Vị giáo sư đưa kĩ thuật lọc máu hiện đại vào điều trị, cứu sống hàng nghìn người.

28/04/2020 | 09:55 AM

 | 

 

 

 

Kỹ thuật lọc máu hiện đại dùng trong hồi sức cấp cứu giúp người bệnh có thêm cơ hội giữ lại sự sống, đặc biệt kỹ thuật này đang phát huy hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Cứu sống nhiều người bệnh

Ngày 28/2/2020, chị Nguyễn Thị Th. được chuyển từ BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa đến khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng: Hôn mê sâu, huyết áp tụt, không đáp ứng với thuốc vận mạch, chụp tim phổi tổn thương lan tỏa 2 bên, siêu âm tim co bóp rất kém, giảm vận động toàn bộ các thành tim, tổn thương đa phủ tạng, toan hóa máu nặng.

Ngay lập tức các chuyên gia đầu ngành cấp cứu hồi sức đã tiến hành hội chẩn cho bệnh nhân. Kết luận ban đầu của cuộc hội chẩn toàn khoa: Theo dõi sốc phản vệ nguy kịch, viêm cơ tim, suy đa phủ tạng, sốc không hồi phục, toan hóa máu nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Người bệnh Th. được chỉ định: Hồi sức tích cực chuyên sâu: thở máy, lọc máu liên tục, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO - VA, kiểm soát huyết động...

Bệnh nhân nặng, diễn biến phức tạp. Các bác sĩ phải nỗ lực hồi sức và điều trị chuyên sâu cấp cứu với các kỹ thuật hàng đầu thế giới như ECMO - VA phối hợp với lọc máu liên tục, thông khí nhân tạo, kiểm soát huyết động,….tình trạng bệnh nhân rất nặng nguy cơ tử vong cao. Nếu không được can thiệp kỹ thuật cao, chuyên sâu kịp thời, bệnh nhân không thể thoát được lưỡi hái tử thần.

GS Nguyễn Gia Bình - người mang kỹ thuật lọc máu về Việt Nam điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Sau 18 ngày chiến đấu với tử thần, nhiều thời điểm tưởng như đã thất bại, nhiều khó khăn xảy ra nhưng với quyết tâm của các bác sĩ, điều dưỡng của khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân đã thoát chết và phục hồi kỳ diệu.

Hàng năm có hàng nghìn bệnh nhân được cứu sống từ các kỹ thuật y khoa hiện đại trong đó có lọc máu liên tục.

GS Nguyễn Gia Bình - người nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại tại Việt Nam cùng  đồng nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật này trong điều trị cho nhiều ca bệnh nặng, giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân. 

Đây là vận dụng thành quả của công trình nghiên cứu khoa học “Ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm”. Đây là một trong 7 cụm công trình được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016. Cụm công trình nghiên cứu này do GS. TS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai làm Chủ nhiệm cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, thực hiện.

Hiện nay, kỹ thuật lọc máu hiện đại cũng đang được ứng dụng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Điển hình, các bệnh nhân  nhân số 19, bệnh nhân số 91…

Bệnh nhân số 19 mắc Covid-19 là bà N.T.L, 64 tuổi, ở Hà Nội, vào viện với thể trạng nhẹ cân và rối loạn tiền đình. Sau đó bà L. rơi vào tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng. Các chuyên gia đầu ngành của Tiểu Ban điều trị Covid-19 đã bắt đầu hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị trong đó có kỹ thuật lọc máu liên tục.

Lọc máu hiện đại là biện pháp rất hữu hiệu không chỉ điều trị thay thế thận đơn thuần mà còn có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan, thận và cơ thể khó có thể thải trừ như các chất độc, phức hợp kháng nguyên - kháng thể, các chất trung gian của đáp ứng viêm hệ thống. Mỗi phương thức lọc máu được áp dụng phù hợp với tình trạng bệnh lý đem lại hiệu quả tối ưu giúp hồi sinh sự sống cho người bệnh.

Theo GS Bình, nhờ sự phát triển nhanh chóng về khoa học công nghệ người ta đã xây dựng lên các kỹ thuật lọc máu hiện đại dựa trên các nguyên lí vật lý - hóa học: Chênh lệch áp suất (filtation); khuếch tán (diffusion); đối lưu (conversion); hấp phụ (adsorption). Vào những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, nhiều kỹ thuật lọc máu hiện đại ra đời.

GS Nguyễn Gia Bình cho biết lọc máu hiện đại là biện pháp rất hữu hiệu không chỉ điều trị thay thế thận đơn thuần mà còn có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan, thận và cơ thể khó có thể thải trừ như các chất độc, phức hợp kháng nguyên - kháng thể, các chất trung gian của đáp ứng viêm hệ thống. Mỗi phương thức lọc máu được áp dụng phù hợp với tình trạng bệnh lý đem lại hiệu quả tối ưu giúp hồi sinh sự sống cho người bệnh.

Trước đây, nếu như các bệnh nhân bị tử vong do nhiễm trùng nặng, tỷ lệ là 95% thì nay đã giảm được khoảng 1/3. Đối với các bệnh nhân viêm tụy, trước đây phương pháp chính là mổ, tỉ lệ tử vong là 50% nhưng với kỹ thuật lọc máu hiện đại đã loại bỏ bớt các chất độc hại do tụy sinh ra, làm giảm bớt các phản ứng viêm.

Nếu thực hiện lọc máu sớm, kết hợp với hồi sức tích cực thì tỷ lệ tử vong giảm còn 1/10. Với hội chứng các bệnh suy sụp đa phủ tạng như suy phổi, suy tim trước khi có phương pháp lọc máu thì tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân suy ba tạng là 70%, suy 4 tạng là 90%. Từ khi có kỹ thuật lọc máu, mặc dù bệnh nhân nhập viện khá muộn nhưng vẫn giảm tỷ lệ tử vong xuống khoảng 20%.

Kết quả nghiên cứu của công trình còn cho thấy, nhóm được lọc máu liên tục cải thiện triệu chứng lâm sàng nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, đặc biệt giảm tỷ lệ tử vong từ 53% xuống 27%.

Trong một nghiên cứu khác, lọc máu liên tục giúp cải thiện tỷ lệ tử vong từ 87% xuống còn 42%. 

Trong nhưng ngày căng thẳng đối phó dịch Covid-19, khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai vẫn có hàng chục bệnh nhân nặng phải hồi sức tích cực. Nhiều bệnh nhân bị nhược cơ, lupus, bệnh nhân sốc suy đa tạng. GS Bình cho biết các bệnh nhân này đều được lọc máu để cầm cự trong lúc các bác sĩ tìm tòi các phương pháp điều trị triệt để hơn.

Nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại của GS 

Hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng

GS Bình kể đầu những năm 2000, mỗi lần đi bệnh phòng, chứng kiến người bệnh nặng tử vong, các bác sỹ chỉ đau đáu một nỗi niềm làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong xuống.

Nhóm nghiên cứu đã được tiếp cận phương pháp lọc máu hiện đại và bắt đầu đưa về Việt Nam từ năm 2002. GS Bình khi đó có tham gia khóa học ở Nhật Bản, nhận thấy bệnh viện của họ triển khai kỹ thuật này nên bất cứ khi nào có thời gian là ông tranh thủ xin vào học.

Khi trở về Việt Nam, khó khăn là thực tế bệnh viện lúc đó không có máy móc, thiết bị. Giá mỗi chiếc máy lên tới hàng tỷ đồng, bệnh viện không đủ kinh phí đầu tư.

GS Bình nhớ lại, ông cùng các đồng nghiệp đã liên hệ và mượn được máy của các bạn đồng nghiệp Thái Lan; viết quy trình bệnh nào được sử dụng máy, bệnh nào không và xác định phải làm cẩn thận, sẵn sàng đối phó với các biến chứng cũng như vấn đề pháp lý. Lần này, kế hoạch của ông và đồng nghiệp được Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đồng ý.

Chiếc máy lọc máu đầu tiên được đưa về Việt Nam thông qua 1 ca cấp cứu của một đại gia ngành dầu khí. Bệnh nhân này bị suy đa tạng và rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Bệnh nhân chỉ còn cơ hội sống nếu được điều trị lọc máu. Lúc đó, GS Bình đã tư vấn về điều trị lọc máu hiện đại. Ngay lập tức, người nhà bệnh nhân đã đồng ý.

Chiếc máy đầu tiên nhập về, các y bác sĩ đã trực 24/7 và bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục. Sau đó, cùng chiếc máy này, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai đã cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân nặng khác. Đến nay, chiếc máy đầu tiên vẫn được lưu giữ trong khoa Hồi sức tích cực dù bệnh viện đã có nhiều máy lọc máu hiện đại hơn rất nhiều.

GS Bình nhớ lại thời điểm năm 2005, khi đó đang có dịch cúm A/H5N1, độc lực của virus cúm A/H5N1 rất mạnh, có thể gây tổn thương phổi nặng nề, làm mất khả năng trao đổi ôxy. Vì vậy người bệnh mắc cúm A/H5N1 có nguy cơ tử vong do thiếu ôxy nặng kéo dài, suy đa cơ quan. Khi đó, tỷ lệ tử vong vì nguyên nhân này trên thế giới là 70-80%, các nước chưa có biện pháp đặc trị.

Nhóm nghiên cứu đặt giả thiết: Liệu việc lọc máu hấp phụ các chất cytokine có hại - gây phản ứng viêm quá mạnh ở phổi và các cơ quan khác - có thể làm giảm độ nặng và tăng cơ hội sống cho người bệnh hay không?

Lúc đó GS Bình và cộng sự đã tiến hành lọc máu cho một bệnh nhân nam nhiễm cúm A/H5N1 tình trạng nặng, đưa anh này qua khỏi cơn nguy kịch, bảo toàn mạng sống. Hiện nay, ông và các đồng nghiệp cũng đang tiến hành các biện pháp lọc máu hấp phụ các chất cytokine có hại ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 để giúp các bệnh nhân nặng vượt qua giai đoạn nguy kịch.

7 công trình được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2016

1. Tên cụm công trình: Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Tác giả: Kỹ sư Trần Xuân Hoàng và 08 đồng tác giả.

2. Tên cụm công trình: Cầu Hàm Luông - QL60, tỉnh Bến Tre.

Tác giả: ThS. Nguyễn Thanh Hà và 11 đồng tác giả.

3. Tên công trình: Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Tác giả, đồng tác giả: PGS.TS. Trần Thị Cúc Hòa và 4 đồng tác giả.

4. Tên cụm công trình: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm.

Tác giả, đồng tác giả: GS.TS. Nguyễn Gia Bình và 27 đồng tác giả.

5. Tên công trình: Khái luận văn tự học chữ Nôm.

Tác giả, đồng tác giả: GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng.

6.Tên công trình: Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp.

Tác giả, đồng tác giả: GS.TSKH. Thân Đức Hiền và 13 đồng tác giả.

7. Tên cụm công trình: Lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Tác giả, đồng tác giả: GS.TS. Nguyễn Tài Thư và 6 đồng tác giả.

 

                                              Nguồn: Bệnh  viện Bạch Mai


Thăm dò ý kiến