Cử tri đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường triển khai thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, mua và triển khai tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19, tránh để xảy ra những biểu hiện tiêu cực trong công tác sản xuất, mua và triển khai tiêm vắc-xin. Tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị có khả năng được phép tiêm vắc-xin sớm có trả phí để xã hội hóa, giảm bớt ngân sách nhà nước (Hải Dương)

06/04/2021 | 15:19 PM

 | 

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Tăng cường triển khai thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, mua và triển khai tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19, tránh để xảy ra những biểu hiện tiêu cực trong công tác sản xuất, mua và triển khai tiêm vắc-xin

Nghiên cứu, sản xuất, mua và sử dụng vắc xin là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 14/5/2021, có 283 loại vắc xin phòng COVID-19 đang triển khai nghiên cứu (99 vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng, 184 vắc xin đang trong giai đoạn tiền lâm sàng); 14 vắc xin được các quốc gia cấp phép hoặc được phê duyệt sử dụng khẩn cấp/có điều kiện, trong đó có 06 vắc xin đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp và 03 vắc xin đang chờ WHO phê duyệt. Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 02 loại vắc xin. Theo thông tin của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đến ngày 14/5/2021, có 12,1 tỷ liều vắc xin đã được các quốc gia đặt mua. Số liều vắc xin này có thể đủ để bao phủ gần 80% dân số thế giới nếu được phân bổ công bằng; tuy nhiên, thực tế hơn 40 nước có điều kiện đã đặt mua nhiều hơn nhu cầu sử dụng của người dân: Canada gấp 6 lần, Thụy Sỹ gấp 4 lần, New Zealand gấp 3,3 lần, Anh gấp 3,2 lần…, trong khi một số nước khác chưa có hoặc rất ít vắc xin. Năng lực sản xuất hiện vẫn đang thiếu hụt so với nhu cầu đặt mua của các nước. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Liên minh Châu Âu, Ấn Độ áp dụng cơ chế kiểm soát như cấm/hạn chế xuất khẩu để phục vụ nhu cầu nội địa trước tình trạng khan hiếm vắc xin.

Về độ an toàn và hiệu quả bảo vệ, tiêm bất cứ vắc xin nào cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định, nhất là đối với các vắc xin mới như vắc xin phòng COVID-19 do mới được phát triển trong thời gian ngắn. Tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19 hiện vẫn đang được theo dõi, tổng hợp; chưa có đủ dữ liệu khoa học để đánh giá hiệu quả bảo vệ lâu dài của vắc xin sau tiêm. Các nhà sản xuất đều công bố hiệu lực bảo vệ trước mắt khoảng 6 tháng đến 1 năm, có thể kéo dài hơn, nhưng chưa được khẳng định. Về cấp phép lưu hành vắc xin, Tổ chức Y tế thế giới và một số quốc gia đều tiến hành đăng ký cấp phép lưu hành theo cơ chế khẩn cấp; vừa sử dụng, vừa theo dõi, đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc xin nên đa số các công ty sản xuất vắc xin đều yêu cầu ký với điều kiện thỏa thuận mua từ trước.

Về phương thức mua, các nước thực hiện theo nhiều cách khác nhau nhưng hầu hết các công ty sản xuất vắc xin yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm. Về giá, các thỏa thuận mua vắc xin không được công khai giữa các nước, giá các loại vắc xin dao động rất lớn do sự đa dạng trong công nghệ nghiên cứu, sản xuất, khả năng cạnh tranh, số lượng mua, thời gian cung cấp, nhu cầu cũng như đối tác, quốc gia mua và các yếu tố chính trị.

Ngày 26/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, trong đó Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ khoảng 150 triệu liều vắc xin trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin qua nhiều kênh khác nhau: làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ Y tế, Tổ công tác liên ngành tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, nếu đàm phán thành công sẽ trình Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Ngoài ra, tiếp tục làm việc với các Bộ ngành và các tổ chức, cá nhân để tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 và tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin an toàn hiệu quả; mở rộng độ bao phủ tiêm vắc xin để hướng tới miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Để đảm bảo việc tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Hiện nay, Việt Nam có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, trong đó có 2 vắc xin đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến sang năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Bộ Y tế đã có văn bản gửi WHO nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu vắc xin, Bộ Y tế đã có kế hoạch tăng cường công tác quản lý về hoạt động tiêm chủng, bao gồm cả tiêm vắc xin COVID-19. Ngày 27/4/2021, Bộ Y tế đã có công văn số 307/TTrB-P1 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, tập trung các nội dung liên quan đến việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 như lợi dụng tình hình khan hiếm vắc xin để sản xuất, mua bán vắc xin giả, vắc xin không đảm bảo chất lượng hoặc nâng giá vắc xin dịch vụ nếu có; việc bảo quản, phân phối vắc xin và thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn. Đồng thời Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn chức năng và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, cơ sở tiêm chủng trên địa bàn các tỉnh/thành phố.

2. Tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị có khả năng được phép tiêm vắc-xin sớm có trả phí để xã hội hóa, giảm bớt ngân sách nhà nước

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các Bộ, ban ngành cũng như khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để có nguồn vắc xin sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.

Bộ Y tế khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp cận, đàm phán và nhập khẩu vắc xin nên tiến hành trực tiếp, tránh qua bên thứ 3 để không gặp những rủi ro. Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích, động viên nhiều hơn các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin; kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.

Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. “Đối với các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 05 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và uỷ quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vắc xin đó”. Đồng thời khi vắc xin được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 02 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vắc xin vào Việt Nam và uỷ quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vắc xin đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Bộ Y tế sẽ cắt gỉảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vắc xin, đảm bảo an toàn vắc xin và chống việc giả mạo vắc xin. Những nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã sẵn sàng thực hiện những việc này. Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vắc xin về Việt Nam, nếu có uỷ quyền chính thức của nhà sản xuất. Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vắc xin của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng lưu ý, hiện nay có tình trạng nhiều bên đứng ra làm đại diện môi giới vắc xin. Do vậy các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vắc xin, hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ 3, để tránh nguy cơ mua phải vắc xin giả mạo hoặc bị lừa đảo, như tổ chức Interpol đã cảnh báo.

 


Thăm dò ý kiến