Nữ bệnh nhân nhiễm ấu trùng ký sinh dưới da sau khi làm vườn không mang bảo hộ
20/07/2025 | 22:59 PM



Đây là trường hợp điển hình cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh từ thói quen sinh hoạt thiếu an toàn tại các vùng có chó mèo thả rông.
Hình ảnh bàn chân của nữ bệnh nhân
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) mới đây đã tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân 73 tuổi ở Phú Thọ mắc bệnh ấu trùng di chuyển dưới da – một bệnh lý do ký sinh trùng gây ra, dễ bị bỏ sót nếu không được phát hiện kịp thời.
Bệnh nhân là bà T.T.Đ., nhập viện trong tình trạng ngứa rát vùng bàn chân phải, kèm theo các vệt đỏ ngoằn ngoèo dưới da. Qua khai thác bệnh sử, bà cho biết đã làm vườn và nhổ cỏ quanh nhà cách đó khoảng 1 tuần nhưng không đi dép hoặc giày bảo hộ. Đáng chú ý, gia đình bà có nuôi hai con chó thường xuyên được thả rong, trong khi khu vực xung quanh cũng có nhiều hộ nuôi chó, mèo.
Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bà Đ. bị nhiễm ấu trùng giun móc/mỏ của chó mèo – loại ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm phân động vật. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấu trùng di chuyển dưới da (Cutaneous Larva Migrans).
Theo bác sĩ tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh lý này thường xuất hiện ở những người có thói quen đi chân trần làm vườn hoặc sinh hoạt trực tiếp trên đất cát – đặc biệt là ở những nơi chó mèo phóng uế tự do. Khi tiếp xúc với đất bị nhiễm phân chứa ấu trùng giun ở giai đoạn lây nhiễm, các ấu trùng có thể chui qua da, thường ở vùng chân hoặc tay. Do không phải vật chủ thích hợp, ấu trùng không thể đi sâu vào hệ tuần hoàn như các loại giun ký sinh ở người mà chỉ di chuyển ở mô dưới da, tạo thành các vết đỏ dạng đường, nổi gồ, ngoằn ngoèo – dấu hiệu điển hình của bệnh.
Triệu chứng bệnh bao gồm ngứa dữ dội, nổi mẩn, sẩn đỏ, thậm chí có thể hóa mủ nếu gãi nhiều dẫn đến nhiễm trùng. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài hàng tuần, gây khó chịu và nguy cơ biến chứng.
Để phòng ngừa bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân, nhất là tại các vùng nông thôn, khu vực ngoại thành cần:
-
Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, không để phân động vật tồn tại ngoài trời.
-
Không sử dụng phân tươi bón ruộng hoặc trồng rau.
-
Luôn mang giày, ủng hoặc dụng cụ bảo hộ khi làm vườn hoặc tiếp xúc với đất cát.
-
Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo; không thả rông hoặc để phóng uế bừa bãi.
Khi thấy các biểu hiện bất thường như vệt đỏ ngoằn ngoèo, ngứa kéo dài… nên đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Trường hợp của bà Đ. là lời cảnh báo rõ ràng về những nguy cơ từ chính sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt tại các vùng còn phổ biến thói quen nuôi chó mèo không kiểm soát. Sự chủ quan có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe nếu không có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Người phụ nữ 63 tuổi phát hiện ung thư buồng trứng di căn từ dấu hiệu không điển hình
- Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo khoa học về điều trị toàn diện bệnh lý đột quỵ
- Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ghi nhận trường hợp sốt rét ngoại lai sau khi trở về từ Cameroon
- Phòng chống dịch bệnh mùa hè: Chủ động nhận biết và cách phòng chống bệnh viêm màng não do não mô cầu
- Ngành Y tế quyết tâm đổi mới toàn diện: Nâng tầm chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Hiến giác mạc – nghĩa cử hồi sinh ánh sáng đang lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam