Cần dự trữ thuốc gì để trẻ đón Tết an toàn, khỏe mạnh?
21/01/2023 | 16:07 PM
Tết đến, phụ huynh lại lo chuẩn bị tủ thuốc gia đình phòng khi con ốm. Điều này rất cần thiết vì nhiều khi mấy ngày Tết, các quầy thuốc, phòng khám đóng cửa, mà nhà quá xa bệnh viện. Vậy cần chuẩn bị những gì trong tủ thuốc?
1. Thuốc giảm đau, hạ sốt
Thuốc hạ sốt nên được để sẵn trong nhà, kể cả khi trẻ không ốm vì trẻ em có thể nóng sốt bất kỳ lúc nào. Có thể chọn một trong hai loại paracetamol hoặc ibuprofen...
2. Thuốc cảm cúm
Thời tiết những ngày Tết có thể thay đổi thất thường, nên trẻ dễ mắc các bệnh cảm cúm. Do đó, cần mua dự trữ một vài loại thuốc cảm cúm thông thường như decolgen, tiffy…
Lưu ý, những thuốc này có khả năng kết hợp với paracetamol nên cần đọc kỹ thành phần thuốc để tránh quá liều thuốc paracetamol.
3. Các thuốc trị bệnh mạn tính
Với những trẻ có bệnh mạn tính, cần trữ đủ thuốc trị bệnh trong những ngày nghỉ Tết, tránh để trẻ bị thiếu thuốc làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh. Có thể trữ một loại kháng sinh được bác sĩ mà con bạn hay thăm khám khuyên dùng.
Nên nhớ luôn lưu số điện thoại bác sĩ nhi khoa của con bạn. Trong những tình huống cấp bách bạn sẽ cần lời khuyên của họ. Bác sĩ nhi khoa của con bạn sẽ nắm rõ lịch sử bệnh của bé và sẽ cho bạn những lời khuyên tốt nhất.
4. Thuốc dị ứng
Trong những ngày này thời tiết thay đổi, ăn nhiều loại thức ăn cùng lúc… có thể làm gia tăng tình trạng dị ứng. Do đó, nên giữ thuốc dị ứng cho trẻ trong tủ thuốc để có thể làm giảm nhanh chóng các tình trạng mẩn ngứa, nổi mày đay…
5. Thuốc ho
Có thể trữ một vài thuốc ho không kê đơn thông thường như mật ong, tinh dầu bạc hà… vừa có tác dụng trị ho, vừa sát khuẩn đường hô hấp. Những loại thuốc này có thể dùng cho trẻ em trên 30 tháng trở lên.
Lưu ý, với thuốc dextromethrophan có thể điều trị ho khan nhưng chỉ dùng dạng viên cho trẻ em trên 12 tuổi và dạng siro cho trẻ trên 2 tuổi.
6. Chất bổ sung nước và điện giải oresol
Oresol là dung dịch bù nước điện giải thông dụng, phòng khi trẻ bị tiêu chảy hay nôn mất nước có thể có sẵn dùng ngay. Lưu ý, mua loại oresol gói chứ không mua hoại oresol đóng chai như chai nước ngọt.
7. Nước muối sinh lý
Nên trữ vài lọ nước muối sinh lý 0,9 % để vệ sinh mắt, mũi sau khi đi ngoài đường về. Có thể dùng nước muối sinh lý súc miệng, súc họng, hoặc rửa vết thương ngoài da…
8. Cặp nhiệt độ
Đây là vật dụng cần thiết trong tủ thuốc của gia đình. Việc kiểm tra nhiệt độ có thể giúp phát hiện sớm khi nhiệt độ cơ thể tăng cao để sử dụng thuốc kịp thời, tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
9. Vật dụng y tế khác
Cần dự trữ bông, băng dính y tế, cồn 70 độ, cồn iodin, oxy già, gạc y tế, miếng dán ugo… phòng khi trẻ bị chầy xước ngoài da hoặc vết thương chảy máu ít.
Lưu ý, nếu trẻ vừa qua 1 đợt bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị hãy chắc chắn rằng bé được tái khám với bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên phù hợp nhất.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Mời báo giá Thuê dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe ô tô
- Mời báo giá sửa chữa điều hòa không khí
- Có tới 65% ca tử vong trên toàn cầu không được ghi chép đầy đủ và chính xác
- Xin báo giá thuê trang trí cảnh quan cho dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2025 Cơ quan Bộ Y tế
- Bộ Y tế chỉ đạo khẩn ứng phó dịch cúm tại Bình Định
- Thủ tướng chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Bộ Y tế công bố “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030"