Nhiều người dân được tầm soát sức khỏe về bệnh tim mạch - thận tại chương trình Ngày Thận thế giới
05/04/2024 | 16:13 PM
|
Sáng ngày 05/4/2024, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày Sức khỏe thế giới, Ngày Thận thế giới và phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch – thận tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tham dự chương trình có TS.BS. Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; PGS.TS.Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế; TS.Nguyễn Đình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế; Ông Fairlie Shane Francis, Trưởng điều phối viên truyền thông Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; đại diện một số Vụ Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, WHO, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Liên hiệp Hội Thanh niên Việt Nam cùng các bác sĩ trẻ, thanh niên tình nguyện và hơn 1.000 người dân tham gia khám sàng lọc.
Lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe thế giới, Ngày Thận thế giới và phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận.
Theo WHO, bệnh thận mạn là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, đồng thời là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Bệnh thận mạn đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu và là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017.
Tại Việt Nam có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Nước ta hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Không chỉ thế, chi phí kinh tế y tế liên quan đến điều trị bệnh thận mạn có thể lên đến hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 2,4% – 7,5% chi tiêu y tế hàng năm của quốc gia, trong đó chi phí chi trả cho chạy thận nhân tạo đặc biệt tăng cao. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành Y tế.
TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát biểu.
Theo TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam: "Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh thận mạn là một bệnh lý tiến triển, có tỷ suất mắc cao, chưa được chẩn đoán kịp thời và quan tâm đúng mức. Đây là gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội cũng như cho nền y tế quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn hiện nay còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, chỉ có khoảng 4,5-15,5% bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 3 được chẩn đoán. Trong đó, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán trên một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn như tăng huyết áp, đái tháo đường hiện vẫn còn cao".
Chương trình Chăm sóc sức khỏe Tim mạch - Thận - Chuyển hóa "CAREME" của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhằm mục tiêu củng cố và làm bền vững hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe Tim mạch – Thận – Chuyển hóa thông qua những giải pháp phát hiện bệnh sớm, cải thiện chuẩn chất lượng trong quản lý bệnh, giúp cải thiện kết quả lâm sàng và giảm gánh nặng y tế tại Việt Nam.
Chương trình hỗ trợ nền tảng sàng lọc và tổ chức khám bệnh, sàng lọc bệnh cho 1.000 người dân có nguy cơ bệnh lý về tim mạch và thận mạn tính. Đồng thời, hỗ trợ cài phần mềm chăm sóc sức khỏe, kiểm soát bệnh mạn tính cho hàng trăm người dân. Dự kiến trong năm 2024, hàng trăm nghìn người dân sẽ được sàng lọc qua nền tảng ứng dụng AI và hơn 20.000 người bệnh sẽ được tư vấn thực hiện xét nghiệm eGFR/ACR, đánh giá bệnh thận mạn.
Nhiều người dân được tầm soát sức khỏe về bệnh tim mạch - thận tại chương trình.
Ông Fairlie Shane Francis - Trưởng điều phối viên truyền thông WHO tại Việt Nam cho biết, tại cuộc họp Đại hội đồng Y tế thế giới đã chỉ ra ít nhất 140 quốc gia công nhận sức khỏe là quyền con người trong hiến pháp của họ. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thông qua và đưa vào thực thi luật để đảm bảo người dân của họ được quyền tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này củng cố thực tế là ít nhất 4,5 tỷ người - hơn một nửa dân số thế giới - không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu vào năm 2021.
Để giải quyết những thách thức này, chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới 2024 được lựa chọn là "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi" để bảo vệ quyền của mọi người, ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin có chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ cao cùng sự tham gia của nhiều tổ chức sẽ củng cố thêm quyền và điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.
Các đại biểu tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Các chương trình của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tập trung vào huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị chuyên môn, tổ chức để cùng nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua việc triển khai các công cụ kỹ thuật số. Hướng tới một nền y tế bền vững, cùng nhau, chúng ta có thể và sẽ làm nên sự khác biệt, vì Việt Nam và thế giới khỏe mạnh./.
Related news
- Nền tảng y tế số là công cụ tuyệt vời để cải thiện tính công bằng và khả năng tiếp cận xét nghiệm HIV
- Hạt nhân lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện
- WHO đánh giá cao Quốc hội phê duyệt nghị quyết về cấm các sản phẩm thuốc lá mới
- Mối lo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố
- Lợi ích to lớn của lồng ghép điều trị HIV và các bệnh không lây nhiễm
- Các bệnh viện cần đảm bảo khám, cấp cứu trong mưa lũ, thiên tai
- Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống