta xuống BVĐK tỉnh Hòa Bình để lấy mẫu nước nhưng hệ thống đã hoạt động.

Trong báo giá có việc lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng không biết việc lấy mẫu nước có bắt buộc không.Từ khi bị cáo về công tác không có ai hướng dẫn việc bắt buộc lấy mẫu nước xét nghiệm như quy định của Bộ Y tế.Trong các thủ tục những lần trước đó, không có việc lấy mẫu nước mà sau khi sửa chữa xong đều đưa vào sử dụng luôn.

Sơn cho rằng, bản thân không nắm được chuyên môn, không biết phải sử dụng hóa chất gì để tiệt trùng.

Sau khi Sơn được Quốc thông báo đã sửa chữa xong thì Sơn đã thông tin với điều dưỡng tại khoa về việc đã sửa chữa xong.

Tuy nhiên, Sơn nghi ngờ mục đích thông báo sửa chữa này chỉ có ý kết thúc công việc. Ngoài ra, anh ta khai không nhớ có dặn dò điều dưỡng có được sử dụng máy hay không.

Sơn khai buổi chiều hôm đó không quay lại khoa như lời khai của bị cáo Quốc.

Tòa hỏi Sơn về việc bị cáo này chỉ căn cứ vào báo giá để thực hiện việc kiểm tra chủng loại vật tư thực hiện sửa chữa liệu có đúng hay không?

Bị cáo Sơn cho rằng không biết về hợp đồng sửa chữa máy lọc.Bị cáo cũng không được thông báo về hợp đồng giữa Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và công ty Thiên Sơn về việc sửa chữa máy lọc.

Tuy nhiên, khi nhận được thông báo của Công ty Thiên Sơn về việc công ty này đến sửa chữa thì bị cáo đã báo cáo với lãnh đạo phòng.

"Khi đến thì bị cáo thấy Quốc đang sửa chữa, bị cáo trao đổi với vật tư sửa chữa... Bị cáo căn cứ vào báo giá của Công ty Thiên Sơn nên biết nội dung thay thế".

Sơn cũng cho rằng lời khai của Quốc có một số điểm không đúng.

Khi bị cáo đến viện thì Quốc đã tiến hành sửa chữa bảo dưỡng và không biết ai đã bàn giao cho Quốc.

Trước ngày 28/5/2017, Quốc trực tiếp gọi điện thông báo sáng ngày 28/5/2017 sẽ lên viện sửa chữa bảo dưỡng hệ thống máy.

Từ năm 2013, Đỗ Anh Tuấn (GĐ Công ty Thiên Sơn) đưa Quốc lên tiến hành bảo dưỡng sửa chữa, giới thiệu Quốc là nhân viên của công ty.

Sơn cho biết, đã báo cáo với lãnh đạo khoa hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình về việc ngày 28/5/2017 có người lên sửa chữa bảo dưỡng máy.

Trước đó, hai bác sĩ Hoàng Công Lương và Nguyễn Thị Hằng đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng máy lọc nước./.

Trước đó, trong phiên tòa sáng nay, cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương tiếp tục vắng mặt. Các luật sư bảo vệ cho ba bị cáo đề nghị tòa triệu tập ông Dương đến tòa, đề nghị hoãn tòa nhưng không được chấp nhận.

Sau khi VKS đọc cáo trạng truy tố 3 bị cáo, bác sỹ Hoàng Công Lương nêu ý kiến không đồng tình với cáo buộc quy kết.

Các bị cáo bị truy tố trong vụ án này gồm: Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) về tội Vô ý làm chết người

27. Chết tức tưởi khi chẩn đoán ở BV này, 2 tháng sau mổ ở BV khác

2 tháng sau khi khám ở BV Bình dân, nữ bệnh nhân 66 tuổi qua BV Bưu điện phẫu thuật và tử vong.

Bệnh viện Bình dân (TP.HCM) vừa quyết định kỷ luật bác sĩ P.V.S với hình thức khiển trách, không cho làm công việc tiếp xúc với bệnh nhân 6 tháng do có liên quan tới cái chết của nữ bệnh nhân Oanh (tên được thay đổi, 66 tuổi, ngụ phường 17, quận Bình Thạnh).

Vào đầu tháng 2, bà Oanh tới BV Bình dân thăm khám với các triệu chứng đau âm ỉ vùng hạ vị kèm táo bón kéo dài nhiều năm.

Qua các xét nghiệm, kết quả chụp MRI, bác sĩ chẩn đoán đây biểu hiện của bệnh lý lồng trong trực tràng hậu môn mức độ nhẹ và cho uống thuốc điều trị.

Tuy nhiên, mỗi khi ăn no, bà Oanh lại đau râm ran, nên muốn phẫu thuật giải quyết dứt điểm. Lúc này, bác sĩ P.V.S - người quen của bà Oanh và công tác ở BV Bình dân, đã tư vấn cho bà qua BV đa khoa Bưu điện phẫu thuật.

Vào tháng 4, bác sĩ S. là người trực tiếp mổ nội soi cho bà Oanh ở BV đa khoa Bưu điện.2 ngày sau, tình trạng bà Oanh diễn tiến xấu, rơi vào hôn mê, dù được chuyển qua BV Chợ Rẫy điều trị nhưng đã tử vong.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM, bệnh nhân tử vong là do sốc nhiễm khuẩn suy đa cơ quan không hồi phục do bục miệng nối trực tràng sau phẫu thuật.

Quá trình tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân S. tại BV Bưu điện có sai sót chuyên môn.Đó là việc bệnh nhân được chẩn đoán vào tháng 2/2018 (kết quả MRI tại BV Bình dân) nhưng chỉ định phẫu thuật vào tháng 4/2018 tại BV đa khoa Bưu điện.

Sau 2 tháng, tình trạng người bệnh chuyển biến nặng hơn lúc chẩn đoán nhưng BV Bưu điện không tiến hành đánh giá lại mà vẫn phẫu thuật, dẫn tới cái chết cho bà Oanh.

Ngoài ra, bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng chưa có sự phối hợp, không mời các chuyên gia hỗ trợ để thực hiện ca khó.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, bác sĩ S. đã mổ 97 ca tương tự và thành công tại BV Bình dân, nhưng ở BV Bưu điện thì bác sĩ S. chỉ ký hợp đồng làm ngoài giờ, không cung cấp được chuyên môn kỹ thuật được làm tại BV Bình dân khi hành nghề tại BV Bưu điện.

Nội dung kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ được chuyển sang Thanh tra Sở Y tế để làm rõ trách nhiệm của bác sĩ S.

II. Thông tin Y tế Quốc tế

1. Dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại Cộng hòa dân chủ Công gô

Cộng hòa dân chủ Công gô đã ghi nhận 05 đợt dịch Ebola từ năm 1976 đến nay, lần gần nhất vào tháng 5/2017; tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, dịch Ebola xuất hiện tại thị trấn Bikoro.

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngày 08/5/2018, Bộ Y tế nước Cộng hòa dân chủ Công gô thông báo ghi nhận 02 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola tại khu vực thị trấn Bikoro, tỉnh Equateur, đây là khu vực cách khoảng 250 km tới Mbandaka, thủ phủ tỉnh Equateur.

Cộng hòa dân chủ Công gô đã ghi nhận 05 đợt dịch Ebola từ năm 1976 đến nay, lần gần nhất vào tháng 5/2017; tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, dịch Ebola xuất hiện tại thị trấn Bikoro. Trong khoảng thời gian từ 04/4 đến 05/5/2018 tại Bikoro đã ghi nhận 21 trường hợp nghi ngờ với biểu hiện sốt, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đau khớp, một số trường hợp có xuất huyết dưới da, trong đó có 17 trường hợp tử vong.

Kết quả điều tra cho thấy, trong số 21 trường hợp nghi ngờ có 17 trường hợp đã từng tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh trước đó.

Bộ Y tế nước Cộng hòa dân chủ Công gô đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp nhằm khống chế ổ dịch.Hiện nay, dịch bệnh Ebola tại Cộng hòa dân chủ Công gô được đánh giá ở mức độ nguy cơ cao; tuy nhiên WHO khuyến cáo không hạn chế việc đi lại quốc tế.

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola trên thế giới và chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu và tại cộng đồng để kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả, ngăn ngừa mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta.​


Thăm dò ý kiến