Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
19/11/2024 | 09:40 AM
|
Ngày 18/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy.
Đoàn chủ tọa hội nghị. Ảnh Bộ Công an
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Về phía Bộ Y tế có PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và tham luận tại hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 12 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đánh giá cao những kết quả, thành tích đã đạt được của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy, giảm nguồn cầu về ma túy trong thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Công an cũng thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế, kéo dài nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm và nguyên nhân của những tồn tại đó.
Về những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề nghị lực lượng công an nhân dân tổng rà soát, thống kê số người nghiện ma túy trên toàn quốc. Đối với những đối tượng dương tính với ma túy mà không nằm trong danh sách quản lý thì sẽ xem xét trách nhiệm của chỉ huy công an các đơn vị.
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu. Ảnh Bộ Công an
Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã nhập dữ liệu những người nghiện ma túy lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trước 15/12/2024; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong phòng, chống ma túy; chủ trì đảm bảo rút ngắn thời gian xác minh thông tin không quá 3 giờ, tạo thuận lợi tối đa cho công an các địa phương hoàn thành thủ tục đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện.
Lực lượng công an trên toàn quốc thực hiện tổng cao điểm rà soát các đối tượng nghiện ma túy, trên phương châm xã làm trong sạch xã, huyện làm trong sạch huyện, cấp trên hỗ trợ, phân công, phân cấp địa bàn; thường xuyên kiểm tra đột xuất, kiểm tra xử lý nghiêm, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; đề xuất kiểm tra chéo, kiểm tra ngược giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang yêu cầu, cần đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy theo hướng mở rộng triệt phá toàn bộ đường dây, không đánh khúc giữa; làm rõ nguồn cung, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chứa chấp, sản xuất, tàng trữ, mua bán, truy tận gốc, xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng cắt khúc, bắt gì xử đó.
Sớm xây dựng thực hiện kế hoạch chiến dịch truyền thông về hiểm họa ma túy. Các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, không để xảy ra tình trạng chống phá, thẩm lậu ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an nhân dân đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh hơn 67.000 vụ, bắt giữ hơn 105.000 đối tượng, thu giữ gần 1,6 tấn heroin, hơn 1,7 tấn cần sa, hơn 7,6 tấn và 7 triệu viên ma túy tổng hợp.
Kết quả trên cho thấy, cơ bản việc đấu tranh chặn nguồn cung ma túy đã được lực lượng chức năng làm tốt, kiểm soát được nguồn cung ma túy từ bên ngoài lãnh thổ xâm nhập vào nước ta, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Công tác đấu tranh, giải quyết điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy đã được công an các địa phương triển khai hiệu quả, số điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý giảm mạnh.
Từ năm 2023 đến nay, lực lượng công an các cấp đã đấu tranh triệt xóa 770 điểm, 15 tụ điểm, xử lý hình sự 1.325 đối tượng, xử lý hành chính 1.315 đối tượng; đấu tranh 2.194 vụ lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để phạm tội ma túy, xử lý hình sự 3.689 đối tượng. Triệt phá 331 điểm nguy cơ không phải là cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; xử lý hình sự 607 đối tượng, xử lý hành chính 149 đối tượng. Vô hiệu hóa khả năng hoạt động của 82 điểm. Kết quả đấu tranh với đối tượng bán lẻ từ đầu năm 2024 đến nay, đã đấu tranh 1.496 vụ; xử lý 1.472 đối tượng; vô hiệu hóa khả năng hoạt động của 389 đối tượng.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế tham luận tại hội nghị.
Tham luận tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong những năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp về y tế góp phần vào công tác giảm cầu, giảm tác hại về ma túy thông qua các hoạt động về công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; Công tác tổ chức triển khai Luật, Nghị định, Thông tư và hướng dẫn chuyên môn được triển khai nghiêm túc, hiệu quả.
Kết quả hoạt động xác định tình trạng nghiện ma túy: Tính đến 30/6/2024, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã công bố 7.725 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý (tăng 2,2 lần so với năm 2022), trong đó có 166 cơ sở tuyến tỉnh, 814 cơ sở tuyến huyện và 6.742 cơ sở tuyến xã. Đến nay số cơ sở xác định tình trạng nghiện cơ bản đã đáp ứng nhu cầu xác định tình trạng nghiện cho các địa bàn tuyến xã có nhu cầu xác định tình trạng nghiện trên cả nước.
Số lượng bác sĩ, nhân viên y tế tham gia vào công tác xác định tình trạng nghiện tại các tuyến là hơn 13.000 người. Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Công an, Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp xác định tình trạng nghiện cho 103.147 người. Công tác xác định tình trạng nghiện ma túy đã giúp phân loại người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.
Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone: Tính đến 30/9/2024, toàn quốc có 46.542 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại 347 cơ sở điều trị và 303 cơ sở cấp phát thuốc. Đồng thời Bộ Y tế tiếp tục triển khai Đề án duy trì và mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Tổng số bệnh nhân được cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày khoảng 5.000 bệnh nhân tại 6 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang và Nghệ An.
“Trong quá trình triển khai, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ từ việc xây dựng thể chế, pháp luật, bố trí nguồn lực cho đến tổ chức thực hiện; công tác này cũng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các Bộ ngành, chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng như của người dân, nhất là người nghiện chất dạng thuốc phiện.”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Tin liên quan
- Ung thư cổ tử cung - Tác động và cơ hội loại trừ
- Thủ tướng chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Y tế
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tiếp Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc
- Tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
- Kêu gọi ủng hộ người bệnh ung thư qua chiến dịch “Triệu nghĩa tình trao gửi bệnh nhân ung thư”