Ứng dụng 4D thế hệ mới trong điều trị can thiệp mạch

29/10/2019 | 16:05 PM

 | 

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa đưa vào sử dụng khu chụp và can thiệp mạch với hệ thống máy DSA thế hệ mới nhất.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa đưa vào sử dụng khu chụp và can thiệp mạch với hệ thống máy DSA thế hệ mới nhất. Đây là hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền hiện đại với nhiều tính năng giúp nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân và phục vụ công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Các bác sĩ ứng dụng hệ thống can thiệp mạch trong điều trị ung thư gan cho bệnh nhân X.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đây là hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền hiện đại với các tính năng như độ phân giải hình ảnh HDR cao gấp 4 lần so với máy thông thường, có rất nhiều chức năng phục vụ cho các trường hợp can thiệp tim mạch phức tạp. Bệnh viện đã can thiệp thành công cho 2 trường hợp bị ung thư gan và một ca bị phình mạch não. Bệnh nhân thứ nhất là  N.V.X,  nữ, 61 tuổi mắc ung thư gan phát hiện giai đoạn tương đối muộn. Sau khi có kết quả chụp chiếu, các bác sĩ kết luận khối u có kích thước lớn khoảng 10cm. Do khối u to nên các bác sĩ không thể chỉ định phẫu thuật. Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định nút mạch ( nút mạch máu nuôi khối u). Sau một ngày can thiệp hiện bệnh nhân tỉnh táo, đi lại bình thường, sức khỏe tiến triển tốt. Bệnh nhân thứ hai là T.V.V, nam  56 tuổi đến khám tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội được các bác sĩ chẩn đoán có khối u ở gan phải  kích thước 3 cm. Theo các bác sĩ trường hợp bệnh nhân này có thể điều trị được triệt căn, song gan bệnh nhân hơi teo, xơ gan khá nặng, nếu cắt gan phải thì phần gan trái còn lại bé quá, sẽ suy gan. Do vậy, các bác sĩ áp dụng phối hợp 2 phương pháp, đầu tiên sẽ nút mạch để làm teo khối u, đồng thời bơm chất vào phần mô gan lành, tiêu hủy tế bào ung thư nếu như có.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hệ thống này có phần mềm chống di lệch hình ảnh khi bệnh nhân cử động. Đồng thời, tích hợp cắt lớp vi tính dựng hình mạch máu 3D, 4D và cắt lớp vi tính mô mềm, đồng bộ được với hình cắt vi lớp vi tính và cộng hưởng từ sẵn có của bệnh nhân. Hệ thống cũng giúp quản lý và giảm liều chiếu tia cho bệnh nhân và cả bác sĩ.

Về lĩnh vực can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai nhiều kĩ thuật khó như bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh và cấu trúc, bệnh động mạch ngoại vi và rối loạn nhịp tim. Trong đó có các kĩ thuật can thiệp tim mạch lần đầu tiên tại Việt Nam được triển khai tại bệnh viện như thay van động mạch chủ qua da, bít tiểu nhĩ, bít rò cạnh chân van cơ học. Bên cạnh đó, đã có rất nhiều nước cử học viên đến học các kĩ thuật can thiệp tim mạch bẩm sinh như Nhật, Ấn Độ... tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bệnh viện cũng đã tổ chức hoặc tham gia tổ chức các hội thảo quốc tế lớn về can thiệp tim mạch các bệnh lý bẩm sinh. 

Đặc biệt, bệnh viện là cơ sở đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật tán sỏi mật qua da bằng laser, nút rò bạch mạch cho rất nhiều lượt bệnh nhân trong 2 năm gần đây. Đây là các kĩ thuật điều trị hiện đại ít xâm lấn, giúp người bệnh hồi phục nhanh, thẩm mỹ cao, ít đau và đạt hiệu quả hơn hẳn các phương pháp truyền thống khác.

 


Thăm dò ý kiến