“Đi tắt đón đầu” trong điều trị, phòng bệnh từ xa
25/08/2024 | 11:37 AM
|
Mặc dù số ca mắc mới của bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) hiện xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023, nhưng ngành y tế Bình Thuận đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều hoạt động với phương châm “phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả”.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng hướng dẫn thực hành tại Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Đến tận nơi “cầm tay chỉ việc”
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận ghi nhận hơn 800 ca mắc SXH, giảm 62,8% so với cùng kỳ năm 2023 (2.153 ca mắc), không có trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh TCM là 511 ca, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2023 (569 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong nhưng năm 2023 có 2 ca tử vong do bệnh này. Số liệu này cho thấy số ca mắc mới của bệnh SXH, TCM giảm. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận đã và đang chủ động giám sát mật độ lăng quăng, muỗi; phun thuốc diệt muỗi…
Song hành cùng với hệ dự phòng, các bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa nhi, khoa truyền nhiễm trong tỉnh được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh SXH, tay chân miệng theo phác đồ mới của Bộ Y tế. Qua đó còn được trao đổi kinh nghiệm, thảo luận trên những ca bệnh thực tế ở các tuyến.
Các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi, Khoa Truyền nhiễm trong tỉnh tham gia tập huấn phác đồ điều trị mới về bệnh SXH, TCM.
Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Hà Linh (Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: Tập huấn lý thuyết và “cầm tay chỉ việc” trực tiếp trên bệnh nhân tại Khoa Nhi giúp cập nhật, bổ sung kiến thức đang thiếu, đáp ứng kịp thời, áp dụng vào thực tiễn trong thời gian ngắn nhất để phục vụ cho bệnh nhân. Sự hỗ trợ cập nhật kiến thức mới từ tuyến trên, các đồng nghiệp và tôi tiếp cận những phương pháp điều trị tiên tiến hơn giúp cho cơ sở điều trị phục vụ bệnh nhân tốt tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Trần Lý Văn Dân - Giám đốc Trung tâm Y tế Tánh Linh, cho biết việc tiếp nhận tập huấn phác đồ điều trị, các y bác sĩ tuyến huyện thường xuyên được cập nhật ở các bệnh viện tuyến trên ở TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt ngay tại tỉnh, các y bác sĩ có nhiều cơ hội tiếp cận gần, tương tác với thầy cô ngay tại tỉnh. Các chuyên gia đầu ngành đến tại tỉnh chuyển tải kiến thức sâu mà tôi chưa hiểu hết. Thông qua tập huấn này, tôi trang bị thêm kiến thức và hỗ trợ cho đồng nghiệp ngay tại đơn vị. TCM, SXH thường xuyên gặp tại cộng đồng. Nếu như không xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động phòng, chống 2 bệnh này, thì nguy cơ dễ bùng phát thành dịch và sẽ có ca nặng dẫn đến tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (Hồ Chí Minh) chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về điều trị SXH, TCM.
Hỗ trợ từ xa, trực tiếp kịp thời
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Hồ Chí Minh) chia sẻ: Ngay khi Bộ Y tế phân công Bệnh viện Nhi đồng phụ trách hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho 10 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ, trong đó có Bình Thuận. Đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Hồ Chí Minh) thực hiện được 4 năm. Trong quá trình thực hiện, Bệnh viện Nhi đồng đều có kế hoạch chương trình tập huấn hàng năm cho các y bác sĩ, điều dưỡng trong toàn tỉnh và Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó, là những đợt học tập chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Hồ Chí Minh)đến Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Với những bệnh ca nặng, Bệnh viện Nhi đồng thành phố có 1 nhóm hội chẩn qua online để kịp thời điều trị trường hợp nặng trước khi chuyển viện nhằm mang lại kết quả tốt cho các cháu. Có những trường hợp, Bệnh viện Nhi đồng thành phố cử 1 đội hỗ trợ điều trị trực tiếp cùng các y bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. “Đi tắt đón đầu” để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật là sự chủ động trong điều trị và phòng, chống dịch từ xa.
Bác sĩ Tiến đánh giá: Sau khi “cầm tay chỉ việc”, các y bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận thực hiện 1 số kỹ thuật tương đối khá tốt. Thời gian qua, các bệnh lý hồi sức cấp cứu cho trẻ được đặt trọng tâm. Tiếp đó là các bệnh ưu tiên bệnh dịch như SXH, TCM, sởi… Khi tuyến cơ sở thực hiện tốt, câu chuyện chuyển viện đến tuyến trên sẽ giảm. Nếu các bệnh viện tuyến trên quá tải, việc điều trị sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là những trường hợp nặng. Vì vậy, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đồng đều được trang bị kỹ năng, kiến thức về xử trí các bệnh thông thường, bệnh dịch… hồi sức cấp cứu. Điều này giúp giảm quá tải cho tuyến trên, giúp gia đình người bệnh giảm tiền bạc và hao tốn nguồn lực người chăm trẻ bệnh khi di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh điều trị.
Nguồn:
“Đi tắt đón đầu” trong điều trị, phòng bệnh từ xa (baobinhthuan.com.vn)
Phòng Truyền thông Y tế - Văn phòng Bộ
Tin liên quan
- Vắc xin phòng bệnh Sốt xuất huyết: Vũ khí mới trong dự phòng Sốt xuất huyết tại Việt Nam
- Đơn vị Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên - 10 năm một chặng đường
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiên phong áp dụng kỹ thuật Hybbid kết hợp nội soi trong và mở ngoài cắt ung thư bàng quang
- Sở Y tế TP.HCM: Lần đầu tiên các trạm y tế trên địa bàn Thành phố sẽ có khoảng 300 loại thuốc khác nhau
- Sở Y tế TP.HCM: Tiếp nối xây dựng dữ liệu sức khỏe người cao tuổi là dữ liệu sức khỏe học sinh
- Một ca mổ đặt biệt ấn tượng cho các bác sĩ gây mê hồi sức
- Hà Nội: Tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh