VS.TS.BS Dương Quang Trung: nhân tâm và y nghiệp

25/06/2014 | 07:10 AM

 | 

Đó là tựa đề cuốn sách do NXB Y học ấn hành, để tưởng niệm tròn một năm ngày mất của Thầy thuốc Nhân dân, VS.TS.BS Dương Quang Trung - người đầu tiên giữ cương vị giám đốc Sở Y tế TP.HCM (vào tháng 7.1975); là người sáng lập ra Viện tim TP.HCM, và trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch)...

VS.TS.BS Dương Quang Trung: nhân tâm và y nghiệp

"Có nhiều người làm được biết bao nhiêu chuyện, tôi chỉ là một viên gạch nhỏ ở đời thì sá chi chút sức của mình. Một viên gạch chả làm nên gì, phải cần có rất, rất nhiều viên gạch khác mà chất kết dính là tinh thần yêu tổ quốc" - VS.TS.BS Dương Quang Trung

Và buổi giới thiệu cuốn sách nhân dịp tưởng niệm ngày mất của vị lương y nổi danh này (22.6.2013 - 22.6.2014) diễn ra trong không khí thân tình tại địa điểm mà 25 năm trước ông góp công sáng lập - trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch. Gia quyến, bằng hữu, học trò... của ông đều chung niềm nhớ thương, luyến tiếc về "ông Bụt" của ngành y tế TP.HCM. Nhiều giọt nước mắt đã rơi trên những khuôn mặt biểu cảm dành cho người đã khuất cách nay tròn một năm... 

Bìa sách "Thầy thuốc Nhân nhân, VS.TS.BC Dương Quang Trung: nhân tâm và y nghiệp"

Cuốn "Thầy thuốc Nhân nhân, VS.TS.BC Dương Quang Trung: nhân tâm và y nghiệp" nói đúng hơn là một vựng tập với 500 trang, chia làm sáu phần. Phần một phác họa cuộc đời của người chiến sĩ tham gia cách mạng từ rất sớm, người du học sinh vừa theo học ngành y ở Pháp vừa hoạt động trong phong trào sinh viên yêu nước, người thầy thuốc đã theo tiếng gọi của tổ quốc trở về thủ đô Hà Nội rồi xông pha chiến trường miền Nam. Kế đến là những năm lãnh đạo ngành y tế TP.HCm với biết bao đóng góp để phát triển mạng lưới y tế cộng đồng, hệ thống khám chữa bệnh và đào tạo nhân lực cho thành phố.

Phần hai do các đồng nghiệp, cộng sự của ông kể lại những thành tích, những công việc cụ thể, những kỷ niệm khó quên khi làm việc chung với anh/chú Tư Trung (danh xưng thân mật của ông). Phần ba là những bài ký sự chân dung, phỏng vấn do các phóng viên đã viết về ông, một người thầy thuốc đầu đàn với những quan điểm cởi mở, những trăn trở và những suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề thời sự của ngành y tế. Những trang kế tiếp là những dòng cảm xúc của bạn bè, người thân nhớ về ông, một người "đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây", bày tỏ những tình cảm quý trọng, mến tiếc dành cho ông. Là người nặng lòng với ngành y, dĩ nhiên trọng tâm của cuốn sách không thể thiếu những bài viết, phát biểu của chính ông nhân những sự kiện quan trọng của ngành y, những dòng cảm xúc gửi vào mạch thời sự đăng trên các báo ký tên Dương Quang Trung. Phần còn lại của cuốn sách ghi lại những những tình cảm thương tiếc, hụt hẫng trước sự ra đi đột ngột của ông, những hình ảnh như những lát cắt cuộc đời một lương y trong cuộc sống và trong công việc.

