Thuốc lá điện tử, nung nóng độc hại, vì sao có sức hút lớn với giới trẻ Việt Nam?
13/10/2023 | 14:53 PM
|
Thuốc lá điện tử được thiết kế kiểu dáng giống đồ dùng như bút, thỏi son, hộp sữa, đồ chơi, có nhiều tính năng phát sáng, nghe nhạc, giá sản phẩm đa dạng, dễ tiếp cận… hương vị hấp dẫn, tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ, trong khi bằng chứng khoa học cho thấy thuốc lá điện tử có chứa thành phần độc hại.
Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hôm nay (12/10). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ và Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đồng chủ trì Tọa đàm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Ảnh: Phương - Thuý
Các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Trong khi đó, thanh thiếu niên là lớp người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, ham hiểu biết tuy nhiên cũng do đặc tính của lứa tuổi, họ luôn có tính tò mò, thích khám phá thử nghiệm cái mới, muốn thể hiện bản thân nên dễ bị cuốn theo các trào lưu, tệ nạn xấu.
Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến thanh thiếu niên bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.
Tại tọa đàm, các ý kiến đều chung nhận định đối với thanh thiếu niên, sử dụng nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine có thể làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.
Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch…
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận phát biểu tại tọa đàm Ảnh: Phương -Thuý
Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Theo Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam Nguyễn Thị An, điều đáng lo ngại là thuốc lá điện tử và các sản phẩm tương tự dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng đã ở mức cao. Trong khi đó, chiến lược quảng cáo thuốc lá mới đang trực tiếp nhắm tới giới trẻ với các thiết kế đa dạng kiểu dáng, màu sắc theo đúng "thị hiếu" giới của đối tượng này.
Bà An cũng cho hay, thuốc lá điện tử dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng đã ở mức cao hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở cả học sinh nam và nữ.
Trước thực trạng ngày càng nhiều đối tượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng nhiều dạng thuốc lá mới khác, bà An cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Cần sớm ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.
Những sản phẩm có chứa nicotin đang được bán tràn lan ngoài thị trường Ảnh: Thái Minh
Tại tọa đàm, Ths Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên thực hiện cấm kinh doanh và nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá mới. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Phương án này sẽ tác động tích cực về kinh tế-xã hội-giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật: Nhà nước không phải bỏ kinh phí để thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giải quyết tệ nạn xã hội và gánh nặng bệnh tật; người dân được bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phòng tránh các bệnh tật do thuốc lá gây ra; giảm tải bệnh viện, tập trung khám, điều trị các bệnh khác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thảo luận tại buổi tọa đàm Ảnh: Phương - Thuý
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, hiện nay các loại thuốc lá mới chưa nằm trong danh mục hàng hóa cấm. Trong khi đây là một sản phẩm nguy hại, rất gần với ma túy. Do vậy cần có những giải pháp kịp thời.
Thứ trưởng Lê Đức Luận cho biết sắp tới trước mắt, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội nhằm điều chỉnh các sản phẩm thuốc lá mới.
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Viện Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu (IGTC) tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Đại học Bang Portland đã chỉ ra mối liên hệ giữa các hóa chất hương vị có trong thuốc lá bán tại Việt Nam và sự hấp dẫn của các sản phẩm này đối với người tiêu dùng, bao gồm cả giới trẻ Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nicotine & Tobacco Research và được giới thiệu trong một video đính kèm, là nghiên cứu đầu tiên phân tích thành phần hóa học có trong nhiều loại thuốc lá khác nhau hiện có bán tại Việt Nam.
Nghiên cứu đã phân tích thành phần hóa học của 180 loại hương vị có trong nhiều nhãn hiệu thuốc lá khác nhau được bán ở Việt Nam và phát hiện ra 17 gói trên tổng số 35 gói thuốc lá được lấy mẫu (chiếm 49%) có chứa bạc hà — bao gồm các mức cao nhất trong số tất cả các loại thuốc lá (lên tới 16,6 mg/điếu). 20 gói trên tổng số gói thuốc lá mẫu (chiếm 57%) có dùng các "công nghệ" hương vị. Sự có mặt của "các hóa chất hương vị khác" (như hương trái cây) được tìm thấy trong 24 gói thuốc lá mẫu (chiếm 69%), trong đó có 16 gói có chứa bạc hà.
Thị trường thuốc lá có hương vị tại Việt Nam đang gia tăng và chính các loại hương vị có thể thúc đẩy việc sử dụng và mở rộng số lượng người hút các sản phẩm thuốc lá độc hại. Các hương vị có thể làm cho điếu thuốc lá trở nên ngon miệng hơn và các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các hương vị nói chung (đặc biệt là bạc hà) có thể góp phần làm giảm khả năng bỏ hút thuốc lá.
Các kết quả từ phân tích hóa học chỉ ra rằng các sản phẩm chứa hóa chất hương vị và công nghệ cung cấp hương vị bao gồm hương vị ở nhiều mức độ khác nhau (kể cả các mức độ cao) có thể thu hút nhiều người dùng.
Bà Lauren Czaplicki, nhà khoa học tại IGTC và đồng tác giả của bài nghiên cứu, giải thích: Các sản phẩm thuốc lá có hương vị là thủ phạm kéo dài đại dịch thuốc lá, làm thuốc lá trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng - bao gồm cả giới trẻ - và khiến việc bỏ hút thuốc lá trở nên khó khăn hơn. Thật may mắn, bằng việc ban hành lệnh cấm và loại bỏ các sản phẩm thuốc lá có hương vị ra khỏi thị trường, các quốc gia có thể chống lại thành công các chiến thuật tiếp thị mật ngọt và mang tính săn mồi của ngành công nghiệp thuốc lá.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cấm các sản phẩm thuốc lá có hương vị, gồm cả hương bạc hà, có thể giúp giảm việc hút thuốc lá và gia tăng nỗ lực bỏ thuốc lá.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau bão
- Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử
- Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Khám, tư vấn sức khoẻ miễn phí, tặng quà 300 người dân hoàn cảnh khó khăn ở Bình Định
- WHO hỗ trợ một triệu viên khử trùng nước cho vùng bị bão, lũ
- Bệnh truyền nhiễm nào dễ bùng phát mùa bão, lũ
- Nhiều bệnh viện tổ chức hoạt động thiết thực hướng về người dân vùng ảnh hưởng bão lũ