Không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá thuốc lên cao
11/11/2024 | 09:29 AM
|
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thị trường dược phẩm hiện nay vẫn đang được duy trì bình ổn, không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo Bộ Y tế gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
Bảo đảm nguồn cung ứng, bình ổn giá thuốc
Theo báo cáo, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh cấp phép, gia hạn, giải quyết khẩn trương các hồ sơ tồn đọng xin cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế đã thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 cho 12.333 thuốc; qua đó duy trì thường xuyên có trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc. Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm công tác mua sắm vaccine; xây dựng Danh mục và cơ chế dự trữ, mua sắm thuốc có nguy cơ thiếu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về công tác quản lý giá thuốc, mặc dù tình hình thị trường quốc tế có nhiều biến động; tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý giá thuốc quy định tại Luật Dược, Nghị định hướng dẫn Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã giúp thị trường dược phẩm vẫn được duy trì bình ổn, không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao.
Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược (Tổng Công ty dược Việt Nam).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế đã tiếp nhận và giải quyết 2.287 lượt hồ sơ kê khai giá thuốc, 261 lượt hồ sơ kê khai lại giá thuốc, 2.075 lượt hồ sơ thay đổi bổ sung thông tin của thuốc đã kê khai, kê khai lại giá trong trường hợp có thay đổi so với thông tin đã được công bố nhưng giá thuốc không thay đổi, công bố công khai thông tin 25.647 lượt giá thuốc thuốc trúng thầu của các cơ sở y tế trên Website của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Đến nay, Bộ Y tế đã giải quyết 33.938 hồ sơ công bố mỹ phẩm, số lượng hồ sơ đang giải quyết là 3.695 hồ sơ. Giải quyết đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng nghiên cứu, kiểm nghiệm cho 28/28 đơn hàng. Thực hiện kiểm tra, đánh giá 10 cơ sở đề nghị và cấp giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMPASEAN) cho 14 cơ sở.
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thị trường dược phẩm hiện nay vẫn đang được duy trì bình ổn, không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao.
Tuy nhiên, điểm tồn tại, hạn chế là các cơ sở sản xuất thuốc chủ yếu tập trung đầu tư cho việc sản xuất là thuốc generic với công nghệ bào chế cơ bản. Quy mô doanh nghiệp dược của Việt Nam có tính phân tán rất cao nhưng tiềm lực tài chính lại nhỏ. Sản xuất thuốc trong nước chưa có tính cạnh tranh cao và phát triển bền vững.
Ngoài ra, tại một số thời điểm, một số nơi còn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ một số thuốc hiếm. Còn tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; việc quản lý các quảng cáo thuốc, mỹ phẩm trên mạng internet, các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội chưa được quản lý triệt để.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Về giải pháp quản lý dược, mỹ phẩm, Bộ Y tế cho biết thời gian tới đây cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thành trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sau khi được Quốc hội thông qua theo đúng quy định; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030.
Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tác nghiệp của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) và ngành Dược Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế lĩnh vực dược, mỹ phẩm, tăng cường thừa nhận lẫn nhau giữa các nước; thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường đào tạo cho các chuyên gia, cơ quan quản lý, đặc biệt là học tập về cơ chế gia hạn tự động của các nước phát triển.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan là một trong 3 trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm. Phát huy vai trò của đơn vị được giao làm đầu mối trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh thành.
Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội
Triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý mỹ phẩm, trong đó tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN. Tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng công nghệ 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP- Asean về mỹ phẩm và quy định lộ trình thực hiện.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.
Các vấn đề được đại biểu tập trung chất vấn gồm:
Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.
Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm.
Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Nguồn: Nhandan.vn
Related news
- Cứu sống bệnh nhân sốc mất máu do chấn thương bụng, vỡ gan
- Tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ nhập Bệnh viện Bạch Mai gia tăng
- Triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả
- Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
- Giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc
- Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm
- Sáu quan điểm cơ bản xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế