Hồi phục cánh tay cho chàng trai gặp nạn sau khi chơi vật tay
11/09/2024 | 10:28 AM
|
Mất vận động cánh tay phải sau sự cố chơi vật tay cùng bạn, chàng trai trẻ được các bác sĩ can thiệp kịp thời, nhờ đó khôi phục lại khả năng cho cánh tay của mình.
Vừa qua, khoa Phẫu thuật Chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nam bệnh nhân H.H.C (21 tuổi, Nghệ An) đang sinh sống và học tập tại Hà Nội với chẩn đoán gãy xương cánh tay phải sau khi chơi vật tay cùng bạn.
Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng sưng đau, biến dạng, hạn chế vận động cánh tay phải. Vận động bàn ngón tay bình thường, không yếu liệt, hình ảnh X-quang cho thấy xương cánh tay phải gãy chéo vát ở 1/3 dưới có mảnh rời cánh bướm lớn.
Qua khai thác được biết C. thường xuyên tập gym và chơi vật tay cùng bạn bè. Ngày 14/5, khi đang chơi vật tay cùng bạn, đột nhiên C. thấy tiếng “cục” và sau đó đau nhói, biến dạng, mất vận động cánh tay phải.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán gãy kín xương cánh tay phải không liệt quay, chỉ định phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít.
Hình ảnh người bệnh được phẫu thuật kết hợp xương cánh tay phải
Sau phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít, người bệnh được chụp X-quang kiểm tra sau mổ, giải phẫu xương cánh tay được phục hồi, người bệnh ra viện sau 4 ngày. Người bệnh này tái khám sau 1 tháng, vết mổ liền sẹo tốt, vận động cánh cẳng tay phải được, không tê bì yếu liệt đầu chi.
Hình ảnh x-quang sau phẫu thuật của bệnh nhân H.H.C
ThS.BS Nguyễn Văn Phan, khoa Phẫu thuật Chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay xương cánh tay là một xương lớn của chi trên, khi gãy có thể gây biến chứng liệt thần kinh quay (tỷ lệ 8-20%). Gãy xương trong khi đang vật tay thường do cơ chế xoắn vặn nên ổ gãy thường là dạng chéo vát, có thể có mảnh rời. Người tham gia thường dùng một lực rất lớn lên cánh tay khi khuỷu cố định trong tư thế gấp, dẫn tới một lực rất lớn dồn vào vùng 1/3 dưới xương cánh tay là vùng chuyển tiếp giữa thiết diện tròn và tam giác của thân xương, nguy cơ gãy xương rất cao.
Hình ảnh sẹo mổ và chức năng vận động của người bệnh sau 1 tháng
Ngoài ra, một số người chơi vật tay dùng mẹo thay đổi hướng xoắn vặn hoặc giảm rồi tăng lực đột ngột nhằm gây bất ngờ cho đối phương để chiếm ưu thế cũng là nguyên nhân dẫn tới việc gãy xương khi tham gia chơi vật tay.
Nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc khi tham gia vật tay, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đưa ra một số lưu ý tới người chơi như sau:
1. Lựa chọn đối thủ phù hợp, tránh chênh lệch quá lớn về cân nặng, chiều cao (do chênh lệch về chiều dài cẳng tay, khối lượng cơ)
2. Lựa chọn chiến thuật thi đấu phù hợp, tránh đứt điểm đột ngột (gây quá tải cơ), kiểm soát trọng tâm của người tham gia để đảm bảo thăng bằng, tránh hụt đà, ngã khi chơi.
3. Kỹ thuật thi đấu chuẩn: Không cố định cánh tay ở khớp vai (khớp ổ chảo – cánh tay) khi thi đấu.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Vắc xin phòng bệnh Sốt xuất huyết: Vũ khí mới trong dự phòng Sốt xuất huyết tại Việt Nam
- Đơn vị Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên - 10 năm một chặng đường
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiên phong áp dụng kỹ thuật Hybbid kết hợp nội soi trong và mở ngoài cắt ung thư bàng quang
- Sở Y tế TP.HCM: Lần đầu tiên các trạm y tế trên địa bàn Thành phố sẽ có khoảng 300 loại thuốc khác nhau
- Sở Y tế TP.HCM: Tiếp nối xây dựng dữ liệu sức khỏe người cao tuổi là dữ liệu sức khỏe học sinh
- Một ca mổ đặt biệt ấn tượng cho các bác sĩ gây mê hồi sức
- Hà Nội: Tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh