Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình

11/11/2022 | 15:54 PM

 | 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

 

Bộ Y tế nhận được công văn số 685/BDN ngày 29 tháng 7 năm 2022 của  Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Về việc cử tri kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi các quy định về thủ tục khám, chữa bệnh, nhất là thủ tục chuyển viện vì hiện nay quy trình chuyển viện vẫn còn phức tạp, rườm rà, gây khó khăn, bức xúc cho bệnh nhân, có thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng mà không được xử lý, chữa trị kịp thời.

- Theo quy định của chính sách Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế lựa chọn một cơ sở y tế để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu sao cho thuận lợi với nơi công tác hay nơi cư trú. Khi đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Trường hợp cần chuyển tuyến khi người bệnh mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, cơ sở y tế ban đầu sẽ chuyển người bệnh đến cơ sở khác để khám và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh tật. Việc chuyển đúng tuyến sẽ giúp cho ngành y tế hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương, giúp các bệnh nhân không phải nằm ghép; đồng thời, góp phần làm cho hệ thống y tế cơ sở được phát triển.

- Để tạo thuận lợi cho người bệnh, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, trong Nghị định này đã làm rõ trường hợp được coi là khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến khi hết giai đoạn cấp cứu, khám chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh, bỏ quy định giấy chuyển tuyến có giá trị trong 10 ngày, quy định trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thực hiện được xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và phải chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm đến cơ sở KCB bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 quy định chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Nội dung của các Thông tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giải quyết được quy định về chuyển tuyến khám chữa bệnh, như xác định tuyến phù hợp với hệ thống tổ chức khám chữa bệnh hiện nay, giảm thủ tục hành chính trong chuyển tuyến.

Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao sửa đổi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/ 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã, đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi mẫu Giấy chuyển tuyến để bảo đảm thuận tiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người tham gia bảo hiểm y tế, nhân viên y tế trong việc thực hiện chuyển tuyến.

2. Về việc cử tri bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế thiết yếu phục vụ người bệnh, nhất là các loại thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan có giải pháp nhanh chóng, kịp thời để bảo đảm cung cấp thuốc, vật tư y tế cho các bệnh viện, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh và ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bảo hiểm y tế.

Qua phản ánh của các cơ quan báo chí, báo cáo của một số địa phương, đơn vị, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là do một số các nguyên nhân như: ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động; Tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc; nhân lực quản lý nhà nước quá ít, rất khó khăn trong việc xử lý hồ sơ[1]; một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện; Tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn; Văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể có thể dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau.

Để khắc phục tình trạng trên Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp:

- Xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp rà soát các vướng mắc trong các quy định hiện hành và đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế. Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về mua sắm tại Thông tư 14[2], Thông tư 15[3]...; Bộ Tài chính rà soát các quy định liên quan đến mua sắm như tại Thông tư số 58[4], Nghị định 151[5], Nghị định 29[6]... để sớm (đề xuất) sửa đổi, bổ sung.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật đấu thầu, trong đó đề xuất đưa các nội dung về đấu thầu tập trung, đàm phán giá đối với vật tư, sinh phẩm xét nghiệm để các đơn vị thực hiện.

- Đẩy nhanh tiến độ các gói thầu do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện.

- Tiếp tục chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định; đẩy mạnh thực hiện phân cấp việc cấp phép trang thiết bị y tế; tăng cường triển khai quy định kê khai giá tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.

- Nghiên cứu đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực số đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1, 3.8 Nghị quyết số 30/2021/QH15 đến hết ngày 31/12/2023 do ảnh hưởng của dịch bệnh và để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc ổn định trên thị trường, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp trong những năm sau năm 2023.

- Khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

[1] Tại Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế chỉ có 10 biên chế bao gồm cả 3 Lãnh đạo Vụ (Cục Quản lý
Dược được giao 99 biên chế, Cục An toàn thực phẩm được giao 86 biên chế); tại các Sở Y tế chưa có bộ phận
chuyên trách làm quản lý trang thiết bị y tế.

[2] Thông tư số 14 /2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

[3] Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

[4] Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 về quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

[5] Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công.

[6] Nghị định số 29/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.


Thăm dò ý kiến