Thanh Hóa chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
27/09/2024 | 14:06 PM
|
Đợt mưa lũ vừa qua làm hàng nghìn hộ ở các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa bị ngập nước. Nước rút đến đâu, các gia đình chủ động dọn dẹp, làm vệ sinh nhà ở. Các cán bộ trong hệ thống chính trị cùng các lực lượng cũng đồng hành tổng vệ sinh môi trường sau mưa lũ.
Hộ gia đình chủ động gạt bùn, làm vệ sinh nhà ở sau ngập nước.
Thành phố Thanh Hóa có hơn 2.000 hộ bị ngập lụt ở có 24 thôn, phố thuộc 10 xã, phường ven sông. Nước rút đến đâu, các hộ chủ động quét bùn, đất, lau đồ dùng, vật dụng, thu gom rác.
Cán bộ, nhân viên y tế hướng dẫn pha phèn chua xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Đoàn thanh niên Công an thành phố phối hợp chính quyền, các, ngành, đoàn thể các phường tiến hành gạt bùn, rửa sạch, sắp xếp lại bàn ghế tại nhà văn hóa, các trường học.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Trung đoàn 762 điều động gần 200 cán bộ, chiến sĩ cùng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Thanh Hóa xuống cơ sở, đồng hành cùng nhân dân phường Thiệu Dương và Thiệu Khánh tổng vệ sinh môi trường.
Bộ đội tham gia làm vệ sinh môi trường ở khu dân cư từng ngập nước.
Bộ đội chia thành các tổ công tác, tiến hành thu gom rác, khơi thông cống rãnh, tiêu thoát bùn nước bên các trục đường dân sinh để nhân dân đi lại an toàn, thuận lợi, trực tiếp đến các hộ neo đơn, gia đình chính sách trợ giúp làm vệ sinh nhà ở, khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Các con đi làm ăn xa, chỉ còn 2 ông bà tuổi cao, sức yếu ở nhà, ông Dương Đình Vũ, thôn 4, phường Thiệu Dương, thành Thanh Hóa được trợ giúp lau bàn ghế, đồ dụng, vật dụng, dọn vệ sinh nhà ở nên sớm ổn định cuộc sống trở lại.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân ở phường Thiệu Dương xử lý nguồn nước, bảo đảm sinh hoạt.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế Thanh Hóa sớm tổ chức tập huấn nghiệp vụ; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tập trung nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế; tăng cường làm vệ sinh môi trường ngăn ngừa các bệnh ngoài da, tiêu chảy, sốt xuất huyết thường phát sinh sau mưa lũ, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa Lê Việt Hùng cho biết: Ngoài bố trí tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng trợ giúp, xử lý các tình huống phát sinh, Trung tâm đã cấp phát 20 cơ số thuốc phòng, trị bệnh, 150kg Cloramin B cùng các trang thiết bị phòng hộ, máy chuyên dùng, triển khai các hoạt động y tế dự phòng. Trung tâm điều động 150 nhân viên y tế trong đơn vị và từ các phường, xã không bị ngập nước cùng các lực lượng trợ giúp, làm vệ sinh cơ giới các khu dân cư bị ngập nước, hướng dẫn nhân dân xử lý nguồn nước sinh hoạt, phun Cloramin khử khuẩn môi trường.
Nhân lực cùng phương tiện cơ giới xử lý môi trường sau mưa lũ ở thành phố Thanh Hóa.
Cùng với việc củng cố, duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm thường phát sinh trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã cấp hơn 3.100kg Cloramin B và 243 lít hóa chất diệt muỗi, côn trùng cho 27 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố ứng phó, phòng, chống dịch bệnh; tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu bệnh nhân; chỉ đạo tuyến cơ sở tăng cường thăm khám, hướng dẫn nhân dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ sức khỏe và kịp thời phát hiện, điều trị sớm các loại bệnh.
Nguồn: Nhandan.vn
Related news
- Cẩn trọng với các bệnh viêm da và đề phòng phát sinh dịch bệnh sau lũ
- Thanh Hóa: Tập trung xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ
- Tăng cường nguồn lực cho phát triển cấp nước sạch nông thôn
- UNICEF hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ tại Việt Nam
- Phòng trào vệ sinh yêu nước lan tỏa ngày càng sâu rộng
- Bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ
- Vĩnh Phúc: Hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân 2/7: Vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường góp phần ngăn chặn lây lan dịch bệnh