Hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng thiết bị chăm sóc hô hấp và ô xy y tế

02/04/2021 | 18:04 PM

 | 

 

Ngày 02/4/2021, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp tổ chức PATH Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng thiết bị chăm sóc hô hấp và ô xy y tế của 27 bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam. PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự Hội thảo. Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Tuyết Nga, Trưởng đại diện Tổ chức PATH tại Việt Nam; TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cùng đại diện các Vụ, Cục, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện địa phương tham gia khảo sát.

PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Chăm sóc hô hấp và ô xy y tế đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng trên 60% các ca nhiễm COVID-19 diễn biến nặng đã phải sử dụng liệu pháp oxy để hỗ trợ hô hấp trong quá trình điều trị.  Giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua đã chứng kiến một sự khủng hoảng trong việc đáp ứng nguồn cung cấp ô xy và các thiết bị cung cấp ô xy y tế (máy thở) trên phạm vi toàn cầu. Tại nhiều quốc gia, do không chuẩn bị tốt dẫn tới việc thiếu hụt ô xy và thiết bị chăm sóc hô hấp, đã làm gia tăng số người tử vong do COVID-19. Để đánh giá năng lực chăm sóc hô hấp và đáp ứng ô xy y tế ứng phó dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác tại Việt Nam so với tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Bộ Y tế phối hợp với tổ chức PATH tiến hành khảo sát thực trạng trang thiết bị và vật tư y tế chăm sóc hô hấp tại 27 cơ sở y tế có điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bao gồm 4 bệnh viện tuyến Trung ương, 15 bệnh viện tuyến tỉnh và 8 bệnh viện tuyến huyện trên 21 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương) trên cơ sở bộ công cụ khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đồng chí Thứ trưởng cũng cho biết thêm Bộ Y tế đang tiếp tục tiến hành thu thập số liệu trên 1.400 cơ sở y tế toàn quốc. Từ đó xây dựng được một “bức tranh” tổng thể về thực trạng hệ thống chăm sóc đường hô hấp và năng lực cung ứng oxy y tế tại các cơ sở y tế tại Việt Nam, giúp các nhà hoạch định xây dựng các chính sách, giải pháp, kế hoạch điều phối, cung ứng, chăm sóc hô hấp cung ứng oxy y tế hiệu quả đối với từng kịch bản đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác tại từng khu vực, địa phương, đơn vị trong tương lai. 

Bà Nguyễn Tuyết Nga, Trưởng đại diện tổ chức PATH phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Tuyết Nga, Trưởng đại diện tổ chức PATH tại Việt Nam cho biết tại Hội thảo, PATH luôn ủng hộ việc gia tăng khả năng tiếp cận oxy y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. PATH tin rằng việc xây dựng một dây chuyền trang thiết bị chăm sóc hô hấp và cung cấp oxy cho bệnh nhân cần được ưu tiên. Vì vậy, PATH, cùng nhiều đối tác và sự giúp đỡ từ Qũy Bill & Melinda Gates, thực hiện dự án Điều phối Ứng phó Chăm sóc Hô hấp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở 19 quốc gia. Dự án gồm 4 mục tiêu chính: 1) Điều phối chăm sóc hô hấp trên toàn cầu;

 2) Đánh giá nhanh năng lực chăm sóc hô hấp;

3) Tổng hợp thông tin và tiếp cận khảo sát các nhà cung ứng thiết bị hô hấp;

4) Hỗ trợ các quốc gia đưa ra quyết định trong việc mua sắm và bảo trì thiết bị chăm sóc hô hấp.

Tại Việt Nam, PATH hợp tác triển khai dự án với Văn phòng Bộ Y Tế. Với sự đáp ứng nhanh, quyết liệt, và hiệu quả của Văn phòng Bộ, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 5/2021, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, dự án đã hoàn thành việc đánh giá nhanh và phân tích tình hình trang thiết bị chăm sóc hô hấp và oxy y tế tại 27 bệnh viện được chỉ định điều trị bệnh nhân COVID-19. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên tiêu chuẩn của WHO trong trường hợp COVID-19 bùng phát trên các quy mô khác nhau.

TS.BS. Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Cuộc khảo sát là một phần trong dự án nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc định hướng và thực hiện một kế hoạch chăm sóc hô hấp toàn diện để ứng phó với đại dịch COVID-19 và nâng cao hệ thống y tế. Khảo sát sơ bộ cho thấy 27 bệnh viện đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị và ô-xy y tế để ứng phó với ba tình huống dịch bệnh: 1.000, 3.000 hoặc 30.000 ca nhiễm COVID-19. Đối với kịch bản lên đến 100.000 ca nhiễm, cần huy động nhiều bệnh viện và nguồn lực khác để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã được các Tổ chức quốc tế đánh giá cao về khả năng ứng phó dịch bệnh hiệu quả và kịp thời. Tuy nhiên, nước ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ dịch xâm nhập cũng như các biến chủng virus Sars-CoV-2 mới, đặc biệt khi quốc gia chưa đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19. Ngành Y tế vẫn liên tục lập kế hoạch, phương án ứng phó khẩn cấp với các tình huống có thể xảy ra theo diễn biến của đại dịch và các dịch bệnh mới nổi trong tương lai.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các các đại biểu đã thảo luận về kết quả phân tích và đưa ra các khuyến nghị dựa trên các số liệu thu được từ việc đánh giá nhanh năng lực chăm sóc hô hấp của 27 bệnh viện hiện đang điều trị bệnh nhân COVID-19, bao gồm tính sẵn có và việc sử dụng các thiết bị cung cấp ô-xy và các thiết bị hô hấp khác tại những đơn vị này. Những ý kiến đóng góp từ Hội thảo sẽ góp phần quan trọng cho Dự án hoàn thiện phân tích dữ liệu điều tra 1.447 bệnh viện trên toàn quốc, là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược quốc gia để tăng cường khả năng tiếp cận các phương pháp trị liệu ô-xy và các thiết bị cần thiết cho chăm sóc hô hấp, đồng thời hỗ trợ việc lập kế hoạch đề xuất nhu cầu hỗ trợ trang thiết bị và ô-xy y tế, sẵn sàng ứng phó với đại dịch hô hấp cấp tính như COVID-19./.


Thăm dò ý kiến