Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nâng cao sức khỏe nhân dân

01/10/2020 | 10:29 AM

 | 

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong đó có việc cải thiện nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống các ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe luôn là một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.

 

Vệ sinh kém và sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra các dịch, bệnh đường tiêu hóa, giun sán, tay chân miệng, suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nước ta vẫn còn khoảng gần 25% hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, khoảng 2 triệu người vẫn phóng uế bừa bãi.

Nhiều địa phương vẫn còn có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp.Việc rửa tay với xà phòng vẫn chưa thành thói quen thường xuyên của nhiều người dân. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước bị tác động lớn của biến đổi khí hậu. Thay đổi các điều kiện khí hậu có nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh mới nổi tại Việt Nam trong tương lai cũng như gia tăng gánh nặng bệnh tật nếu như không có các giải pháp ứng phó kịp thời.

 Poster tuyên truyền vệ sinh cá nhân phòng chống dịch COVID-19 cho học sinh của Bộ Y tế

 

Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW khoá 12 đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nhấn mạnh: “tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân”, “bảo đảm người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh”. 

Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2017 cũng đã giao cho Bộ Y tế tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường thể chất “thực hiện ăn chín, uống sôi; giữ gìn vệ sinh môi trường sống, sử dụng nước sạch, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh”; xây dựng Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng nước sạch và Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu  ngành y tế giai đoạn 2019-2025 tầm nhìn đến năm 2030.

Để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt”; “Đề án Truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; và “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế giai đoạn 2019 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. 

Đây là các văn bản quan trọng để các đơn vị của Bộ Y tế, các Bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các Sở ngành liên quan, các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo cung cấp nước sạch và an toàn cho sức khoẻ người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Nghị quyết của Đảng.

 Poster hướng dẫn vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học của Bộ Y tế

Từ cuối năm 2019 tới nay, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) đã lây lan khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ; là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A thuộc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nghi ngờ, phòng, chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường.

Để phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, Cục Quản lý môi trường y tế đã xây dựng và trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, chung cư, hộ gia đình, nơi làm việc, ký túc xá, trường học ….

Trong đó, các biện pháp vệ sinh cá nhân rửa tay với xà phòng, vệ sinh khử khuẩn là một trong những biện pháp phòng, chống dịch quan trọng. Đây là những hướng dẫn rất quan trong, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở nước ta, làm cơ sơ cho các Bộ, ngành, địa phương áp dụng và tổ chức thực hiện.

Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp, các ngành, hiện tại ý thức về vệ sinh cá nhân trong đó việc rửa tay với xà phòng và vệ sinh môi trường, cụ thể là vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh đã dần trở thành thói quen của đại đa số người dân./.

 


Thăm dò ý kiến