Ngành Y tế Hà Tĩnh phòng chống dịch bệnh sau lũ
02/11/2023 | 12:29 PM
|
Mưa lớn những ngày qua khiến nhiều nơi ở Hà Tĩnh xảy ra tình trạng ngập lụt. Để ngăn chặn các loại dịch bệnh xảy ra sau khi nước rút, ngành Y tế Hà Tĩnh khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), mưa lũ làm 4.358 nhà dân, 4.652 giếng nước sinh hoạt, 7 trường học, 1 trụ sở UBND cùng hàng chục ngàn chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh bị ngập.
CDC Hà Tĩnh và Trung tâm Y tế huyện Hương Khê hướng dẫn, giám sát xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân tại xã Lộc Yên.
Ngay sau khi lũ rút, Th.S Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó với lũ lụt và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau lũ tại huyện Hương Khê.
Tại các điểm giám sát về xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường sau lũ, lãnh đạo CDC Hà Tĩnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện Hương Khê tập trung lực lượng, phối hợp chính quyền địa phương, trạm y tế xã ra quân xử lý môi trường và nước sinh hoạt cho nhân dân ngay sau khi nước rút.
"Sau mưa lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, các gia đình cần chú trọng vệ sinh các khu vực chuồng trại chăn nuôi. Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cần chủ động tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí để mua hóa chất xử lý môi trường và Cloramin B kịp thời cấp phát cho người dân vùng ngập lụt xử lý môi trường, nước sinh hoạt khi cần thiết", Th.S Nguyễn Chí Thanh cho biết.
Giám đốc CDC Hà Tĩnh trao thuốc, hóa chất xử lý nước sinh hoạt cho Trạm Y tế xã Hương Trạch để phục vụ nhân dân.
Để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh sau mưa lũ, CDC Hà Tĩnh chủ động cấp bổ sung 350kg Cloramin B và 55.000 viên Aquatab khử khuẩn nước sạch sinh hoạt cho huyện Hương Khê.
Trước đó, CDC Hà Tĩnh cấp 689.000 viên Aquatab khử khuẩn cho các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó riêng huyện Hương Khê được cấp 70.000 viên.
Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cùng cán bộ trạm y tế xã, y tế thôn xóm bị ngập hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh.
10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế:
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước;
7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.
9. Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Lào Cai
- Hơn 7,6 triệu dân TPHCM có thể khám bệnh bằng CCCD gắn chip
- Lâm Đồng thông tin chính thức về nguyên nhân sản phụ tử vong sau sinh
- Thời tiết chuyển mùa, số trẻ em mắc bệnh hô hấp tại TPHCM tăng
- Một huyện ở Hà Tĩnh ghi nhận 23 trường hợp mắc sởi
- Báo động đỏ toàn viện cứu sống bệnh nhân vỡ tim nguy kịch
- Dấu ấn hơn nửa thế kỷ phát triển của bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối