Thông tin y tế 21 - 24/10/2020

24/10/2020 | 09:03 AM

 | 

1. Người dân được đảm bảo khám chữa bệnh đầy đủ trong ngày mưa bão

Những ngày qua ở Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, cộng với việc xả tràn đã dẫn đến ngập lụt cục bộ tại một số địa phương. Ở TP Hà Tĩnh, dù bị ngập sâu bởi nước lũ nhưng các cơ sở điều trị trên địa bàn Hà Tĩnh đã phát huy phương châm 4 tại chỗ, không để bệnh nhân phải thiếu ăn, thiếu thuốc trong những ngày điều trị tại viện.

Trong 2 ngày 20 và 21/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã khám cho 101 bệnh nhân, cấp cứu 45 bệnh nhân, thực hiện đỡ đẻ và mổ đẻ 19 ca. Hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho 932 bệnh nhân.

Lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các khoa phòng cố gắng hết sức để đảm bảo không có bệnh nhân nào phải thiếu thuốc hoặc chậm trễ điều trị do mưa lụt. Đồng thời giao cho căng tin chủ động các điều kiện, đảm bảo số lượng người trong kíp trực những ngày mưa lụt để cung cấp đầy đủ các suất ăn cho bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày, nhà ăn bệnh viện cung cấp gần 5.000 suất ăn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân...

BS Bùi Mai Hương – Phụ trách Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết: "Hiện có hơn 230 bệnh nhân đang điều trị tại đây, hầu hết là người cao tuổi, bệnh nhân nặng. Chính vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc điều trị, bệnh viện cũng chăm lo ăn uống cho bệnh nhân trong những ngày lụt bão. Mấy ngày qua, bệnh viện đã phát mì tôm buổi sáng và phối hợp với nhà ăn bệnh viện cung cấp miễn phí cơm trưa và tối cho bệnh nhân".

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Thị xã Kỳ Anh, trong những ngày qua bệnh viện vẫn thực hiện tốt công tác chăm sóc cho hơn 300 bệnh nhân. Các bệnh nhân ở vùng ngập lụt người nhà không tiếp tế được, bệnh nhân và người nhà ở lại tại bệnh viện đều được phục vụ ăn uống đầy đủ.

BS Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh nói: Tình hình mưa lũ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, hiện tại các cơ sở y tế cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở bị cô lập. Tuy nhiên, do chủ động chuẩn bị tốt các phương án theo phương châm 4 tại chỗ nên các cơ sở vẫn đảm bảo tốt công tác khám, điều trị, cấp cứu cho người bệnh. Ngành Y tế đang hết sức nỗ lực, quyết tâm không để người bệnh phải thiếu thuốc hay thiếu ăn trong quá trình điều trị tại cơ sở y tế.

Đặc biệt, để thực hiện việc hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh đã giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông báo rộng rãi số điện thoại của các Phó giám đốc phụ trách chuyên môn nhằm kịp thời hỗ trợ tuyến dưới khi cần. (21.10.2020, 532)

2. 30/30 quận, huyện Hà Nội đều ghi nhân số ca mắc sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến giữa tháng 10/2020, trên địa bàn có 3.704 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2019 có 6.835 ca). Các ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại cả 30/30 quận, huyện, 434/579 xã, phường trên địa bàn thành phố. Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm nhưng vẫn cần cảnh giác nguy cơ bùng phát dịch

Đáng chú ý, 10 quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết lũy tích cao là: Nam Từ Liêm (398 ca), Thường Tín (395 ca), Phúc Thọ (376 ca), Thanh Oai (322 ca), Hoàng Mai (186 ca), Đống Đa (177 ca), Hà Đông (173 ca), Thanh Trì (158 ca), Hoài Đức (155 ca), Hai Bà Trưng (151 ca).

Các địa phương có số mắc mới trong tuần cao là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Đống Đa, Thanh Oai, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Thường Tín.

Để ngăn chặn sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn, ngành y tế Hà Nội và các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống; tăng cường giám sát ổ bệnh cũ, khu vực nguy cơ cao; đồng thời chỉ đạo hỗ trợ chuyên môn xử lý các ổ bệnh phức tạp, kéo dài tại huyện Thường Tín (xã Khánh Hà), Thanh Oai (xã Thanh Thùy), Nam Từ Liêm (Mỹ Đình 2).

Đối với những nơi có số ca mắc mới cao, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ bệnh.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho véctơ truyền bệnh cũng như bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Bên cạnh đó, sự giao lưu đi lại giữa các vùng miền trên cả nước cùng với sự di biến động dân cư ngày càng mạnh mẽ, làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tập quán tích trữ nước của người dân, các công trình xây dựng ngày càng nhiều... là những vấn đề khó giải quyết và cần có kinh phí, thời gian để can thiệp.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng dịch bệnh là ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, thực hiện diệt bọ gậy là nguồn truyền bệnh quan trọng ngay tại hộ gia đình.

Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà còn cao dẫn đến trường hợp biến chứng nhanh và tử vong. (22.10.2020, 531)

3. Trực thăng đưa 2 bệnh nhân từ đảo Sinh Tồn về đất liền cấp cứu

Hai bệnh nhân là quân nhân bị tai nạn trong khi lao động đã được vận chuyển bằng trực thăng vào đất liền để được cấp cứu kịp thời.

Cụ thể, vào lúc 19 giờ 15 phút ngày 22/10, máy bay trực thăng EC-225, số hiệu VN8619  vận chuyển 2 bệnh nhân là quân nhân từ đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa đã hạ cánh tại Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Ngay lập tức, êkíp y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã nhanh chóng đưa bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) để cấp cứu, điều trị chuyên sâu.

Trước đó, ngày 21/10, Trung uý N.V.T (SN 1993) và Trung sĩ M.V.H (SN 2001) bị nạn trong khi lao động, đều được cấp cứu tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn. Quá trình sơ, cấp cứu, các y bác sĩ nhận thấy tình trạng hai bệnh nhân diễn tiến nặng. Quân nhân  N.V.T có triệu chứng đau đầu, lúc tỉnh lúc mê, vật vã la hét, khoang miệng có vết thương thông ổ gãy xương hàm dưới; quân nhân M.V.H có triệu chứng đau và sưng vùng chậu dưới, không đi lại được và có dấu hiệu phù nề.

Sau khi hội chẩn qua điện thoại giữa Viện y học Hải quân và Bệnh xá đảo Sinh Tồn, các y, bác sĩ nhận định N.V.T có tình trạng rất nặng, đa chấn thương và có khả năng chấn thương sọ não, tụ máu nội sọ, chấn thương hàm mặt và ngực kín..., cần thiết đề nghị cấp trên chuyển bệnh nhân vào đất liền điều trị để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Bệnh viện Quân y 175 và Công ty trực thăng miền Nam thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh Đoàn 18) đã phân công tổ bay, tổ y bác sĩ nhanh chóng tham gia chuyến bay cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân.

Rạng sáng 22/10, máy bay trực thăng VN8619 do tổ bay gồm: Trung tá Phạm Ngọc Hoài (lái chính), Thiếu tá Đỗ Hoàng Hải (lái phụ), Nguyễn Văn Hiền - nhân viên kỹ thuật; đã cất cánh từ Sân bay Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Sân bay Tân Sơn Nhất đón kíp y bác sĩ do  trung úy Trương Xuân Bách - Bác sĩ điều trị thành viên tổ cấp cứu hàng không Bệnh viện Quân y 175 và tiếp tục bay ra huyện đảo Trường Sa.

Mặc dù thời tiết cực kỳ xấu, diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần quyết tâm, đầy trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ bay của Binh đoàn 18 cũng đã đưa bệnh nhân và kíp y bác sĩ về đất liền an toàn.

Tại Bệnh viện Quân y 175, hai bệnh nhân đã được các kíp bác sĩ nhiều kinh nghiệm tổ chức hội chẩn nhanh, triển khai hàng loạt xét nghiệm, cận lâm sàng. (22.10.2020, 523)

4. Dịch bệnh mùa mưa lũ - Khuyến cáo phòng bệnh từ Bộ Y tế

Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai.

Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động, tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, dịch trong bão lụt và mưa lũ, cụ thể như sau:

1. Nguyên tắc

a) Thực hiện các biện pháp dự phòng chủ động để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão và khi xảy ra bão, lũ lụt.

b) Tìm hiểu thông tin và chủ động thực hiện khuyến cáo về các biện pháp giữ an toàn trong bão, lũ lụt, các biện pháp phòng chống tai nạn, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa bão lũ của các cơ quan y tế và chính quyền.

2. Khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung

a) Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

b) Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

c) Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

d) Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

đ) Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

e) Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

g) Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

h) Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

3. Phòng chống các bệnh thường gặp

3.1. Phòng chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa

Các bệnh thường gặp: Tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm

Phòng bệnh:

- Đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc"Ăn chín, uống chín", đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Đảm bảo đủ nuớc sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết.

- Uống hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vắc xin.

3.2. Phòng chống bệnh đường hô hấp

Các bệnh thường gặp: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp

Phòng bệnh:

- Giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già

- Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp.

- Đảm bảo đủ dinh dưỡng

- Chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong

3.3. Phòng chống bệnh về mắt

Các bệnh thường gặp: Đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ.

Phòng bệnh:

- Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn.

- Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn.

- Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.

- Không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ.

- Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.

- Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

3.4. Phòng chống bệnh ngoài da

Các bệnh thường gặp: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt.

Phòng bệnh:

- Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát.

- Không mặc áo quần ẩm ướt.

- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da mà còn gây ra bệnh đường tiêu hoá do nuốt phải nước bẩn.

- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

3.5. Phòng chống bệnh do muỗi truyền

Bệnh thường gặp: Sốt xuất huyết

Phòng bệnh:

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày.

- Diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng.

- Phun hoá chất diệt muỗi ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. (23.10.2020, 1077)

5. Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sinh hoạt trong mùa mưa, bão

Theo Bộ Y tế, nguồn nước nhiễm bẩn sau bão lũ khiến vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh.

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết… lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ. Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng.

Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông,…), các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, thương hàn), các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn…

Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra có thể sử dụng các biện pháp làm sạch nước đơn giản sau đây:

Các biện pháp xử lý nước sinh hoạt trong mùa mưa lũ

Bước 1: Làm trong nước

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

– Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

– Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Lưu ý: Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

a) Khử trùng nước bằng hóa chất:

– Đối với hộ gia đình: Thường khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

– Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hoá chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Cách khử trùng:

– Viên Cloramine B 0,25g:

Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.

– Viên Aquatab 67mg:

Cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

– Khử trùng bằng hóa chất bột: Thường được sử dụng khử trùng lượng nước cấp lớn. Lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramine hoạt tính trong l lít nước.

Đối với bột Cloramine B 27%, để khử trùng khoảng 300 lít nước cần tiến hành như sau: Hòa tan 3g bột Cloramine B 27% (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể hoặc thùng chứa 300 lít nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được.

Lưu ý:

– Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được.

– Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo.

– Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

– Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.

b) Đun sôi nước

– Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi.

– Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.

– Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

c) Sử dụng các thiết bị lọc nước

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước.

Lưu ý: Nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Xử lý nguồn nước sau bão lụt

a) Đối với giếng khơi: Tiến hành theo 3 bước:

Bước 1: Thau rửa giếng:

Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng.

Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.

Bước 2: Biện pháp làm trong nước:

Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3.

Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu.

Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần và đợi 30 phút sau mới thực hiện bước khử trùng nước.

Bước 3: Khử trùng nước giếng:

Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3 (1 bi tương đương 1m3) cứ 1m3 hoà tan 10 - 20gam Chloramine B tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước).

Múc một gàu nước.

Hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, phải khuấy đều cho tan hết hoá chất.

Thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần.

Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B quấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Chlo mới đảm bảo.

Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng

Sau 30 phút mới sử dụng nước (để phải đảm bảo lượng Clo dư (0,3 - 0,5mg/lít)).

(Nếu lỡ cho quá nhiều choloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi clo mới sử dụng).

Lưu ý:

Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn.

Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

b) Đối với giếng khoan:

Tháo dây cao su và ni lông bịt miệng giếng khoan.

Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan.

Khơi thông cống rãnh quanh giếng.

Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó mới sử dụng. (23.10.2020, 1459)

6. Y tế công cộng và phòng chống dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch COVID-19, cụm từ “y tế công cộng” được nhắc đến nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người nói về y tế công cộng hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được đầy đủ vai trò của y tế công cộng.

Vai trò của Y tế công cộng

Y tế công cộng là khoa học và nghệ thuật trong phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và tăng cường chất lượng cuộc sống thông qua nỗ lực có tổ chức và lựa chọn thông tin của cá nhân, cộng đồng, và toàn xã hội. Y tế công cộng quan tâm đến bảo vệ sức khỏe của toàn bộ người dân. Người dân ở đây có thể là một quần thể nhỏ cấp độ thôn xã nhưng cũng có thể là cả một quốc gia hay một khu vực trên toàn thế giới.

Với vai trò hỗ trợ chính phủ trong lĩnh vực y tế, y tế công cộng dần phát triển thành chương trình, chiến lược phòng ngừa bệnh tật, bao gồm nước sạch, vệ sinh môi trường, tiêm chủng, vệ sinh cá nhân và các chính sách bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Khái niệm phòng ngừa bệnh tật được mở rộng, không chỉ phòng, ngừa bệnh, tật cụ thể mà thay đổi môi trường, điều kiện sống góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân trong cộng đồng.

Chức năng chính của bác sĩ, y tá là điều trị bệnh tật cho từng cá thể. Các tổ chức y tế công cộng lại tập trung vào phòng và kiểm soát bệnh tật cho cả cộng đồng. Hai lĩnh vực điều trị và y tế công cộng cùng hợp tác để phòng chống bệnh tật. Ví dụ khi có ca bệnh truyền nhiễm xảy ra trong cộng đồng, bệnh viện phát hiện, cách li và điều trị bệnh nhân mắc bệnh. Thông tin được chia sẻ để y tế công cộng truy dấu tiếp xúc, điều tra nguồn lây nhiễm, giảm tốc độ lây trong cộng đồng. Sự phối hợp này được thể hiện rõ ràng trong dịch COVID-19 và cũng vẫn đang được triển khai với tất cả các bệnh lây nhiễm khác.

Bên cạnh phối hợp với lĩnh vực điều trị, y tế công cộng cũng làm việc trực tiếp với người dân và các đơn vị quản lý để xác định tình trạng, xu hướng bệnh tật, đưa ra các khuyến nghị chính sách cũng như triển khai các chương trình can thiệp để nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tích cực phòng chống dịch COVID, Trường Đại học Y tế công cộng khẳng định vị trí của mình

Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) là địa chỉ hàng đầu đào tạo Y tế công cộng tại Việt Nam. Trường có cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, chất lượng được chú trọng và ngày càng được nâng cao, đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản trong nước cũng như quốc tế. Khi dịch COVID-19 xảy ra, trường ĐHYTCC đã tham gia tích cực trong nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Các bạn sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng đã tình nguyện đăng kí để tham gia triển khai hoạt động xác định những người phơi nhiễm SARS- COV 2 trong cộng đồng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại Bộ Y tế. Sinh viên năm 3 – 4 của trường có kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc phòng chống dịch bệnh tại trường cũng đã tham gia triển khai công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

Bên cạnh đó, các thông tin về COVID-19 cũng được truyền thông tích cực trên fanpage, website của nhà trường. Kinh nghiệm, bài học về phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được chia sẻ rộng rãi tới cộng đồng quốc tế qua 10 bài xuất bản tại các tạp chí uy tín, có chỉ số trích dẫn IF cao. Với 91 giảng viên làm nghiên cứu, trong năm học 2019 – 2020 trường đã công bố 96 bài báo xuất bản quốc tế và 151 bài báo công bố trên các tạp chí quốc gia. Với thành tích này, Trường được xếp hạng thứ 2 về chỉ số H-Index trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Y Dược 2019. Chỉ số H-Index là một trong số các chỉ số được dùng để đánh giá các kết quả khoa học và làm cơ sở so sánh đóng góp khoa học của các nhà khoa học khác nhau, trong cùng lĩnh vực.

Tháng 9 năm 2020, Trung tâm xét nghiệm thuộc trường ĐHYTCC đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2. Việc được công nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR là cơ hội để Trung tâm xét nghiệm nâng cao chất lượng xét nghiệm và góp phần hoàn thành công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng. (23.10.2020, 901)

7. Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị tai mũi họng

Sáng nay 24/10/2020, Hội nghị khoa học chuyên ngành Tai Mũi Họng lần thứ 2 đã được tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội dưới sự phối hợp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Hội nghị với sự tham dự của PGS.TS Đào Xuân Thành - Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; GS.TS Nguyễn Đình Phúc - Chủ tịch hội Tai Mũi Họng Hà Nội; PGS.TS Trần Phan Chung Thủy, Chủ tịch hội Tai Mũi Họng Việt Nam; các chuyên gia lĩnh vực tai mũi họng và đội ngũ bác sĩ chuyên ngành tai mũi họng đến từ các bệnh viện trên khắp cả nước.

Mở đầu hội nghị, PGS.TS Đào Xuân Thành - Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát biểu và bày tỏ niềm vui mừng khi hội nghị khoa học này là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ về lĩnh vực Tai Mũi Họng, đặc biệt trao đổi về ứng dụng một số kĩ thuật và công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

Tại hội nghị, GS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội đã bày tỏ niềm vui khi được tiếp đón, giao lưu và trao đổi các kiến thức tại trường Đại học Y Hà Nội - cái nôi đào tạo của tất cả các thế hệ của ngành y tế của cả nước. Đây là niềm vinh dự cho nhà trường, cho chuyên ngành và cho chính hội nghị.

GSTạ Thành Văn nhấn mạnh chuyên ngành Tai Mũi Họng hiện nay đã khác rất nhiều so với những năm trước, các thầy các cô đã có những nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu đi vào y học phân tử, đi sâu vào nghiên cứu các tác nhân gây bệnh ở mức độ gen. Điều này là bước chuyển biến hết sức ngoạn mục. GS hi vọng đây là diễn đàn hữu ích để chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, tạo cơ hội trao đổi về chuyên môn giữa các bác sĩ trong lĩnh vực.

Hội nghị diễn ra rất sôi nổi qua 2 phiên với hơn 13 bài báo cáo của các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chia sẻ những nội dung liên quan đến ung thư vòm mũi họng, Implant - Lưu giữ phục hình tai, mũi xoang và đường hô hấp dưới, bảo tồn chức năng thanh quản trong điều trị ung thư, vai trò của VNG trong chẩn đoán chóng mặt, kiểm soát khối u và ung thư tuyến giáp,... Những vấn đề được trình bày trong Hội nghị đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho người tham gia. (24.10.2020, 494)

8. Khoảng 30.000 người bệnh suy thận tại Việt Nam cần lọc máu

Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, bệnh thận là bệnh lý thầm lặng thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Tại Việt Nam, ước có khoảng 30.000 người bệnh suy thận cần lọc máu. Cả nước hiện có 5.126 máy thận nhân tạo với hơn 400 đơn vị lọc máu và khoảng 2000 người suy thận được điều trị bằng phương pháp lọc màng bụng. Với điều kiện trang thiết bị hiện có, hiện mới đáp ứng 30% nhu cầu điều trị lọc máu

Bệnh suy thận giai đoạn cuối không ngừng gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam do gia tăng bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn sớm.

Theo báo cáo của Hội Lọc máu Việt Nam, bệnh thận là bệnh lý thầm lặng thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Tại Việt Nam, ước có khoảng 30.000 người bệnh suy thận cần lọc máu. Cả nước hiện có 5.126 máy thận nhân tạo với hơn 400  đơn vị lọc máu và khoảng 2000 người suy thận được điều trị bằng phương pháp lọc màng bụng. Với điều kiện trang thiết bị hiện có, hiện mới đáp ứng 30% nhu cầu điều trị lọc máu.

Thông tin trên được đưa ra tại Đại hội đại biểu Hội Lọc máu Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội ngày 24/10. Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị thận nhân tạo, bác sĩ chuyên ngành thận nhân tạo  tại 63 tỉnh, thành phố tham dự.

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết lọc máu lần đầu tiên được mô tả và thực hiện năm 1913 cho bệnh nhân suy thận cấp, cho đến nay đã trải qua hơn một thế kỷ.

Tại Việt Nam, lọc máu được thực hiện lần đầu tiên năm 1972 tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong thời kỳ đầu, do sự khó khăn của kinh tế, lọc máu chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, đến nay hệ thống cơ sở lọc máu được hình thành rộng khắp cả nước, từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh thậm chí đến các tuyến quận, huyện.

Hiện cả nước có hơn 430 đơn vị thận nhân tạo, trên 5.000 máy thận và nhiều cơ sở lọc màng bụng với 500 bác sĩ và trên 5.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên lọc máu.

Theo Thứ trưởng, bệnh suy thận giai đoạn cuối không ngừng gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt nam do gia tăng bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 30.000 bệnh nhân lọc máu, chiếm 0,031% dân số.

“Dự kiến, số lượng người bệnh có nhu cầu lọc máu sẽ gia tăng trong những năm tới, đòi hỏi cả xã hội phải chung tay, ngành lọc máu phải mở rộng và phát triển hơn nữa”- thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Bệnh thận mạn hiện là một gánh nặng toàn cầu và chưa được đánh giá đầy đủ. Hầu hết mọi người đã không nhận biết được đang trong tình trạng suy giảm chức năng thận. Bệnh thận mạn là một “bệnh lý thầm lặng” thường không có biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn sớm của bệnh. Người bệnh đã không biết rằng họ đang sống với những nguy cơ không chỉ với điều trị thay thế thận mà còn với các nguy cơ tim mạch, nhiễm khuẩn và nhập viện nội trú cao.

Ước tính đến năm 2018, có hơn 850 triệu người trên thế giới mắc bệnh thận mạn, một nửa trong số họ có bệnh đái tháo đường (422 triệu) và cao hơn 20 lần so với các bệnh lý như ung thư (42 triệu), HIV/AIDS (36.7 triệu). Do đó, bệnh thận mạn là bệnh lý phổ biến, tỷ lệ ước tính là 10% ở nam và gần 12% ở nữ. Trong đó có khoảng 5,3 đến 10,5 triệu người dang điều trị bằng các phương pháp điều trị thay thế thận.

Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, lọc máu tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại như các nghiên cứu về mục tiêu điều trị còn nhiều hạn chế, chưa có sự tham gia của các chuyên ngành dinh dưỡng, tâm lý học… Ngoài ra, chi trả bảo hiểm y tế cho lọc máu hiện tại là thấp. Việt Nam là một trong những nước có chi trả thấp nhất thế giới. Với chi phí điều trị thấp, các mục tiêu điều trị trở nên khó đạt được…

Hiện tại, mô hình lọc máu tại Việt Nam chủ yếu thực hiện trong bệnh viện,không có các trung tâm lọc máu độc lập, không có mô hình lọc máu tại nhà, bệnh nhân thận nhân tạo chưa thuận lợi trong tiếp cận các cơ sở điều trị; nhiều nơi, lọc máu ( chạy thận nhân tạo) chỉ là một phần của Khoa Hồi sức hoặc Khoa Thận tiết niệu. Thực tế đó khiến các quy trình bảo hành, bảo trì máy móc, trang thiệt bị chưa được thực hiện đầy đủ; bác sĩ, điều dưỡng kiêm nhiệm không tập trung cho chuyên khoa lọc máu, có thể la yếu tố gây nên sự cố trong quá trình điều trị...

Xuất phát từ tình hình đó cần thành lập một tổ chức hội nghề nghệp của những người làm việc trong chuyên ngành lọc máu. Hội lọc máu Việt Nam ra đời, là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho gần 6.000 cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực lọc máu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lọc máu cũng như phát triển chuyên ngành lọc máu.

Hội Lọc máu Việt Nam được thành lập theo quyết định 551 ngày 4/8/2020 của Bộ Nội vụ. Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Lọc máu Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành gồm 99 thành viên là các bác sĩ chuyên ngành về lọc máu tại các đơn vị y tế trên cả nước. TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) là Chủ tịch Hội. Hội Lọc máu Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tập huấn, hội thảo khoa học, hợp tác quốc tế; tham gia xây dựng mô hình lọc máu mới; hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị lọc máu tại địa phương... (24.10.2020, 1130)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến