Các biện pháp phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động
28/08/2024 | 15:27 PM
|
Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp, tác động đối với người lao động.
Bệnh nghề nghiệp khác biệt cơ bản với bệnh thông thường là phải gắn liền với yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp. Bất cứ bệnh nào không chứng minh được sự tiếp xúc nghề nghiệp là yếu tố chính gây nên bệnh thì không được coi là bệnh nghề nghiệp.
Ngày 09 tháng 02 năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, bổ sung thêm bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Như vậy, đến nay Việt Nam có 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám sức khỏe cho người lao động tại một công ty trên địa bàn tỉnh.
Diễn biến của bệnh nghề nghiệp
Bệnh nghề nghiệp thường diễn biến qua 3 giai đoạn là giai đoạn tiếp xúc (phơi nhiễm) quá mức với nguy cơ (yếu tố có hại); giai đoạn tổn thương sinh học và giai đoạn có biểu hiện lâm sàng.
Ở giai đoạn đầu tiên, tiếp xúc quá mức là tiếp xúc vượt giới hạn cho phép với 1 yếu tố có hại nào đó. Tại giai đoạn này thường chưa thấy bất cứ biến đổi sinh học hay lâm sàng nào có thể phát hiện được. Đến giai đoạn tổn thương sinh học, yếu tố có hại xâm nhập vào cơ thể gây các tổn thương sinh học như rối loạn chuyển hóa,…nhưng chưa gây ra (biểu hiện ra) các triệu chứng lâm sàng. Cuối cùng là giai đoạn có biểu hiện lâm sàng, các tổn thương sinh học sẽ dẫn đến các rối loạn chức năng, tổn thương mô với các biểu hiện lâm sàng. Giai đoạn có biểu hiện lâm sàng là giai đoạn bị bệnh thực sự và thường là nặng, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, một số bệnh không thể chữa khỏi được.
Các biện pháp phòng bệnh nghề nghiệp
Bệnh nghề nghiệp nói chung khó điều trị nhưng có thể dự phòng được. Mỗi yếu tố có hại gây bệnh, mỗi bệnh nghề nghiệp đều có những biện pháp dự phòng cụ thể. Tuy nhiên, điểm chung là doanh nghiệp và người lao động cần áp dụng các biện pháp sau để phòng bệnh nghề nghiệp:
Biện pháp kỹ thuật
Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định. Bao gồm: thay đổi quy trình công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường như thiết kế máy móc ít phát sinh yếu tố độc hại, ít ồn, rung; sử dụng dây truyền công nghệ tự động, kín; làm giảm các yếu tố độc hại bằng cách thông hút gió chung và tại chỗ, làm ướt,…; thay thế những chất độc hại bằng các chất ít độc hại hơn như benzen thay thế bằng các đồng đẳng ít độc; cấm sử dụng một số chất quá độc hại, nhiều nước đã cấm sử dụng như benzen làm dung môi hữu cơ, cấm dùng hóa chất trừ sâu clo hữu cơ.
Biện pháp y tế
Doanh nghiệp cần quan trắc định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động; khám sức khỏe tuyển dụng để bố trí người lao động đủ tiêu chuẩn sức khỏe ứng với mỗi vị trí lao động, với mỗi công việc có yếu tố có hại. Bên cạnh đó, người lao động cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh, tật, bệnh nghề nghiệp, giải quyết điều trị, phục hồi chức năng, điều dưỡng, giám định khả năng lao động và tách người lao động ra khỏi môi trường có yếu tố độc hại.
Biện pháp cá nhân
Bao gồm việc trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động cho đúng, đủ về chủng loại, số lượng và chất lượng theo các quy định của Bộ Lao động – Thương binh - Xã hội và Bộ y tế. Ngoài ra, cần hướng dẫn cho người lao động sử dụng đúng cách và bảo quản tốt các trang thiết bị bảo vệ cá nhân.
Biện pháp hành chính – tổ chức
Các đơn vị sử dụng lao động cần xây dựng nội quy an toàn – vệ sinh nơi làm việc, tổ chức thời gian làm việc – nghỉ giữa ca hợp lý, thể dục liệu pháp giữa ca,…Áp dụng các giải pháp ecgonomi can thiệp trong tổ chức lao động, như: sắp xếp vị trí làm việc hợp lý, phân công lao động hợp lý,…
Biện pháp truyền thông, giáo dục
Ngoài các biện pháp trên, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan quản lý trên địa bàn thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động thông qua tờ rơi, áp phích, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như loa, đài,...
Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo: BS.Hồ Thị Hồng, dongnaicdc.vn
Related news
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Một số thông tin về bệnh bụi phổi than
- Bộ Y tế tăng cường truyền thông về phòng chống bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do dung môi cho người làm công tác y tế lao động
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- Bệnh bụi phổi
- Tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp