Sự cống hiến thầm lặng

09/01/2015 | 01:32 AM

 | 

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ven phá Tam Giang, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào ngành Y tế từ năm 1986 với chức danh Nữ hộ sinh trung học, chị Hoàng Thị Lệ đến nhận công tác tại Trạm y tế xã Hương Giang, huyện Nam Đông đến năm 1989 chị chuyển sang công tác tại trạm y tế xã Thượng Nhật với vai trò mới là Trưởng trạm y tế.

Thời bấy giờ, Thượng Nhật là một trong những xã định canh định cư khó khăn nhất của huyện Nam Đông với cộng đồng người dân tộc Ka Tu sinh sống chiếm trên 95%. Nơi đây, đời sống vật chất của người dân còn rất nhiều khó khăn,  nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại. Người dân thường xuyên du canh, du cư và đi vào rừng để khai thác lâm sản nên bệnh tật nhiều đặc biệt là sốt rét. Với quan điểm sinh con đông để có sức lao động làm nương rẫy nên bà con sinh đẻ không có kế hoạch, tỉ lệ sinh con thứ 3 rất cao... Với lòng nhiệt huyết yêu nghề, cảm thông với những khó khăn của người dân nơi đây và với kiến thức có được chị Lệ đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của tuyến trên về công tác y tế trên địa bàn, tham mưu với lãnh đạo địa phương đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại đây. Sau gần 30 năm công tác, điều chị Lệ luôn cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là tình hình bệnh tật ngày càng giảm, góp phần từng bước đưa cuộc sống người dân ngày một khởi sắc hơn, người dân thay đổi dần các tập tục lạc hậu…

9-1-15 hstl 3_.png

   Nhớ lại những năm tháng khó khăn trước đây, chị cho biết: “Để đạt được mục tiêu giảm số bệnh nhân mắc sốt rét, chị đã cùng các cán bộ trạm y tế và y tế thôn bản đi bộ xuyên rừng hơn 30 cây số đến các đối tượng du canh, du cư để phun thuốc diệt muỗi, cấp phát thuốc sốt rét, vận động bà con ngủ màn, dùng các biện pháp dân gian để xua muỗi. Chị được Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh đào tạo xét nghiệm viên, cấp kính kiển vi, đã giúp cho công tác chẩn đoán, điều trị  sốt rét tại trạm y tế ngày càng có hiệu quả hơn.  Hồi đó, chị suy nghĩ hai cán bộ y tế xã (chị và một y tá sơ học người địa phương) không thể triển khai hết các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét được nếu không có sự hợp tác thêm của một nhóm người nên chị thành lập mạng lưới cộng tác viên được 5 người tình nguyện tham gia. Đến năm 1992, chương trình phòng chống sốt rét Quốc gia hỗ trợ cho cán bộ phụ trách công tác phòng chống sốt rét xã 50.000 đ/tháng, chị dùng số tiền đó hỗ trợ cho các cộng tác viên mỗi người 10.000 đ/tháng để hoạt động, sau đó đến năm 1998 mạng lưới y tế thôn bản mới chính thức thành lập....”. Song song với các biện pháp triển khai về phòng chống sốt rét của y tế tuyến huyện và tỉnh kết hợp với nhiều hoạt động tích cực của chị và cộng tác viên nên số bệnh nhân sốt rét tại địa phương giảm rõ rệt qua từng năm. Từ 1988 -1992 số bệnh nhân sốt rét 250-350 ca/năm được điều trị tại trạm y tế thì đến giai đoạn 1993-2000 số bệnh  nhân sốt rét giảm dần chỉ còn 25 ca/năm. Từ năm 2001-2013 số bệnh sốt rét chỉ còn 2-3 ca/năm và năm 2014 không có bệnh nhân sốt rét mặc dù số lượt người năm nay ra khỏi vùng bảo vệ 846 lượt /năm.

9-1-15 hstl 2.png

   Với tâm niệm muốn bà con ổn định cuộc sống cần vận động các gia đình sinh ít con để nuôi dạy con tốt, chị cũng đã cùng các ban, ngành đoàn thể xã thường xuyên về thôn bản lồng ghép tuyên truyền giáo dục sức khỏe với vận động các đối tượng chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại để giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Kết quả đã vận động trên 100 người triệt sản và áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại khác như: đặt Dụng cụ tử cung, tiêm, cấy thuốc tránh thai…tăng chỉ số các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai trên 78 %, góp phần giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của toàn xã. Chị cho biết thêm: “ Trước đây có những phụ nữ mang thai chưa tiêm đủ liều vắc xin uốn ván, bản thân phải vượt suối để tiêm cho sản phụ, có lần suýt bị nước cuốn trôi vì nước ở thượng nguồn đổ về bất ngờ, may có người ở thôn phát hiện đưa vào bờ kịp thời”. Chị cười  và nói đùa: “ Nếu không có sự giúp đỡ chắc chị phải ôm phích vắc xin thả trôi theo dòng nước để tìm cách tấp vào bờ…”. Chị sôi nổi nói tiếp: “ Không ngại khó khăn vất vả chỉ mong sao cho những đứa trẻ sinh ra không bị uốn ván, 100% phụ nữ có thai được đẻ tại cơ sở y tế và xóa bỏ được tập tục lạc hậu đẻ tại nhà”. Nhờ quản lý phụ nữ có thai chặt chẽ, tiêm phòng đầy đủ nên từ năm 1990 đến nay không có trẻ nào sinh ra bị chết do uốn ván rốn. Chị tâm sự thêm: “Suy nghĩ sao cho hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không màng đến quyền lợi riêng tư, từ năm 1992-2002 là một trưởng trạm y tế kiêm nhiệm chuyên trách công tác DS-KHHGĐ phụ cấp 150.000 đ/tháng cho công tác kiêm nhiệm, chị  dùng số tiền đó để hỗ trợ cho những người đình sản 10kg gạo/người, đưa đón, lo tiền ăn sáng cho các đối tượng này…”

9-1-15 hstl 1.png

   Và, bản thân chị cũng không ngừng học tập để nâng cao trình độ phục vụ  công tác khám điều trị tại trạm y tế. Năm 2005- 2009 chị tham gia học cử nhân phụ sản tại Trường Đại học Y Dược Huế. Nhiều năm hoạt động tại Trạm y tế chị và đồng nghiệp đã được tặng nhiều thành tích tập thể, giấy khen của UBND huyện, Sở Y tế, Bằng khen của UBND tỉnh từ năm 1997-2000, UBND tỉnh cấp Chứng nhận “Tập thể điển hình tiên tiến năm 2001, 2002” và chứng nhận “Tập thể lao động xuất sắc năm 2004”, Bằng khen của Bộ y tế năm 2001, 2002, Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước tặng “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2001-2005”. Về cá nhân chị đã được ghi nhận nhiều thành tích tiêu biểu, được Sở Y tế cử ra Hà Nội tham dự “Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 1998”, Hội nghị “ Giỏi việc nước đảm việc nhà năm 2000”, nhiều bằng khen của UBND tỉnh về công tác y tế và DS-KHHGĐ, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Dân số, vì sự tiến bộ phụ nữ và nhiều giấy khen của Sở Y tế, UBND Huyện, TTYT huyện Nam Đông.

   Nhiều năm liền lãnh đạo đội ngũ trạm y tế cũng như y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để các dịch, bệnh xảy ra, chủ động giám sát phát hiện, dập tắt kịp thời các ca bệnh mới phát sinh không để lây lan trong cộng đồng, xây dựng được xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2013. Và điều mà chị cảm thấy vui nhất là “ Đã chọn Nam Đông làm quê hương thứ hai cho mình”.


Thăm dò ý kiến