Ca mắc tay chân miệng trong 5 tháng đầu năm không có dấu hiệu tăng đột biến
03/06/2023 | 08:58 AM
|
Báo cáo của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình dịch bệnh tay chân miệng cho biết, 5 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng. So với trung bình 5 năm gần đây số mắc chưa có dấu hiệu tăng cao đột biến.
5 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng
Bộ Y tế cho biết dịch bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16.
Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phong nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Theo Bộ Y tế, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Tại Việt Nam bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận cao vào tháng 9 - 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới.
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trưởng hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 03 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An. So với cùng kỳ 2022 (12.649/1) số mắc giảm 28%, tử vong tăng 02 trường hợp. Trong đó ghi nhận cao nhất tại Miền Nam (6.204/2), Miền Bắc (2.007/0), Miền Trung 316/0), Tây Nguyên (130/1).
Bác sĩ tại BVĐK Đông Anh (Hà Nội) khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng.
Phân bố số ca tay chân miệng theo tháng năm 2023: tháng 1: 1070 ca vong; tháng 2: 1.192 ca mắc/0 tử vong; tháng 3: 1.599 ca mắc /0 tử mắc/0 tử vong; tháng 4: 2.408 ca mắc /0 tử vong; tháng 5: 3.101 ca mắc /03 tử vong.
So với trung bình 5 năm gần đây số mắc chưa có dấu hiệu tăng cao đột biến, tuy nhiên số mắc trong các tuần gần đây đã có xu hướng gia tăng nhanh và đã ghi nhận 3 ca tử vong trong tháng 5 năm 2023.
Số ca mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nam (chiếm 60%), trẻ nữ chiếm 40% tổng số mắc.
Số ca mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).
Kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV71) trong tổng số mẫu được xét nghiệm, từ 5,9% tuần 14 năm 2023 lên 19,2% tuần 20 năm 2023. Sự xuất hiện của virus Enterovirus 71 (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh"- Báo cáo của Bộ Y tế cho biết.
Chủ động tăng cường, đôn đốc các hoạt động phòng chống dịch
Về các hoạt động đã triển khai, báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ, Bộ Y tế ban hành Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè, trong đó có bệnh tay chân miệng.
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch năm 2023 của Bộ Y tế số 1331/KH-BYT ngày 10/3/2023 và ban hành Công văn của Bộ Y tế hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch năm 2023 của Bộ Y tế.
Cùng đó Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với thành phần gồm các Cục, Vụ, Viện, Bệnh viện, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên toàn quốc và các đơn vị báo chí truyền thông.
Bộ Y tế cho biết Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch quốc tế và trong nước, đặc biệt tại các tỉnh ghi nhận số mắc gia tăng và triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương.
Duy trì truyền thông, khuyến cáo cộng đồng phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Duy trì đăng tải khuyến cáo phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác... trên website của Cục Y tế dự phòng, cung cấp thông tin cho báo chí để phối hợp tăng cường truyền thông cho cộng đồng chủ động phòng bệnh.
Trên thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tay chân miệng gặp ở các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Nhật Bản và phổ biến tại nhiều nước châu Á. Dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến 1 số quốc gia như Malaysia, đã có nhiều cơ sở bao gồm trường học, Trung tâm chăm sóc trẻ và Trường mầm non đã bị đóng cửa do căn bệnh này.
Bộ Y tế Malaysia đã thực hiện các biện pháp y tế công cộng, bao gồm tăng cường giám sát, tổ chức các chiến dịch truyền thông và tăng cường các biện pháp khử trùng, đặc biệt là đồ chơi và bề mặt bị ô nhiễm như sàn, bàn tại các trường học... để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh./.
Theo: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Nữ điều dưỡng hiến máu cứu người bệnh qua cơn nguy kịch
- Máy phát điện trục trặc, bác sĩ tuyến huyện nghẹt thở cứu bệnh nhân ngừng tim trong đêm mưa bão
- Hỗ trợ thuốc thiết yếu cho người dân vùng lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ
- Chăm lo sức khỏe người dân sau bão, lũ
- Bệnh viện Bạch Mai tập trung nguồn lực cứu 2 nạn nhân thôn Làng Nủ
- Bệnh viện K miễn phí lưu trú và suất ăn, người bệnh khó khăn, ảnh hưởng mưa bão yên tâm điều trị
- TPHCM xuất hiện nhiều ổ dịch sởi trong trường học