Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Chuyển tới trang đầy đủ

Bệnh viện Phổi Trung ương: Giao ban hoạt động phòng chống lao năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019

22/03/2019 | 16:10 PM

 | 

Chiều ngày 21/3/2019 tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương: Giao ban hoạt động phòng chống lao năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019. GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trường thường trực Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế.

GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS. Lê Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Tại Việt Nam, những năm qua, công tác phòng, chống lao đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100 nghìn người mắc lao mới, đạt tỷ lệ 81% số mắc mới hằng năm, cao hơn mức trung bình trên thế giới (61%). Duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao, hơn 92% cho người mới mắc lần đầu và 75% cho người mắc lao đa kháng thuốc nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng thuốc đơn thuần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số này trung bình toàn cầu là 52%.  

Đối với lao siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị mới và dần mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc trong cộng đồng. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, bao gồm kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao bằng máy Gene Xpert, kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy nhanh…

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phát hiện chủ động trong nhóm người tiếp xúc và mở rộng cộng đồng đã cho kết quả rất tốt. Nếu phát hiện bằng Xpert trong cộng đồng người dân mỗi năm một lần, thì sau một năm có thể giảm 20% và sau ba năm có thể 46% dịch tễ bệnh lao, cùng với tác động của chương trình thường quy đã làm giảm hơn 70% số mắc lao ở quần thể nghiên cứu trong vòng bốn năm. Đây là bằng chứng vô cùng quan trọng không những cho Việt Nam mà còn cả thế giới, về việc chấm dứt bệnh lao có thể xảy ra nếu chúng ta đầu tư đúng cách. Từ kết quả nghiên cứu, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang - Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp bảy lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu điều trị lao tiềm ẩn trong cộng đồng đang được tiến hành và được đánh giá có khả năng làm giảm mạnh tỷ lệ mắc mới. Các nhóm nguy cơ cao đều đã được thí điểm các can thiệp hiệu quả như lao trong trại giam, nhóm thợ mỏ, nhóm bệnh mãn tính, nhóm có HIV, nhóm nghiện chích ma túy…

 

Quang cảnh Hội nghị

Đáng chú ý, hệ thống y tế phòng, chống lao và bệnh phổi toàn quốc cũng đã có 51 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế, tạo nên mạng lưới phòng, chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.

Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần một (năm 2007), lần hai (năm 2017) và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8%/năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% số người bệnh lao thường và 98% số người bệnh lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa (tức là phải tiêu tốn hơn 20% thu nhập của cả gia đình trong một năm do mắc lao); 70% số người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao là một vấn đề ảnh hưởng kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao, Việt Nam đưa ra chủ đề: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” để nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể, đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030. Khi đó, với số dân khoảng 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao một năm. Đáng chú ý, Việt Nam được đánh giá là nước mở đường và mô hình thành công triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu. WHO nhận định, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao…

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết: Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về chấm dứt bệnh lao ngày 26/9/2018, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao/năm.

Thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay được xác định là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Bên cạnh đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống lao của Bệnh viện Phổi Trung ương và các cơ sở y tế trong thời gian qua.

 Đồng chí Thứ trưởng thường trực Nguyễn Viết Tiến cho biết: mặc dù kinh phí còn hạn hẹp nhưng với đội ngũ cán bộ chất lượng cao, năm qua, công tác phòng chống lao đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Thứ trưởng yêu cầu Bệnh viện Phổi Trung ương cần có những kế hoạch cụ thể, chi tiết để tiếp tục đạt được những kết quả cao trong phòng chống lao từ năm 2018-2020. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng như các cơ sở y tế khác cũng cần phải quan tâm đến chương trình phòng chống lao quốc gia hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

 

GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế trao Bằng khen cho đại diện tập thể và cá nhân do có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống lao

Tại Hội nghị, nhiều tập thể và cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế do có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống lao trong Chương trình phòng chống lao quốc gia./.