Thông tin y tế 05 - 08/9/2020

08/09/2020 | 09:13 AM

 | 

1. Đừng để bệnh nhân covid-19 là nạn nhân của kỳ thị

Bị đàm tiếu trên mạng xã hội khi mắc bệnh. Bị xa lánh khi điều trị về nhà, mang tiếng là người mang họa về cho làng xóm… Đó là những điều bất khả kháng mà hầu như nhiều bệnh nhân Covid-19 đã phải trải đối mặt và phải vượt qua.

Chị Nguyễn Thị H. trú tại Hoàng Mai, Hà Nội là bệnh nhân Covid-19 số 195 hiện vẫn chưa quên căn bệnh đến với chị như một tai nạn không báo trước. Chị là nhân viên của Công ty Trường Sinh và làm việc tại căng tin BV Bạch Mai. Từ đầu mùa dịch, chị H. hiểu rằng dịch bệnh nguy hiểm thế nào nên luôn luôn chủ động phòng bệnh cho mình và gia đình. Chị luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người lạ. Chị H, kể 18 năm làm việc ở đây và trải qua biết bao mùa dịch,chị chưa khi nào nhiễm bệnh và có nhiều kinh nghiệm tự phòng bệnh cá nhân. Trong mùa dịch, chị vô tình trở thành bệnh nhân số 195.

Khi có ca đầu tiên ở Công ty Trường Sinh, chị H. chỉ ở nhà không tiếp xúc với ai và chờ ngày xét nghiệm. Khi biết kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, chị được đưa sang BV Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 ở Đông Anh. Người thân của chị được đưa đi cách ly tại BV Thanh Nhàn. Những ngày đầu nằm viện, chị H. vô cùng hoang mang khi thấy trên mạng người ta mắng chửi chị. Chị H, không trốn bệnh viện, không trốn cách ly, nhưng mạng xã hội đồn chị trốn bệnh viện về nhà bị công an giải đi rồi làm liên lụy tới hàng xóm.

Chị H. vô cùng mệt mỏi. Đêm nào cũng thức không thể ngủ nổi. 1,2 h sáng có bệnh nhân mới vào chị H, lại ào ra xem có ai là người nhà của mình không. Với chị đó là những ngày tháng vô cùng áp lực. Bản thân chị bị bệnh thì không sao, nhưng sợ nhất là ảnh hưởng tới người thân. Chị ngóng chờ tin tức của những ca F1 tiếp xúc với mình.

Chị H. không có triệu chứng của bệnh nhưng khi vào viện sử dụng thuốc kháng virus chị thấy người mệt hơn, miệng khô hơn, ăn uống không ngon. Sau 20 ngày điều trị thuốc chị H. có kết quả âm tính nhưng trong phòng bệnh có người tái dương tính. Cứ như thế, chị H, phải đếm đi đếm lại số ngày cách ly và ở viện gần 2 tháng mới được về nhà cách ly tại nhà. Dù đã trải qua 5 lần xét nghiệm âm tính khi cách ly ở nhà nhưng chị H. vẫn bị kỳ thị. Có người còn gọi chị là “con covid”.

Chị H. khỏi bệnh cũng là lúc chị mất việc. Chị phải tìm một công việc khác để đi làm nhưng cũng không dễ. Hai tuần trước, chị H, mới tìm được công việc làm bảo vệ dưới kho của một siêu thị. Công việc đó chị hầu như ít tiếp xúc với mọi người. Từ bệnh nhân Covid-19, chị hiểu được mình may mắn khi không có biến chứng nặng. Chị H. đã hiến huyết tương để cứu bệnh nhân nặng.

Cùng với chị H., chị H.T.T. bệnh nhân số 196 trú tại Thường Tín, Hà Nội cũng tương tự. Chị H, tâm sự chị cũng khổ sở vì bị cộng đồng mạng chửi, người ta chửi chị chồng đi cách ly còn cố tình đi ship hàng gieo rắt virus khắp nơi. Trong khi đó, chị hoàn toàn ở nhà và chồng chị vẫn đi làm bình thường. Chỉ đến 29/3 mới được đưa đi cách ly. Áp lực từ mạng xã hội khiến chị T. như ngã qụy. May mắn lúc đó có các nhân viên y tế luôn ở bên động viên, cổ vũ tinh thần, chăm sóc cho chị từ miếng ăn, thuốc uống.

Chị T. cũng có thời gian điều trị Covid-19 dài ngày tới gần 3 tháng. Dù không có biến chứng gì, cơ thể khoẻ mạnh nhưng cứ âm tính rồi lại dương tính. Sau khi ra viện, chị hoàn thành cách ly tại nhà 1 tháng nhưng mỗi lần ra đường chị vẫn nhìn thấy nhiều ánh mắt ái ngại. Có những lần đi mua bỉm, sữa cho con, chị T. thấy người bán hàng còn chạy vào lấy khẩu trang ra mới nói chuyện với chị.

Anh H.H.D, 42 tuổi, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội là bệnh nhân covid-19 số 109, anh D. đi nước ngoài và về nước được cách ly luôn. Khi điều trị xong hơn 1 tháng anh trở về nhà và hoàn thành thêm cách ly tại nhà 1 tháng. Anh thuận tiện hơn là làm việc qua mạng, nhưng thời gian ở viện, nhiều bạn bè, người quen trong viện mắc covid-19 bị kỳ thị, anh D. cũng thấy buồn.

Anh D. kể có người đồng bệnh nằm cùng phòng anh lúc nào cũng ủ rũ vì người thân, con cái bị kỳ thị vì người ta bị Covid-19. Anh D. cho biết virus có loại trừ ai đâu và ai không may mắn thì mắc bệnh như một tai nạn.

Theo ThS.BS Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng người bị nhiễm Covid-19 khi trở về cộng đồng họ bị kỳ thị. Có những bệnh nhân tâm sự họ bị mất việc, họ không thể đi làm thậm chí trở thành “tội đồ” mang dịch bệnh về cho làng xóm, đống nghiệp.

Bác sĩ Khiêm cho biết, kỳ thị người bệnh chỉ khiến công tác phòng chống dịch khó hơn, bởi vì sợ bị kỳ thị nên những người có yếu tố nguy cơ họ không chịu khai báo y tế thậm chí có dấu hiệu cũng không dám tới bệnh viện khám.

Bác sĩ Khiêm chia sẻ, hiện nay các bệnh nhân đã điều trị Covid-19 khỏi đang tích cực hỗ trợ công tác nghiên cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 năng hơn. Họ sẵn sàng hiến huyết tương để cứu người khác. Bác sĩ Khiêm cho rằng, cộng đồng nên thông cảm và chia sẻ với người bệnh nhiều hơn để có thể chiến thắng dịch bệnh sớm hơn, nhanh hơn.

KỲ THỊ BỆNH NHÂN COVID-19 CÓ THỂ BỊ PHẠT TÙ ĐẾN 5 NĂM

Pháp luật nghiêm cấm lợi dụng tình trạng dịch bệnh để lấy thông tin cá nhân nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tùy vào hành vi, mục đích hành vi cụ thể có thể xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự về các tội làm nhục người khác, vu khống…

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Ngoài ra, nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội làm nhục người khác, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm. (05.9.2020, 1247)

2. Tâm lý e ngại đến bệnh viện trong mùa dịch

Lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19, nhất là có nhiều trường hợp nhiễm bệnh có nguồn lây từ bệnh viện, nhiều người dân phát sinh tâm lý hoang mang, ngại đến bệnh viện, mà tự mua thuốc để sử dụng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người bệnh.

Theo ghi nhận, hiện nay dù các bệnh viện đã tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao. Nhiều bệnh viện đã tiếp tục thắt chặt công tác kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 với quyết tâm cao không để dịch COVID-19 xâm nhập, tạo môi trường khám chữa bệnh an toàn cho người bệnh và thân nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, tâm lý lo sợ, e ngại đến bệnh viện cũng còn xuất hiện ở rất nhiều người. Trong số đó có nhiều trường hợp người cao tuổi với nhiều bệnh nền cần được theo dõi thường xuyên.

Ngại đến bệnh viện do dịch bệnh

Trong thời gian gần đây, dù đã quá lịch tái khám định kỳ tại bệnh viện khoảng 1 tháng nhưng cụ ông Nguyễn Văn H. (66 tuổi, ngụ tại Quận 5, TP.HCM) cũng chưa đến bệnh viện để tái khám theo đúng lịch định kỳ của bác sĩ do lo ngại về dịch COVID-19, ông H. nói: “Tôi bị cao huyết áp, polyp túi mật cùng tiểu đường nên định kỳ 6 tháng lại đến bệnh viện để làm xét nghiệm, kiểm tra và theo dõi. Nhưng ở TP.HCM có nhiều trường hợp tiếp xúc gần, nghi nhiễm, cách ly… với lại những trường hợp bệnh nhân nặng thường là người cao tuổi, có sẵn nhiều bệnh nên tôi cũng sợ phải đến bệnh viện”.

Theo chia sẻ của các bác sĩ, việc lo ngại không đến bệnh viện để thăm khám theo đúng chỉ định của bác sĩ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe cũng như sự an toàn của người bệnh. Đơn cử như bệnh đái tháo đường, nếu người bệnh không đi khám thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ tăng hoặc hạ đường huyết. Bệnh huyết áp cao mà không đi khám thì không kiểm soát được huyết áp cũng như gây các biến chứng tai biến mạch máu não, đột quỵ... Ngoài ra còn đặc biệt nguy hiểm hơn khi người bệnh tự ý dùng thuốc, thay thế thuốc, thay đổi điểu trị…

Giống như trường hợp của ông H, hiện nay có nhiều trường hợp người bệnh do lo ngại mà không đến khám định kỳ, hay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường mà tự ý mua thuốc để điều trị. Trường hợp này cũng xảy ra với nhiều bậc phụ huynh, do lo ngại dịch bệnh nên không đưa con đi khám mà tự ý điều trị.

Theo thông tin từ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, thời gian vừa qua đơn vị Hồi sức tích cực nhi khoa bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi viêm phổi nặng, biến chứng co giật, có cơn ngừng thở. Đáng nói trẻ bắt đầu có triệu chứng từ 3 ngày trước, nhưng do tâm lý lo ngại dịch bệnh COIVD-19, gia đình đã trì hoãn không đưa trẻ đến viện sớm, khiến bệnh trở nặng. Rất may mắn sau 2 ngày điều trị, trẻ đã qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa Nhi của bệnh viện.

Diễn biến nguy hiểm do phát hiện muộn

Việc ngại đến bệnh viện để thăm khám không phải là hiện tượng mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã xuất hiện trong giai đoạn đầu của dịch, trước khi có sự xuất hiện trở lại của ca bệnh tại Đà Nẵng sau gần 100 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.

BS.CK II Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM  cho biết trong thời gian trước khi tình hình dịch Covid-19 có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc sống dần bình ổn trở lại. Khoa của ông thường xuyên tiếp nhận những người bệnh ung thư nặng. Tất ca những ca phẫu thuật đó dường như trở thành cuộc đua cân não của bác sĩ với bệnh tật của người bệnh. Bà Nguyễn Thị M. 60 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng tới viện với cái bầu khệ nệ. Bà M.kể mình phát hiện bụng to dần 3 tháng nay lúc đầu còn nhỏ sờ thấy khối u trên bụng nhưng không đau và không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hằng ngày nên không quan tâm vì nhà rất nghèo và vùng nông thôn xa xôi nên không đi khám. Sau đó bụng to nhanh và đau ngày càng mệt và khó thở, hàng xóm quyên góp được một số tiền khuyên nên đi lên tuyến trên điều trị . Khi chuẩn bị hành trang đi viện thì dịch bệnh, cách ly nên đành ôm bụng chờ. Bụng bệnh nhân  ngày càng căng chướng không thở nổi. BS Tiến cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng với dịch ổ bụng rất nhiều chèn ép khó thở phải mổ gấp.

Ngoài những bệnh lý nền, bệnh mạn tính lâu năm… nhiều trường hợp bệnh lý khác cũng đang bị xem nhẹ, dẫn đến phát hiện muộn, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian vừa qua bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhưng đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị mà tự ý điều trị tại nhà và dẫn đến nhiều biến chứng nguy kịch.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện này, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Các bệnh viện tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19

Nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiếu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng, các bệnh viện đã có nhiều biện pháp để tăng cường hiệu quả phòng và kiểm soát SARS-COV-2 trong các bệnh viện như: tổ chức rà soát, đảm bảo thực hiện nghiêm và có hiệu quả cấc quy định về phòng, kiểm soát lây nhiễm dịch COVID-19; thực hiện sàng lọc, khai thác kỹ các yếu tố dịch tễ, triệu chứng đối với bất kỳ ai đến các cơ sở khám chữa bệnh; đảm bảo việc thực hiện đeo khẩu trang và vệ sinh tay, thực hiện nghiêm quy định về giãn cách… Ngoài ra các biện pháp như bố trí lối đi riêng cho người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao,… cũng được triển khai thực hiện nhằm đảm bảo an toàn trước dịch bệnh nói chung và an toàn trong môi trường khám chữa bệnh nói riêng.

Dịch COVID-19 nguy hiểm và có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên các biện pháp bảo vệ, phòng và chống dịch đang được triển khai nghiêm chỉnh, quyết liệt tại các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo sự an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất. Do đó người dân không nên quá hoang mang, lo sợ  với việc đến bệnh viện khám chữa bệnh mà vô tình gây nên sự nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của bản thân mình. (05.9.2020, 1432)

3. Đấu trí phẫu thuật ca bệnh khó, hồi sinh cuộc sống cho người bệnh

Từ một người ung thư tiền liệt tuyến di căn, không thể đi lại được, hai tay quá yếu khiến cuộc sống của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là tâm lý luôn mặc cảm, tự ti, thế nhưng sau ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng tại Bệnh viện K, người đàn ông 55 tuổi đã đi lại, vận động bình thường.

Cân não để "hoá giải" ca bệnh khó

Bệnh nhân Bùi Minh C. 55 tuổi (ở Thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đến Bệnh viện K trong tình trạng đau nhức xương ở nhiều vị trí. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến di căn nhiều xương sườn.

Việc không thể đi lại được, hai tay quá yếu khiến cuộc sống của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là tâm lý luôn mặc cảm, tự ti.

Khai thác bệnh sử của bệnh nhân được biết, trước đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến và tủy tinh hoàn, sau đó điều trị nội tiết để kiểm soát tình trạng bệnh. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện thêm dấu hiệu yếu hai tay, rất khó vận động và đi lại.

Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy có khối u di căn thân đốt sống cổ C5 gây xẹp hoàn toàn đốt sống chèn ép tủy cổ. Các bác sỹ nhận định bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật để cải thiện tình trạng hiện tại.

Sau khi hội chẩn các chuyên gia ung bướu trong bệnh viện, các bác sĩ nhận định đây là ca mổ phức tạp vì khối u di căn cột sống cổ chèn ép tủy, ở bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến có di căn nhiều xương. Việc lựa chọn chiến lược điều trị cũng được tính toán kỹ nhằm đảm bảo lấy bỏ khối u chèn ep tủy, phục hồi hình dạng cột sống, cũng như cần phối hợp điều trị hóa trị, nội tiết để kiểm soát tình trạng bệnh chung.

Vợ bệnh nhân C chia sẻ: “Gần như không có đêm nào chồng tôi được ngủ yên giấc, dù rất thương và lo cho chồng nhưng tôi cũng không còn cách nào khác, chỉ biết nhờ cậy đến y học và các bác sỹ”

Hồi sinh cuộc sống cho người bệnh...

Ca phẫu thuật được tiến hành ngày 28/8, ekip phẫu thuật gồm các bác sỹ khoa Ngoại Thần kinh: TS.BS Nguyễn Đức Liên (Trưởng khoa), ThS.BS Nguyễn Thái Học, ThS.BS Nguyễn Văn Linh;  ekíp gây mê: ThS.BS Nguyễn Ngọc Quỳnh; Phó trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức đã cùng phối hợp thực hiện ca phẫu thuật này.

Ca phẫu thuật được tiến hành hết sức cẩn trọng, ở Thì 1, các bác sỹ đã phẫu thuật cắt toàn bộ thân đốt sống có u di căn, và lấy khối u chèn tủy sống. Ở Thì 2, bệnh nhân được làm vững cột sống và thân đốt sống bằng titan và nẹp vít cột sống cổ.

Sau 4 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Bệnh nhân C. tỉnh trở lại, cử động hai chân và tay bình thường, và tự thở bình thường. Bệnh nhân tập đi lại sau 4 ngày điều trị, đi lại bình thường và trở lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, và tiếp tục được điều trị bệnh nguyên phát bởi các bác sĩ chuyên gia hóa chất hệ tiết niệu của bệnh viện K.

ThS. BS Nguyễn Thái Học, khoa Ngoại Thần kinh chia sẻ: Cấu trúc đốt sống cổ rất quan trọng, mọi đường vận động và chi phối vận động đều đi qua đó, cột sống cổ vốn đã hẹp, nay lại bị chèn ép, nếu phẫu tích không chuẩn xác thì chỉ cần một tác động hơi mạnh thôi là bệnh nhân có thể liệt hoàn toàn sau mổ. Xung quanh đó có rất nhiều cấu trúc quan trọng, như khí quản, thực quản, động mạch cảnh, do đó khó khăn trong mổ đó là chúng tôi không được để có bất kỳ sai sót nào, ngoài ra rất nhiều thao tác cần thực hiện nhịp nhàng”.

ThS. BS Nguyễn Thái Học hỏi thăm sức khoẻ bệnh nhân

“Thật khó để nói điều gì vào lúc này. Thấy chồng đi lại được, ăn uống, ngồi dậy, tự chăm sóc được, cuộc sống của gia đình tôi như bước sang một trang mới. Dù còn phải tiếp tục điều trị nhưng chồng tôi tiến triển như vậy là mừng quá rồi. Tôi không biết nói gì hơn, gia đình tôi rất biết ơn các bác sỹ” – vợ anh C bày tỏ

TS.BS Nguyễn Đức Liên – Trưởng khoa Ngoại thần kinh, chia sẻ : Việc không đi lại được, gần như liệt, mất cảm giác các chi là một tổn thương rất lớn về sức khỏe về tâm lý và cuộc sống của người bệnh.

“Mỗi ca phẫu thuật thành công lại mang đến cho các bác sĩ cảm xúc lâng lâng khó tả, không có gì đáng quý hơn nụ cười của người bệnh, họ hài lòng và đặt niềm tin ở Bệnh viện. Tại bệnh viện K, việc điều trị đa mô thức các khối u mang lại hiệu quả điều trị cao, nâng cao chất lượng điều trị của người bệnh ngay cả khi người bệnh đã có di căn, điều này sẽ giúp người bệnh được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại Việt Nam”- TS Nguyễn Đức Liên nói. (05.9.2020, 959)

4. Quảng Nam: Đưa các hoạt động trở lại bình thường nhưng không lơ là chống dịch

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản để mọi người dân trên địa bàn tỉnh chung sống an toàn, chiến đấu trường kỳ với đại dịch COVID-19...

Ngày 5/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định số 2456/QĐ-UBND về việc chấm dứt thực hiện Quyết định số 2220/QĐ-UBND ngày 12/8/2020 của UBND tỉnh về việc tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Công văn số 4232/UBND-KGVX ngày 28/7/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cấp bách trong tình hình hiện nay trên phạm vi toàn tỉnh vào lúc 06 giờ 00 ngày 06/9/2020.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn sớm đưa các hoạt động của đời sống xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới”; đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không được chủ quan, lơ là, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 309/TB-VPCP ngày 24/8/2020 và Thông báo số 313/TB-VPCP ngày 29/8/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản để mọi người dân trên địa bàn tỉnh chung sống an toàn, chiến đấu trường kỳ với đại dịch COVID-19 như:

Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, dần hình thành nếp văn hóa này trong điều kiện có dịch bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; khai báo y tế trên ứng dụng NCONI và cài đặt, sử dụng phần mềm truy vết Bluezone.

Chủ động chuẩn bị kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh tại cơ sở y tế, cơ quan, trường học, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cáccơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, nhất là nơi có lượng lao động lớn.

Sẵn sàng kích hoạt ngay các quy trình phòng chống dịch trong trường hợp xuất hiện ca bệnh dương tính với COVID-19 để khẩn trương, quyết liệt khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh, kịp thời, không để lây lan rộng ra cộng đồng; mặt khác, có phương án duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

* Về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ ngày 25/7/2020 đến nay (từ khi Bộ Y tế công bố ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên ở cộng đồng tại TP Đà Nẵng), số bệnh nhân COVID-19 được điều trị là 97 người - trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế: 05 ca, Bệnh viện Trung ương Quảng Nam: 62 ca và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam: 30 ca.

*Ngày 03/9/2020, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông N.K.T trú tại thành phố Hội An  số tiền 7.500.000 đồng vì có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giải mạo, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Mức phạt cho hành vi này áp dụng theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. (06.9.2020, 652)

5. Bộ Y tế: Thông điệp 5K - "Lá chắn thép" trong phòng chống đại dịch COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Thực hành tốt thông điệp 5K chính là “Lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: “Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng. Đã đến lúc chúng ta cần phải xác định Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”, ngày 31/8, Bộ Y tế đã chính thức khuyến cáo Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế kêu gọi mỗi người dân cùng nhau thực hiện Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19.

"Thực hành tốt thông điệp 5K chính là “Lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch COVID-19” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ngay sau khi phát động Thông điệp 5K, các cơ quan báo chí đã cùng vào cuộc để kịp thời thông tin đến người dân. Với hàng trăm bài viết, tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Thông điệp 5K đã lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng. Đồng thời, các infographics, TV Spot, audio Spot Thông điệp 5K do Bộ Y tế xây dựng đã được truyền thông rộng rãi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trên các kênh báo, đài, mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo, Lotus, TikTok...

Đến nay, trên trang Fanpage của Bộ Y tế - Sức khỏe Việt Nam, Thông điệp 5K đã có gần 1 triệu lượt người tiếp cận, tương tác và chia sẻ. Để lan tỏa thông điệp mạnh mẽ, Bộ Y tế đã cập nhật khung Avatar Thông điệp 5K, chia sẻ để cộng đồng mạng hưởng ứng bằng cách thay Avatar, góp phần hưởng ứng thực hiện Thông điệp 5K. Chỉ sau 3 ngày phát động, hàng nghìn lượt người dùng Facebook đã thay Avatar Thông điệp 5K.

Đặc biệt, các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên, người nổi tiếng, KOLs đã đồng loạt hưởng ứng thay Avatar trên trang Facebook cá nhân của mình như: Ca sĩ Dương Triệu Vũ, Hoa hậu Jennifer Phạm; ca sĩ Nam Cường; Hoa hậu doanh nhân Bảo Trâm; Giám đốc sáng tạo thời trang Neva Easter Lily; Á hoàng Golf Queen Nguyễn Hải Anh; Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa, nhạc sĩ Minh beta, ca sĩ Thanh Tài…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Thực tế, nguy cơ dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế đã luôn khuyến cáo những thông điệp, những việc cần làm rất cụ thể, chính xác, phù hợp với diễn biến và tình huống phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường phối hợp chặt chẽ cùng các ban, ngành, đoàn thể ban hành những quy định cụ thể về an toàn trước dịch COVID-19.

Nếu mỗi người trong chúng ta chúng ta làm tốt các quy định đã được khuyến cáo thì việc kiểm soát dịch COVID-19 là hoàn toàn có thể. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự đoàn kết để chung sức chiến thắng đại dịch COVID-19.

“Bộ Y tế nhận định đã đến lúc chúng ta phải xác định Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân hãy hành động, cùng nhau thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Hãy tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế để giữ an toàn cho bản thân và xã hội trước đại dịch COVID-19”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng các tài liệu, các khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19; đồng hành với các KOLs xây dựng các chương trình truyền thông Thông điệp 5K. Đặc biệt, sẽ phối hợp Ra mắt MV ca nhạc với sự góp mặt của hơn 100 là các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên; phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện các chương trình truyền hình, tọa đàm, giao lưu trực tuyến… nhằm lan tỏa thông điệp tới cộng đồng.

THÔNG ĐIỆP 5K: KHẨU TRANG – KHỬ KHUẨN – KHOẢNG CÁCH – KHÔNG TỤ TẬP – KHAI BÁO Y TẾ”:

KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.

KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

KHÔNG TỤ TẬP đông người.

KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.xn--vn-rma2251a/ được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

Hãy giữ an toàn cho Bạn và Chúng ta trước Đại dịch COVID-19! (07.9.2020, 1007)

6. Hà Nội: Bệnh viện khắc phục công tác phòng chống dịch và hoạt động trở lại

Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện có 78/81 bệnh viện (BV) đạt mức an toàn; 1 BV ở mức an toàn thấp; 2 BV không an toàn phải đóng cửa. Sở yêu cầu các BV phải khẩn trương khắc phục công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đoàn Kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 của Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiến hành chấm điểm lại đối với BV phải tạm dừng hoạt động để khắc phục những hạn chế trong phòng chống dịch COVID-19. Tại BV Mắt Sài Gòn Hà Nội, các hạn chế cần khắc phục gồm: biển, bảng và khu vực buồng đệm được sắp xếp chưa hợp lý. Kết quả đánh giá BV đạt 78% điểm chuẩn theo Bộ tiêu chí “Bệnh viện An toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” theo Quyết định 3088-QĐ/BYT ngày 16/7/2020, đạt tiêu chí Bệnh viện an toàn.

Đoàn Kiểm tra cũng yêu cầu BV cần nghiêm túc duy trì thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cộng đồng như: Kiểm tra thân nhiệt và hướng dẫn sát khuẩn tay nhanh cho tất cả mọi người trước khi vào bệnh viện; Khai báo thông tin y tế đầy đủ thông qua hình thức khai báo điện tử và phiếu điền thông tin viết tay. Với người đã qua khai báo y tế và sàng lọc, sẽ được dán tặng sticker trên tay hoặc nơi dễ quan sát nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ và dễ nhận biết, phân luồng trong trường hợp cần thiết; Tặng khẩu trang miễn phí cho người đến BV không có khẩu trang. Tất cả nhân viên y tế và người dân tuân thủ đeo khẩu trang khi vào bệnh viện; Phục vụ nước sát khuẩn tay nhanh ở tất cả khu vực chờ, thang máy, phòng khám, nhà vệ sinh…

BV sắp xếp giãn cách và bố trí khoảng cách an toàn tại khu vực ngồi chờ, quầy kính/ thuốc và khu vực thanh toán; Tăng cường khử khuẩn tiệt trùng phòng bệnh, tất cả bề mặt tại bệnh viện, nhà thuốc… theo quy định; Đăng ký hẹn khám qua điện thoại và booking online để đảm bảo chất lượng phục vụ bệnh nhân; Với các người dân sau khi xác nhận có yếu tố nguy cơ được sắp xếp/bố trí khu cách ly riêng biệt/an toàn với sự hỗ trợ y tế.

Các BV vừa duy trì khám chữa bệnh, vừa đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và người nhà.

Hiện, Hà Nội còn 1 BV ở mức an toàn thấp thấp (Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2), phải được nâng cấp theo tiêu chí an toàn; 2 BV không an toàn phải đóng cửa (Bệnh viện Mắt Hitech và Bệnh viện Mắt Việt Nhật), cần sớm được khắc phục.

Sau nhiều lần kiểm tra, Sở Y tế đánh giá, các BV vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc tự kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả; hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại một số bệnh viện chưa bảo đảm; việc vệ sinh bề mặt, khử khuẩn tại một số BV được thực hiện chưa nghiêm túc. Sở Y tế đề nghị các BV khắc phục ngay những hạn chế này.

Ngoài ra, Sở Y tế đã giám sát, kiểm tra 52 phòng khám đa khoa khu vực; các địa phương đã xử phạt hành chính 26 cơ sở hành nghề y vì không bảo đảm hướng dẫn phân luồng. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra tại các phòng khám đa khoa; tăng cường xử lý những phòng khám không bảo đảm trong công tác phòng, chống dịch.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc chống dịch là nhiệm vụ lâu dài. Do đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các phần việc, như: Vận động, tuyên truyền người dân phòng, chống dịch theo tinh thần "5K"; chủ động giám sát các ca bệnh, tổ chức rà soát, truy vết những trường hợp liên quan...

Sở Y tế cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đối với việc cách ly chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày và thu phí đối với các trường hợp nhập cảnh, thành phố sẽ bố trí cách ly tại các khách sạn trên tinh thần bảo đảm phòng, chống dịch.

Với những người về từ Đà Nẵng có xét nghiệm âm tính, đã qua 14 ngày, thành phố vẫn khuyến cáo cần tiếp tục ở nhà theo dõi sức khoẻ, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương. Với trường hợp về nhưng chưa xét nghiệm thì các địa phương phải có quyết định cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày để bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các cửa hàng kinh doanh, cơ sở ăn uống; quan tâm phòng, chống dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Sở VH-TT, Sở Y tế xây dựng quy tắc ứng xử nếp sống văn hoá trong tình hình phòng, chống dịch lâu dài. (07.9.2020, 917)

7. Y văn thế giới ít ghi nhận: Phát hiện 2 loại ung thư trên cùng thùy phổi

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận trường hợp người bệnh được xác định có ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô vảy phổi trên cùng một thùy phổi. Đây là trường hợp hiếm gặp không chỉ ở trong nước mà y văn thế giới cũng ít ghi nhận. Do thông thường các khối u được phát hiện trên cùng một thùy phổi sẽ có cùng bản chất, nhưng các u lại phát triển độc lập với 2 loại ung thư khác nhau trong trường hợp này.

Hình ảnh đại thể mô bệnh phẩm phổi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Người bệnh Đ.V.H. sinh năm 1943, địa chỉ tại phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều có tiền sử phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bụng điều trị phình động mạch chủ bụng, phẫu thuật lấy sỏi niệu quản trái, phẫu thuật thoát vị thành bụng. Cách vào viện khoảng 1 tháng, người bệnh xuất hiện mệt mỏi, gầy sút cân, ho ra ít máu, tức ngực trái, khó thở, ho thúng thắng.

Tại bệnh viện, người bệnh được chỉ định chụp CT-scanners phổi 32 dãy cho thấy u thùy trên phổi trái. Khối u nằm sát quai động mạch chủ. Người bệnh tiếp tục được sinh thiết xuyên thành cho kết quả ung thư biểu mô tuyến. Sau đó, người bệnh đã được chỉ định và được tiến hành phẫu thuật cắt thùy trên phổi trái bằng phương pháp VAT (mổ hỗ trợ video) kết hợp mổ nội soi và mổ mở.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy 2 khối u ở phổi trái (một khối u lớn và một khối u nhỏ nằm sát cạnh) và đã tiến hành cắt toàn bộ thùy trên phổi trái và nạo vét hạch cho người bệnh. Toàn bộ thùy trên phổi trái được gửi làm giải phẫu bệnh cho kết quả trên 2 khối u ở phổi trái là 2 loại ung thư khác nhau gồm ung thư biểu mô tuyến (khối u lớn) và ung thư tế bào vảy (khối u nhỏ).

BSCKI. Nguyễn Đức Hoành - Trưởng khoa Phẫu thuật-Can thiệp tim mạch&lồng ngực cho biết, trường hợp người bệnh Đ.V.H. là trường hợp hiếm gặp được ghi nhận đầu tiên tại bệnh viện khi có 2 loại ung thư trên cùng 1 thùy phổi. Người bệnh đã được tư vấn điều trị hóa trị kết hợp xạ trị tế bào đích. Kết hợp đa mô thức như vậy là phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh trong trường hợp này. (08.9.2020, 432)

8. WHO tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum cho Việt Nam

Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày hôm nay (8/09/2020) từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội.

Để kịp thời hỗ trợ Việt Nam trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm độc tố Botulinum do ngộ độc thực phẩm, PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực Tây Thái Bình Dương đã chỉ đạo Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum.

Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày hôm nay (8/09/2020) từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt của loại huyết thanh này.

Trước đó, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội cũng đã tài trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận 2 liều kháng độc tố Botulinum từ Thái Lan về để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh Viện Bạch Mai.

"10 liều thuốc nêu trên dự kiến sẽ được dùng để điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo tại các bệnh viện ở Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân" - PGS.TS Giáng Hương thông tin.

Dưới sự chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các Vụ, Cục của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ Kế hoạch Tài chính) đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới để giải quyết các thủ tục cần thiết trong việc tiếp nhận số thuốc nêu trên.

Vẫn có nhiều người ngộ độc sau khi ăn Pate Minh Chay

Theo thông tin cập nhật, sau thời điểm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo khẩn cấp thu hồi sản phẩm Pate Minh Chay trên cả nước do sản phẩm này nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum, vẫn có thêm các trường hợp sử dụng sản phẩm này do không nhận được thông tin và sản phẩm cũng chưa được các địa phương thu hồi hết.

Tại Hà Nội:

Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai những ngày gần đây có 35 bệnh nhân đến khám sau khi ăn Pate Minh Chay nhiều ngày. Trong đó, có 13 trường hợp có biểu hiện nghi ngộ độc nhẹ: mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này được cho về theo dõi tại y tế cơ sở, triệu chứng do ngộ độc có thể giảm dần. Tuy nhiên, nếu diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.

Về sức khỏe hai bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm Chống độc do ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên -Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: Cả hai đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc.

Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, hiện còn liệt nhẹ ở họng nhưng đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ và sẽ sớm ăn được trở lại bằng đường miệng.

Tại TP.HCM:

Ngày 7/9/2020, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: tình trạng bệnh nhân N.N.D. (bệnh nhân thứ 6 được điều trị tại Đơn vị Chống độc Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy do bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay) chưa có nhiều cải thiện đáng kể, dự kiến vẫn phải thở máy kéo dài.

TS.BS Lê Quốc Hùng cũng chia sẻ một thông tin đáng mừng là Tổ chức Y tế thế giới đã chấp nhận cung cấp thuốc điều trị ngộ độc Clostridium botulinum cho Việt Nam. Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, các bệnh nhân đã bị ngộ độc nặng, bị liệt và phải thở máy sẽ có thuốc để điều trị.

Vào chiều tối 7/9, BSCKI Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh Nhiệt đới) và BSCKI Nguyễn Lý Minh Duy (Khoa Hồi sức cấp cứu) của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hội chẩn và hỗ trợ điều trị cho 2 ca ngộ độc do ăn pate Minh Chay.

Theo BS. Nguyễn Ngọc Sang, bệnh nhân N.T. T. (20 tuổi) bị rối loạn tri giác, hội chẩn xác định do hạ natri máu. Ngoài ra, sức cơ của bệnh nhân còn yếu dẫn đến tình trạng hô hấp chưa được đảm bảo. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để bồi hoàn natri máu và cho thở máy trở lại. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, làm theo y lệnh của bác sĩ. Bệnh nhân sẽ được tăng cường tập vật lý trị liệu, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, phòng ngừa nhiễm trùng, tiến đến cai máy thở.

Trong khi đó, bệnh nhân T. T.G. (26 tuổi), đang được điều trị tại Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Hiện tại, sức khỏe ổn định, không sốt, không ghi nhận nhiễm trùng phổi thêm. Bệnh nhân đang trong quá trình tập hồi phục sức cơ, đang tự thở qua mở khí quản.

"Hiện tại, tình trạng của cả hai bệnh nhân tương đối ổn định, sức cơ đang trong quá trình hồi phục. Cả hai bệnh nhân cần phải tập vật lý trị liệu tích cực, cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ để quá trình hồi phục rút ngắn lại. Tiên lượng khoảng 1-2 tháng nữa thì bệnh nhân có thể hồi phục một phần sức cơ" - BS. Nguyễn Ngọc Sang cho biết.

Trước đây, hai bệnh nhân N.T. T. và T. T.G. (cùng ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) từng được điều trị ở Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi chuyển về lại địa phương là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiếp tục theo dõi và điều trị. (08.9.2020, 1149)

9. Thuốc lá điện tử tăng nguy cơ ung thư phổi và hàng loạt tác hại khác

Nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) là sành điệu và giúp cai nghiện được thuốc lá điếu thông thường. Song các chuyên gia cho rằng điều này là sai lầm vì các sản phẩm này đều gây độc như nhau và cần thiết ban hành ngay quy định cấm vận chuyển, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi tràn lan trên thị trường.

Ngày 8/9, Bộ Y tế phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam, Tổ chức HeathBridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Cung cấp thông tin về các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết, do trong các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khoẻ như nicotine, kim loại, chì, thuỷ ngân... nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ hệ hô hấp, tim mạch, não bộ, thời kỳ mang thai, nguy cơ ung thư...

"Các hình ảnh X-Quang ngực ở người hút thuốc lá điện tử cho thấy hình ảnh kính mờ lan toả nền phổi 2 bên, là biểu hiện kinh điển trong tổn thương nhu mô phổi. CDC Hoa Kỳ ghi nhận đến 18/2/2020 có hơn 2.800 trường hợp bị tổn thương phổi hoặc tử vong do sử dụng thuốc lá điện tử.

Với thuốc lá nung nóng còn có độc tính cao hơn so với thuốc lá điện tử. Chúng cũng phát ra các hạt nhỏ có thể dễ dàng xâm nhập vào phổi và có khả năng làm tổn thương nhu mô phổi"- PGS. Nhung phân tích.

Đặc biệt, chuyên gia về phổi nhấn mạnh, khói thuốc lá điện tử chứa nhiều kim loại và có khả năng dẫn đến nguy cơ ung thư. Các biến đổi phân tử dẫn đến ung thư ở người sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống là như nhau. Trong khi loại thuốc lá thế hệ mới này lại có xu hướng nhắm đến giới trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho thế hệ tương lai. Bằng chứng cho thấy, việc cho phép bán dù là thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng ngay cả khi được quản lý chặt chẽ sẽ đều mang lại tác động tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng.

GS.TS Lê Gia Vinh - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho hay, xu hướng sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang ngày một tăng lên, đặc biệt có xu hướng gia tăng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ hiện nay.

“Các sản phẩm thuốc lá mới hiện đang được các công ty thuốc lá giới thiệu là một sản phẩm ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Song đây chỉ là quảng cáo nhằm khuyến khích mọi người sử dụng. Với thuốc lá điện tử, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường” – PGS. Vinh nhấn mạnh.

Cần biện pháp "mạnh tay"

Theo ông Vinh, ngành công nghiệp thuốc lá đang hướng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới xâm nhập tới các quốc gia một cách hợp pháp, trong đó có Việt Nam. Nhiều ý kiến đề xuất nhà nước nên cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc Shisha tại thị trường Việt Nam, bởi những tác hại mà chúng gây ra cho sức khoẻ không kém gì thuốc lá thông thường.

Trước những nguy cơ trên, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng kiến nghị cần ban hành ngay quy định cấm, vận chuyển và buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi tràn lan trên thị trường.

“Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các sản phẩm này, đặc biệt trên internet… Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá theo luật phòng chống tác hại thuốc lá và công ước khung của WHO, đặc biệt là tại trường học, cơ sở y tế, nơi tập trung đông người” - PGS. Nhung nói.

Theo đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá mới vẫn có hại như thuốc lá điếu thông thường. Chúng không có công dụng cai nghiện như quảng cáo của các tập đoàn thuốc lá. Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Điều này cũng không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới. Nhà nước không có lợi ích gì khi cho phép các sản phẩm này tại Việt Nam. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, thế giới đã mất hàng chục năm chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả còn chưa được như mong đợi. Nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần. Do đó, cần thiết cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha.

Đồng quan điểm, ThS. Lê Thị Thu - Tổ chức HeathBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ, với việc các sản phẩm thuốc lá mới có chứa các chất độc hại gây bệnh tật và tử vong, ảnh hưởng đến cả người hút và người xung quanh; đặc biệt với xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên thì Việt Nam không nên cho phép thí điểm sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát hoạt động quảng cáo, buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới...

ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh: Cho đến nay vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng về mức độ gây tác hại của sản phẩm này nên cần thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các chính sách quản lý, tránh việc cho phép kinh doanh, sử dụng khi chưa được đánh giá tác động đầy đủ đến khi siết chặt sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết các hậu quả bất lợi cũng như rất khó giảm nhu cầu sử dụng của người dân do đây là sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện đối với sản phẩm này.

Bên cạnh đó, ThS. Trang cũng chỉ rõ, quy mô thị trường và tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam còn nhỏ. Trong khi so sánh về chi phí hiệu quả do việc kinh doanh sản phẩm này mang lại rất thấp và có tác động bất lợi đến nhiều vấn đề kinh tế xã hội. Do đó, không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm này là phù hợp với Việt Nam.

Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng WHO tại Việt Nam, Nghị quyết của Hội đồng các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương đã thống nhất tiếp tục tăng cường các biện pháp pháp lý và quy định khác để thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, cũng như các biện pháp cấm hoặc quản lý thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới nổi. (08.9.2020, 1364)

9. Bộ Y tế ra Kế hoạch mới về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 3781/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025.

Quyết định nêu rõ, Sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD) là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của vị thành niên, thanh niên (VTN, TN). Đầu tư cho chăm sóc SKSS, SKTD là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước…

Khắc phục bất cập

Mặc dù Việt Nam đạt được những thành công nhất định trong chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN, nhưng vẫn còn một số những bất cập như kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN còn hạn chế; giáo dục về SKSS, SKTD chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS, SKTD chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của VTN, TN.

Tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục... của VTN, TN vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, các khu công nghiệp tập trung; ở nhóm VTN, TN yếu thế (dân tộc thiểu số, khuyết tật, đồng giới nam...). Kế hoạch tổng thể quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 (ban hành theo Quyết định số 2010/QĐ-BYT ngày 07/6/2006) không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam.

Vì vậy, bản Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN giai đoạn 2020 - 2025 được xây dựng nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết những bất cập nêu trên.

Mục tiêu của Kế hoạch là cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của VTN, TN; góp phần đưa VTN, TN trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Những ưu tiên trước mắt

Theo Quyết định của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2020-2025 có một số định hướng ưu tiên gồm: Tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền và nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng, bao gồm cả phụ huynh, thầy cô giáo, lãnh đạo doanh nghiệp và các cán bộ y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.

Xây dựng chính sách, kế hoạch can thiệp dựa trên các bằng chứng khoa học thu được từ các cuộc điều tra, khảo sát và nghiên cứu khoa học. Tập trung các nhóm đối tượng ưu tiên: VTN lứa tuổi 10-14; VTN, TN 15-24 tuổi chưa kết hôn; VTN, TN khuyết tật; người di cư, lao động trẻ tại các khu công nghiệp và VTN, TN dân tộc thiểu số. Lựa chọn các can thiệp phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội, tôn trọng yếu tố văn hóa, tâm lý, phong tục, tập quán; huy động tối đa sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc triển khai công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.

Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia tích cực, chủ động và có ý nghĩa của VTN, TN (trao quyền) trong xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch can thiệp, triển khai thực hiện và theo dõi, giám sát, đánh giá về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD (Sáng kiến thanh niên làm chủ: tự thiết kế, tự thực hiện, tự đánh giá).

Đi đôi với việc tăng cường tính sẵn có và chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ, cần tăng cường mức độ sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN thông qua việc truyền thông, giáo dục sức khỏe, chú trọng giáo dục SKSS, SKTD toàn diện cho VTN, TN; hạn chế những rào cản, khó khăn khi tiếp cận đến dịch vụ CSSKSS, SKTD cho VTN, TN.

Gắn kết chặt chẽ các chương trình/dự án can thiệp về SKSS, SKTD với bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong nhóm VTN, TN, các chương trình y tế liên quan như chương trình DS-KHHGĐ, HIV/AIDS… và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác. Tiếp tục củng cố hệ thống thông tin về SKSS, SKTD cho VTN, TN, trong đó bao gồm cả những thông tin từ hệ thống y tế trong và ngoài công lập, nâng cao chất lượng thu thập, báo cáo và sử dụng thông tin dữ liệu phục vụ cho công tác lập kế hoạch dựa trên bằng chứng và công tác tuyên truyền vận động chính sách, nguồn lực, cho các mục tiêu về SKSS, SKTD cho VTN, TN. (08.9.2020, 935)

10. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc botulinum

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 3875/QĐ-KCB quyết định về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum.

Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác. Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.

Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.

Các nhân viên y tế cần nâng cảnh giác khai thác bệnh sử, đưa vào chẩn đoán phân biệt đặc biệt với các tình trạng liệt ngoại biên, qua đó giúp chẩn đoán và điều trị sớm, dùng thuốc giải độc sớm nhất giúp cải thiện tình trạng ngộ độc.

Hướng dẫn chẩn đoán điều trị này không bao gồm các trường hợp nhiễm độc độc tố botulinum do nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn các chủng vi khuẩn Clostridium sinh độc tố botulinum ở trẻ nhũ nhi hoặc ở người lớn, nhiễm độc tố botulinum qua đường hô hấp.

Về nguyên nhân gây ngộ độc:

Hướng dẫn cho biết có nhiều có nhiều yếu tố như:

Vi khuẩn sinh độc tố

- Các vi khuẩn Clostridium sinh độc tố botulinum thuộc về 4 chủng:

+ (1) Clostridium botulinum sinh các các độc tố botulinum type A, B, C, D, E, F, G.

+ (2) C. baratii sinh độc tố botulinum type F.

+ (3) C. butyricum sinh độc tố botulinum type E.

+ (4) C. argentinense sinh độc tố type G.

- Đây là các trực khuẩn Gram dương kỵ khí tuyệt đối, sinh nha bào. Nha bào tồn tại nhiều trong đất, không khí, nước biển, ruột hải sản, chịu được điều kiện đun sôi 100°C ở điều kiện áp suất 1 atm trong vài giờ.

Độc tố

- Chỉ các ngoại độc tố botulinum type A, B, E, F gây ngộ độc trên người. Độc tố botulinum có bản chất là protein, trọng lượng phân tử khoảng 150 nghìn Dalton, dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ sôi (ăn thức ăn mới nấu chín không bị ngộ độc).

- Bệnh nhân có thể ngộ độc do một hoặc nhiều loại độc tố cùng lúc.

Loại thực phẩm gây ngộ độc

- Cổ điển là thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt). Tuy nhiên các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản,….được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

- Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.

- Xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do: trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn.

- Trường hợp đặc biệt: độc tố botulinum có thể bị đưa vào thực phẩm với mục đích khủng bố.

Độc động học và độc lực học

- Độc tố không bị phá hủy bởi a xít dịch vị và các men tiêu hóa, được hấp thu chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng vào máu tới cơ quan đích là các synape cholinergic thuộc hệ vận động ở thần kinh ngoại biên, các đầu mút dây thần kinh phó giao cảm và các hạch tự đông, vào bên trong tế bào thần kinh. Chưa có thông tin cụ thể về hấp thu, chuyển hóa và thải trừ của độc tố.

- Cơ chế tác dụng: botulinum gắn không hồi phục tại cúc tận cùng ở tiền synape, cắt đứt các protein cấu trúc quan trọng trên màng cúc tận cùng và màng các túi chứa acetylcholine, ngăn cản quá trình giải phóng acetylcholine vào khe synape, ngăn cản dẫn truyền thần kinh ở các dây thần kinh vận động, phó giao cảm và các hạch tự động. Các synape bị tổn thương, để hồi phục có thể cần phải mọc lại các sợi trục và hình thành các synape mới. Hệ thần kinh trung ương và cảm giác không bị ảnh hưởng.

- Liều độc: liều 0,09 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng đưa ra bảng chẩn đoán phân biệt ngộ độc thực phâm do độc tố botulinum với các bệnh khác.

Theo hướng dẫn này, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục.

Các biến chứng chính:  Nhiễm trùng bệnh viện, đặc biệt viêm phổi và các biến chứng của thở máy; Các biến chứng do bất động, nằm kéo dài, loét; Liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.

Phòng bệnh:

- Với các cơ quan chức năng: tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Với người dân:

+ Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.

+ Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).

+ Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).

+ Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

+ Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,…): bạn cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. (08.9.2020, 1185)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến