Tình người ở trại phong

17/06/2019 | 19:10 PM

 | 

 

Ngày 20-4-1957, Trại phong Quỳnh Lập (nay là Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) tiếp nhận bệnh nhân phong đầu tiên và lấy đó làm ngày thành lập. Các bệnh nhân phong thường bị xã hội kỳ thị, xa lánh. Họ hội tụ về gia đình lớn-trại phong, cùng chia sẻ, nâng đỡ nhau vượt qua gian khó cuộc đời...

 

Tình yêu ở nơi tận cùng nỗi khổ

 

Con đường dẫn vào Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập nằm giữa hàng phi lao xanh, uốn lượn dọc theo triền núi đá chạy ra gần biển. Theo lời kể của người dân ở đây, làng phong Quỳnh Lập bây giờ khác xưa nhiều lắm. Người dân trong làng tuy không còn bị hắt hủi, kỳ thị như trước nhưng nhắc đến bệnh phong, căn bệnh mà ngày xưa coi là một trong “tứ chứng nan y”, thì nhiều người vẫn e ngại.

Bước chân tới nơi ở của các bệnh nhân phong, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lâm (41 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang xách những xô nước mang đến phòng của các cụ già. Dù các ngón tay đã co cứng, bàn tay mất cảm giác, không còn hoạt động bình thường, nhưng anh chẳng ngại khó khăn. Ai nhờ vả việc gì, anh Lâm đều vui vẻ nhận lời. Anh tâm sự: “Tôi từng có vợ, nhưng đến khi đi khám bệnh và biết mình bị bệnh phong thì vợ tôi cũng bỏ đi vì sợ. Cực chẳng đã, tôi bỏ quê, vào trại phong từ năm 2004”.

 

Tình người ở trại phong

Bệnh nhân phong được điều trị miễn phí hằng ngày.

Nói không rõ lời vì di chứng sau hai lần tai biến, ông Phạm Văn Cam luôn cười tươi khi nói chuyện với “vợ” mình là bà Hoàng Thị Xuân, người phụ nữ đã tần tảo chăm sóc ông hơn 4 thập kỷ qua. Ông Cam là người Hà Nội. Ông bị bệnh phong từ khi mới ngoài 30 tuổi. Năm 1977, khi mới vào Trại phong Quỳnh Lập, ông sống phụ thuộc hoàn toàn vào các y sĩ, bác sĩ và lòng hảo tâm của cộng đồng. Tại đây, ông gặp được bà Hoàng Thị Xuân (Diễn Châu, Nghệ An). Bà Xuân hơn ông 4 tuổi, vào trại phong trước ông Cam một năm. Bà kể, ông Cam vào trại phong một thân một mình. Hôm nhập trại, ông bị sốt cao lắm. Thấy vậy, bà chạy qua chạy lại giúp đỡ. Hoàn cảnh đưa đẩy, đồng cảm với số phận của những người cùng mắc căn bệnh quái ác, ông bà nương tựa vào nhau và nên nghĩa, nên duyên...

Cũng tại đây, mọi người còn chứng kiến những chuyện tình cảm động khác: Vợ chồng anh Hồ Sỹ Đường-chị Trần Thị Khuyên đã sinh được 3 người con khỏe mạnh; anh Trịnh Khắc Lý-chị Nguyễn Thị Ly cũng đã có một bé trai rất kháu khỉnh. Gia đình ông Nguyễn Văn Thâm-bà Nguyễn Thị Bướm có 3 người con đều đã trưởng thành, người đang làm tại Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, người đã là Thạc sĩ Vật lý đang dạy học ở một tỉnh miền Trung. Gia đình ông Trần Quốc Ðạt-bà Nguyễn Thị Mong có hai người con đều tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Mỗi gia đình nhỏ nơi đây là một câu chuyện đầy cảm động. Tình yêu giữa họ tuy khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung: Sự cảm thông, chia sẻ và yêu thương nhau giữa những lúc khó khăn nhất.

Cần sự chia sẻ của cộng đồng

Đã hơn 60 năm các thế hệ thầy thuốc nơi đây gắn bó với người bệnh phong. Không có lòng yêu nghề, khó có thầy thuốc nào "bám trụ" được, nhất là khi quan niệm của không ít người dân đối với căn bệnh này chưa thay đổi. Khi được hỏi về khó khăn của bệnh viện, các thầy thuốc nơi đây cho biết: Khó khăn nhất là thành kiến của xã hội đối với người mắc bệnh phong. Họ bị mọi người ghê sợ, xa lánh; bị gia đình, người thân từ bỏ.

Bác sĩ Nguyễn Việt Dương, Giám đốc bệnh viện chia sẻ: Hiện tại, cơ sở 1 của bệnh viện đóng tại làng Đồng Mỹ (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) đang điều trị và nuôi dưỡng tập trung gần 200 bệnh nhân bị bệnh nặng, chăm sóc toàn diện từ bón ăn, tắm giặt, vệ sinh, cắt tóc, thuốc men… Bệnh nhân ở đây được hưởng trợ cấp của Nhà nước nhưng chỉ ở mức tối thiểu. Người già và trẻ em được trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng, còn trung niên, thanh niên thì chỉ được 850.000 đồng/tháng. Với số tiền đó, các bệnh nhân phải rất vất vả xoay sở, thu vén mới đủ ăn 3 bữa/ngày. Nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng, các tổ chức từ thiện, bệnh viện sẽ rất khó khăn để có thể cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân.

Khi xã hội phát triển, những thành kiến về bệnh phong cũng dần được xóa bỏ. Bệnh nhân có cơ hội tiếp cận các loại thuốc, phương pháp chữa trị tiên tiến. Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ lây lan giữa vợ-chồng chỉ 3-5% nếu một trong hai người bị bệnh phong. Do có miễn dịch chéo nên mỗi người đều có miễn dịch và sức đề kháng chống lại vi khuẩn phong. Chính vì vậy, mặc dù nhiều người nhiễm vi khuẩn phong nhưng chỉ số ít người bị bệnh. Nếu vùng da bị trầy xước của người bình thường tiếp xúc với vùng da bị trầy xước của bệnh nhân phong thì cần rửa tay bằng xà phòng hoặc để ngoài nắng trong vòng hai phút để trực khuẩn chết. Nếu được phát hiện sớm, bệnh phong có thể được chữa khỏi hoàn toàn./.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân


Thăm dò ý kiến