Tăng cường thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS

05/10/2019 | 16:38 PM

 | 

Thời gian qua, khu vực tư nhân tham gia khá sâu rộng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, góp phần tăng sự lựa chọn, tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu “chấm dứt AIDS vào năm 2030”.

Thời gian qua, khu vực tư nhân tham gia khá sâu rộng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, góp phần tăng sự lựa chọn, tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu “chấm dứt AIDS vào năm 2030”.

Nhiều bạn trẻ mắc HIV yên tâm đến chia sẻ tại Phòng khám Nhà mình. Ảnh: THANH PHONG

Hiện nay, HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại ở Việt Nam. Mỗi năm khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn viện trợ nước ngoài bị cắt giảm, do đó, từ năm 2019, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt đầu tham gia chi trả thuốc kháng vi-rút ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS. Qua 6 tháng triển khai, đến nay có gần 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động tạo cầu, cung cấp hàng hóa và dịch vụ để duy trì chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế, các tổ chức kinh tế tư nhân tham gia phòng, chống AIDS có nhiều lợi thế so với Nhà nước, như: Dễ tiếp cận bệnh nhân hơn, thông tin được bảo mật, quy trình thủ tục đơn giản, linh hoạt, năng động, từ đó xuất hiện thêm nhiều mô hình mới. Ngoài gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế công, ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân (YTTN), trong đó có cả những cơ sở YTTN điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT.

Lấy tiêu chí "Bạn là người thân, ân cần phục vụ", trong gần 3 năm thành lập, Phòng khám Nhà mình (đường Ba Đình, phường10, quận 8, TP Hồ Chí Minh) luôn tập trung chăm sóc, kết nối, hỗ trợ điều trị, hỗ trợ sinh kế việc làm, tư vấn, trợ giúp pháp lý, vận động chính sách cho rất nhiều người nhiễm HIV/AIDS không có khả năng chi trả kinh phí điều trị… Qua các mạng xã hội, Phòng khám Nhà mình luôn chú trọng trong việc tiếp cận, trao đổi thông tin, tạo cảm giác an tâm, gần gũi cho cộng đồng người nhiễm HIV. Phòng khám còn sử dụng những câu chuyện thực tế hằng ngày để tư vấn, chia sẻ với người nhiễm HIV/AIDS. Anh Nguyễn Anh Phong, đại diện Phòng khám Nhà mình-đại diện Mạng lưới VNP+ cho biết: "Hiện có không ít trường hợp bị nhiễm HIV không tiếp nhận điều trị, không tham gia xét nghiệm vì nhiều rào cản. Do đó, chúng tôi mong muốn cùng với hệ thống y tế Nhà nước hỗ trợ những đối tượng này tự tin tham gia các dịch vụ, tuân thủ điều trị phòng, chống HIV/AIDS". Cùng với đó, Hệ thống phòng khám Glink (Phòng khám Thành Danh) trực thuộc doanh nghiệp xã hội Glink Việt Nam được thành lập từ giữa năm 2017 đến nay đã có 5 phòng khám chuyên cung cấp các dịch vụ, như: Xét nghiệm HIV, dịch vụ dự phòng trước lây nhiễm (PrEP), dịch vụ dự phòng sau lây nhiễm (PEP) và điều trị ARV tư nhân.

PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: "Bên cạnh việc huy động các nguồn lực từ Nhà nước, những năm qua, khu vực tư nhân tham gia khá sâu rộng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, giúp tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tham gia tích cực vào việc cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm và vật dụng phòng, chống HIV/AIDS. HIV vẫn bị kỳ thị trong xã hội, vì thế YTTN sẽ có thuận lợi, dễ tiếp cận hơn với người nhiễm HIV. YTTN có lợi thế như gần dân hơn, bảo mật thông tin, quy trình thủ tục đơn giản, nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe cho người có điều kiện hơn".

Chính nhờ có được sự tin tưởng từ cộng đồng, YTTN có thể cung cấp những dịch vụ linh hoạt phù hợp dựa trên sự thấu hiểu và không phán xét. Điều này góp phần lớn vào việc tăng phát hiện và giảm lây truyền HIV. Sự tham gia của YTTN góp phần tăng sự lựa chọn cho người bệnh, đồng thời giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Để thu hút sự tham gia của YTTN trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS hơn nữa, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng: "Bên cạnh khẳng định vai trò của YTTN, phía nhà quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, xác định rõ danh mục dịch vụ cần đăng ký, nâng cao năng lực của khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, nhà quản lý cần có cơ chế hợp tác tài chính rõ ràng nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác phòng, chống HIV/AIDS".

Bà Caryn R. McClelland, Phó đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhấn mạnh: Để giải quyết đại dịch HIV ở Việt Nam và trên toàn thế giới, cần có sự kết hợp và nỗ lực của nhiều bên, bao gồm: Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Đó chính là chìa khóa dẫn đến thành công của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Hay nói cách khác, cần chuyển giao trách nhiệm phòng, chống HIV/AIDS cho nhiều bên liên quan hơn trong toàn xã hội. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS là rất tươi sáng. Các doanh nghiệp xã hội đã nâng cao được danh tiếng và tác động của mình cũng như lợi ích mà họ gặt hái được từ sự tham gia vào lĩnh vực này. Như vậy, điều đó mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng bởi HIV cũng như lợi ích cho doanh nghiệp. Đó là cách tiếp cận có nhiều bên tham gia, các doanh nghiệp tư nhân cũng như các tổ chức dựa vào cộng đồng, các tổ chức hiểu các nhóm đích của mình rõ nhất...


Thăm dò ý kiến