'Chúng tôi tự dặn lòng không được lùi bước'

12/10/2021 | 15:20 PM

 | 

"Mặc dù đã trải qua các ổ dịch COVID-19 lớn như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Bắc Giang, Đà Nẵng... nhưng TPHCM là "chiến trường ác liệt" nhất, khó khăn nhất. Chúng tôi tự dặn lòng không được lùi bước trong cuộc chiến đầy cam go này"

Ngày 13/6, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã quyết định thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP HCM. Trưởng bộ phận là ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế. ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là thành viên.

Tại TP Hồ Chí Minh, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch, điều trị bệnh nhân, xét nghiệm, tổ chức cách ly, công tác truyền thông trên địa bàn TP HCM và các địa phương lân cận.

Chống dịch ở TP Hồ Chí Minh: "Chúng tôi tự dặn lòng không được lùi bước" - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm hỏi, làm việc tại Bệnh viện dã chiến dã chiến số 16, Bv Bạch Mai (TP Hồ Chí Minh).

Ngay khi nắm bắt tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn,  ông Nguyễn Trọng Khoa - với những kinh nghiệm có được qua những "trận chiến" tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang... cùng với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, đã phối hợp với địa phương "xốc" lại mô hình điều trị.

Thế nhưng, đứng trước một cuộc chiến mới được cho là khốc liệt nhất từ đầu đợt dịch, ông không khỏi lo lắng: "TP Hồ Chí Minh liên tục xuất hiện ổ dịch lớn, số lượng F0 tăng lên nhanh chóng, công tác điều trị gặp muôn vàn khó khăn khi số lượng bệnh nhân chuyển biến nặng và tử vong liên tục tăng cao". 

"Đã có thời điểm chúng tôi rất bi quan"

PV: Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến rất phức tạp, chắc chắn, đã có lúc ông và các đồng nghiệp của mình không tránh khỏi sự căng thẳng. Ông có thể chia sẻ về điều này khi tham gia chống dịch tại đây?

Th.S BS Nguyễn Trọng Khoa: Dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có diễn biến vô cùng phức tạp, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm đợt dịch lần này là chủng virus Delta gây ra, lây lan với tốc độ nhanh chóng. Đúng! Đã có những thời điểm chúng tôi hết sức bi quan, rất sốc bởi số ca tử vong tăng nhanh, đường dây nóng lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Các cuộc gọi đến đường dây nóng là người dân, thân nhân F0, thai phụ… họ cần sự hỗ trợ, mà bản thân tôi cầm đường dây nóng, nhiều lúc căng thẳng không biết phải làm sao.

Có khi tôi không dám nghĩ đến những phương án lớn hơn như dồn tổng lực cho miền Nam mà mới dừng lại ở đề xuất phương án huy động lực lượng tại chỗ.

Nhưng "nút thắt" này đã được BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch và Bộ trưởng Bộ Y tế tháo gỡ.

Những lúc như vậy, đường hướng chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ Quốc gia phòng chống dịch, Bộ Trưởng Bộ Y tế và Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM đã đưa ra những quyết sách rất kịp thời. Đó là đưa lực lượng, dồn nguồn lực về TP HCM và các tỉnh phía Nam, qua đó, những khó khăn ở thời điểm căng thẳng nhất đã được giải quyết.

Đặc biệt, chiến lược ưu tiên vacicne cho TP HCM và những tỉnh có dịch, chiến lược xét nghiệm cấp tập diện rộng, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội… là hoàn toàn đúng đắn, là những mấu chốt quan trọng và không thể thiếu để dịch tiến triển tích cực như hiện nay.

Tất cả mọi việc đều xảy ra cùng lúc nên những căng thẳng, mệt mỏi luôn hiện hữu. Qua đợt dich này, mới thấy rằng, những bài học kinh nghiệm trong chống dịch phải được rút ra, để chúng ta không mắc lại sai lầm và phải có những đường hướng đúng đắn trong chống dịch.

Chống dịch ở TP Hồ Chí Minh: "Chúng tôi tự dặn lòng không được lùi bước" - Ảnh 3.

"TP HCM là "chiến trường ác liệt" nhất, khó khăn nhất nhưng chúng tôi tự dặn lòng mình không được lùi bước", Th.S BS Nguyễn Trọng Khoa cho hay.

Căng thẳng là thế, có lúc nào ông và đồng nghiệp của mình cảm thấy bất lực và muốn buông tay?

Cũng đã có lúc chúng tôi tưởng như không thể chống đỡ nổi, bởi quy mô và mức độ khốc liệt của dịch bệnh tại TP HCM rất lớn, không như trước đây.

