Giải quyết ngay những nhiệm vụ còn chậm, muộn của Đề án 06 nhằm tạo ra nhiều giá trị, lợi ích cho xã hội
14/05/2024 | 10:01 AM
|
Chiều 13/5, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã tổ chức phiên họp tháng 5. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chủ trì phiên họp.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, UBND TP Hà Nội và các thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đại diện một số cục chức năng của Bộ Công an.
Phiên họp được tổ chức tại Hội trường Bộ Công an, trực tuyến đến 6 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Khánh Hòa.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Sau phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Tô Lâm, điều hành thảo luận tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, hiện có 40 nhiệm vụ chậm muộn, trong đó có 12 nhiệm vụ của 5 bộ, ngành không thể để chậm hơn được nữa. Trên tinh thần quyết liệt, ngắn gọn, đi thẳng vào những việc cần phải trả lời, làm rõ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận về nội dung kiến nghị, giải đáp và thống nhất giải quyết những chậm muộn để triển khai hiệu quả Đề án 06.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương gồm: UBND TP Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… đã báo cáo làm rõ những vướng mắc, tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn góp phần triển khai hiệu quả Đề án 06 cũng như triển khai mạnh mẽ các mô hình ứng dụng chuyển đổi số của đề án, VNeID…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc điều hành thảo luận tại phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 5/2024; đồng thời, hoàn thiện dự thảo quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trình Chính phủ ban hành và có hiệu lực trước 30/5/2024. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2024 phục vụ Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/7/2024.
Về dịch vụ công, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị 6 bộ, ngành gồm: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam khẩn trương hoàn thành tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 6 dịch vụ công đã quá hạn quy định.
“Để thực hiện được nhiệm vụ này, tôi đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức họp với 6 bộ, ngành nêu trên nhằm giải quyết dứt điểm, báo cáo Tổ công tác kết quả và lộ trình hoàn thành trong tháng 5/2024” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Văn Phòng Chính phủ nghiên cứu ban hành hướng dẫn các địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, khẩn trương hoàn thành trong tháng 5/2024.
Tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về 2 dịch vụ công liên thông theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 5/2024. Các bộ, ngành (Tư pháp, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và các địa phương phối hợp với Bộ Công an nâng cấp, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công liên thông, phần mềm chuyên ngành, hệ thống thông tin giải quyết TTHC trước ngày 30/5/2024; bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết 2 nhóm TTHC liên thông được thông suốt, hiệu quả.
Bộ Tài chính khẩn trương có văn bản hướng dẫn chuẩn hóa dữ liệu khoản thu, thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí, học phí trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nhiệm vụ này phải hoàn thành trong tháng 3/2024, tuy nhiên, hiện nay đã chậm tiến độ, cần khẩn trương hoàn thành trong tháng 5/2024.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy, hoàn thành các giải pháp bố trí kinh phí, tháo gỡ cho các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án phân bổ đối với các khoản chi của ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ cho các bộ, cơ quan để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền theo quy định; xem xét đề xuất, phê duyệt kinh phí ngay đối với những bộ, ngành đã gửi dự toán kinh phí như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoàn thành trong tháng 5/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ ban hành và có hiệu lực trước 30/5/2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, tổng hợp kết quả, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ dự án chậm triển khai, chậm hoàn thiện thủ tục sang dự án thuộc Đề án 06 theo đề xuất của các bộ, cơ quan Trung ương.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ rõ những nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đối với nhóm vấn đề cần tập trung thực hiện để triển khai hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới, đảm bảo lộ trình đến mốc 1/7/2024 sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các cổng dịch vụ công, các ứng dụng, hệ thống có liên quan đến giải quyết TTHC tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện dịch vụ công, liên kết với dữ liệu tài khoản cũ trước 1/7/2024.
Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương làm sạch tài khoản cũ của công dân trên cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trước 1/7/2024; đầu tư, nâng cấp hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi tài khoản sang VNeID và đăng nhập một lần tới Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, hoàn thành trong tháng 6/2024.
Bộ Tài chính bố trí vốn để Văn phòng Chính phủ triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông hoàn thành việc làm sạch thông tin thuê bao di động; nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, giảm các điểm lõm sóng, tăng chất lượng đường truyền, băng thông dịch vụ.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện những nhiệm vụ liên quan đến vấn đề pháp lý để phục vụ Luật Căn cước năm 2023; hoàn thiện triển khai các tiện ích trên VNeID như triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID nhân rộng ra toàn quốc trong tháng 6/2024. Bộ Tư pháp tiến hành sơ kết thí điểm và điều chỉnh lại quy trình nếu trong quá trình triển khai thí điểm phát sinh những vướng mắc; hướng dẫn các địa phương kinh nghiệm của TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình triển khai thí điểm; chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi công bố triển khai chính thức trên toàn quốc. Trước mắt, Bộ Tư pháp giải quyết dứt điểm 3 kiến nghị của TP Hà Nội hôm nay, nhất là việc ký số, đóng dấu đối với phiếu lý lịch tư pháp trên phần mềm của Bộ Tư pháp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương hoàn thành những nhiệm vụ, phần việc để thí điểm học bạ số trong tháng 6/2024; triển khai các giải pháp định danh tàu thuyền trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Công an xây dựng kế hoạch thu thập sinh trắc học ADN xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, hoàn thành trong tháng 6/2024. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công với cách mạng và cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sỹ bảo đảm tích hợp với các cơ sở dữ liệu liên quan.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc…).
“Cần xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, thường xuyên khai thác thông tin CCCD gắn chip và tài khoản VNeID để định danh, xác thực thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, tiện lợi. Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, phòng, chống tội phạm và bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Nguồn: cand.com.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất những trường hợp khám chữa bệnh BHYT được thanh toán theo mức hưởng
- Trên mặt trận phòng chống bệnh truyền nhiễm
- Chuẩn hóa đội ngũ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
- Mời gửi báo giá sửa chữa thang máy
- Bộ Y tế đề xuất các trường hợp được thanh toán theo đúng phạm vi mức hưởng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
- Bộ Y tế đề xuất thêm chức năng Trạm Y tế xã
- Thông báo về việc tổ chức xét tuyển vòng 2 đối với các thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn thi tuyển viên chức của Ban QLDA công trình y tế