MÔ HÌNH PHÒNG CHỐNG VIÊM GAN VIRUT NGHỀ NGHIỆP
23/03/2009 | 05:00 AM
Thừa Thiên Huế là một trong 4 tỉnh được chọn để xây dựng mô hình thí điểm phòng chống bệnh nghề nghiệp (BNN). Loại bệnh được chọn là bệnh viêm gan virut nghề nghiệp. Nơi được chọn để thực hiện mô hình thí điểm là Bệnh viện (BV) Kim Long.
MÔ HÌNH PHÒNG CHỐNG VIÊM GAN VIRUT NGHỀ NGHIỆP
Thừa Thiên Huế là một trong 4 tỉnh được chọn để xây dựng mô hình thí điểm phòng chống bệnh nghề nghiệp (BNN). Loại bệnh được chọn là bệnh viêm gan virut nghề nghiệp. Nơi được chọn để thực hiện mô hình thí điểm là Bệnh viện (BV) Kim Long.
Bệnh viêm gan virut là một trong các bệnh truyền nhiễm hay gặp trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước vùng nhiệt đới. Trên thế giới có 1 tỷ người nhiễm virut viêm gan B. Nguy cơ mắc bệnh viêm gan virut đặc biệt nghiêm trọng cho nhân viên y tế. Trong danh mục 25 BNN được bảo hiểm, bệnh viêm gan virut nghề nghiệp được đề cập đến là viêm gan virut B, bởi tỷ lệ người mắc bệnh cao, bệnh lại chưa có thuốc đặc trị và để lại nhiều di chứng nặng nề. Theo thống kế, cho đến năm 2006 cả nước đã giám định được 11 trường hợp viêm gan virut nghề nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo của Cục YTDP và MT Bộ Y tế, Viện YHLĐ và MT, Sở Y tế Thừa Thiên Huế, Trung tâm YTDP Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng mô hình thí điểm phòng chống viêm gan virut nghề nghiệp tại BV Kim Long.
Như đã biết, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan virut nghề nghiệp là những người tiếp xúc với bệnh nhân hoặc máu/chế phẩm của máu, dịch tiết bị nhiễm bệnh; các nhân viên y tế thường xuyên sử dụng và xử lý các bơm kim tiêm (BKT), các dụng cụ phẫu thuật bị nhiễm mầm bệnh, những người thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân, thực hiện các xét nghiệm dịch cơ thể, máu của bệnh nhân; những người tiếp xúc với chất thải của bệnh nhân; nhân viên y tế làm việc tại khoa lây…
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy những vị trí lao động có nguy cơ mắc bệnh viêm gan virut nghề nghiệp, bao gồm: khoa ngoại, phòng cấp cứu, khoa sản, nội nhi lây, khoa răng hàm mặt, khoa mắt. Trong số 100 nhân viên y tế ở đây có tiếp xúc với viêm gan virut B có 17,9% là nam; 82,1% là nữ. Công việc thường xuyên của những người này là tiêm chích hoặc lấy máu bệnh nhân. Tính từ năm 2005 đến nay, số lần trung bình bị sự cố nghề nghiệp có nguy cơ lây nhiễm (bị dính máu, dịch của bệnh nhân vào vùng có tổn thương) là 4, 229 +5,7, cao nhất là 30 lần. Sự cố chủ yếu do kim đâm vào tay, thủng găng khi tiêm chích, khâu, may vết thương, phẫu thuật.
Những cán bộ y tế này đã được khám BNN, được xét nghiệm phát hiện nhiễm virut viêm gan B. Các trường hợp dương tính được xét nghiệm men gan, HbSAg, siêu âm để tư vấn điều trị.
Các giải pháp kỹ thuật đã được sử dụng để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B nghề nghiệp tại cơ sở bao gồm: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (áo quần bảo hộ, găng tay, kính…), trang bị các công cụ (dụng cụ khử khuẩn, hộp chứa vật sắc nhọn…). Cơ sở có y tế cơ quan (1 bác sĩ và 1 y tá kiêm nhiệm) chăm sóc và theo dõi sức khỏe cán bộ nhân viên (CBNV).
Trung tâm YTDP Thừa Thiên Huế đã triển khai mô hình phòng chống viêm gan virut nghề nghiệp tại cơ sở thông qua các giải pháp giảm thiểu nguy cơ mắc và dự phòng bệnh viêm gan B nghề nghiệp như:
Thành lập Ban bảo hộ lao động, thiết lập hệ thống thông báo – quản lý phơi nhiễm nghề nghiệp, ghi chép đầy đủ các vết kim châm và các chấn thương, kiểm tra thường xuyên công tác bảo hộ lao động và bảo đảm an toàn khi làm việc, tổ chức giao ban hàng tháng về triển khai mô hình.
Yêu cầu các CBNV rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Mang găng tay mỗi khi tiếp xúc với máu và dịch sinh học, niêm mạc, da bị tổn thương của người bệnh và các chất thải của cơ thể. Sử dụng các phương tiện che chắn cá nhân (áo mổ, ủng không thấm nước, khẩu trang, kính mắt bảo vệ). Thực hiện khử khuẩn sơ bộ dụng cụ trước khi xử lý. Hạn chế tiếp xúc với đồ vải bẩn. Không để các vật sắc nhọn lẫn vào đồ vải. Đồ vải bẩn đuợc thu gom và vận chuyển trong bao túi riêng. Với các vật sắc nhọn như kim tiêm sau khi sử dụng được bỏ ngay vào thùng đựng chất thải dành riêng cho vật sắc nhọn. Không để các vật sắc nhọn đã sử dụng lẫn vào các chất thải y tế khác. Không đậy nắp kim tiêm, cắt kim, bẻ gẫy hoặc rút kim ra khỏi bơm tiêm trước khi loại bỏ kèm theo bơm tiêm vào thùng thu gom vật sắc nhọn. Khi sử dụng vật sắc nhọn (kim tiêm, dao mổ…) trong các thủ thuật, phẫu thuật chú ý không để xảy ra các tổn thương cho người khác.
Về tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ cho nhân viên y tế, các nội dung phòng chống nhiễm khuẩn nghề nghiệp đã được lồng ghép vào các buổi giao ban chuyên môn cho các y bác sĩ và điều dưỡng viên. Việc cung cấp các trang thiết bị bảo hộ lao động, hộp an toàn, thùng chứa rác… được đưa vào nội dung khen thưởng của đơn vị.
Related news
- Quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
- Bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người lao động có xu hướng tăng
- Quy định về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Danh sách 35 nhóm bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2023
- Bổ sung COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
- Bổ sung thêm bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
- Nghị định 37/2016/NĐ-CP