Tăng nguy cơ vô sinh nếu trẻ vị thành niên mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV
18/11/2024 | 09:32 AM
|
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp như: HIV, lậu, giang mai, chlamydia, sùi mào gà, herpes sinh dục, viêm gan B, C… nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì, biểu hiện thế nào?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV là bệnh mắc phải do quan hệ tình dục với người có bệnh, bằng đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn. Các bệnh này lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh lây truyền qua đường tình dục rất đa dạng, phong phú và có thể có nhiều biến chứng nếu không được xử lý kịp thời. Chẩn đoán chính xác các căn nguyên gây bệnh chủ yếu dựa vào các xét nghiệm.
Các triệu chứng chung của bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm:
Ở nữ giới có dịch bất thường chảy ra từ âm đạo hoặc đầu dương vật ở nam giới kèm theo tiểu đau, tiểu rát hoặc buốt.
Hoặc các vết loét, hay mụn nước, nốt sùi xuất hiện ở cơ quan sinh dục. Nổi hạch bẹn.
Đau bất thường ở vùng bụng dưới ở nữ mà không liên quan gì đến chu kỳ kinh nguyệt. Đau khi giao hợp ở nữ hoặc có ra máu sau quan hệ tình dục...
Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi được không?
Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không phải bệnh lây truyền qua đường tình dục nào cũng có thể chữa khỏi được:
Đối với một số bệnh do virus gây ra như: HIV/AIDS, herpes, viêm gan B hiện chỉ có thuốc ức chế, tức là kìm hãm sự phát triển của virus mà chưa điều trị được khỏi hoàn toàn.
Đối với các bệnh chữa được như: giang mai, lậu, Chlamydia,… thì cần phát hiện sớm và điều trị đúng để tránh các biến chứng về sau. Tuy nhiên vẫn có thể tái phát nếu lại quan hệ với người mắc bệnh.
Cần hiểu đúng về bệnh lây truyền qua đường tình dục:
Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục không phải là kết thúc.
Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể được chẩn đoán và điều trị dễ dàng.
Cần phải điều trị cùng lúc cho cả bạn tình để tránh bị mắc lại.
Khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó có HIV ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.
Nguy cơ khi trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên mắc HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Theo CDC Hoa Kỳ, năm 2021 có 20% ca mắc HIV mới gặp ở lứa tuổi 13-24. Một nửa trong số 20 triệu ca mắc mới bệnh lây truyền qua đường tình dục thuộc lứa tuổi 15-24.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, tỉ lệ người bệnh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục là học sinh thuộc lứa tuổi 12 – 18 là 4,2% và nhóm sinh viên từ 18 - 22 là 22,6% (chiếm khoảng 1/4 số bệnh nhân đến khám mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục).
Khi mắc HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Cụ thể:
Gây ra sự mặc cảm của bệnh nhân với xa hội, nếu như bị lộ thông tin có thể gây ra sự kì thị của xã hội với người bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý chưa được vững vàng của người bệnh ở lứa tuổi này.
Những người bệnh này thường thiếu kiến thức, đẫn tới khám phát hiện và điều trị muộn, trở thành nguồn lây cho cộng đồng.
Với bản thân người bệnh, khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục kéo dài không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ vô sinh cũng như các di chứng của bệnh.
Phòng tránh HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục
HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu bạn có ý thức bảo vệ chính mình và có những kiến thức cơ bản về sức khỏe tình dục.
Dưới đây là những lưu ý giúp bạn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục:
Chung thủy, một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người đặc biệt là với gái mại dâm.
Sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục.
Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ trước và sau mỗi lần quan hệ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
Không sử dụng ma túy
Hạn chế đồ uống có nồng độ cồn.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Hơn 3.000 trẻ 6-9 tháng tuổi ở TPHCM được tiêm vaccine sởi
- Chia sẻ thông tin, cập nhật kiến thức chuyên ngành da liễu tại hội nghị "ba trong một"
- Tập luyện quá sức, huấn luyện viên thể hình bị nhồi máu cơ tim cấp
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo khám chữa bệnh từ xa cho người dân vùng cao
- Tăng thuế thuốc lá thực hiện càng sớm giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội
- Người lớn mắc sốt xuất huyết có bị biến chứng nguy hiểm không?
- Đẩy mạnh giám sát, hậu kiểm cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm