Thời tiết chuyển mùa, số trẻ em mắc bệnh hô hấp tại TPHCM tăng
10/10/2024 | 08:58 AM
|
Những tuần gần đây, số trẻ tại TPHCM mắc các bệnh lý hô hấp tăng cao. Dự đoán, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tiếp theo.
Theo hệ thống giám sát ca bệnh viêm hô hấp của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), trung bình mỗi tuần TPHCM có khoảng 17.000 ca bệnh viêm hô hấp cấp tính. Số ca bệnh diễn tiến dao động theo mùa, theo đó, tháng 2 và tháng 3 có số ca bệnh thấp nhất, từ tháng 10 đến tháng 12 có số ca bệnh cao nhất với hơn 20.000 ca/tuần. Đáng chú ý, khoảng 60% tổng số ca mắc bệnh là trẻ em.
Số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy, những tuần gần đây số ca bệnh tới thăm khám và điều trị các bệnh hô hấp tăng cao so với trước đây.
Theo BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, khoảng 2 tuần nay, số bệnh nhân tới thăm khám các bệnh hô hấp tăng cao. Lượng bệnh nhi nhập viện nội trú tăng 20-25% so với 1 tháng trước đây. Hiện, khoa đang điều trị nội trú cho khoảng 210 bệnh nhi mắc bệnh hô hấp.
Đa số các trẻ mắc bệnh hô hấp đều dưới 5 tuổi. Ảnh: P.T.
Số ca bệnh tăng, tuy nhiên, HCDC cho rằng, đây là hiện tượng gia tăng bệnh hô hấp phổ biến và thường xảy ra hàng năm. Theo đó, giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, số trẻ em nhập viện với các bệnh lý hô hấp do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa… tăng cao là do các bệnh hô hấp thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus và vi khuẩn phát triển.
Do đó, sự gia tăng của các ca bệnh hô hấp trong những tuần qua nằm trong diễn tiến thông thường hàng năm, phụ huynh không nên quá lo lắng.
Chị Nguyễn Giang (ngụ tỉnh Bình Phước) đang chăm con tại phòng Cấp cứu, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ: "Sau 3 ngày sốt cao, con tôi bắt đầu tím tái toàn thân. Gia đình đã đưa cháu nhập bệnh viện địa phương và được chuyển cấp cứu xuống Bệnh viện Nhi đồng 2. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi nặng cần nhập viện điều trị".
BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong cho biết: "Các bệnh nhi nhập viện đều dưới 5 tuổi, nhiều trẻ dưới 3 tuổi. Phần lớn các bệnh nhi bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Các trẻ chủ yếu nhập viện ở mức độ trung bình nặng với các triệu chứng như ho, sốt, khó thở… nhiều trường hợp phải hỗ trợ thở máy. Hiện phòng cấp cứu đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhi (10-15% điều trị tại khoa)".
Nhiều phụ huynh thường bỏ qua những dấu hiệu ban đầu cảnh báo bệnh khiến trẻ trở nặng. Ảnh: P.T.
Theo BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong, khi trẻ xuất hiện những triệu chứng ban đầu cảnh báo bệnh như sổ mũi, ho, chảy mũi… nhiều phụ huynh thường bỏ qua khiến trẻ nhập viện muộn, gây khó khăn cho quá trình điều trị, nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm tăng cao.
"Ngay khi trẻ xuất hiện những triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt, ho đàm, nghẹt mũi… phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám để có hướng xử trí kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không chủ quan với bệnh, không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Khi trẻ có những dấu hiệu cảnh báo nặng như ho, khó thở, thở nhanh, sốt cao khó hạ… cần nhanh chóng đưa trẻ tới bác sĩ có chuyên khoa gần nhất để được hỗ trợ kịp thời", BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong cảnh báo.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, số ca bệnh hô hấp sẽ tiếp tục tăng cao, đỉnh dịch sẽ vào tháng 11 và kéo dài.
Bệnh hô hấp là bệnh lây qua đường không khí nên khả năng lây lan trong môi trường lớp học rất cao. Vậy nên, để bảo vệ trẻ, phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn này, ngành y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục cần thực hiện các biện pháp sau:
-
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học: Các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo cần thường xuyên vệ sinh lớp học và giữ thông thoáng lớp.
-
Tăng cường theo dõi sức khỏe của trẻ: Các cơ sở giáo dục cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế.
Bệnh nhi đang điều trị tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: P.T.
-
Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh.
-
Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt: Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.
-
Tiêm chủng đầy đủ: Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Việc tiêm chủng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Theo ngành y tế TPHCM, tình hình bệnh hô hấp tại thành phố vẫn đang được kiểm soát tốt và chưa có dấu hiệu bất thường so với các năm trước vậy nên phụ huynh không nên quá lo lắng, thay vào đó cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và gia đình.
Để ứng phó với tình trạng bệnh nhân tăng cao, ngành y tế TPHCM đã tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan
- Thuốc kháng virus thế hệ mới mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch HIV/AIDS
- New Zealand ngừng xuất khẩu gia cầm sau khi phát hiện gà nhiễm cúm H7N6
- Cụ ông 86 tuổi để lại di nguyện hiến mô tạng hồi sinh sự sống cho bệnh nhân khác
- WHO: Tử vong do nhiễm HIV/AIDS tăng vọt ở Tây Thái Bình Dương
- Diễn biến mới về bệnh bạch hầu ở Cao Bằng
- Khuyến khích người dân tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm