Cứu bé trai người Campuchia viêm phổi, nhiễm trùng máu do cúm A

07/05/2023 | 08:58 AM

 | 

 

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa chữa trị thành công cho một bé 3 tuổi người Campuchia bị nhiễm cúm A, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết kèm tổn thương gan cấp.

Một trẻ 3 tuổi người Campuchia được chuyển từ Campuchia sang Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết kèm tổn thương gan. Bé sốt cao liên tục, ho đàm và thở mệt tăng dần cần hỗ trợ hô hấp.

Qua phim X-quang ngực kết quả cho thấy bệnh nhi tổn thương phổi 2 bên. Thông qua xét nghiệm test nhanh cúm ghi nhận bé bị nhiễm cúm A, chủng H1. Ngay sau đó bệnh nhi được chuyển từ khoa Nội tổng hợp sang khoa Nhiễm trong tình trạng đặt nội khí quản và thở máy.

Do thể trạng suy dinh dưỡng cùng tình trạng phổi xấu do nhiễm cúm nên bé phải thở máy với thông số cao, truyền dịch, dùng thuốc kháng virus và kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng, hỗ trợ nuôi ăn bổ sung dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng cho bé.

Sau hơn 2 tuần điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhi vượt qua được tình trạng viêm phổi, được cai máy thở và hiện tại bé có thể thở khí trời với tình trạng hô hấp ổn định, đồng thời ăn uống tốt qua đường miệng.

Bệnh nhi bị nhiễm cúm A, nhiễm trùng huyết và tổn thương gan đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. (Ảnh: BVCC).

BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ, có nhiều loại virus có thể gây ra các biểu hiện tương tự cúm A/H1N1 như như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức mình mẩy... Điển hình như virus đường hô hấp RSV, ở trẻ nhũ nhi có virus hợp bào hô hấp... Vậy nên rất khó để có thể phân biệt được cúm A/H1N1 với các loại virus khác.

Đặc biệt, virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại từ 1-2 ngày trong môi trường nhiệt độ thường. Trong môi trường ẩm, lạnh thì virus có thể tồn tại lâu hơn. Virus cúm A/H1N1 có thể gây ra những biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm não, viêm cơ tim, tổn thương đa cơ quan, suy đa cơ quan... Trong một số trường hợp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công vào tế bào phổi gây viêm phổi, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như rửa tay khử khuẩn thường xuyên, ăn uống đủ chất, mang khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đưa tay lên mặt, mũi, miệng.... một cách nghiêm ngặt. Ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ, tránh gặp các biến chứng nặng.

Theo: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến