Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Chuyển tới trang đầy đủ

Bức tranh Dân số Thế giới: Những xu hướng chủ đạo

10/07/2019 | 14:58 PM

 | 

Thế giới đang có 7,7 tỷ người và đang trong cuộc đại chuyển đổi nhân khẩu toàn cầu. Nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), chúng ta cùng điểm lại bức tranh dân số thế giới và quan sát các xu hướng chuyển động chủ đạo của dân số thế giới…

 

 

Bức tranh Dân số Thế giới: Những xu hướng chủ đạo - Ảnh 1.

 

Quy mô dân số thế giới tiếp tục tăng nhưng tốc độ giảm

Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2019 của UNFPA, thế giới có 7,7 tỷ người, tăng gần 100 triệu người so với năm 2018. Dân số các nước đang phát triển chiếm tới 84%, các nước phát triển chỉ chiếm 16%. Châu Á đông nhất thế giới với hơn 4,5 tỷ người, châu Phi đứng ở vị trí thứ hai với gần 1,3 tỷ người. Khu vực ít nhất thuộc về Châu Đại dương với 41 triệu người.

Ở cấp độ quốc gia, ngôi vị đầu bảng thế giới vẫn là Trung Quốc (1,4 tỷ người) và đuổi sát nút là Ấn Độ (1,37 tỷ người). Dân số Ấn Độ hiện nay đông hơn cả dân số châu Phi. Ấn Độ sẽ soán ngôi Trung Quốc và giữ vị trí Quán quân vào năm 2030. Mỹ vẫn đứng ở vị trí thứ 3 với 329 triệu người. Cộng đồng ASEAN có các đại diện Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan thuộc nhóm 25 cường quốc về quy mô dân số trên thế giới.

Thế giới đạt 4 tỷ người vào năm 1974 và 13 năm sau có 5 tỷ người (năm 1987). Các tỷ người sau đó cũng trong khoảng sau 12-13 năm. Tuy nhiên, thế giới sẽ cán mốc 8 tỷ người sau 15 năm (năm 2027) và 19 năm sau đó mới đạt mốc 9 tỷ người (năm 2046). Điều đó cho thấy mặc dù quy mô dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng lên hàng năm nhưng tỷ lệ gia tăng dân số đã giảm đi.

Mức sinh ngày càng giảm

Năm 2019, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) có 2,5 con. Ngoại trừ khu vực châu Phi (4,7 con) và các nước Arab (3,3 con), các khu vực còn lại trên thế giới đều ghi nhận mức sinh đạt và dưới mức 2,1 con.

Mặc dù mức sinh của lục địa đen còn cao nhưng quan sát mức sinh các khu vực và thế giới từ năm 1950 đến 2025 đều ghi nhận xu hướng mức sinh giảm, thấp chí còn xuống mức rất thấp như tại châu Âu là 1,66 con, Bắc Mỹ là 1,86 con vào giai đoạn 2020-2025.

Việc mức sinh ở mức xung quanh mức sinh thay thế cũng không có gì đáng bàn nếu như không có hiện tượng mức sinh ngày càng tụt dốc. Thảm trạng về mức sinh thấp vẫn tiếp tục cho đến hiện nay và có xu hướng gia tăng. Thế giới hiện có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức sinh từ 2,1 trở xuống, trong đó có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ từ 1,8 con trở xuống. Một số nước có mức sinh rất thấp như: Portugal (1,2 con), Moldova (1,2 con). Singapore (1,3 con), Hàn Quốc (1,3 con), Poland (1,3 con), Spain (1,4 con), Hungary (1,4 con)…

Mức chết tiếp tục giảm

Báo cáo Tử vong Thế giới năm 2017 của LHQ cho thấy, tỷ suất chết thô của thế giới hiện nay là 7,7%o. Thành công của chương trình KHHGĐ, y khoa và những nỗ lực của cộng đồng thế giới chung tay xóa đói giảm nghèo đã làm cho mức chết của trẻ em, bà mẹ giảm đi nhanh chóng. Theo WHO, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi trên thế giới là 31%o và tỷ số tử vong bà mẹ là 216.

Báo cáo Xu hướng và mức chết của trẻ em trên thế giới, 2018 của UNICEF cho thấy tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh là 18%o, tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi là 39%o. Tuy mức chết này còn cao nhưng đã là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng thế giới bởi năm 1990, các tỷ suất này lần lượt là 37%o và 93%o.

Cơ cấu dân số thế giới: Tháp, Chuông, Thùng

Mức sinh, mức chết là những yếu tố căn bản tác động vào cơ cấu dân số thế giới. Xu hướng mức sinh, mức chết giảm trong hàng thế kỷ qua đã làm biến đổi cơ cấu dân số thế giới từ hình tháp sang hình chuông và sẽ là hình thùng, hình tháp lộn ngược. Giữa thế kỷ này, hình thùng của dân số thế giới sẽ xuất hiện.

Sự chuyển đổi nhân khẩu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Nhóm dân số dưới 15 tuổi chiếm 26%, nhóm dân số 65+ tuổi chiếm 9% và chiếm tỷ trọng lớn nhất hiện nay là nhóm dân số trong độ tuổi lao động, 65%. Nhiều khu vực, quốc gia đang có được những dư lợi nhân khẩu. Đây chính là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nền kinh tế thế giới và từ đó đầu tư ngược trở lại cho con người, cho sự phát triển bền vững.

Già hóa dân số là đặc trưng thế kỷ 21

Thế kỷ XXI là thế kỷ của già hoá dân số. Với 9% nhóm dân số 65+, thế giới đang ở thời kỳ già hóa dân số và năm 2050 là thế giới già nua. Tỷ trọng này của nhóm nước phát triển là 20%. Châu Âu, châu Á - Thái Bình dương, khu vực Bắc Mỹ và vùng biển Carribbean đều đang già hóa.

Nâng cao tuổi thọ vừa là niềm mơ ước và là thành tựu vĩ đại nhất của loài người. Nếu như năm 1969, con người chỉ thọ trung bình 56 năm thì đến năm 1994 đã là 65 tuổi và hiện nay là 72 tuổi.

Trong số các quốc gia đã và đang quá trình già hoá dân số hay dân số già đều triển khai nhiều chính sách, chương trình nhằm thích ứng với sự biến đổi nhân khẩu lớn lao này.

Di cư ngày càng trở nên phức tạp

Di cư là một thuộc tính của loài người. Theo Báo cáo Di cư Toàn cầu năm 2018 của Tổ chức Di cư Quốc tế, thế giới có 258 triệu người di cư quốc tế. Trong đó có 124,8 triệu phụ nữ và 36,1 triệu trẻ em. Các dòng di cư chủ đạo là từ Bắc xuống Nam, từ Nam đến Nam và từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển. Khoảng 2/3 người di cư quốc tế đang sinh sống tại châu Âu và châu Á.

Di cư mang đến những thách thức cho cả nơi đi và nơi đến như khuyến thế hệ, trốn thuế, dịch vụ xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xung đột nhưng cũng mang đến những lợi thế như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao thoa văn hóa…

Người di cư có nhiều lý do nhưng chủ yếu vì việc làm, chiếm tới 58%. Chiếm gần 10%, di cư tị nạn vẫn là một thách thức lớn cho nền hòa bình thế giới, đặc biệt trong những năm gần đây. Các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, chính trị, biên giới lãnh thổ… vẫn đang diễn ra cùng với đó là biến đổi khí hậu, tan băng, nước biển dâng, sa mạc hóa, biến đổi nhân khẩu, già hóa dân số … buộc con người phải di cư.

Bất luận thế nào và mặc các cuộc họp không lời kết của các nhà lãnh đạo thế giới, khu vực, quốc gia thì bên ngoài phòng họp, các cuộc di cư vẫn đang cuồn cuộn diễn ra./.

Nguồn: Báo Gia đình xã hội