Khoảng 100.000 trẻ 1-10 tuổi ở TPHCM chưa được tiêm vaccine sởi
11/09/2024 | 09:35 AM
|
Sau 10 ngày triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, TPHCM có khoảng 100.000 trẻ 1-10 tuổi chưa được tiêm vaccine sởi (70%). Riêng Mái ấm Hoa Hồng có 11 trẻ được tiêm vaccine sởi.
Ngày 10/9, Sở Y tế TPHCM cho biết, sau 10 ngày triển khai tiêm chủng vaccine sởi (31/8- 9/9) đã có 19.821 trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vaccine sởi, chiếm tỷ lệ 32,6% trên tổng số 60.733 trẻ thuộc diện phải tiêm theo kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn thành phố.
70% trẻ từ 1-5 tuổi tại TPHCM chưa được tiêm vaccine sởi
Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, TPHCM có 437.412 trẻ được quản lý trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Căn cứ vào số liệu trẻ được quản lý trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, ước tính TPHCM có 60.733 trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, số trẻ đi học từ lớp 1 - lớp 5 (6 - 10 tuổi) là 633.036 trẻ (số liệu năm học 2023-2024). Nếu ước tính số trẻ chưa được tiêm đủ mũi chiếm 10% tổng số trẻ thì dự kiến có 63.303 trẻ từ 6 - 10 tuổi phải tiêm vaccine trong chiến dịch này.
Như vậy, ước tính TPHCM có khoảng gần 125.000 trẻ (60.733 trẻ 1 - 5 tuổi và 63.303 trẻ 6 - 10 tuổi) cần tiêm vaccine sởi trong chiến dịch này.
Tính đến hết ngày 9/9, toàn thành phố đã có 19.821 trẻ từ 1 - 5 tuổi được tiêm vaccine sởi, chiếm tỷ lệ 32,6% đối với nhóm trẻ từ 1-5 tuổi và chiếm 15% trong nhóm trẻ từ 1 -10 tuổi.
Về tiến độ tiêm vaccine, Sở Y tế TPHCM cho biết, 21 quận, huyện (ngoại trừ huyện Bình Chánh) đều có tiến độ tiêm dưới 60% so với số trẻ đã được lập danh sách.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch sởi, đảm bảo trẻ được tiếp cận với vaccine càng sớm càng tốt và an toàn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch sởi TPHCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức, quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể (cảnh sát khu vực, ban điều hành khu phố/ấp), huy động mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, cộng tác viên dân số trên địa bàn tập trung thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" lập danh sách trẻ từ 1 - 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi (không phân biệt thường trú và tạm trú), tiến hành vận động đưa trẻ đi tiêm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm với nhiều điểm tiêm trên địa bàn (tại trường học, trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tư nhân…) và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, TP Thủ Đức, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của học sinh và phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức tiêm chủng tại trường học hoặc trạm y tế.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, TP Thủ Đức, các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc ngành quản lý trên địa bàn thành phố lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của trẻ từ 1 - 10 tuổi và phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức buổi tiêm chủng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc trạm y tế.
Từ khi TPHCM công bố dịch sởi, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 trẻ mắc bệnh sởi. Hầu hết các ca bệnh đều chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi.
11 trẻ của Mái ấm Hoa Hồng được tiêm vaccine sởi
Chiều 9/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã giám sát công tác tiêm chủng vaccine sởi tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, TP Thủ Đức.
Trong đợt tiêm chủng này, trung tâm đã tiêm chủng cho 31 trẻ được nuôi dưỡng tại trung tâm. Trong đó, có 11 trẻ được chuyển từ Mái ấm Hoa Hồng (do chưa tiêm đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng) và 32 nhân viên trực tiếp chăm sóc trẻ tại trung tâm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình cho biết: "Phòng Y tế của trung tâm rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang có dịch sởi bùng phát. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế TPHCM để rà soát và sàng lọc các bé chưa tiêm hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng. Đợt này, trung tâm cũng đã tiến hành rà soát lịch sử tiêm chủng của các bé mới tiếp nhận từ Mái ấm Hoa Hồng để tiến hành tiêm chủng đầy đủ cho các bé".
Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cho hay: "Thành phố Thủ Đức đã huy động 4 bệnh viện gồm Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Việt và Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiến hành thành lập đội tiêm và đội cấp cứu để tham gia chiến dịch khi được huy động. Theo đó, mỗi bệnh viện sẽ có 1 đội tiêm và 1 đội cấp cứu".
Tại điểm tiêm Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, đội tiêm của Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và Bệnh viện TP Thủ Đức đã cùng phối hợp thực hiện. Đây là điểm tiêm đầu tiên tại TP Thủ Đức trong chiến dịch tiêm chủng sởi tại trường học và các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM nhận xét, buổi tiêm chủng diễn ra nghiêm ngặt, tuân thủ đầy đủ các quy định an toàn của Bộ Y tế. Các đội tiêm chủng và cấp cứu đã chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị y tế cần thiết. Trẻ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm. Không có trường hợp nào bị phản ứng sau tiêm.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Số ca được ghép giác mạc tăng 10% so với trước
- Chuyên gia quốc tế khám, phẫu thuật cho 120 trẻ dị tật bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn
- Cứu sản phụ nguy kịch băng huyết sau sinh
- Hồi sinh bàn tay bị dập nát cho người bệnh bị tai nạn lao động
- Bộ Y tế đồng loạt tổ chức chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá
- Chương trình 'Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn' dành 2 tỷ đồng khám sức khoẻ, tặng quà người dân Quảng Ngãi
- Ngứa kéo dài, sắc tố da thay đổi, sụt cân... đi khám phát hiện mắc sán dây chuột