Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS)

16/11/2020 | 10:23 AM

 | 

Ngày 16/11/2010, Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, chiều 16/11, Quốc hội nghe tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số nội dung

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngày 08/10/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, tại kỳ họp thứ 10 (ngày 23/10/2020), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật. Ngay sau Phiên thảo luận trực tuyến tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra gửi văn bản đề nghị Chính phủ, các Bộ, cơ quan có liên quan phối hợp báo cáo tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thể hiện quan điểm chính thức về một số quy định có liên quan của dự thảo Luật; tổ chức một số cuộc làm việc với các Bộ, ngành có liên quan, hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức trực tiếp làm công tác phòng, chống HIV/AIDS để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật như sau:

Về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 1 vào Điều 30 quy định người đứng đầu cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm thực hiện việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hình thức, quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV. Đối với ý kiến đề nghị bổ sung “người chung sống như vợ chồng”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến đại biểu là rất xác đáng và đã chỉ đạo bổ sung vào điểm b, khoản 2 Điều 4 quy định nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho “người chung sống như vợ chồng” với mình. Quy định này sẽ đảm bảo tính khả thi và tính bảo mật thông tin hơn việc giao cho cơ sở xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó, các đối tượng được tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV (bao gồm kết quả xét nghiệm HIV dương tính, tình trạng điều trị...) của người nhiễm nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác giám sát dịch tễ, giám định và thanh toán bảo hiểm y tế, quản lý khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV... phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cũng phải phải bảo đảm nguyên tắc giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV.

Về kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để duy trì tính ưu việt của chính sách hiện hành, đồng thời bảo đảm tính khả thi, tính công bằng giữa các nhóm đối tượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn. Bên cạnh đó, như Báo cáo của Chính phủ đã nêu, không phải tất cả phụ nữ mang thai đều có nguy cơ lây nhiễm HIV, nên phụ nữ mang thai không thuộc nhóm có nguy cơ cao thì không thuộc đối tượng xét nghiệm HIV bắt buộc. Còn nếu bổ sung nhóm đối tượng khám tiền hôn nhân, người khám tiền mang thai được miễn phí xét nghiệm HIV thì kinh phí phát sinh sẽ rất lớn, không bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách nên xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật đã chỉnh lý.

       Toàn cảnh Phiên họp

Về tiếp cận thuốc kháng HIV, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung đối tượng được cấp miễn phí thuốc kháng HIV là người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn; người nhiễm HIV tại cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội và nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác vào khoản 2, Điều 39. Đồng thời, bổ sung cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội và nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác vào Điều 45 của Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của văn bản. Đối với đề nghị bổ sung người trong Tổ tư vấn cộng đồng, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, điểm a khoản 2 Điều 39 đã bao gồm những đối tượng này khi làm nhiệm vụ mà bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật hiện hành, việc cấp miễn phí thuốc kháng HIV cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 do ngân sách nhà nước bảo đảm; một số trường hợp sử dụng thuốc kháng HIV do nguồn viện trợ hỗ trợ. Mặt khác, nguyên tắc của Quỹ bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế. Do vậy, xin phép Quốc hội không bổ sung quy định về nguồn kinh phí để cấp miễn phí thuốc kháng HIV trong dự thảo Luật.

Về nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và trên cơ sở quy định tại Điều 40 của Luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 43 và bổ sung Quỹ bảo hiểm y tế là nguồn tài chính cho phòng, chống HIVAIDS. Đối với vấn đề xã hội hóa nguồn lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung này đã được quy định tại Điều 6 và một số điều khoản khác của Luật hiện hành. Đồng thời, việc bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS được điều chỉnh theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Do vậy, xin phép Quốc hội cho không bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cũng nêu rõ, các ý kiến đóng sâu sắc, xác đáng về nội dung, về chữ, về nghĩa, kỹ thuật xây dựng văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trân trọng tiếp thu tối đa ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý kỹ thuật đối với toàn bộ dự thảo Luật để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội bảo đảm rõ ràng về văn phong, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật./.

Nguồn: Quochoi.vn


Thăm dò ý kiến