Lãnh đạo thành phố, đồng nghiệp, học trò đến chúc mừng phu nhân của BS Dương Quang Trung - BS Võ Thị Lan (thứ hai từ trái qua) dịp ra mắt sách

Những lát cắt về sự xông pha của con người nhạy cảm và mẫn cán này, một người bằng cái Tâm và cả cái Dũng của người thầy thuốc đứng đầu ngành, ông đã gặp, trao đổi và được sự ủng hộ của bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt, khẩn trương tiến hành hàng loạt “phác đồ điều trị cấp cứu” cho thực trạng bác sĩ với năng lực chuyên môn được đề đạt, sử dụng xứng đáng, tiến hành chủ trương cho mở phòng mạch tư để nâng cao thu nhập cho người thầy thuốc… Rồi ca mổ tách đôi hai trẻ song sinh dính nhau Việt – Đức năm 1987 không chỉ cứu sống hai sinh linh bé bỏng, tật nguyền mà điều bây giờ mới nói là qua ca mổ ấy, bác sĩ Dương Quang Trung đã tập hợp được một đội ngũ hơn 60 thầy thuốc chế độ cũ, khơi gợi cho thấy sự tin tưởng của Nhà nước khi đặt lên dao mổ của họ trọng trách: họ sẽ thành công trong một ca mổ gay go mà ngay cả ở Nhật Bản với những tiến bộ vượt bậc trong ngành y cũng từ chối! Không ít lần đứng trước những vấn đề nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến cả sinh mạng chính trị của mình...

Nhà báo Minh Thu cho biết, trong bề dày những cống hiến của ông, giữa lấp lánh biết bao những công trình đậm đà tính nhân bản thì viện Tim TP.HCM xứng đáng được đánh giá là thành quả sáng chói. Viện được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1990. Ít người biết rằng để có được cơ sở này, ba lần bác sĩ Dương Quang Trung kiên trì thuyết phục giáo sư bác sĩ Alain Carpentier, nhà phẫu thuật tim danh tiếng châu Âu, viện trưởng viện tim Broussière, Paris – Pháp. Và ba lần ông bị vị giáo sư này khước từ vì những lý do: Việt Nam có tiếp nhận được một cơ sở y khoa kỹ thuật cao không? Bác sĩ Việt Nam có đảm đương được viện Tim không? Và người bệnh Việt Nam có đủ chi phí trang trải cho một ca mổ tim hở không? Cuối cùng ông đã thuyết phục được giáo sư Alain Carpentier, và viện Tim đã ra đời. Đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, thống kê cho thấy trên 20.000 người mắc bệnh tim cả nước, phần lớn là trẻ em đã được cứu sống bằng phương pháp mổ tim hở. Nếu không có viện Tim, hàng chục ngàn con người đã thiệt mạng oan uổng và hàng chục ngàn gia đình đã đau đớn mất người thân...

VS.TS.BS Dương Quang Trung (phải) và giáo sư Alain Carpentier, Pháp (người đồng sáng lập Viện tim TP.HCM)

Dù đó là hồi ký, ký sự nhân vật, phỏng vấn hay những dòng tự bạch với những trở trăn về ngành thì 500 trang chữ và hình ảnh đã vẽ nên bức tranh cuộc đời và phần nào lột tả nhân cách cao quý của ông; tất cả đều bật lên một con người sống một cuộc đời trọn vẹn của một người chiến sĩ cách mạng, một người thầy thuốc luôn nêu cao y đức, nặng với y nghiệp; một cuộc đời đáng để cho mọi người yêu mến và khâm phục, xứng đáng là tấm gương của ngành y tế Việt Nam.

...Và trao học bổng cho sinh viên trường y

Bs Trương Xuân Liễu, phó chủ tịch thường trực hội Y học TP.HCM, thành viên hội đồng biên soạn cuốn sách cho biết, mất gần một năm trời nhóm biên soạn đã dày công thu thập tài liệu, tiếp cận các nhân vật có liên quan đến ông Tư Trung để phác họa cuộc đời một một người anh cả của ngành y thành phố. Không chỉ là một cốn sách chứa đựng nhiều cảm xúc về một con người, cuốn sách gửi gắm đến người đọc, đặc biệt là những người trẻ theo ngành y những trăn trở, bộc bạch kinh nghiệm và nhắc nhớ bài học về y đức, y nghiệp mà VS.TS.BS Dương Quang Trung lúc còn sống vẫn đau đáu: "Trước hết phải học tập y đức song song với y nghiệp. Ngành y vừa là một khoa học và ở một mặt nào đó vừa là nghệ thuật mang tính nhân đạo rất cao, chứ không phải là một ngành kinh doanh hay một nghề bình thường. Người thầy thuốc làm việc không phải chỉ với khối óc, mà còn với con tim, với tấm lòng, với trách nhiệm và tình thương. Một thầy thuốc cần hiểu rõ và chý ý đến hoàn cảnh người mà mình có trách nhiệm chăm sóc".


Thăm dò ý kiến