Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Chuyển tới trang đầy đủ

Phát hiện, điều trị sớm u nang buồng trứng, hạn chế biến chứng

25/12/2019 | 08:30 AM

 | 

Căn bệnh u buồng trứng thường được cho là bệnh của phụ nữ trưởng thành. Thế nhưng, căn bệnh này còn đe dọa các bé gái từ khi mới sinh ra. Việc phát hiện, điều trị u nang buồng trứng sẽ đơn giản nếu được thực hiện đúng các bước.

Phát hiện, điều trị sớm u nang buồng trứng, hạn chế biến chứng

U nang buồng trứng chiếm tỷ lệ khoảng 80% các khối u buồng trứng nói chung, là loại khối u rất hay gặp ở phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Bệnh thường tiến triển lặng lẽ trong thời gian dài. Thường không có biểu hiện lâm sàng điển hình nhưng có thể gặp các biến chứng đòi hỏi can thiệp ngoại khoa cấp cứu như xoắn u hay vì u, đặc biệt là ung thư hoá, là một trong những nguyên nhân gây tử vong trong số các bệnh sinh dục nữ.

Việc phát hiện sớm và điều trị sớm u nang buồng trứng khi khối u còn nhỏ không những góp phần làm giảm những biến chứng gây nguy hiểm hoặc ung thư mà còn có khả năng bảo tồn được một phần buồng trứng lành, phòng được một nguyên nhân đẻ khó do u tiền đạo.

Hướng xử trí cơ bản đối với khối u buồng trứng lành tính là can thiệp ngoại khoa cắt bỏ khối u hoặc bóc tách u là mổ mở hay mổ nội soi.

Báo cáo chuyên đề “Chăm sóc người bệnh sau mổ nội soi u buồng trứng tại Khoa Phụ ngoại (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) năm 2018” của Lê Thị Minh - Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định (Bộ Y tế) cho thấy, cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y học, phẫu thuật nội soi đã trở thành một mũi nhọn trong lĩnh vực phẫu thuật chung với nhiều ưu điểm nổi bật và ngày càng được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong 10 năm nay. Trên 80% u nang buồng trứng lành tính được điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Sự thành công của cuộc mổ tùy thuộc phần lớn vào sự chăm sóc sau mổ.

Các biến chứng của u nang buồng trứng có thể xuất hiện sớm hay muộn tùy thuộc từng bệnh nhân.

Một ca mổ nội soi u nang buồng trứng.

Qua giai đoạn nguy hiểm, chăm sóc người bệnh sau mổ không thể bỏ qua

Bệnh viện Phụ sản Trung ương ứng dụng phẫu thuật nội soi từ năm 1996, đến nay đã thành công rất nhiều loại phẫu thuật như điều trị chửa ngoài tử cung, u buồng trứng, vô sinh, lạc nội mạc tử cung và cắt tử cung hoàn toàn.

Số bệnh nhân u nang buồng trứng được phẫu thuật nội soi ngày càng tăng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người phụ nữ và làm giảm đáng kể những khó khăn trong sinh sản do u gây ra. Với người phụ nữ còn nguyện vọng sinh con thì việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi để duy trì sinh sản là điều hoàn toàn hợp lý.

Chỉ tính riêng Khoa Phụ ngoại (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), hàng năm có khoảng 700-750 người bệnh phẫu thuật u buồng trứng, trong đó khoảng 50% mổ nội soi, còn lại là mổ mở. Mổ mở được thực hiện khi người bệnh có các vấn đề khác phối hợp.

Cũng theo báo cáo chuyên đề, giai đoạn sau mổ là giai đoạn có nhiều rối loạn về sinh lý bao gồm các biến chứng về hô hấp, tuần hoàn, kích thích, đau, rối loạn chức năng thận, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ... gây ra do gây mê hoặc do phẫu thuật. Vấn đề chăm sóc người bệnh sau mổ nói chung và mổ u buồng trứng nói riêng luôn là vấn đề hàng đầu của các cơ sở y tế trong và ngoài nước.

Chăm sóc, theo dõi các dấu hiệu triệu chứng, phát hiện sớm các biến chứng ngay sau mổ là rất quan trọng trong việc thành công của điều trị. Với vai trò này, các cơ sở điều trị luôn tìm mọi cách nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, tìm ra những vấn đề còn tồn tại và cải thiện chúng.

Quy trình chăm sóc bệnh nhân sau mổ sẽ gồm các bước như: Chăm sóc bệnh nhân ngay sau phẫu thuật và dấu hiệu sinh tồn, Dùng thuốc và chăm sóc giảm đau sau mổ, Theo dõi nhu động ruột sau mổ, Chăm sóc đại tiểu tiện, ống sonde, chăm sóc vết mổ, dinh dưỡng cho người bệnh hậu phẫu, chế độ tập luyện sau mổ...

Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại các cơ sở y tế nói chung và Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói riêng hiện đại, đồng bộ, sạch sẽ giúp người bệnh sau phẫu thuật u xơ tử cung cơ bản được chăm sóc đúng quy trình (theo dõi dấu hiệu sinh tồn, thay băng chăm sóc vết mổ, truyền dịch, dinh dưỡng, vận động...).

Quy trình phẫu thuật và chăm sóc không có tai biến, biến chứng gì, bệnh nhân hài lòng, bệnh không tái phát hay để lại bất cứ di chứng nào. Quy trình chăm sóc về dinh dưỡng người bệnh, chăm sóc sức khỏe sau ra viện bước đầu hình thành, có giá trị nhất định trong quá trình điều trị.

ĐDCKI. Lê Thị Minh (Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương)

Nguồn: Sức khỏe và đời sống