Sáng 18/8: Một tuần nước ta có gần 15.000 ca COVID-19 mới; Xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại 20 đơn vị y tế

18/08/2022 | 14:11 PM

 | 

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều biến thể lây lan nhanh của Omicron đã xâm nhập vào nước ta; Bộ Y tế xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại 20 đơn vị trực thuộc...

Còn 14 ngày: Thêm biến thể mới xâm nhập, nhiều tỉnh vẫn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất chậmCòn 14 ngày: Thêm biến thể mới xâm nhập, nhiều tỉnh vẫn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất chậm

Ca COVID-19 nặng tăng vọt lên 226 trường hợp

Bộ Y tế cho biết ngày 17/8 có 2.814 ca COVID-19, trong ngày có gần 5.300 bệnh nhân khỏi; số ca nặng tăng vọt, cao nhất trong khoảng vài tháng qua; trong ngày có 3 trường hợp tử vong. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong khoảng 3 tháng qua, chỉ sau ngày 16/8, có gần 3.000 ca mới. Tổng số ca mắc mới trong 7 ngày qua ở nước ta gần 15.000 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.373.276 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.656 ca nhiễm).

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.040.338 ca. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, số bệnh nhân đang thở ô xy là 226 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 179 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 20 ca; Thở máy không xâm lấn: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 23 ca. Đây là số bệnh nhân COVID-19 nặng cao nhất trong vài tháng qua đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Sáng 18/8: Một tuần nước ta có gần 15.000 ca COVID-19 mới; Xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại 20 đơn vị y tế

Trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại

Nhiều biến thể lây lan nhanh của Omicron đã xâm nhập vào nước ta

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh.

Trong tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại và có thể gây quá tải hệ thống y tế.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.

Bộ Y tế xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại 20 đơn vị trực thuộc

Theo Quyết định ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, Bộ Y tế sẽ tiến hành xác minh tại 20/104 đơn vị thuộc, trực thuộc bằng hình thức xử dụng phần mềm máy tính. Cá nhân được xác minh là người có nghĩa vụ kê khai quy định tại điểm b, khoản 3, điều 36 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Tại mỗi đơn vị sẽ lựa chọn tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu đơn vị hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị.

Người được lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập đáp ứng các tiêu chí sau: Có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; Chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 4 năm liền tính từ ngày 30/12/2021 trở về trước.

Không lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập của những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử; đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên. Việc xác minh sẽ tiến hành trong quý 3 và 4 năm 2022.

Việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi tắt là người có nghĩa vụ kê khai) nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực, rõ ràng nội dung kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Thông qua công tác xác minh tài sản, thu nhập nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.

Xác minh tài sản, thu nhập nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng (nếu có) đối với người có nghĩa vụ kê khai; thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 597,2 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KCDA) của Hàn Quốc cho biết trong 24 giờ tính đến sáng 17/8, nước này ghi nhận thêm 188.033 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 21.682.816 ca kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát đến nay. Như vậy, đây là ngày có số ca mắc tăng cao nhất trong 18 tuần qua tính từ hôm 13/4 với 195.387 ca.

Số ca mắc mới nói trên cao gấp 2,1 lần so với mức 84.128 ca ghi nhận một ngày trước đó. Giới chức y tế cho rằng số ca mắc gia tăng đột biến là do Hàn Quốc vừa nghỉ lễ 3 ngày trong đó có 2 ngày cuối tuần nên số ca phản ánh kết quả xét nghiệm cộng dồn từ 2 ngày trước.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết số ca tử vong cao nhất ở Nhật Bản là 327 ca, được ghi nhận vào ngày 22/2/2022 – thời điểm nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 6. Sau đó, con số tử vong bắt đầu giảm dần và liên tục ở dưới ngưỡng 100 ca/ngày trong khoảng 4 tháng kể từ ngày 2/4.

Thậm chí, có lúc số ca tử vong còn giảm xuống dưới ngưỡng 10 ca/ngày trong một vài ngày. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 6, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản bắt đầu tăng trở lại và liên tục ở trên ngưỡng 100.000 ca/ngày.

Điều này khiến cho số ca tử vong tăng mạnh trở lại và liên tục ở trên ngưỡng 100 ca/ngày kể từ ngày 2/8. Thậm chí, trong tuần từ 9-15/8, có tới 6 ngày số ca tử vong ở trên ngưỡng 200 ca/ngày. Một trong những nguyên nhân khiến số ca tử vong ở Nhật Bản tăng cao là do hệ thống y tế ở nhiều địa phương đã trong tình trạng căng thẳng, khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 không được chữa trị kịp thời.

Trong tuần từ 8-14/8, số người mắc hoặc nghi mắc COVID-19 phải cấp cứu nhưng không tìm được bệnh viện đã tăng 2% so với tuần trước đó lên 6.747 người, trong đó có 2.836 người bị khó thở. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp con số này tăng./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến