Nghệ An triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ 1- 5 tuổi
07/11/2024 | 09:01 AM
|
Trẻ từ 1 - 5 tuổi tại Nghệ An chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine sởi sẽ được tiêm phòng miễn phí từ ngày 25/10 đến hết tháng 11/2024, góp phần phòng ngừa dịch sởi hiệu quả.
Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi, do UBND tỉnh Nghệ An ban hành vào ngày 8/10. Nguồn vaccine do Bộ Y tế cung ứng, triển khai trên toàn tỉnh.
Chiến dịch đặt mục tiêu đặt ra trên 95% trẻ tù 1 - 5 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi, được tiêm một mũi vaccine phòng sởi - rubella. Nhân viên y tế nguy cơ cao mắc sởi cũng được chủng ngừa miễn phí nhằm tăng hiệu quả dự phòng.
Sáng sớm, nhiều phụ huynh đã có mặt tại trường mầm non Tuổi Thơ chờ đến lượt tiêm, trong khi các cán bộ y tế làm việc hết sức tích cực để đảm bảo quá trình tiêm chủng diễn ra nhanh chóng và an toàn.
Sáng 6/11, ghi nhận tại điểm tiêm chủng Trường mầm non Tuổi Thơ (Phường Vinh Tân, TP Vinh), chưa tới 8 giờ sáng, đã có rất đông phụ huynh đưa trẻ đến để tiêm vaccine.
Chị Trần Phương Thảo (28 tuổi, phường Vinh Tân), đang bế con chờ đến lượt, cho biết, "Gần đây, tôi thấy trên báo chí có thông tin và phường xã cũng dán nhiều thông báo về dịch sởi, nguy cơ lây nhiễm ở trẻ rất cao. Con tôi chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine, nên rất lo lắng. Khi biết phường tổ chức tiêm vaccine sởi miễn phí cho trẻ, tôi đã quyết định đưa con đi tiêm ngay để đảm bảo an toàn cho bé."
Ông Hoàng Thế Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh cho biết, ngày 6/11 là ngày thứ hai TP Vinh triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Trước đó, trong ngày đầu chiến dịch, tại các phường Trường Thi và Bến Thuỷ, Trung tâm đã tiêm được hơn 500 liều vaccine. Qua công tác rà soát, TP Vinh hiện có hơn 3.000 trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa tiêm mũi nào, và khoảng 8.000 trẻ đã tiêm mũi đầu tiên.
Ông Hoàng Thế Tùng – Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh giám sát tại điểm tiêm trường mầm non Tuổi Thơ sáng 6/11.
"Trung tâm huy động toàn bộ nhân lực để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lần này. Các trạm sẽ tổ chức tiêm trong suốt cả tuần tại các điểm tiêm cố định ở trạm y tế và trường học. Theo kế hoạch, thành phố sẽ hoàn thành chiến dịch trong tháng 11," ông Tùng nói.
Được biết, TP Vinh sẽ tiếp tục rà soát tất cả trẻ cư trú trên địa bàn, kể cả trẻ vừa theo cha mẹ đến sinh sống, lập danh sách tiêm chủng, tránh tình trạng bỏ sót trẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS. Nguyễn Trọng Di, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, Nghệ An ghi nhận các ca mắc sởi rải rác, không có trường hợp tử vong. Tính đến ngày 3/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 245 ca mắc sởi, trong đó hầu hết các bệnh nhân có tiền sử chưa tiêm vaccine sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Số ca mắc sởi có xu hướng tăng tại các địa phương như TP Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Bên cạnh đó, khu vực thành phố có mật độ giao thương cao, di biến động dân cư nhiều. Cùng với điều kiện thời tiết giao mùa, mưa ẩm như hiện nay, dịch bệnh có thể phát sinh.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm, đảm bảo trẻ đủ điều kiện tham gia tiêm chủng an toàn. Hình ảnh tại một điểm tiêm ở TP Vinh.
Tổng số đối tượng trong chiến dịch bao gồm 39.445 trẻ em từ 1-5 tuổi và 6.309 cán bộ y tế, tổng cộng là 45.754 người.
Theo CDC Nghệ An, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus. Tốc độ lây lan nhanh hơn cúm và COVID -19, một người nhiễm có thể lây cho 12-18 người. Virus sởi hoạt động và lây lan trong không khí hoặc trên bề mặt bị nhiễm bệnh trong tối đa hai giờ. 90-100% người chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc bệnh đều sẽ bị lây nếu tiếp xúc mầm bệnh.
Nhân viên y tế tiến hành tiêm vaccine sởi cho trẻ mầm non, đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn và chính xác.
Ban đầu, triệu chứng bệnh tương tự cảm cúm thông thường như sốt, xuất tiết mũi, họng, mắt sau đó tăng nặng thành sốt cao, viêm đường hô hấp, phát ban. Giai đoạn lây nhiễm bệnh thường xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi phát ban.
Bệnh gặp nhiều hơn ở trẻ em, trong số các ca mắc sởi, có những trẻ mắc bệnh khi chưa đủ 9 tháng tuổi, tức là chưa đủ độ tuổi tiêm vaccine. Đối với những trường hợp này, cách duy nhất để phòng ngừa là thai phụ cần tiêm phòng sởi trước khi có ý định mang thai. Ngoài ra, các ca mắc sởi còn lại chủ yếu rải rác ở các địa phương, do trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đủ số mũi, không tiêm nhắc lại, dẫn đến không có đủ miễn dịch để chống lại dịch bệnh sởi.
Về tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Trọng Di cho biết thêm, vaccine được chủng ngừa cho người từ 9 tháng tuổi. Mỗi người cần tối thiểu 2 mũi, nhắc lại theo lịch để đảm bảo miễn dịch lâu dài và chặn bùng phát dịch trong cộng đồng. Việc tiêm mũi 2 cũng giúp tăng cường miễn dịch, cho hiệu quả lên đến 98%.
Vaccine không sử dụng cho thai phụ, do đó phụ nữ cần hoàn thành phác đồ chủng ngừa tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai. Người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine có thành phần sởi và sinh sống ở vùng dịch bệnh, sau một tháng có thể tiêm bổ sung một mũi để tăng kháng thể.
Ngoài vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm theo chiến dịch, trẻ em và người lớn có thể tiêm tại cơ sở dịch vụ, với loại phối hợp sởi - quai bị - rubella. Trong bối cảnh dịch bệnh, các mũi vaccine này có thể tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng, áp dụng với trẻ từ 1 tuổi.
"Hai nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch sởi lần này là tăng cường miễn dịch trong cộng đồng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%, bảo vệ trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm trẻ mắc bệnh mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch", bác sĩ Nguyễn Trọng Di, cho biết thêm.
Việc đảm bảo miễn dịch cộng đồng sẽ tạo ra một "bức tường chắn" quan trọng, giúp bảo vệ những trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được tiêm chủng. Nếu không được bảo vệ, những trẻ này có thể mắc bệnh và gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
- Giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc
- Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm
- Sáu quan điểm cơ bản xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế
- Số ca mắc sởi của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng
- Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan