Tổng thuật trực tiếp sáng 18/3: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính
18/03/2024 | 14:52 PM
|
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, 8h00 sáng 18/3/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính gồm: (1) Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; (2) Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; (3) Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; (4) Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Công an, Quốc phòng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước; được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung phiên họp:
8h00: Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự họp
Phát biểu mở đầu phiên Chất vấn, Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện quy định pháp luật về hoạt động giám sát, Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 về 2 lĩnh vực tài chính và ngoại giao.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà quốc hội, về phía Khách mời có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Về phía Quốc hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; cùng các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở trung ương, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, các đồng chí Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Tại 62 điểm cầu tại địa phương, có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, các đồng chí Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, các vị đại biểu Quốc hội công tác tại các địa phương, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh, thành phố và các sở ngành có liên quan tại địa phương.
Tiếp theo Chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc và chủ trì phiên chất vấn.
8h02: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế 334 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội, định kỳ hàng năm tại các phiên họp thường kỳ tháng 3 và tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn tại Thường vụ Quốc hội.
Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.
Phiên chất vấn được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng, nhà Quốc hội và được kết nối truyền hình trực tuyến tới 62 điểm cầu của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần này được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin và đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rà soát phạm vi là chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 và các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn tạo điều kiện cho tất cả các Bộ trưởng ngành đều được tham gia trả lời chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.
Theo đó, buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; Việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định sẽ điều hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tập trung vào các nhóm vấn đề: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Lưu ý thời gian chất vấn chỉ trong một ngày, để bảo đảm sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rõ ngắn gọn đi thẳng về vấn đề tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm mang tính xây dựng cao theo quy định, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn không quá một phút; thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Đồng thời, đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất căn cơ lâu dài đối với từng nội dung được chất vấn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, lĩnh vực quản lý đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình chất vấn, chủ tọa sẽ mời thêm một số thành viên Chính phủ tham gia giải trình, làm rõ thêm vấn đề. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.
8h10: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính
Điều hành phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên chất vấn về lĩnh vực tài chính, trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Cùng tham gia trả lời có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
8h11: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu về nhóm các vấn đề chất vấn
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 3 năm qua, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ thực hiện chính sách tài chính hiệu quả, trong đó thu ngân sách mặc dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức cao, nợ công giảm, chỉ số CPI đạt được mục tiêu đề ra, cân đối tài chính được giữ vững, kiểm soát hiệu quả xuất nhập khẩu để phát hiện kịp thời hàng cấm vào nội địa...
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình phát triển, luật pháp hoàn thiện, quy trình quản lý còn một số kẽ hở, Bộ trưởng mong đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để hoàn thiện quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính.
8h15: Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Giải pháp đảm bảo chất lượng trong mua bán hợp đồng bảo hiểm?
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay tình trạng người mua bảo hiểm được chào mời với chiết khấu cao, có tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức…
Theo đại biểu, điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm. Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?
8h17: Đại biểu Nguyễn Trường Giang- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Làm rõ đường mía nhập khẩu có phải chịu thuế quan hay không?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trường Giang- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết mặt hàng đường mía nhập khẩu có thuộc mặt hàng chịu thuế quan hay không?
8h18: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Làm rõ điểm mới liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, xổ số.
Đặt vấn đề tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết Bộ tài chính là một trong những cơ quan đứng đầu về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cũng rất quan tâm đến vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảoNghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 (2018), Nghị định 80 (2019) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Dự thảo Nghị định có điểm mới nào liên quan đến việc bán bảo hiểm và các tổchức tín dụng để giải quyết các vướng mắc hiện nay?
8h19: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi về việc chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.
Đối với ý kiến về nhập khẩu đường mía của Lào, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định 80, thực hiện cam kết quốc tế, đối với đường kính nhập trong khối ASEAN được hưởng thuế đặc biệt khi có đủ điều kiện được Bộ Công Thương cấp giấy phép nằm trong hạn mức nhập khẩu. Nếu nằm ngoài hạn mức nhập khẩu, không có giấy phép thì không được miễn thuế, không được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt về thuế.
8h24: Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng: Giải pháp về việc giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản cho bên thứ ba
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về hiện nay việc giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản hay tổn thất, thương tật về người và tài sản cho bên thứ ba theo hạn mức, trách nhiệm đã được cam kết còn gặp nhiều khó khăn, mức chi bảo hiểm thấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề này.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả công tác thanh tra về giá năm 2023 và giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra về giá trong thời gian tới.
8h26: Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Giải pháp ngăn chăn sai phạm trong việc bán sản phẩm nhân thọ thông qua các TCTD và chi nhánh ngân hàng
Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm này.
8h27: Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Khung pháp lý cấp phép đào tạo môi giới bảo hiểm?
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Công Hoàng đánh giá cao câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khung pháp lý trong để cấp phép đào tạo các đơn vị môi giới bảo hiểm trong thời gian tới?
8h28: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm năm 2023. Đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm hoặc cố tình có kéo, gây ra tranh chấp hiện có hai kênh giải quyết. Đó là gọi đến Cục Quản lý bảo hiểm sẽ có trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; Nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ được xử lý qua bộ phận điều tra hình sự.
Về phía Bộ Tài chính đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc; công ty bảo hiểm nào dây dưa, không trả bảo hiểm thì Cục Quản lý bảo hiểm của Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Công Hoàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính xác định giá tối đa, còn giá cụ thể do Bộ Y tế quyết định. Vì vậy, đối với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi công tác của từng bộ, từng bộ có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý trong phạm vi. Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn chung về chuẩn mực, về giá và hướng dẫn chung về cách xác định giá.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng như đại biểu nêu, trong đó có đó nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan khiến kết quả của cơ quan định giá sai; việc sử dụng phương pháp định giá khác nhau dẫn tới kết quả khác nhau và cách hiểu khác nhau. Việc xác định giá khởi điểm trong khi nhận thức cũng chưa nhiều, chưa đồng nhất. Vì vậy, vấn đề này cần được tuyên truyền và giải thích, để thống nhất cùng quan điểm. Cũng không loại trừ một số công ty cấu kết các doanh nghiệp để nâng giá và bị xử lý hình sự, ảnh hưởng đến quá trình là xác định giá.
Về bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ tài chính cho biết, chúng ta có 19 công ty bảo hiểm và chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước và 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài. Việc hoạt động chủ yếu do đại lý và nhân viên ở trong nước thực hiện, khi liên kết bán qua ngân hàng có thể do hành vi của nhân viên ngân hàng, cũng chưa xác định rõ vai trò của các Chủ tịch, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, cũng có thể do bảo hiểm liên kết để hưởng chi phí dịch vụ. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính xây dựng quy trình thanh tra kiểm tra để đảm bảo đúng quy định...
8h37: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Giải pháp hạn chế tiêu cực trong kiểm toán?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho hiết, theo Báo cáo, cả nước ta hiện nay có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp có sai sót, tiêu cực…
Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ giải pháp giải quyết tình trạng trên? Bên cạnh đó, đại biểu Hòa cũng đề nghị Bộ Trưởng đưa ra những giải pháp chấn chỉnh tình trạng hàng hóa cấm trót lọt qua cửa hải quan?
8h39: Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Giải pháp xóa bỏ tình trạng đánh bạc núp bóng đại lý bán vé của các Công ty Xổ số?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay, nhiều cá nhân núp bóng đăng ký là đại lý bán vé của các Công ty Xổ số, từ đó thực hiện các hành vi đánh bạc dưới hình thức ghi lô, đề.
Đại biểu Dung đề nghị Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý các đại lý như thế nào và có giải pháp gì để xoá bỏ tình trạng này trong thời gian tới?
8h40: Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai: Giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp thua lỗ do giá công trình xây dựng giao thông dân dụng thấp
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, giá công trình xây dựng giao thông dân dụng thấp nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác thực hiện và khiến doanh nghiệp bị lỗ. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này.
8h40: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi về vấn đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự. Theo Bộ trưởng, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
Về công tác kiểm toán Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Đảng, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên, đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm.
Về vấn đề bán vé qua đại lý xổ số, Bộ trưởng cho biết, hiện nay cả nước có 64 công ty xổ số, đều đang hoạt động tương đối tốt, có lãi. Tuy nhiên, vấn đề bất cập có xảy ra ở một số công ty đại lý xổ số, đặc biệt là các đại lý xổ số phía nam, khi các công ty này không nhận lại tiền của các đại lý mua xổ số không bán được. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục siết chặt quản lý vấn đề này, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn. Bộ trưởng cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường, siết chặt công tác quản lý, xử lý ngay các sai phạm.
Về giá giao thông, giá xây dựng, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, giá này thấp hay cao là do hai yếu tố: yếu tố từ định mức kinh tế kỹ thuật và yếu tố từ nguyên liệu, nhân công đầu vào. Về vấn đề này, Chính phủ sẽ có chỉ đạo, các bộ ngành liên quan sẽ có trách nhiệm rà soát và điều chỉnh cho phù hợp.
8h46: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, thời gian qua cho thấy, các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà trong các vụ án sai phạm vừa qua, vai trò của công ty thẩm định giá cũng rất quan trọng, có trách nhiệm, hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc dìm giá hoặc nâng giá.
Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua gia tăng quá nóng các doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm dẫn đến việc không dám làm nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đến đâu trong vấn đề này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới?
8h48: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời nội dung tranh luận
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá, hơn nữa Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên; những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai.
Bộ trưởng lấy ví dụ về giá đất, áp dụng theo phương pháp thặng dư nếu điều tra thì việc thẩm định giá đều sai, bởi tài sản hình thành trong tương lai phải trải qua nhiều bước như lập, phê duyệt thiết kế, lập dự toán nhưng đến khi cơ quan kiểm toán, kiểm tra thì đều chưa đúng quy định. Do vậy, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ cán bộ cố tình làm sai; nếu làm sai thì cần xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
8h51: Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trong việc xếp hạng tín nhiệm nhằm tăng cường bảo vệ tài sản của nhà đầu tư
Liên quan đến xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, doanh nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân chưa quan tâm đến việc xếp hạng tín nhiệm, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới nhằm tăng cường bảo vệ tài sản của nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, phát triển bền vững thị trường vốn.
8h52: Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Giải pháp khắc phục tình trạng lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để buôn lậu, gian lận thương mại
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay số lượng tờ khai hải quan được hệ thống phân luồng xanh chiếm tỉ trọng lớn, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với tờ khai luồng xanh rất nhanh, chỉ từ 1-3 giây, các thủ tục được thực hiện thông qua hệ thống thông quan tự động. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, một số doanh nghiệp lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại… Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ để khắc phục tình trạng này.
8h53: Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Có tình trạng lãng phí khi mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm y tế?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Dương Tấn Quân cho biết, thời gian qua, người dân và cử tri rất quan tâm đến việc mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm y tế bắt buộc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc việc mua mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm y tế bắt buộc có gây ra lãng phí không?
8h54: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi chất vấn về xếp hạng tín nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hoạt động xếp hạng tín nhiệm, cấp phép cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng đối với nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Khi có nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhiều doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, sẽ tạo nên sự tin tưởng từ các doanh nghiệp nước ngoài, thu hút được nguồn vốn FDI đối với thị trường tài chính Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta mới có 3 tổ chức được xếp hạng tín nhiệm, trong đó có 2 tổ chức có cổ phần của 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng của thế giới. Bộ Tài chính khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận, giấy phép để thành công ty xếp hạng tín nhiệm. Các công ty này đóng vai trò như trọng tâm, phải đánh giá một cách đúng đắn, kỹ lưỡng, khách quan, chính xác, tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực để đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quan tâm đôn đốc, triển khai công việc trong vấn đề này.
Về luồng xanh trong xuất nhập khẩu, Bộ trưởng cho biết, đối với luồng xanh, chúng ta thực hiện gần như thông quan tự động, các hồ sơ được chuyển theo dạng điện tử, hàng hóa không bị kiểm tra, nên tốc độ thông quan rất nhanh. Điều này thể hiện chúng ta đang đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thông quan cho các doanh nghiệp. Nhưng cũng không thể loại trừ các trường hợp doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa không đúng quy định vào đất nước. Bộ Tài chính đã áp dụng khoa học công nghệ trong xác định luồng hàng, sử dụng hệ thống camera, lực lượng tình báo tài chính, phân tích dữ liệu để hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng luồng xanh để đưa hàng không đúng quy định vào nước ta.
9h00: Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Đề nghị Bộ trưởng cho biết liệu có nguy cơ vỡ quỹ gây mất mát toàn bộ tiền của người đầu tư hay không?
Tại phiên họp, đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính 02 nội dung. Thứ nhất, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cập nhật tiến bộ cho phép thành lập các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và tình hình hoạt động của các quỹ đã được cấp phép. Quan điểm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này như thế nào? Trong bối cảnh trình độ quản lý của các doanh nghiệp còn hạn chế, mức độ rủi ro thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam còn lớn thì liệu có nguy cơ vỡ quỹ gây mất mát toàn bộ tiền của người đầu tư hay không?
Nội dung thứ 2 là Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã có nhiều quy định mới về giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết công tác phối hợp với Bộ Y tế trong công tác quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện như thế nào?
9h01: Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng: Các doanh nghiệp được kinh doanh casino có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương hay không?
Nêu vấn đề tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện nay trên cả nước có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh casino, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào? Các doanh nghiệp được triển khai kinh doanh casino có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương hay không, đặc biệt là trong việc thu hút du khách tới lưu trú, tiêu dùng tại địa phương?
Ngoài ra, hiện nay mới chỉ có casino Phú Quốc được thí điểm cho người Việt Nam chơi các trò chơi casino. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thí điểm này và liệu trong thời gian tới có xem xét mở rộng thí điểm cho người Việt Nam còn chơi casino hay không?
9h02: Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, có nhiều ý kiến hiện nay cho rằng, nhiều tranh chấp trong hợp đồng bảo hiểm từ việc tư vấn không rõ ràng, đầy đủ. Cụ thể, xuất phát từ chất lượng đào tạo của đội ngũ tư vấn viên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này trong thời gian tới?
9h03: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang về Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, Bộ trưởng cho biết, hiện có 4 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 10 quỹ đang hoạt động, hiện Bộ Tài chính đang nhận được một số bộ hồ sơ xin cấp Quỹ hưu trí tự nguyện. Bộ trưởng đồng tình quan điểm của đại biểu, cần xác định được mức độ rủi ro (thời gian 99 năm) nếu doanh nghiệp hoặc quỹ bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, chúng ta cần quản lý từ sớm, từ xa, đặc biệt là quản lý rủi ro trong dài hạn. Bởi đối với thị trường này, thời gian tối đa 99 năm nên sẽ có rủi do khi doanh nghiệp và quỹ không bảo toàn được vì vậy, Bộ Tài chính rất thận trọng vấn đề này. Đối với 4 doanh nghiệp tham gia quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, có 2 doanh nghiệp có nhà nước tham gia liên doanh.
Tham gia Quỹ hưu trí này chủ yếu là cán bộ, người lao động trong hệ thống tham gia (trên 5 nghìn người). Còn về phía cán bộ bên ngoài và Nhân dân chưa nhiều vì vậy với loại hình Quỹ này một mặt khuyến khích, một mặt giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Quỹ hưu trí.
Đối với câu hỏi của đại biểu liên quan đến công tác khám chữa bệnh, Bộ Tài chính sẽ tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật về khám chữa bệnh liên quan đến giá tối đa (trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế) còn giá tối thiểu do Bộ Y tế quyết định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng trả lời câu hỏi của đại biểu về việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino. Theo đó, hiện nay cả nước có 9 casino. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, có 2 casino đang được xây dựng và xin chủ trương. Từ 2017 đến 2023, Casino đóng góp ngân sách khoảng 9 nghìn tỷ, giải quyết gần 10 ngàn lao động. Tỷ lệ người Việt vào chơi casino thấp dần theo từng năm.
Về câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc tư vấn không rõ ràng trong quá trình mua bán bảo hiểm, Bộ trưởng khẳng định, nguyên nhân chủ yếu người tư vấn không rõ ràng cho người dân. Tuy nhiên, trách nhiệm gián tiếp của Bộ Tài chính là cơ quan cấp phép và kiểm tra các công ty bảo hiểm, Bộ có tiến hành kiểm tra quy chế nội bộ, văn hóa ứng xử trong các công ty như thế nào. Nếu nhận khiếu nại, tố cáo của người dân, Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý cán bộ. Đối với chương trình đào tạo, Bộ trưởng khẳng định quy trình này cũng luôn được đổi mới theo đúng quy định của pháp luật.
9h11: Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật của ngành hải quan
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, theo báo cáo của ngành tài chính, toàn ngành hải quan đã bắt giữ và xử lý 15.943 vi phạm pháp luật hải quan so với cùng kỳ năm 2022, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 12.476 tỷ đồng, tăng 42,6%... Nhìn chung, tình trạng vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để giảm thiểu tình trạng này.
9h12: Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Giải pháp giảm bớt thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, vừa qua Nhà nước có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu nhưng hiện nay mức giá còn cao, một phần do còn nhiều loại thuế phí, tỉ lệ cao như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về…
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các loại chi phí này được tính như thế nào và chiếm bao nhiêu phần trăm phí xăng dầu, và giá có theo sát tình hình thực tiễn trong bối cảnh hiện nay không? Đồng thời cho biết giải pháp giảm bớt các loại thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá.
9h13: Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý kinh doanh đặt cược có thưởng?
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, nhiều nơi đã lợi dụng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng để tổ chức đánh bạc hoặc đặt cược trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng có những thay đổi như nào trong thời gian qua? Tại sao đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược nào? Đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để công tác quản lý trong lĩnh vực này đạt hiệu quả?
9h14: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn: Phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Trả lời đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua ngành hải quan đã nỗ lực thực hiện chống buôn lậu và gian lận thương mại. Năm qua đã bắt được trên 15.000 vụ và xử lý với giá trị khoảng 12.000 tỉ, trực tiếp khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan điểm tra gần 200 vụ. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra giám sát, thông tin tình báo từ sớm, từ xa. Sử dụng hệ thống máy soi, phân tích dữ liệu…phát hiện từ sớm và xử lý; đồng thời và tăng cường phối hợp với cơ quan biên phòng, cơ quan công an để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý, bắt giữ và lập các chuyên án để xử lý nghiêm minh vi phạm.
Trả lời đại biểu Trần Hồng Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ giá xăng dầu thì được xây dựng dựa trên những yếu tố: giá hàng mua từ nhà máy hay giá hàng mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Chi phí ban đầu hình thành chiếm từ khoảng độ 65% đến 77%, còn thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu thì chiếm từ 15 cho đến 29%. Còn chi phí lợi nhuận định mức thì từ 1,2 đến 2%. Chưa kể Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, trong những năm vừa qua, khi để đảm bảo phí, đảm bảo giảm giá xăng dầu thì Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cho Chính phủ và tham mưu cho Quốc hội để giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kéo dài từ năm 2021 cho đến hiện nay. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi chúng ta hạn chế năng lượng hóa thạch chuyển sang năng lượng tái tạo thì đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên; nhưng để đảm bảo cho kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế thì đã có biện pháp là giảm thuế.
Chi phí định mức như đại biểu nói chiếm từ 7% đến 12% là chi phí vận chuyển sẽ do các doanh nghiệp đầu mối của nhập khẩu xăng dầu thống kê, có hợp đồng và hồ sơ gửi cho Bộ Công Thương. Bộ Công Thương sẽ tập hợp để xác định vào trong cơ cấu của giá xăng dầu. Sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ công bố giá xăng dầu cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ quy trình.
9h19: Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Có thể số hóa bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cử tri và nhân dân phản ánh, thời gian qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3 còn mang tính hình thức. Và khi xảy ra sự cố thì thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp khiến người mua bảo hiểm rất phiền hà khi chi trả.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có thể số hóa được loại bảo hiểm này không? Và có thể thay đổi quy định hiện nay theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc hay không?
9h20: Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Làm rõ kế hoạch thiết lập khu vực ngoại quan trên biển?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, với lợi thế về yếu tố địa lý tự nhiên, Việt Nam có thể thiết lập các khu vực ngoại quan trên biển cho phép các tàu thuyền sang chuyển hàng hóa mà không cần cập cảng, tăng khả năng cạnh tranh.
Đại biểu cho biết, nhiều quốc gia đã thiết lập khu vực này và nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã có kế hoạch gì đối với vấn đề này?
9h21: Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Kết quả thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm như thế nào?
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tình hình thực hiện thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm Nhân thọ trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp bán bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài như thế nào? Kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ Tài chính? Việc Thanh tra có gắn với giám sát kết quả sau thanh tra hay không?
9h22: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời về đặt cược và trò chơi điện tử, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, ở nước ta có 93 trò chơi điện tử được đặt ở các khách sạn 5 sao, tuy nhiên điều kiện để được đặt ở đó là doanh nghiệp phải có vốn 500 tỷ đồng trở lên, phải có hệ thống thiết bị điện tử, đội ngũ chuyên nghiệp để giám sát. Các trò chơi đó chỉ áp dụng với người nước ngoài. Hệ thống này đã hỗ trợ các khách sạn 5 sao, giúp đạt được kết quả kinh doanh cũng như giải quyết vấn đề lao động.
Bộ trưởng cho biết, về đặt cược, hiện có các loại hình đặt cược về bóng đá, đua ngựa, đua chó, tuy nhiên đến nay chưa triển khai được. Khi thực hiện loại hình đặt cược về bóng đá, Bộ tiến hành xây dựng quy định để tổ chức đấu thầu, gặp vướng mắc với Luật Đấu thầu. Vừa qua, khi sửa Luật Đấu thầu, chúng ta đã đưa được quy định về vấn đề này, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai đặt cược bóng đá. Đối với đua ngựa, đua chó, chủ đầu tư cần xây dựng hệ thống chuồng đua chuẩn, có các thiết bị, nhân công chuyên nghiệp, đảm bảo để triển khai. Đây là loại hình mới, Bộ đang tích cực nghiên cứu, triển khai đồng thời ngăn ngừa rủi ro ở hình thức này.
Đối với các hình thức này, khi cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình với Chính phủ, để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chủ trương đầu tư, nhưng khi hoàn thành cơ sở vật chất để đạt được các điều kiện cấp phép đặt cược thì lại có trách nhiệm của Bộ Tài chính. Bộ sẽ tích cực triển khai tháo gỡ vấn đề này.
Về bảo hiểm xe máy, số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, tình hình tai nạn xe máy diễn ra phức tạp, chiếm 63% các vụ tai nạn, nên việc bảo hiểm xe máy cần là bắt buộc, vì quyền lợi của người dân. Cùng với đó, đối với người tham gia bảo hiểm xe máy, số tiền nộp thì ít, số tiền hưởng thì nhiều, đây là hình thức bảo hiểm ưu tiên cho đối tượng yếu thế.
Về việc số hóa, Bộ đã tập trung chỉ đạo để các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập hồ sơ, xác nhận thông tin qua hình thức điện tử để phù hợp với xu thế tương lai.
9h30: Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Giải pháp năng cao chất lượng thẩm định giá?
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng một số dịch vụ thẩm định giá sai phạm trong việc cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả thẩm định giá. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp như nào nhằm tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá? Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của người dân trước tình trạng sống tiêu cực, lợi ích nhóm đối với lĩnh vực giá.
Bên cạnh đó, trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng các bộ, ngành tiếp tục có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về mặt bằng giá đối với mặt hàng thiết yếu như là xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp,... không để xảy ra tình trạng biến động lớn về giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề này? Đồng thời, đại biểu cũng gửi nội dung này tới Bộ trưởng Bộ Công thương.
9h32: Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan qua kết quả thanh tra của Bộ Tài chính?
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết, kết quả thanh tra đợt 01 với bốn doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng của Bộ Tài chính công bố tháng 7/2023, cho thấy trong tổng số doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại chỉ tính đến 31/12/2021 khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có công ty có đến 70% khách hàng mua bảo hiểm hủy sau đợt đóng phí lần đầu, thường nộp phí lần đầu là một năm hoặc hai năm.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá về vấn đề này và xử lý như thế nào với trách nhiệm của các tổ chức liên quan qua kết quả thanh tra này? Có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả thiệt hại lớn cho số đông khách hàng đã hủy ngang hợp đồng?
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có biện pháp như thế nào để đảm bảo trong tương lai các doanh nghiệp bảo hiểm không có những sai phạm tương tự, nhất là trong bối cảnh hành vi cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức?
9h33: Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Đề nghị Bộ trưởng cho biết định giá hàng hóa, dịch vụ hiện nay?
Nêu vấn đề tại Phiên họp, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, Luật giá số 16 được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Được biết, hiện Bộ Tài chính đang tham mưu và dự thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật giá.
Để Luật giá đi vào cuộc sống, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết theo quy định của pháp luật về giá thì việc định giá hàng hóa, dịch vụ hiện nay được thực hiện như thế nào? Vai trò quản lý của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ được thể hiện như thế nào?
9h34: Nghỉ giải lao
9h51: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hương về giải pháp khi thẩm định giá sai phạm, Bộ trưởng khẳng định, tại Luật Giá năm 2023 đã khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật Giá năm 2012 với nhiều nội dung mới ngằm ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm đinh giá khống, tình trạng cấu kết của thậm định viên với đối tác để nâng giá...
Về giải pháp đối với giá thiết yếu, Bộ trưởng nêu rõ, năm 2023 chỉ số giá CPI chỉ có 3,25% nhưng nửa đầu quý 1 năm 2024 tăng lên đột biến, vì vậy việc kiểm soát cần được chặt chẽ, tránh tăng giá ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Trong nhóm CPI có tren 700 hàng hóa, cần có giải pháp, trong đó can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp. Bộ sẽ tham mưu chính sách tài khóa, tiền tệ để hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông. Tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển để tạo hàng hóa dồi dào.
Bộ trưởng lấy ví dụ về giá xăng dầu, đã phối hợp với Bộ Công thương đa dạng nguồn cung xăng dầu và có giải pháp giảm chi phí định mức. Còn với chi phí thuế, Bộ Tài chính cũng có giải pháp tiết giảm để đảm bảo quan hệ cung cầu. Hệ thống cung cấp cũng hạn chế đầu mối trung gian, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý.
Về ý kiến đại biểu Phạm Văn Thịnh về thanh tra 4 doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, trước đây có tình trạng ngân hàng thương mại, nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền mua bảo hiểm và được hưởng lợi lớn. Do vậy, khi doanh nghiệp vay được tiền đã tiến hành hủy ngang và không đóng tiếp cho các năm sau. Vì vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan than tra, kiểm tra của ngân hàng, trong đó khi tư vấn cần ghi âm đầy đủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Về vai trò của UBND tỉnh, Bộ trưởng cũng khẳng định vấn đề thẩm định giá cũng được phân định rất rõ trong Luật giá; cũng như vai trò của các bộ, ngành chuyên ngành.
9h59: Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh khi xác định thuế thu nhập cá nhân
Về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày1/7/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới chưa và mức bao nhiêu là phù hợp?
Về thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết về thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ do doanh nghiệp ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam để cơ quan thuế và cơ quan hải quan trong việc tính thuế xuất nhập khẩu.
10h01: Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Giải pháp khắc phục hạn chế để xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số?
Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số tồn tại, hạn chế trong kiểm tra, giám sát hải quan là hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa đáp ứng, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trao đổi thông tin giữa các cơ quan Nhà nước. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên.
10h02: Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai: Giải pháp để tính chi phí định mức, chi phí kinh doanh định mức của lợi nhuận định mức trong tính giá xăng dầu?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, chi phí định mức, chi phí kinh doanh định mức của lợi nhuận định mức là một trong những yếu tố để cấu thành lên giá xăng dầu. Tuy nhiên nhiều cử tri phản ánh trong thời gian qua việc điều chỉnh thông báo của Bộ Tài chính chưa kịp thời dẫn đến giá xăng dầu được xác định là chưa phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về nội dung này? Giải pháp trong thời giới tới trong việc tính chi phí định mức, chi phí kinh doanh định mức của lợi nhuận định mức trong tính giá xăng dầu?
10h03: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn: Sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025
Trả lời đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân về thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ những phản ánh của người dân và báo chí nêu về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp do giá cả gia tăng. Tuy nhiên việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó bộ sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến Nhân dân và các cơ quan để từ đó lên phương án để trình Quốc hội.
Trả lời vấn đề về VAT đối với hàng hóa nhập khẩu theo Nghị định 90, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với các doanh nghiệp không có đại diện vốn nước ngoài tại Việt Nam đều phải qua thủ tục hải quan; còn các doanh nghiệp khác thì chỉ quy định đối với thương nhân nước ngoài không có mặt tại Việt Nam và có đại diện tại Việt Nam. Còn các doanh nghiệp không có đại diện tại Việt Nam mà hợp đồng với các cơ quan doanh nghiệp khác tại Việt Nam vẫn phải thực hiện các quy định theo quy định của Luật Thuế và theo quy định của Hải quan.
Về thủ tục hải quan và hệ thống xử lý dữ liệu, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, các cơ quan của Bộ Tài chính như kho bạc, thuế, hải quan có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và phục vụ cho vấn đề phát triển kinh tế, thông quan, xuất nhập khẩu, thu thuế thuận lợi. Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin của Hải quan đến nay đã đưa vào sử dụng 10 năm nên có những lạc hậu, không tải nổi khối lượng dự liệu quá lớn như hiện nay, hệ thống cũng không kết nối được với các doanh nghiệp hay là kết nối với các đơn vị khác. Do đó, đặt vấn đề phải thay thế hệ thống này. Bộ Tài chính đề xuất đến 2025, Bộ Tài chính sẽ đề nghị với Chính phủ để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin khác hoặc là Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho một dự án dữ liệu.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương liên quan đến chi phí định mức về xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ chi phí định mức về xăng dầu chiếm từ 7 cho đến 12%. Quy trình để thực hiện chi phí này là các doanh nghiệp đầu mối sau 1 kì điều hành thì tập hợp các hồ sơ và các chi phí của mình để lên gửi cho Bộ Công Thương và gửi cho Bộ Tài chính. Với quy trình hiện nay, các Bộ chấp nhận các chi phí thực tế hợp lý của các doanh nghiệp đầu mối, chứ không phải các bộ ngành ép lên hay ép xuống.
10h10: Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tranh luận
Phát biểu tranh luận về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với vấn để xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có trả lời Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường thêm 50% đối với xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết có lẽ sẽ kéo dài đến hết năm 2024.
Đại biểu nêu rõ, Nghị quyết 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 01/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, Nghị quyết 110 của Quốc hội cũng đã quy định giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% từ ngày 01/1/2024 đến 30/6/2024.
Đại biểu đánh giá cao ngành tài chính, ngân hàng trong thời gian vừa qua đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình doanh nghiệp và người dân còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2024 cũng là năm có tính chất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đại biểu cho rằng cần phải có giải pháp đột phá hơn, nhất là trong vấn đề giảm thuế, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đại biểu cũng đề nghị quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.
10h13: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời nội dung tranh luận
Phát biểu về ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng ý với ý kiến của đại biểu, đồng thời thừa nhận việc sử dụng từ “có thể”, “đã được” trong phần trả lời chất vấn trước là chưa chính xác. Theo Bộ trưởng, đối với thuế môi trường, đã được giảm cả năm, còn về VAT giảm 2% từ 10% xuống còn 8%.
Bộ trưởng cho rằng, khó khăn của nền kinh tế là chúng ta phải tập trung để gỡ những nút thắt pháp lý, về môi trường đầu tư, pháp lý, tín dụng, chất lượng sản phẩm, chứ không có nghĩa là bắt buộc cần giảm thuế, giảm phí, vì giảm thuế phí dãn đến tăng chi ngân sách, giảm sức mạnh của tài chính công, dẫn đến thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến cả hệ thống nền kinh tế.
10h15: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh, thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ?
10h16: Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Làm rõ vai trò và giải pháp để lực lượng hải quan làm tốt chức năng, nhiệm vụ?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay tại các cửa khẩu biên giới đất liền đang có nhu cầu ngày càng tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất cảnh người và phương tiện do nhu cầu phát triển kinh tế thương mại giữa Việt nam và các nước có chung đường biên giới.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính làm rõ vài trò của cơ quan hải quan trong quản lý thương mại qua biên giới và các giải pháp để lực lượng này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới?
10h17: Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Giải pháp để ngăn chặn tình hình buôn lậu đường?
Tại Phiên chất vấn, đại Biểu Lý Tiết Hạnh cho biết, trả lời các chất vấn trước về vấn đề bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu thì Bộ trưởng có nêu thực trạng là giá nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng đường kính cao. Cử tri thì cũng phản ánh rằng, mặt hàng đường kính là mặt hàng thiết yếu và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia mà có lợi thế trong sản xuất mặt hàng này.
Tuy nhiên, giá đường ở nước ta lại cao hơn các nước lân cận như là Thái Lan, Campuchia… Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ là buôn lậu mặt hàng đường này sẽ cao. Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn về các chính sách nhằm góp phần tạo giá trị cho ngành mía đường của Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và ngăn chặn tình hình buôn lậu?
10h18: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi đại biểu về công tác quản lý vàng và ngoại tệ tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, lĩnh vực này thuộc về Ngân hàng nhà nước, với chức năng chống buôn lậu và gian lận thương mại, Bộ Tài chính quản lý vùng biên giới để khi giá vàng hay giá đô la của Việt Nam tăng cao sẽ quản lý quản lý không vận chuyển trái phép vào Việt Nam; thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ một số vụ vận chuyển ra nước ngoài.
Đối với chất vấn của đại biểu Bế Minh Đức, Bộ trưởng cho biết, hải quan có nhiệm vụ chính là thông quan, tuy nhiên để quản lý hàng hóa thông quan lại liên quan đến 6 bộ, ngành. Để thông quan từ a đến z thuận lợi là có sự đồng bộ. Bộ đang xây dựng nghị định về kiểm tra thông qua đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để có sự tham gia của các bộ ngành để thực hiện mô hình kiểm tra sau thông quan giống như Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang đề nghị chúng ta xây dựng cửa khẩu thông minh, hiện đang giao tỉnh Lạng Sơn thực hiện thí điểm.
Về câu hỏi của đại biểu liên quan đến giá đường cao dễ dấn tới tình trạng buôn lậu tăng cao, Bộ trưởng khẳng định, cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan công an, biên phòng kiểm tra, kiểm soát vấn đề này. Cơ quan hải quan cũng bắt hàng chục vụ buôn lậu; đồng thời tuyên truyền giáo dục Nhân dân hai biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập lậu đường kính vào Việt Nam.
10h24: Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Giải pháp khắc phục việc doanh nghiệp bị đình chỉ và thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tăng nhanh?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nêu rõ, để nâng cao chất lượng thẩm định giá năm 2023, có bổ sung một số nội dung mới về rào cản kỹ thuật gia nhập thị trường của doanh nghiệp như nâng số lượng thẩm định viên từ 3 lên 5, quy định về tỉ lệ vốn điều lệ… Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về quy định nêu trên vì nâng được lượng chưa chắc nâng được chất. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá thế nào về ý kiến này.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp thời gian tới khắc phục tình trạng doanh nghiệp bị đình chỉ và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có xu hướng tăng nhanh.
10h25: Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Giải pháp và lộ trình tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục hải quan theo Nghị định 08/2025/NĐ-CP của Chính phủ?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, hiện nay qua kiến nghị của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, việc thực hiện thủ tục hải quan theo Điều 35 Nghị định 08/2025/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn phát sinh một số vướng mắc đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ như việc chưa có văn bản hướng dẫn, cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin thương nhân nước ngoài có hay không, đã ảnh hướng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, ảnh hướng đến nguồn cung ứng nguyên liệu, vật sản xuất trong nước.... Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và lộ trình tháo gỡ vướng mắc trên?
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao giá vé máy bay thời gian qua tăng cao và giải pháp để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại và kích cầu ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh thời gian tới?
10h26: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Lộ trình và giải pháp điều chỉnh giá dịch vụ công ích, thủy lợi?
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, từ năm 2021 đến nay, giá dịch vụ công ích thủy lợi chưa được ban hành trong điều kiện giá vật tư có nhiều biến động nên hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong việc tham mưu cho Chính phủ về lộ trình và giải pháp điều chỉnh giá dịch vụ công ích, thủy lợi để tăng mức hỗ trợ sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi?
10h28: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi chất vấn về chất lượng thẩm định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, các chi nhánh của công ty thẩm định giá phải tăng từ 2 đến 3 người, lệ phần trăm của các doanh nghiệp tham gia không quá 35%, những người có thẻ thẩm định viên phải trên 50%. Vừa qua, chưa có trường hợp các công ty thẩm định giá bị các cổ đông chi phối để thực hiện hành vi sai trái.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng thẩm định giá, việc thực hiện kiểm tra chéo, siết chặt quản lý, nâng cao tiêu chuẩn là cần thiết. Đây cũng là một trong nhiều nội dung để đảm bảo chất lượng thẩm định giá, đồng thời dự phòng trường hợp các công ty không có chức năng thẩm định giá, nhưng bỏ tiền để trở thành cổ đông chính trong công ty thẩm định giá, để biến công ty thẩm định giá thành công cụ, làm mất tính độc lập trong hoạt động thẩm định giá.
Công ty thẩm định giá là công ty kinh doanh có điều kiện, hoạt động trong lĩnh vực có chuyên môn sâu. Điều đó đòi hỏi những người giỏi chuyên môn phải làm nghề, nên các cổ đông đó phải chiếm trên 50%. Đó là một giải pháp. Muốn thực hiện đúng phải bắt đầu từ chất lượng, năng lực của thẩm định viên, phương tiện, thiết bị của thẩm định viên, phương pháp công tác, đạo đức, phẩm chất của thẩm định viên.
Bộ Tài chính sẽ thường xuyên cập nhật về mặt công nghệ, hoàn thiện về mặt pháp luật, thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, thi chứng chỉ, thực hiện kiểm tra theo đúng chức năng, vai trò của Bộ.
10h34: Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm?
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Hồ Thị Minh cho biết, trong thời gian qua, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, nhất là trâu, bò, lợn, gà tại các khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia dã làm cho giá thành ngành chăn nuôi trong nước ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, còn có nguy cơ xâm nhiễm bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi cho các đàn gia súc, gia cầm trong nước dẫn đến rất khó khăn cho người dân trong việc chăn nuôi.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, ngành tài chính có những giải pháp như nào để ngăn chặn tình trạng trên?
10h35: Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Đánh giá tác động của việc gia tăng doanh thu xổ sổ đối với tình hình kinh tế - xã hội?
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 64 doanh nghiệp nhà nước đang kinh doanh. Doanh thu kinh doanh xổ số năm 2023 đạt 153.037 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó doanh thu xổ số truyền thống chiếm gần 96% trong tổng số doanh thu.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá về xu hướng gia tăng này cũng như những tác động đối với tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, người nghèo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái hiện nay? Đồng thời làm rõ mức độ hiệu quả tăng thêm của việc sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết trong việc thực hiện mục tiêu đầu tư phát triển của các địa phương?
10h37: Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Giải pháp để đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của đường hàng không?
Tại Phiên chất vấn, đại biểu Tráng A Dương cho biết, hiện nay, một vấn đề đang báo động trong xã hội là tình trạng buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Năm 2023 là năm các lực lượng phòng, chống vận chuyển ma túy qua đường hàng không đã có những thách thức nổi bật, lượng lượng ma túy vào Việt Nam qua đường hàng không bị thu giữ lớn với số lượng của 5 năm gần đây cộng lại. Tuy nhiên, đây cũng là chỉ báo cho những khó khăn, thách thức mới trong phòng, chống buôn bán ma túy trong thời gian tới.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ngoài những giải pháp hiện tại thì Bộ Tài chính và ngành hải quan có những giải pháp cụ thể nào để tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của đường hàng không?
10h38: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Trả lời đại biểu về vấn đề vận chuyển trâu bò qua biên giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biếu thực trạng này tác động xấu đến tình hình kinh tế đất nước, làm cho ngành chăn nuôi khó khăn, có thể mang một số mầm bệnh ở giống vật nuôi vào nội địa…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính nội dung trọng tâm để ngăn chặn được việc này phải bắt đầu từ nhận thức của người dân. Qua hệ thống cửa khẩu chính, những đường mòn, lối mở có Hải quan thì sẽ ngăn chặn một cách triệt để. Nhưng khi trâu bò đi qua biên giới mở mà không có người kiểm soát thi phải có giải pháp về tuần tra, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương và hơn ai hết những người mua bán trâu, bò và những người dắt trâu, bò. Tuy nhiên do nhiều người dân vi phạm là những đồng bào khó khăn hoặc người dân dắt hộ nên cán bộ xử lý đúng pháp luật nhưng cũng có những lăn tăn. Do đó, giải pháp làm thế nào để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường tuyên truyền về răn đe và phối kết hợp giữa các huyện sát biên giới; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng như là biên phòng, công an, hải quan để ngăn chặn vấn đề này.
Trả lời đại biểu Điểu Huỳnh Sang về vấn đề kinh doanh xổ số, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện có 64 công ty kinh doanh xổ số, trong đó 1 công ty trực thuộc Bộ Tài chính là Vietlott, tức là xổ số điện toán; còn lại 63 công ty xổ số là trực thuộc 63 Ủy ban nhân dân của 63 tỉnh. Thời gian qua, kinh doanh xổ số có những bước tiến triển tốt và nguồn thu từ xổ số là một nguồn thu ngân sách lớn để tập trung đầu tư cho y tế, giáo dục, nông thôn mới và các công trình hạ tầng của các tỉnh. Đối với kinh doanh xổ số của Vietlott từ năm 2011 đến nay cũng có doanh thu và đóng góp ngân sách một cách tích cực. Cùng với đó, kinh doanh xổ số cũng giải quyết khối lượng lớn lao động. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, các công ty xổ số phát triển ở phía Nam nhiều hơn phía Bắc và miền Trung.
Thời gian tới, cần phải thực hiện chuyển đổi số, tức có thể mua bán ở trên hệ thống công nghệ thông tin, cùng với đó là xổ số bán qua đại lý vé số để những người lao động, người nghèo, những người yếu thế có công ăn việc làm. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm xổ số.
Liên quan đến buôn bán ma túy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, ngành hải quan đã phối hợp với công an và biên phòng đã triệt phá rất nhiều vụ án ma túy lớn. Và riêng đối với lực lượng hải quan của hàng không thông qua hệ thống soi chiếu và các giải pháp nghiệp vụ khác đã phát hiện và bắt giữ 2,8 tấn ma túy. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan công an, cơ quan biên phòng và với các tỉnh để xác định, đưa ra giải pháp mới để đấu tranh với tội phạm ma túy, đặc biệt là qua đường hàng không, cảng biển, lối mở, các cửa khẩu v.v
10h46: Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu tranh luận
Tranh luận tại phiên chất vấn về nội dung giảm thuế, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng. Đại biểu cho rằng chúng ta cần một chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như Nghị quyết 43, nhưng bản thân doanh nghiệp phải tái cấu trúc, nỗ lực để phát triển và đóng góp cho ngân sách, tránh tình trạng giảm thu ngân sách Nhà nước.
Về nội dung giá vé máy bay, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, trong hoạt động kinh doanh không phải lúc nào cũng tăng giá vé để đạt doanh thu cao mà phải tìm cách đạt doanh thu tối ưu, căn cứ vào lượng cung cầu của thị trường. Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Bộ trưởng cân nhắc nội dung này.
10h48: Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tranh luận
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ quan tâm đến việc điều hành giá của một số mặt hàng như vé máy bay hoặc điện. Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, đại biểu An cho rằng, không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu…
Đại biểu nhấn mạnh, đối với các mặt hàng này đang có một nghịch lý là càng tăng giá thì doanh nghiệp lại càng lỗ. “Câu chuyện đặt ra cần giải được bài toán này. Hiện nay chi phí của Vietnam airline đang cao quá. Còn giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không xuống mà EVN vẫn lỗ…”, đại biểu An nêu rõ.
Theo đại biểu, phải chăng việc tính giá trên cơ sở pháp luật thời gian qua chưa ổn? Việc tính toán đã đảm bảo tính đúng, tính đủ hay chưa? Đại biểu đề nghị cần phải có sự rà soát, thanh tra, kiểm tra nội dung này để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp trong thời gian tới.
10h49: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời nội dung tranh luận
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giá vé máy bay hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện kinh doanh dịch vụ bay đang thực hiện đúng quy định về giá máy bay. Trong khung giá vé máy bay do Bộ Giao thông vận tải ban hành, có 15 mức, hiện các doanh nghiệp đang điều hành trong khung giá này, chưa vượt ngoài khung.
Bộ trưởng cho biết, nhiều quốc gia đã thực hiện bỏ giá trần để doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên Luật Giá của chúng ta vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông vận tải quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay hiện nay đang thực hiện đúng theo khung quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về giá.
Trong 4 năm gần đây, do đại dịch, các chuyến bay ngưng trệ, lượng khách nội địa và nước ngoài đều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống hàng không. Để giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ bay, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề quản trị và hạ giá thành là vấn đề doanh nghiệp tư nhân quan tâm hơn ai hết. Với Vietnam Airlines, hiện nay Ủy ban quản lý vốn, Bộ Giao thông vận tải cũng rất quan tâm, Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu nhằm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.
10h53: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn đặt cược, cá cược bất hợp pháp?
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, qua 7 năm kể từ ngày Nghị định 06 có hiệu lực đã phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, có nguồn thu cho NSNN, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt góp phần ngăn chặn đặt cược, cá cược bất hợp pháp, chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu mở rộng hình thức tín dụng cho người tham gia BHXH để ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần.
10h54: Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm định viên cũng như cấp quản lý thẻ thẩm định viên về giá?
Liên quan đến vấn đề thẩm định giá, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ và có kiến nghị gì với Chính phủ để tạo sự chuyển biến căn bản nhằm nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm định viên cũng như nâng cao chất lượng cấp quản lý thẻ thẩm định viên về giá trong điều kiện hiện nay.
10h55: Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Giải pháp để quản lý các công ty bảo hiểm thời gian tới nhằm hạn chế những bất cập?
Tại Phiên chất vấn, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, thời gian qua thị trường bảo hiểm đã thể hiện được vị trí, vai trò đối với phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, quá trình hoạt động, thị trường bảo hiểm còn phát sinh nhiều bất cập, gây dư luận xấu trong Nhân dân. Xin Bộ trưởng cho biết hiện nay có bao nhiêu công ty bảo hiểm, trong đó hoạt động của các công ty bảo hiểm nước ngoài? Bộ trưởng cho biết mục tiêu phát triển và giải pháp để quản lý các công ty bảo hiểm thời gian tới nhằm hạn chế những bất cập trong thời gian qua.
10h56: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo về kinh doanh cá cược, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với kinh doanh cá cược bóng đá, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo hướng dẫn thực hiện Luật, dự kiến sớm trình Chính phủ ban hành.
Đối với kinh doanh cá cược đua ngựa và đua chó hiện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, hiện Bộ Tài chính chưa tiếp nhận được hồ sơ để cấp phép. Đối với, dự án kinh doanh cá cược đua ngựa tại trường đua ngựa ở Sóc Sơn đã có giấy phép nhưng đang vướng mắc về vấn đề góp vốn.
Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai loại hình này, tuy nhiên loại hình này gắn liền với một loạt các điều kiện khác như: đất đai, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường liên quan đến đất lúa hay đất rừng, thu hồi đất, giao đất... Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai vấn đề này.
Về rút cái bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu để tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ về sáng kiến về phối hợp với ngân hàng chính sách cho vay và giữ lại khoản này.
Đối với chất vấn của đại biểu liên quan đến thẩm định giá, Bộ trưởng khẳng định, vấn đề thẩm địnhh giá liên quan đến con người, luật pháp và công nghệ. Trong đó, con người là quan trọng nhất, do vậy Bộ sẽ tăng cường năng lực, đạo đức, công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, kiểm tra, thanh tra, đào tạo và cấp chứng chỉ...
Về chất vấn của đại biểu đối với thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết, hiện có 82 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ; có 31 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Các công ty đóng góp cho nền kinh tế khoảng gần 700 ngàn tỷ. Doanh thu bảo hiểm trong năm 2023 giảm đi 8% so với năm 2022, trong đó, bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 13%, nhưng bảo hiểm phi nhân thọ giảm gần 3%. Như vậy, nhu cầu của người dân mua bảo hiểm nhân thọ để tích lũy đảm bảo cho cuộc sống lâu dài giảm đi.
Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu, có giải pháp đảm bảo thị trường bảo hiểm hoạt động công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
11h03: Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Xem xét tăng doanh số phát hành xổ số kiến thiết khu vực phía Nam?
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, khu vực miền Nam có 21 tỉnh thành với 21 công ty phát hành xổ số kiến thiết. Sau đại dịch COVID-19, nguồn thu từ xổ số kiến thiết rất lớn, góp phần đáng kể cho việc xây dựng đầu tư trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông thông mới hay các công trình trọng điểm của địa phương. Thu ngân sách từ xổ số kiến thiết cũng chiếm 20-30% nguồn thu từ ngân sách địa phương. Do đó, Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực phía Nam kiến nghị tăng doanh số phát hành.
Đại biểu kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét đề nghị của các công ty xổ số kiến thiết khu vực phía Nam?
11h05: Đại biểu Hoàng văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Trách nhiệm trong việc xây dựng khung giá cho điện gió, điện mặt trời?
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, theo quy định của Luật Điện lực, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp xây dựng khung giá bán lẻ, khung giá phát điện, khung giá bán buôn, giá truyền tải điện. Đã có một thời gian rất dài nhiều cơ sở điện gió, điện mặt trời xây dựng xong nhưng không có khung giá để hòa điện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã có trách nhiệm và đã thực hiện trách nhiệm này như thế nào trong việc xây dựng khung giá cho điện gió, điện mặt trời cũng như khung giá bán lẻ?
Bên cạnh đó, theo Luật Giá, việc khai giá và việc hình thành cơ sở dữ liệu về giá là công cụ quan trọng để quản lý thị trường giá để đảm bảo lành mạnh và minh bạch. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn dữ liệu cho việc thẩm định giá. Trong thời qua, nhiều cơ quan thẩm định giá từ chối không thẩm định do không có cơ sở dữ liệu chắc chắn. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc kê khai và hình thành cơ sở dữ liệu về giá như thế nào?
11h06: Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Giải pháp giảm chi phí phát hành xổ số trong thời gian tới?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay doanh thu của thị trường xổ số đạt khoảng 153.000 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 50% để trả thưởng, còn khoảng 45.000 tỷ đồng nộp về ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, như vậy chi phí phát hành là tương đối cao.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cụ thể hơn về chi phí in ấn, phát hành xổ số, đồng thời đưa ra những giải pháp để giảm được chi phí phát hành xổ số để tăng thu cho ngân sách nhà nước trong thời gian tới.?
11h07: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Có cần thanh tra toàn diện các công ty bảo hiểm nhân thọ?
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, đã có nhiều đại biểu phát biểu chất vấn liên quan đến thị trường bảo hiểm nhân thọ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, nên chăng cần phải thanh tra toàn diện và diện rộng đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ để quản lý được tốt hơn trong thời gian tới?
11h08: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn: Bộ ủng hộ tăng phát hành xổ số
Trả lời đại biểu Nguyễn Phúc Sơn liên quan đến đề nghị của các công ty xổ số miền Nam tăng số lượng phát hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết chủ trương của Bộ là ủng hộ bởi doanh số là rất lớn, tiềm năng lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý cần phải chấn chỉnh hoạt động của các đại lý xổ số trước thực trạng phát hành xổ số, người bán lẻ bán không hết nhưng đại lý lại không nhận lại hay một số trường hợp gian lận.
Trả lời đại biểu Hoàng Văn Cường về giá bán lẻ điện và khung giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Công thương chủ trì để xây dựng các biểu giá điện, sau đó Bộ Tài chính sẽ có ý kiến với Bộ Công Thương trước khi trình Chính phủ. Vấn đề xây dựng giá điện cho điện mặt trời và điện gió, gắn với Quy hoạch điện 8 để triển khai đến đâu, thời kỳ nào và để tính toán xác định khung giá và xác định giá bán lẻ.
Về hình thành cơ sở dữ liệu về giá để thực hiện kê khai giá và quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Cục Giá của Bộ Tài chính đã xây dựng dữ liệu về giá và đã cấp 824 tài khoản để khai thác cơ sở dữ liệu giá của Bộ Tài chính. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Để xây dựng dữ liệu giá một cách đồng bộ công tác thu thập và thống kê, công tác lưu giữ là hết sức quan trọng. Do đó, các Sở Tài chính của các tỉnh, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan phải chuyển giá đến Bộ Tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu về giá. Khi có cơ sở dữ liệu giá tốt thì sẽ quản lý giá tốt.
Trả lời đại biểu Lê Thanh Hoàn về chi phí kinh doanh xổ số, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chi phí hoa hồng chiếm đến 15%, còn các chi phí khác như in ấn, liên kết…Bộ sẽ tìm hiểu kĩ thêm và có trả lời cụ thể bằng văn bản.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về thanh tra toàn diện tất cả các công ty bảo hiểm không, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã đã thanh tra được 10 công ty bảo hiểm và kế hoạch trong năm tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 công ty bảo hiểm. Như vậy lần lượt sẽ thanh tra hết các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, ngoài thanh tra theo kế hoạch để chấn chỉnh những sơ hở, những vi phạm, Bộ sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tham gia bảo hiểm…để chấn chỉnh, giải quyết quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm; kịp thời xử lý sai phạm để bảo đảm các công ty bảo hiểm khi hoạt động phải bình đẳng và tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
11h15: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài chính
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Tất cả các đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận đã phát biểu, trong đó có 43 đại biểu chất vấn, 4 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng, các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám sát các nội dung chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn tồn tại, hạn chế; ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập trong phạm vi phụ trách.
Cuối phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có kết luận chung, ban hành Nghị quyết chất vấn đề Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện. Phiên chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ Tài chính kết thúc tại đây.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Related news
- Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau bão
- Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử
- Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Khám, tư vấn sức khoẻ miễn phí, tặng quà 300 người dân hoàn cảnh khó khăn ở Bình Định
- WHO hỗ trợ một triệu viên khử trùng nước cho vùng bị bão, lũ
- Bệnh truyền nhiễm nào dễ bùng phát mùa bão, lũ
- Nhiều bệnh viện tổ chức hoạt động thiết thực hướng về người dân vùng ảnh hưởng bão lũ