Trước đây, vùng dịch nhỏ, lúc đầu chỉ phong tỏa một xã như ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) rồi lớn lên dần cấp thành phố như ở Đà Nẵng, rồi biến chủng mới như ở Hải Dương với hơn 700 ca mắc, tôi thấy đã là lớn rồi.

Đến Bắc Giang thì mức độ lớn hơn, với gần 6.000 ca mắc. Tuy nhiên, đến TP HCM thì rõ ràng là quá lớn. Chúng ta buộc phải có những chiến lược thay đổi, quyết sách thích ứng với tình hình mới, để mục tiêu cuối cùng là kiểm soát được dịch, giảm tử vong và có cơ hội phục hồi kinh tế. 

Có những lúc chúng tôi thấy khó khăn chồng chất, nhưng chúng tôi dặn lòng không được lùi bước. Và với những đường lối đúng đắn, quyết sách phù hợp chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao và sự nỗ lực của mọi lực lượng đã từng bước kéo giảm sự gia tăng của các ca mắc, tỷ lệ các ca bệnh nặng và nguy kịch giảm dần.

Là người trực tiếp nhận các cuộc gọi và xử lý thông tin đường dây nóng của Bộ Y tế, chắc chắn sẽ gặp không ít căng thẳng, thưa ông? 

Có giai đoạn căng thẳng, mất vài tuần, đêm nào tôi cũng nhận rất nhiều cuộc gọi từ số hotline, các cuộc gọi liên quan đến cả vấn đề về ca bệnh, giải đáp xử lý tình huống vacicne, an toàn tiêm chủng...

Thực sự là căng thẳng ở bản thân tôi như nhân lên gấp bội, nhưng phải xác định đây là vấn đề cần hỗ trợ thì phải cố gắng hỗ trợ hết mức có thể cho người dân.

Thực tế, ngay cả lãnh đạo quản lý các cấp cũng không đêm nào được ngủ yên, từ cấp thành phố đến cấp quận/huyện, xã/phường, gần như lúc nào cũng phải có các phương án xử lý, sẵn sàng với các tình huống xảy ra.

Công việc chung nhưng đôi khi lại xử lý bằng cá nhân để làm sao xử lý được vấn đề nhanh nhất, giảm tải căng thẳng, những cuộc gọi cấp cứu ngày đêm liên lục nóng, mặc dù hệ thống tiếp nhận thông tin y tế có cả một tổng đài nhưng vẫn có một số trường hợp mình phải xử lý trực tiếp để kịp thời giải quyết tình huống.

Những cuộc gọi về đêm chắc chắn không phải công vụ mà là những cuộc gọi từ người thân người bệnh đang mang cảm giác lo âu, hoảng hốt?

Đúng! Có những cuộc điện thoại cần hỗ trợ khẩn cấp về mặt cấp cứu, hỗ trợ thông tin về tiêm vaccine, những tai biến khi tiêm, tiêm vaccine với phụ nữ mang thai, thậm chí là cả F0 cần cấp cứu với giọng hốt hoảng, lo âu hay cần giãi bày tâm lý…

Có những cuộc, tôi cũng phải liên hệ trực tiếp tới Trung tâm cấp cứu 115 của thành phố để điều phương tiện cấp cứu hỗ trợ bệnh nhân tại chỗ với F0 nguy kịch. Số này không ít. Đã có những trường hợp cứu chữa kịp thời, nhưng quả thật, có những giai đoạn hệ thống cấp cứu cũng không giải quyết hết được yêu cầu.

Chính vì vậy, sự ra đời hệ thống thống y tế lưu động và trạm y tế lưu động do lực lượng quân y đảm trách hết sức quan trọng trong thời điểm đó.

Chống dịch ở TP Hồ Chí Minh: "Chúng tôi tự dặn lòng không được lùi bước" - Ảnh 5.

Người dân Sài Gòn mong đại dịch chóng qua, nhà nhà được bình an.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng đã huy động thêm rất nhiều lực lượng hỗ trợ cấp cứu, cả những loại hình phương tiện khác chia ra các cửa ngõ và thường trực 24/24h hỗ trợ người dân. Đồng thời, thiết lập Tổng đài 1022 và những kênh hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho người bệnh…

Từ đó, đã giải tỏa bớt áp lực điều trị F0 cũng như tâm lý lo lắng, hoang mang của người dân.

Ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch

Dịch bệnh căng thẳng và kéo dài, đã bao lâu ông chưa được về thăm nhà?

Cũng đã khá lâu, nếu ở TP HCM thì tôi tham gia chống dịch đã khoảng hơn 3 tháng. Trong bối cảnh dịch phức tạp, số ca mắc tăng kỷ lục, tôi ưu tiên hàng đầu cho công tác chống dịch.

Tại TP HCM, tôi được lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng, giao trọng trách hỗ trợ về hệ thống điều trị của thành phố. Đây là công việc hết sức nặng nề. Bởi TP HCM là nơi có hệ thống y tế, cơ sở khám chữa bệnh dày đặc cùng năng lực chuyên môn khá tốt nhưng gánh nặng khi dịch đến thì ít có địa phương nào có thể tự mình chống đỡ nổi.

Trong thời gian hơn 3 tháng ở đây, tôi vừa là tham gia hỗ trợ với thành phố nhưng cũng là dịp để rút ra bài học trong công tác chỉ đạo hỗ trợ chống dịch.

Từ những bài học kinh nghiệm qua các đợt chống dịch tại các địa phươngtheo ông bài học quý giá nhất qua "cuộc chiến" lần này là gì?

Bài học kinh nghiệm trong chống dịch rút ra tại Bắc Giang, TP HCM và một số tỉnh thành phía Nam là rất quý giá. Đó là bài học xương máu mà chúng ta phải lĩnh hội, phải có sự chuẩn bị.

Qua đợt hỗ trợ chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương đã cử lực lượng tham gia và trong quá trình tham gia đó, đã được huấn luyện, đào tạo, được cầm tay chỉ việc. Đây là cơ hội rất tốt cho các địa phương có lực lượng ban đầu sẵn sàng có thể triển khai khi có dịch bệnh xảy ra.

Trong cuộc chiến này, các địa phương đã cử lực lượng vừa tham gia hỗ trợ TP HCM trong phòng, chống dịch, đồng thời cũng là dịp để đào tạo, trau dồi kinh nghiệm. Việc đào tạo này có giá trị gấp nhiều lần so với trên lý thuyết. Tôi cho rằng, có va chạm, có thực tế thì mới rút ra được những kinh nghiệm về tổ chức quản lý, thu dung, điều trị, cách ly, phân luồng, kiểm soát lây nhiễm…

Đây là bài học không có gì quý bằng và các địa phương phải luôn sẵn sàng tinh thần.

Bởi với biến chủng mới này, nguy cơ bùng phát dịch rất dễ xảy ra nên chúng ta không thể duy trì mãi tình trạng "zero COVID", mà phải sẵn các tình huống là thích ứng, an toàn, có kiểm soát. Trong đó phải ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch.

Chống dịch ở TP Hồ Chí Minh: "Chúng tôi tự dặn lòng không được lùi bước" - Ảnh 6.

Đến nay, mọi "nút thắt" về chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã được tháo gỡ, thành phố đã bước vào trạng thái "bình thường mới" và cuộc sống người dân đã dần ổn định trở lại.

Trong giai đoạn nới lỏng giãn cách, TP HCM cần duy trì mô hình điều trị như thế nào để giảm tối đa ca mắc, cũng như ca COVID-19 nặng, thưa ông?

Về công tác điều trị, chúng tôi đã tham gia ý kiến với TP HCM về chiến lược dần thu gọn lại các cơ sở điều trị COVID-19 mà vẫn đảm bảo được công năng, khả năng thu dung với các trường hợp COVID-19 trên địa bàn.

Đồng thời, khôi phục dần lại các bệnh viện, trả lại công năng ban đầu và thu gọn lại các cơ sở cách ly tuyến phường/xã, dần trả lại mặt bằng cho các cơ sở trường học, cơ quan, đơn vị. Song, vẫn duy trì quản lý F0 tại nhà, cũng như kiểm soát các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly tập trung, vẫn duy trì các mô hình bệnh viện dã chiến đa tầng, không để bệnh nhân nằm rải rác ở các khu cách ly quận/huyện.

Đó là chiến lược chung để dần dần, duy trì được hệ thống điều trị và khôi phục lại các hoạt động y tế thường quy.

Chúng tôi cũng có kiến nghị với thành phố là phải giải quyết những hậu quả COVID-19 mang lại như quan tâm đến vấn đề chăm sóc, phục hồi chức năng cho các trường hợp nhiễm và sau nhiễm COVID-19. Đặc biệt là bệnh nhân tâm thần, loạn thần... Trong đó, có phục hồi chức năng phổi và các chức năng khác rất quan trọng.

Ngoài ra, những chiến lược khác liên quan đến xét nghiệm cũng hết sức rõ ràng. Tiếp cận theo hướng duy trì giám sát xét nghiệm để phát hiện sớm các F0 ngoài cộng đồng. Mở đến đâu, hệ thống điều trị phải đáp ứng đến đó. Nếu chưa thể đáp ứng thì phải mở dần từng bước và hết sức cẩn trọng. Bởi nếu mở dần các hoạt động sản xuất kinh doanh mà không có sự kiểm soát dịch chặt chẽ thì nguy cơ sẽ tăng lên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến