Thông tin Y tế ngày 6/11/2019

06/11/2019 | 15:03 PM

 | 

NGÀY 06/11/2019

  1. Gánh nặng nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) tại các quốc gia châu Âu chiếm khoảng 5%, tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7% - 19,1% trên tổng số người nhập viện.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV từ 3,5% đến 10% số người nhập viện. Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện và tỷ lệ tử vong. 

Bệnh nhẹ thành nặng

Kết quả khảo sát tự đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế tại gần 560 BV cho thấy, chỉ hơn 46% khoa gây mê hồi sức có dụng cụ được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; còn hơn 11% khoa không giám sát tuân thủ vệ sinh tay và tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn...

Còn tại khối khoa hồi sức tích cực, chưa đến 50% số khoa được khảo sát có biển cảnh báo về khu vực cách ly. Nhiễm khuẩn BV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tăng tỷ lệ tử vong và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế.

Theo PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, trung bình mỗi năm trên toàn cầu diễn ra khoảng 187 - 281 triệu ca phẫu thuật, trong đó có khoảng 7 triệu ca gặp biến chứng. Đáng chú ý, trong 7 triệu trường hợp biến chứng, có khoảng một triệu trường hợp tử vong.

“Thất bại trong an toàn phẫu thuật có nguyên nhân lớn do nhiễm khuẩn vết mổ, làm tăng thời gian nằm viện thêm 7 - 10 ngày, tăng gấp 5 lần khả năng nhập viện lại, tăng 2 lần nguy cơ tử vong và nguy cơ đề kháng kháng sinh tăng lên”, bác sĩ Lê Thị Anh Thư cho hay.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, không thể phủ nhận tình trạng người bệnh khi đến BV thì bệnh nhẹ, trong quá trình điều trị, do kiểm soát nhiễm khuẩn cơ sở không tốt dẫn tới bệnh nặng hơn, thậm chí gây tử vong.

Tuy nhiên, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn BV còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều BV chưa được quan tâm đầu tư. Nhiều cơ sở y tế chỉ chú trọng đến công tác khám chữa bệnh với việc đầu tư máy móc hiện đại, nhưng lại coi nhẹ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Thậm chí, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn mới tập trung vào khâu giặt ủi, hấp sấy, quản lý chất thải, chưa chú trọng vào công tác giám sát, như giám sát thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ kiểm soát nhiễm khuẩn.

Ngăn chặn phải từ ý thức

Tại hội nghị tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám chữa bệnh được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nguyên nhân tình trạng nhiễm khuẩn BV gia tăng là do một số người đứng đầu cơ sở y tế chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; nhân lực giám sát chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn thiếu ở hầu hết các BV.

Cùng với đó, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều BV chưa được đầu tư đúng quy định; chưa có chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả trong các trường... Do vậy, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác chưa đủ kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đề cập đến mục tiêu và giải pháp chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cam kết triển khai thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành; truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà; thiết kế, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn đã ban hành.

“Hơn 1/3 số trường hợp nhiễm trùng mắc phải ở BV có thể tránh được, nếu như tuân thủ nghiêm các biện pháp thực hành chống nhiễm khuẩn đơn giản là phòng ngừa phổ cập. Vì vậy, trách nhiệm phòng chống nhiễm khuẩn BV không chỉ của riêng bệnh nhân, nhân viên y tế, mà còn là của cả xã hội, trong đó có ý thức thực hiện và việc đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất cho đơn vị y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

TS NGUYỄN THỊ THANH HÀ, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM: Kiểm soát nhiễm khuẩn khu vực phẫu thuật: Khu vực phẫu thuật của hầu hết BV hiện nay chưa thực sự an toàn, trong đó lỗi thường gặp nhất là không tuân thủ việc phân luồng di chuyển trong phòng mổ. Việc cải tạo cơ sở vật chất phòng mổ, thiết kế hệ thống thông khí, vệ sinh tay, sàng lọc tụ cầu trước phẫu thuật, sử dụng kháng sinh dự phòng hợp lý... là những yếu tố quan trọng trong kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn trong phẫu thuật.

TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân: Chuẩn hóa các quy trình, đầu tư trang thiết bị hiện đại: Mỗi năm, BV Bình Dân thực hiện hơn 10.000 ca phẫu thuật tổng quát, 13.000 ca phẫu thuật niệu khoa. BV đã ứng dụng phương pháp tiệt khuẩn nhiệt độ cao bằng hơi nước, cho phép tiêu diệt hơn một triệu vi khuẩn với khung thời gian ngắn. Ngoài ra, BV chuẩn hóa quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một cách nghiêm ngặt với các kiểm nghiệm khách quan, theo hướng tự động hóa, với các máy chuyên dụng từ đơn vị tiệt khuẩn trung tâm, lưu trữ, cấp phát, vận chuyển đến tận tay bác sĩ phẫu thuật. (1169)

  1.  Hút thuốc lá tại địa điểm công cộng vẫn còn phổ biến

Ngày 4/10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá đã được thành lập và duy trì trên toàn quốc. Đến nay có 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị, xã hội và 63/63 tỉnh thành đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá. Việc xây dựng kế hoạch của Quỹ để hỗ trợ các đơn vị căn cứ theo các nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có các chỉ số cụ thể trong từng giai đoạn. Năm 2018 đã có 12 tỉnh có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm so với điều tra toàn quốc năm 2015 như Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn...

Cho rằng việc cấm hút thuốc lá tại những địa điểm công cộng vẫn chưa có hiệu quả cao, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc ở các điểm công cộng còn cao, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê vẫn còn chiếm tới trên 80%, ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) đề nghị, Bộ Y tế cần quan tâm và có các giải pháp truyền thông mạnh mẽ hơn để người dân nhận thức rõ vấn đề này. Còn bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới cần có sự phối hợp tích cực giữa các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương để hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả hơn nữa, nâng cao công tác dự phòng, công tác đảm bảo sức khỏe của toàn dân. (351)

  1.  Hiệu quả thiết thực của mô hình bác sĩ gia đình với người cao tuổi

Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục. Đây là đề án có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Thực hiện đề án, khá nhiều phòng khám BSGĐ đã mở các dịch vụ chăm sóc tại gia đình với người cao tuổi và đã nhận được sự tin yêu từ bệnh nhân.   

Mô hình BSGĐ quan tâm sâu sát tới người cao tuổi

Y học gia đình là chuyên ngành y học cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và gia đình ở mọi lứa tuổi cho cả nam và nữ. BSGĐ là một thành viên của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm ngăn ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe cho bệnh nhân.

Khi thực hiện đề án phòng khám BSGĐ, khá nhiều cơ sở y tế đã triển khai các dịch vụ thiết thực, đáp ứng đúng, sát với nhu cầu của người dân. Trên thực tế, người cao tuổi thường mắc các bệnh đặc biệt như: Đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, tai biến, đột quỵ... Họ cần phải được theo dõi, chăm sóc liên tục nhưng gia đình, người thân không có chuyên môn cũng như thời gian để chăm sóc người bệnh. Người giúp việc thường không có kiến thức, kĩ năng chuyên môn về y tế. Giải pháp đưa người thân vào các BV chuyên khoa chỉ là nhất thời, chi phí phát sinh khi nằm viện trong thời gian dài cũng là một vấn đề lớn đối với nhiều gia đình.

Thấu hiểu nhu cầu của cộng đồng và những khó khăn trong việc lựa chọn dịch vụ y tế cho người cao tuổi, khá nhiều các cơ sở y học gia đình đã xây dựng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà. Đối tượng là những người cao tuổi cần trợ giúp sinh hoạt và theo dõi sức khỏe; những người cao tuổi giảm ý thức bản thân, còn khả năng vận động; người cao tuổi có bệnh, vận động yếu hoặc giảm khả năng vận động. Các BSGĐ, điều dưỡng viên đều được đào tạo bài bản, có lý lịch rõ ràng, có nhiều năm kinh nghiệm trong chăm sóc người cao tuổi. Họ thường thấu hiểu tâm lý, hết lòng vì người bệnh.

Khi tới gia đình người bệnh, các BSGĐ và điều dưỡng viên thường chăm sóc người bệnh rất tận tâm. Họ kiểm tra các chỉ số huyết áp, mạch, nhiệt độ, nhịp thở, đường huyết và các dấu hiệu sinh tồn nhằm dự phòng những biến chứng có thể xảy ra. Cho người bệnh uống thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng loại, theo đơn thuốc. Lăn trở, thay đổi tư thế, mát xa giảm đau mỏi, thực hiện liệu trình mát xa thông kinh lạc giúp khí huyết toàn thân được lưu thông, nâng cao khả năng tuần hoàn. Với những bệnh nhân khó vận động, sẽ được hỗ trợ vệ sinh thân thể thường xuyên. Ghi chép, theo dõi, báo cáo tình trạng, diễn biến bất thường của người bệnh.

Ngoài ra, các BSGĐ, điều dưỡng viên còn có những chăm sóc tâm lý, trị liệu như: Đọc sách, báo theo yêu cầu, trò chuyện với người cao tuổi... Sử dụng các liệu pháp tâm lý tích cực thông qua các trò chơi như: Đánh cờ, chơi ô chữ... để duy trì sự minh mẫn, nâng cao trí nhớ, tạo niềm vui cho người cao tuổi. Với những bệnh nhân còn khả năng vận động, mỗi ngày ít nhất các điều dưỡng viên sẽ hỗ trợ đi dạo ngoài trời, hướng dẫn tập thể dục.

Triển khai Đề án BSGĐ toàn diện và liên tục

Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục. Trong thời gian vừa qua, nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tai nạn thương tích tăng cao, Đề án BSGĐ đã được triển khai kịp thời trước diễn biến ngày càng phức tạp của các loại bệnh tật ở nước ta.

Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ được Bộ Y tế triển khai thí điểm từ ngày 15-7-2014 tại nhiều tỉnh, TP như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang... Việc xây dựng và phát triển mạng lưới BSGĐ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, bao gồm: Hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, phòng khám BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường, đặc biệt là phòng khám BSGĐ tư nhân để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân, gia đình.

Phòng khám BSGĐ được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tại các BV, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các BS chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế. Theo mô hình này, BSGĐ đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và BS tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, BSGĐ cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế... để không chỉ chăm sóc điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tâm lý và xã hội.

Xác định mô hình BSGĐ là lựa chọn phù hợp nhất để phát triển y tế, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình này trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đề án BSGĐ góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải BV. Bộ Y tế đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám BSGĐ.

Việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm được khuyến cáo để kịp thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn, tư vấn cho bệnh nhân các vấn đề sức khỏe liên quan tới sinh hoạt, tuổi tác, đặc biệt quan tâm người cao tuổi. Các xét nghiệm và khảo sát cận lâm sàng phải theo hướng dẫn phòng bệnh của các hiệp hội chuyên ngành. BSGĐ sẽ tư vấn và đối chiếu sự thay đổi các chỉ số xét nghiệm được lưu trữ qua nhiều năm theo dõi. Điều này sẽ giúp bệnh nhân và BSGĐ giám sát sức khỏe tốt hơn. Việc đào tạo và phát triển y học gia đình giúp các BS tuyến đầu giải quyết được hơn 80% các vấn đề sức khỏe của người dân. (1257)

  1.  Bệnh viện tự chủ tài chính: Những vấn đề phát sinh. Bài 2: Cần cơ chế kiểm soát lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu

Quá trình thực hiện tự chủ tài chính (TCTC) bệnh viện dù mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện, song quá trình này cũng đã nảy sinh những hạn chế, bất cập. Đáng kể nhất là vấn nạn lạm dụng chụp chiếu, chỉ định xét nghiệm của nhân viên y tế, của các bệnh viện.

Chỉ định... quá tay

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, hiện ở nhiều bệnh viện các xét nghiệm sinh hóa và xét nghiệm cận lâm sàng được không ít bác sỹ chỉ định tràn lan cho bệnh nhân. Đáng nói, một số chỉ số sinh hóa máu được chỉ định như những xét nghiệm cơ bản ngay khi vào viện. Có trường hợp được chỉ định làm lại chỉ trong một thời gian ngắn, dù kết quả mỗi lần xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường. Đặc biệt, có bệnh viện còn ra chỉ tiêu chụp chiếu, xét nghiệm buộc nhân viên y tế phải thực hiện. Cuối tháng 8/2019, vụ việc bác sỹ N.H.H., đang công tác tại Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TPHCM tố cáo lãnh đạo bệnh viện đã chèn ép, đặt chỉ tiêu cho các bác sỹ phải chỉ định xét nghiệm tối thiểu 20% bệnh nhân mà mình tiếp nhận khám, dù có nhiều trường hợp không cần phải làm xét nghiệm, khiến dư luận bất bình.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính:Hiện Bộ Y tế chưa có quy định nào về chất lượng dịch vụ khi thực hiện TCTC. Vậy nên trách nhiệm của Bộ Y tế là phải đưa ra được mức chuẩn về định mức kỹ thuật cho dịch vụ; đồng thời phải quy định chất lượng dịch vụ theo mức giá dựa trên định mức đó. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn thanh toán cũng rất quan trọng, để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tránh tranh cãi giữa các bên.Đối với BHXH Việt Nam, cần xây dựng các bộ nguyên tắc, tiêu chí về dịch vụ và chất lượng dịch vụ để ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ sở khám chữa bệnh. Khi có vấn đề xảy ra thì đối chiếu với hợp đồng để giải quyết, tránh tình trạng để kéo dài, gây khó khăn cho cơ sở y tế).

Về thực tế trên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận, qua quá trình phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thực hiện giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nổi lên một số vấn đề như một số cơ sở tăng chỉ định về điều trị nội trú để tận dụng giường bệnh trống, gia tăng chỉ định cận lâm sàng, kỹ thuật, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và kinh phí của người dân khi khám, chữa bệnh.

Về phía cơ quan BHXH, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, thực hiện TCTC tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng chiếu chụp của nhân viên y tế và các bệnh viện. Theo đó, để tăng doanh thu một số bệnh viện tuyến Trung ương thay vì tập trung vào nghiên cứu khoa học và các kỹ thuật chuyên sâu, lại có xu hướng mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và các dịch vụ y tế thông thường vốn các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện. Chưa kể, bản thân các nhân viên y tế “dễ dãi” trong việc chỉ định, chụp chiếu, xét nghiệm. Chẳng hạn, một bệnh nhân bị cảm cúm với các triệu chứng đau đầu nhưng có thể được chỉ định đi chụp CT, nội soi tai mũi họng (vì ngạt mũi) hoặc chụp X-quang (vì nhức xương…

Ngoài ra, quá trình TCTC cũng phát sinh một số hệ lụy khác. Tại một hội nghị gần đây do Kiểm toán Nhà nước tổ chức về thực hiện cơ chế TCTC tại cơ sở y tế công lập, đại diện cơ quan này thông tin, sau quá trình thanh, kiểm tra tại các bệnh viện công lập cơ quan này phát hiện các bệnh viện được tự chủ lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng mà không có sự điều phối của cấp có thẩm quyền có thể dẫn đến tình trạng đầu tư vượt quá nhu cầu, không đồng bộ với công tác đào tạo cán bộ sử dụng gây lãng phí nguồn lực.

Chưa kể, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước những năm gần đây cho thấy, tại nhiều bệnh viện còn tình trạng trang thiết bị mua về không được sử dụng, hoặc chưa bố trí được cơ sở hạ tầng đồng bộ để lắp đặt có thể dẫn đến hỏng hóc, giảm thời gian khấu hao của máy móc, trang thiết bị gây lãng phí nguồn tài chính công. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án liên doanh, liên kết với các tổ chức khu vực tư, dưới áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng chỉ định dùng máy liên doanh liên kết, trong khi máy móc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước còn sử dụng tốt, đảm bảo chất lượng cho công tác khám chữa bệnh, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Cần cơ chế kiểm soát

Để hạn chế lạm dụng chụp chiếu, chỉ định tại các cơ sở y tế công lập thực hiện TCTC, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong tự chủ đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn và người bệnh sẽ được hưởng lợi. Song song với đó phải xây dựng các quy trình, quy chế để kiểm soát, tránh sự lạm dụng cũng như có mức giá phù hợp, đúng quy định. Ông Tuấn cho rằng, cần mở rộng phạm vi phân cấp trong khuôn khổ cho phép. Đối với đấu thầu, mua sắm trang thiết bị thì vấn đề quyết định là khâu phê duyệt danh mục dự án và phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Các khâu này cần làm rõ về thẩm quyền. Cùng với đó, các cơ sở y tế cần tổ chức kiểm tra các quy trình, quy chế trong đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế và trong quản lý, sử dụng để đảm bảo hiệu quả, an toàn, chất lượng.

Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cần thành lập một Hội đồng chuyên môn độc lập gồm 50% là chuyên gia y tế có đủ trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, 50% là cán bộ BHXH, phối hợp cùng thẩm định và đưa đến kết luận chỉ định của nhân viên y tế đã hợp lý hay chưa. Chẳng hạn, có những kỹ thuật, cán bộ y tế có trình độ, chuyên môn đã yêu cầu bệnh nhân thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, song cán bộ BHXH lại cho rằng không cần thiết và từ chối thanh toán.

Nhiều lãnh đạo các cơ sở y tế công lập cũng cho rằng, khi thực hiện TCTC bản thân các bệnh viện cần đa dạng hình thái, loại hình dịch vụ để thu hút người bệnh, trong đó tập trung xây dựng những khu khám theo yêu cầu, dịch vụ cao, những khoa phòng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những người bệnh có điều kiện.

Và để làm được điều này, PGS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nêu quan điểm, các bệnh viện cần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng. Bởi, chỉ có nhiều bác sĩ giỏi thì mới có thể sử dụng các dịch vụ cao cấp. “Chính vì thế, từ trước khi chuẩn bị cho việc TCTC, cơ sở y tế đã phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên môn giỏi và nghiệp vụ tốt. Những cán bộ, nhân viên này phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng về y đức cũng như thái độ phục vụ người bệnh làm sao để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh viện và các cán bộ nhân viên phải thấm nhuần tư tưởng, coi người bệnh là khách hàng, làm hài lòng khách hàng vì chính họ sẽ là người nuôi bệnh viện cũng như cán bộ nhân viên”, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nói.

TCTC công không nằm ngoài cái đích hướng tới đẩy mạnh chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; là động lực để các bệnh viện cải tiến, tự hoàn thiện và thay đổi mình nhằm mang lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Và chính chỉ số hài lòng của người bệnh sẽ góp phần phản ánh đáng kể chất lượng phục vụ của các bệnh viện. Trong cơ chế cạnh tranh, cuộc đua để nhận được sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà họ không chỉ dành cho bệnh viện công mà còn nhiều cơ sở y tế ngoài công lập đang ngày càng được đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực chất lượng cao. (1638)

  1.  Giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng

Sáng 5-10, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Thiện Thành (30-9-1919 – 30-9-2019).

Tham dự Lễ kỷ niệm có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo TPHCM và tỉnh Trà Vinh cùng Tổng Lãnh sự các quốc gia Nga, Trung Quốc, Campuchia, Lào đóng trên địa bàn TPHCM.

Về phía gia đình cố Giáo sư Nguyễn Thiện Thành có bà Dương Thị Minh là phu nhân và con trai là Ủy viên Bộ Chính trị,  Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.

Cống hiến cả cuộc đời cho ngành y

Nhớ lại về người cha của mình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động nói: Cha tôi có một đặc điểm là ít nói về mình, ông luôn tự quyết định phải làm gì và luôn có sự lựa chọn, dù cuộc đời có khó khăn tới đâu, ông cũng không bao giờ bế tắc.

Lần thứ nhất vào năm 1939 sau khi tốt nghiệp Tú tài Đông Dương loại ưu, ông được Cơ quan giáo dục điều hành Đông Dương (DRIP) chọn sang Pháp học với điều kiện học 1 trong 3 ngành là võ bị, chính trị và thương mại cao cấp. Đối với ông cả 3 ngành này đều không thể cứu cho nước, nhân dân nên ông đã từ chối và đề nghị được học ngành y để chăm sóc, chữa bệnh phục vụ đồng bào.

Lần thứ hai vào năm 1960 sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ loại xuất sắc, ông được Hội đồng Khoa học đề nghị ở lại làm tiến sĩ tại Liên Xô, ông cũng không ở lại mà bày tỏ nguyện vọng được trở về chiến đấu tại chiến trường miền Nam vì ông nghĩ đến sức khỏe đồng bào.

Lần thứ ba là năm 1964 khi đang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (sau này là Học viện Quân y) ông mong muốn trở về miền Nam và tháng 12-1964 ông trở về miền Nam trên con tàu không số.

Lần nói không thứ tư là sau năm 1975, ông làm ở Bệnh viện Thống Nhất thì có ý kiến đề xuất ông ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng ông nói rằng ông làm bác sĩ cũng rất tốt, bởi vì cứu chữa được nhiều hơn cho đồng bào của mình.

Hồi ức về vị thầy đáng kính của biết bao thế hệ thầy thuốc, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: trong hai cuộc kháng chiến kiên cường của dân tộc, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành vừa là một thầy thuốc cứu chữa thương bệnh binh, vừa là một chiến sĩ sẵn sàng cầm súng đương đầu với bom rơi, lửa đạn. Là một bác sĩ, ông luôn tận tụy làm việc, đau đáu với từng ca bệnh và trăn trở để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.

Tại chiến trường miền Đông Nam bộ, đau đớn trước hàng ngàn tân binh bị sốt rét hoành hành, nhiều người đã ngã xuống khi chưa kịp ra mặt trận, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra phác đồ điều trị sốt rét hiệu quả, giúp bộ đội tái tạo sức khỏe, trở lại chiến trường.

Đó chính là sáng chế Filatov, với tác dụng tuyệt vời trong việc tăng cường khả năng đề kháng, giúp người bệnh nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật. Khi chiến trường ngớt tiếng súng, ông là một người thầy giáo lấy hầm hào làm bục giảng, lấy kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức của mình đào tạo hàng ngàn y bác sĩ phục vụ hiệu quả, cứu chữa bệnh binh sau những trận càn quét của kẻ thù.

Dấu ấn của ông in đậm trong từng trang sử vẻ vang của Viện Quân y K71 và của toàn ngành quân y nước nhà.

“Đi qua tất thảy những gian khổ của chiến tranh, ông vẫn không có một ngày nghỉ ngơi cho riêng mình, công việc bộn bề của những ngày đất nước mới giải phóng đã cuốn ông miệt mài, bền bỉ xây dựng và phát triển Bệnh viện Thống Nhất. Giám đốc Nguyễn Thiện Thành cùng tập thể Đảng ủy triển khai nhiều chủ trương giải pháp đưa Bệnh viện Thống Nhất nhanh chóng trở thành một trung tâm y tế chất lượng cao trong khu vực và cả nước, hoàn hành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao là khám chữa bệnh cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên địa bàn”, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh bồi hồi nhớ lại.

“Cuộc đời thầy là cuốn sách quý”

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Công, nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, phần lớn cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện Thống Nhất ngày hôm nay đều là học trò của thầy và chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy. Việc giáo dục đào tạo đội ngũ thầy thuốc cho thế hệ mai sau, không chỉ là trách nhiệm mà còn là một niềm đam mê. Không những thế, ông còn thường xuyên viết sách, tài liệu nhằm phổ biến kiến thức y học đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Còn theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, với kiến thức được đào tạo bài bản về chuyên ngành Lão khoa ở Liên Xô cùng với kinh nghiệm từng trải và tầm nhìn của một người làm công tác quản lý có khả năng bao quát lớn, có tư duy chiều sâu và là người luôn trăn trở với sức khỏe của đồng chí đồng bào mình, ông nhận thấy việc đào tạo bác sĩ có trình độ chuyên sâu về Lão khoa là rất cần thiết cho ngành y tế.

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành (1919 -2013), ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, với 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

- Năm 1980, Ông được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư, là đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước.

- Năm 1985, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

- Năm 1989, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

Ông đã dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu, biên soạn tài liệu, xây dựng đội ngũ con người để khai mở ra Bộ môn Lão khoa đầu tiên do chính ông làm Chủ nhiệm và trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Việc nghiên cứu thành công tảo Spirulina và Kaglutam cũng là tình cảm và tâm huyết của ông trong việc nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi.

Việc bào chế ra hai loại dược phẩm này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á sản xuất ra tảo dạng viên.

Những đóng góp lớn lao của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành mãi mãi còn đó, là nền móng cho các bác sĩ trẻ kế thừa và phát triển. 

Nhiều thế hệ học trò của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã nhận xét rằng, cả cuộc đời ông yêu và nặng nợ với ngành y. Ngoài thời gian cho công tác quản lý bệnh viện, còn lại ông dành cho việc nghiên cứu, học tập kiến thức y khoa. Trong công việc, ông nghiêm khắc với cấp dưới và nghiêm khắc với chính mình bởi ông hiểu rõ, bất cứ một sai sót nào của bác sĩ dù là nhỏ cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của con người. Ông hiểu rõ, xuyên suốt cuộc đời mình, ông chỉ có một luận án duy nhất, đó là sức khỏe của nhân dân và ông đã tận hiến không mệt mỏi để hoàn thành xuất sắc luận án đó.

Thay mặt gia đình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động nói: "Tự tận đáy lòng mình, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, UBND TPHCM, quê hương Trà Vinh, Bệnh viện Thống Nhất cùng đội ngũ y bác sĩ luôn dành cho cha tôi sự hỗ trợ về tinh thần và điều kiện làm việc trong những năm tháng vừa qua. Thưa Ba, 100 năm trước Ba sinh ra đời, chưa có Má, chưa có chúng con. Hôm nay Bệnh viện Thống Nhất, quê hương Trà Vinh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ba, nhưng Ba đã đi xa. Má và chúng con, đồng đội, đồng nghiệp, quê hương, Đảng, Nhà nước, quân đội... vẫn nhớ đến Ba. Chúng con xin hứa với Ba, chăm sóc Má, góp phần gìn giữ truyền thống gia đình".

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm ôn lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của ông, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện cho những đồng nghiệp trong và ngoài Quân đội như: Đặt tượng Giáo sư Nguyễn Thiện Thành; tái bản cuốn sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành- Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng”; giới thiệu bộ phim tư liệu “Bác sĩ Filatov”.

Dịp này, Bệnh viện Thống Nhất cũng phát động cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành trong Đoàn viên thanh niên và nhân viên Bệnh viện. (1682)

  1.  Cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới với người bệnh

Sau khi đăng ký nhận “hỗ trợ chi phí” trà thảo dược trị đau dạ dày được giới thiệu trên fanpage “Khoa Tiêu hóa-Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội”, chị Th. đã được “nhân viên khoa Dược” gọi điện hỏi địa chỉ giao hàng và yêu cầu chuẩn bị sẵn 1,3 triệu đồng. Thấy nghi ngờ, chị Th. đã gọi điện xác minh và rất bất ngờ…

Theo thông tin từ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây phòng đã tiếp nhận điện thoại của một số bệnh nhân để xác minh thông tin “Khoa Tiêu hóa-Bệnh viện Bạch Mai đang có chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày”.

Một trong số những trường hợp đó là chị Th. Khi vào mạng xã hội chị Th. đọc được thông tin tại fanpage mang tên “Khoa Tiêu hoá-Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội”: “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu…thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ. Lưu ý: Bà con không bị đau dạ dày hoặc đã nhận hỗ trợ từ lần trước vui lòng không đăng ký để nhường cơ hội cho người thực sự cần”.

Bản thân bị bệnh dạ dày nên khi nhận được thông tin trên chị Th. rất vui mừng và đã nhấn nút “đăng ký” và để lại số điện thoại, thông tin cá nhân.

Một lúc sau, chị nhận được điện thoại của một người tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được một cuộc điện thoại của người lạ khác tự xưng là nhân viên của khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai hỏi địa chỉ để giao trà đến và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.

Nhận thông tin trên, phòng Công tác-Xã hội đã xác minh và được TS-Bác sỹ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.

Bác sỹ Khanh khuyến cáo, hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Do đó, bà con cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, bà con nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. (564)

 

 

 

  1.  Hà Nội: Xử lý chất thải y tế nguy hại theo cách nào?

Theo khảo sát, 31/2.956 cơ sở y tế tư nhân đã ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại. Một số cơ sở y tế đã và đang áp dụng mô hình xử lý tại chỗ theo công nghệ đốt và công nghệ không đốt.

Khó kiểm soát chất thải y tế

Mới đây, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê từ các báo cáo quan trắc, chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng 23% so với tổng lượng chất thải y tế phát sinh.

Hiện có 192 bệnh viện có lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế và đều đã thực hiện quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế. Trong đó, tuyến Trung ương có 1 bệnh viện, tuyến tỉnh có 52 bệnh viện và tuyến huyện có 135 bệnh viện. Riêng khối tư nhân có 4 bệnh viện.

Tổng lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý theo yêu cầu trong kỳ báo cáo đạt tỷ lệ 99%; trong đó các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tư nhân đã xử lý 100% lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết các lò đốt đang sử dụng đã xuống cấp, thiếu linh kiện thay thế, không được bảo dưỡng định kỳ nên việc xử lý chất thải bằng lò đốt tiềm tàng nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, một số bệnh viện có các thông số không đạt tiêu chuẩn về SO2, CO, NOx, bụi tổng, Pb…

Như vậy, việc kiểm soát chất thải y tế không chỉ là vấn đề “nóng” đối với ngành Y tế mà là của toàn xã hội. Nếu không được xử lý tốt, hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện “đẩy” vào môi trường mỗi ngày sẽ là nguồn gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.

Gom lại để xử lý tập trung

Vì thế, đề án “Xử lý chất thải y tế nguy hại TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” được UBND TP phê duyệt là tin vui không chỉ với ngành Y tế mà còn là tin vui đối với cộng đồng, trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo đề án này, đến năm 2020, Hà Nội đảm bảo 100% các cơ sở y tế trên địa bàn, từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện, thực hiện việc lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội hiện có 46 bệnh viện Trung ương và bộ, ngành. Trong đó, có 14/21 bệnh viện thuộc Bộ Y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt QCVN 28:2010/BTNMT về nước thải y tế; 7/21 bệnh viện đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải mới nguồn dự án WB và nguồn khác. Đối với các cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành khác quản lý, do đầu tư hệ thống nước thải nhiều năm trước đây, nên hệ thống xử lý chất thải lỏng tại một số bệnh viện đã xuống cấp, xả thải chưa bảo đảm đúng quy định vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.

Đối với hệ thống xử lý chất thải lỏng của các cơ sở y tế do Hà Nội quản lý, trong giai đoạn 2010 – 2016, Hà Nội đã đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện, 45 phòng khám đa khoa khu vực; 34 bệnh viện tư nhân đã được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý chất thải lỏng trước khi đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, việc quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế ở Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Còn 11 bệnh viện đầu tư theo quy mô trước đây, hiện đã xuống cấp. Do vậy, với nguồn vốn thực hiện đề án nói trên mới chỉ góp phần hóa giải được nỗi lo về chất thải y tế nguy hại đối với môi trường.

Theo số liệu riêng của Sở TN&MT Hà Nội năm 2018, thì hầu hết các cơ sở y tế thuộc đối tượng phải đăng ký cấp Số chủ nguồn thải (>600kg/năm) đã thực hiện, không có cơ sở nào tự xử lý, 1 cơ sở xử lý chất thải rắn theo cụm là Trạm Y tế Hồ Tây, các cơ sở còn lại đều ký hợp đồng thuê đơn vị chức năng vận chuyển xử lý tập trung. Như vậy, chất thải y tế nguy hại tại Hà Nội hiện được xử lý chủ yếu bằng hình thức tập trung tại những nơi xa dân cư gồm 2 loại công nghệ đốt và không đốt.

Cẩn trọng với công nghệ không đốt

Theo UBND TP Hà Nội, có 16 bệnh viện huyện đã được đầu tư hệ thống lò đốt theo công nghệ S1-SH của Nhật Bản và 3 đơn vị được đầu tư trước đó: Bệnh viện Hà Đông theo công nghệ P100 của Mỹ; Bệnh viện Sơn Tây theo công nghệ Howel của Áo và Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì.

Tổng số tiền đầu tư cho 16 bệnh viện công lập giai đoạn 2010 – 2013 là 24 tỷ đồng và được bàn giao cho các bệnh viện sử dụng. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội thì đến nay hầu hết các lò đốt đó đã hỏng, phải đổ dầu vào lò đốt đi đốt lại… gây ô nhiễm môi trường và tốn kém.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 2 bệnh viện thực hiện xử lý tại chỗ bằng lò đốt là Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức và Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức. Tuy nhiên, theo kế hoạch các lò đốt này sẽ phải đóng cửa vào năm 2020.

Để thay thế công nghệ đốt, Hà Nội đã thay thế công nghệ không đốt tại 4 bệnh viện: Bệnh viện Phổi Trung ương (dừng xử lý năm 2018), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền.

Theo các chuyên gia, công nghệ áp dụng cho 4 đơn vị này là công nghệ vi sóng kết hợp hơi nước bão hòa. Công suất xử lý khoảng 20 – 24kg/h, chi phí xử lý <6.000 đồng/kg. Chất thải sau khử tiệt khuẩn được cắt nhỏ, làm mất hình dạng, không còn khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, công nghệ này cũng phát sinh nhược điểm là không phù hợp với chất thải giải phẫu, chất thải hóa học và dược phẩm, không làm giảm tối đa thể tích chất thải và phải chôn lấp cẩn thận nếu không sẽ ô nhiễm do vi khuẩn phát sinh.

Trong 5/21 hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được đánh giá xuống cấp là BV Phụ sản T.Ư, BV Hữu nghị Việt Đức, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư; hoặc quá tải là cụm BV Bạch Mai và Nhi T.Ư đang xây mới hệ thống xử lý nước thải theo dự án của Bộ Y tế. (1264)

  1.  Chị em chi tiền triệu mua mỹ phẩm chế biến từ rác thải y tế

Trên thị trường mỹ phẩm, các sản phẩm được quảng cáo chiết xuất từ nhau thai được nhiều người quan tâm. Những lời quảng cáo có cánh khiến nhiều chị em đổ xô mua mà không biết tác dụng của nó như thế nào?

Dị ứng vì mỹ phẩm nhau thai

Chị Hoàng Thị Tuyết – Hoàng Mai, Hà Nội được bạn tặng cho một lọ kem dưỡng da nhau thai cừu. Được quảng cáo xách tay từ Úc và là sản phẩm không thể thiếu cho các chị em, chị Tuyết cũng tin tưởng và dùng thử. Sau khi dùng 1 lần duy nhất mặt chị dần ngứa và nóng rát. Chỉ trong vòng 5 tiếng đồng hồ, chị Tuyết không tin vào mặt mình khi soi gương. Toàn bộ da mặt đỏ rực, phỏng rát như vừa bị bỏng.

Chị Tuyết nhanh chóng vào bệnh viện khám, bác sĩ cho biết chị bị dị ứng với mỹ phẩm. Chị Tuyết cho biết từ trước tới nay da chị rất lành, chị không ngờ chỉ thoa chút kem dưỡng da khiến da bị dị ứng khó chịu. Chị Tuyết phải nghỉ làm 4 hôm để truyền dịch và đào thải các chất gây dị ứng trong cơ thể.

Đã hơn 1 năm trôi qua từ sau lần dị ứng đó, chị Tuyết cho biết chị sợ mỹ phẩm và không dám bôi bất cứ cái gì lên da nữa.

Không riêng gì chị Tuyết, tại Bệnh viện Da liễu trung ương các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp dị ứng mỹ phẩm trong đó chủ yếu là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Mỹ phẩm chiết xuất từ nhau thai là sản phẩm được nổi lên vài năm trở lại đây trên mạng xã hội, trên các kênh bán hàng online, đây là sản phẩm được quảng cáo với những lời có cánh.

"Điều trị nám da, xóa nếp nhăn, trẻ hóa làn da" là những từ khóa hot được quảng cáo trên sản phẩm sản xuất từ nhau thai như kem dưỡng da, serum, nước trẻ hóa da, kem xóa nhăn, kem chống nắng… đủ các loại trong đó chủ yếu sản phẩm dưỡng da từ nhau thai cừu với đủ màu tím, hồng cho từng loại da.

Các sản phẩm này có giá từ vài chục nghìn đồng tới hàng trăm nghìn đồng, cao cấp hơn có giá tới vài triệu đồng 1 bộ và ở đâu các loại mỹ phẩm này cũng được quảng cáo là siêu mỹ phẩm. Còn giá trị thực của nó thì không ai biết rõ ràng như thế nào.

Chỉ là rác thải y tế

TS BS. Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, nhau thai là cơ quan rất đặc biệt hay còn gọi bánh nhau có tác dụng nuôi dưỡng bào thai. Những nhau thai có thể chứa một số chất tăng trưởng như tăng trưởng thượng bì, vitamin, hóa chất có giá trị sinh học cao.

Nhưng để biến những chất này thành sản phẩm làm đẹp da, chống lão hóa thì việc lấy các chất này ra sản xuất như thế nào vô cùng quan trọng. Hiện nay, Bộ Y tế coi các sản phẩm từ nhau thai là rác thải sinh học có khả năng lây nhiễm và phải xử lý theo quy trình chuẩn, nếu mua trên thị trường có thể nguy hiểm do không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ Chuyên cho biết, những sản phẩm bán trôi nổi này chưa được khoa học hay công trình nghiên cứu nào ở Việt Nam chứng minh hiệu quả, công dụng của chúng.

Hiện nay, các sản phẩm này được quảng cáo từ Nhật Bản, từ Hàn Quốc, từ Úc, nhưng tất cả chỉ là quảng cáo còn nguồn gốc thật thì không ai biết là đâu. Không có sản phẩm nào từ chế phẩm sinh học như nhau thai động vật được chứng minh có tác dụng làm đẹp.

Bác sĩ Chuyên cho biết khi sử dụng dạng bôi, hoặc tiêm trực tiếp lên da, rất dễ gây sốc phản vệ, nhiễm trùng, kích ứng, dị ứng, rất nguy hại cho da. Người tiêu dùng nên cẩn trọng không nên nghe theo những lời quảng cáo đồn thổi, rồi mua về tự ý sử dụng. Đây là dạng hoạt chất sinh học đặc biệt khi sử dụng cần biết rõ nguồn gốc như thế nào.

Vẫn chưa có cơ sở khoa học cho thấy nhau thai có tác dụng thần dược như lời quảng cáo, do vậy để tránh tiền mất tật mang, người tiêu dùng không nên liều lĩnh tin vào những lời quảng cáo sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm được giới thiệu có thành phần tế bào gốc từ nhau thai người.

Khi sử dụng sản phẩm làm đẹp từ nhau thai nếu có dấu hiệu mẩn ngứa, khác thường cần rửa mặt sạch và đến ngay cơ sở y tế được được khám và tư vấn cẩn trọng. (873)

  1.  Y học chưa ghi nhận loại dược phẩm nào có khả năng nâng ngực

Có lẽ là phụ nữ, không ai là không muốn mình trẻ đẹp hơn mỗi ngày. Chính vì thế, nhu cầu làm đẹp của phái đẹp đang ngày càng một lớn dần lên cùng với sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, những loại sản phẩm hỗ trợ chị em giữ dáng, đẹp da ngày càng xuất hiện nhiều. Nhưng có một thực tế rằng, không phải sản phẩm nào cũng mang tới những hiệu quả tích cực đối với phái đẹp.

Với mong muốn cải thiện vòng một, chị T (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã không tiếc bỏ ra vài triệu đồng để mua một loại thuốc nở ngực nhưng sau một thời gian sử dụng, kết quả mang lại đã không như chị trông chờ. Theo lời chị kể, bình thường chị có một thân hình khá cân đối, duy chỉ có vòng một sau hai lần sinh nở và cho con bú đã có phần xuống cấp khiến chị thiếu tự tin mỗi khi mặc áo hở cổ, hở vai.

Bởi vậy, chị đã tìm hiểu và tham khảo các phương pháp nhằm cải thiện vòng 1. Trong một lần đi tham dự một buổi hội thảo cùng với bạn về một sản phẩm, chị tình cờ biết đến một sản phẩm tăng kích thước vòng một. Theo giới thiệu sản phẩm giúp tăng kích thước vòng một tự nhiên mà không phải phẫu thuật. Nghĩ không phải đau vì phẫu thuật, lại ít tốn kém mà vẫn có được vòng một như ý. Hơn nữa nghe những lời tư vấn nhiệt tình của cô nhân viên, chị đã không nỡ bỏ qua. Mua về dùng sau hai tuần, chị không thấy thay đổi chút nào, ngực lại bị ngứa và sưng nên chị vội vứt bỏ.

Chỉ cần lên google, facebook và gõ vào đó cụm từ “thuốc uống làm nở ngực” là chị em đã được dịp căng hết cả mắt mà lựa chọn. Một chủ tài khoản facebook chia sẻ, thuốc uống làm nở ngực thần thánh đến từ Nhật Bản có tác dụng cực tốt cho phụ nữ sau sinh, người có ngực chảy xệ, hay đơn giản là chị em muốn tăng kích cỡ vòng 1…

Tất cả những đối tượng này đều được viên uống nở ngực giải quyết chỉ trong vòng một nốt nhạc. Điều đáng nói, những loại thuốc uống làm nở ngực không chỉ đem lại tác dụng nhất thời mà đều được các chủ cửa hàng quảng cáo đem lại giá trị vĩnh viễn sau khi ngừng thuốc, không lệ thuộc vào thuốc. Giá cả của những loại thuốc uống nở ngực cũng dao động rất lớn, có loại vài trăm nghìn đồng nhưng cũng có loại lên đến tiền triệu là hết sức bình thường.

Trước các thông tin rao bán tùm lum như trên, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác. Kích thước vòng một của mỗi phụ nữ chỉ có thể đạt tới kích cỡ nhất định. Kích thước này phụ thuộc nhiều vào gen di truyền và cấu trúc cơ thể của từng người. Trên thực tế, không một sản phẩm kem bôi ngực hay thuốc uống nào có thể làm nở ngực nhanh chóng chỉ trong vòng 3 tuần, thậm chí là 7 ngày như lời quảng cáo.

Bệnh cạnh thuốc, kem nở ngực cũng rất dễ tìm kiếm thông tin trên các trang mạng. Và có một đặc điểm chung là hầu hết những quảng cáo này đã đánh trúng tâm lý chị em vốn dĩ tự ti với số đo vòng một nhưng lo ngại dao, kéo nên dễ siêu lòng trước các sản phẩm “kích” vòng một tự nhiên. Các loại kem thoa nở ngực trên mạng có những lời chào mời rất thu hút như: “Chỉ sau 2-3 ngày, kích thước vòng một có thể tăng lên 5-7cm và săn chắc như thời con gái”, “Thuốc uống nở ngực, làm nở và săn chắc ngực, không tác dụng phụ, hiệu quả sau 7 ngày”; “Kem thoa nở ngực dạng gel, thoa 7 ngày thẩm thấu vào cơ ngực, kích thích mô mỡ ngực phát triển, thích hợp mọi lứa tuổi”…

Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP HCM) cũng đã có những ý kiến cho rằng, y học chưa ghi nhận có loại dược phẩm hay mỹ phẩm nào chỉ cần bôi ngoài da có tác dụng thần kỳ là nâng ngực, làm ngực phụ nữ to ra. Kích thước và hình dáng của tuyến vú phụ thuộc vào cấu trúc của tuyến sữa, các bó cơ ngực và lớp mỡ đệm dưới da.

Còn theo PGS.TS Trần Đáng (Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam) từng nhiều lần chia sẻ với báo chí rằng, những loại thuốc làm nở ngực hay kem làm nở ngực chứa thành phần chủ yếu là nội tiết tố nữ estrogen có vai trò kích thích tuyến vú phát triển. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ của những loại thuốc uống, kem bôi nhan nhản thị trường online hiện rất khó lường. Nếu không sử dụng nguồn thuốc uống, kem bôi có nguồn gốc tự nhiên sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Do đó, giới chuyên gia khuyên, chị em trước khi dùng bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ, xem xét thuốc được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành hay chưa để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, tiền mất tật mang… (959)

  1.  Vén màn kịch trong giáo trình tiếp thị “thần dược” của “lò” khởi nghiệp FAA

Chỉ cần học thuộc bộ giáo trình dạng hỏi - đáp dài 5 trang A4, bất kỳ ai trong Cộng đồng khởi nghiệp FAA cũng có thể tự xưng mình là "chuyên gia đến từ Trung tâm xương khớp ông Bồng" rồi sau đó điềm nhiên "chẩn bệnh", "kê đơn" qua điện thoại.

Bắt bệnh kiểu "mì ăn liền"

Từ lá đơn tố cáo về những bất minh của Cộng đồng khởi nghiệp FAA, phóng viên đã lần theo một mẩu thông tin và được mời đến thử việc tại một căn phòng không có biển tên tại tầng 11, tháp A, tòa nhà Comatce, số 61 Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội.

Tại đây, sau 2 ngày được yêu cầu quan sát cách các "đồng nghiệp" làm việc, phóng viên nhận ra cái gọi là Cộng đồng khởi nghiệp này chẳng qua chỉ là nơi chiêu dụ, huấn luyện những người trẻ tuổi cách tiếp cận và lừa dối người bệnh qua điện thoại, hòng bán ra những liều "thần dược" rởm mang tên Xương khớp ông Bồng với giá "cắt cổ".

Đến ngày thứ 3, phóng viên được trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng tên Mai Loan đưa cho một bộ giáo trình dạng hỏi – đáp gồm 5 trang giấy A4 với nội dung về bệnh xương khớp đề nghị học thuộc. Tất cả quy trình đều đã được hướng dẫn chi tiết từ cách chào hỏi, tư vấn bệnh lý cho đến nghệ thuật xử lý chốt đơn.

Điều đáng nói, trên từng dòng trên kịch bản, nhận thấy rõ ràng đó chỉ là một mớ kiến thức hỗn tạp cóp nhặt trên mạng, cụt lủn và thiếu hụt kiến thức nhưng lại thừa mưu mẹo theo kiểu khách nói "có" thì phán ra sao, khách đáp "không" thì "chẩn bệnh" thế nào.

Cụ thể, với câu hỏi: "Anh/chị có bị nhức mỏi cổ, tê bì đầu ngón tay không?", bộ giáo trình đưa luôn đáp án cho các "bác sĩ online" như sau:

- Không: Cũng may là chèn ép chưa lan đến đầu ngón tay.

- Có: Tê râm ran như kim châm, kiến bò hay tê buốt cả ngón tay? Như vậy là bị chèn ép vào dây thần kinh cảm giác, để lâu sẽ gây tổn thương dẫn đến tê liệt. Thậm chí bên trung tâm đang phải điều trị cho một số bệnh nhân để nặng quá, buộc phải đi phẫu thuật mới đi lại được.

Phương pháp tư vấn bệnh cũng chẳng khá khẩm hơn, mọi thứ đều nhằm mục đích xoáy sâu vào nỗi sợ bệnh tật của người bệnh. "Dìm" thuốc tây và các phương pháp hỗ trợ điều trị xương khớp khác để dụ người nghe sử dụng Bồng Cốt Đan.

Nội dung xuyên suốt toàn bộ kịch bản là "vẽ" cho bệnh nhân thấy bức tranh xấu nếu không điều trị sớm thì tình trạng bệnh của họ sẽ phát triển như thế nào.

Rồi sau đó khi bệnh nhân còn đang trong trạng thái tâm lý lo lắng, hoang mang thì ngay lập tức những lời khuyên chân thành được tung ra: “Phương pháp nhà Ông Bồng chúng tôi hoàn toàn khác. Chúng tôi không mon men giảm đau nhức thông thường mà đi sâu vào căn nguyên gốc rễ bệnh tình để giúp anh/chị từ bên trong mô xương khớp…”.

Đến nghệ thuật chốt đơn

Để thêm phần thuyết phục về tác dụng thần kỳ của bộ sản phẩm Bồng Cốt Đan, theo đúng kịch bản, nhân viên khẳng định rằng đây là phương pháp Đông y đã xin với Bộ Y tế cho cấp phép hoàn tán thành viên nhộng nên dễ sử dụng, không phải sắc hay nấu; sản phẩm lành tính nên không hại dạ dày…

Sau khi đã “dọn đường” cho bộ “sản phẩm nhà mình”, việc mấu chốt mà nhân viên phải làm là tập trung giới thiệu các liệu trình; đồng thời không bao giờ được quên buông ra một câu mang tính chất “được ăn cả, ngã về không” để hù dọa bệnh nhân: “Tôi hỏi thật, với mong muốn cải thiện của anh/chị, thì anh/chị mong muốn được cấp cắt cho bài cơ bản để vừa dùng vừa theo dõi hay muốn cấp cắt cho bài đặc trị để nhanh cải thiện phục hồi?”

Cuối cùng khi những bệnh nhân nhẹ dạ cả tin đã “sập bẫy” mua “thần dược”, các nhân viên chỉ việc diễn nốt phân đoạn chốt hạ đơn hàng. “Tôi mới ký duyệt hồ sơ cho anh/chị trên giấy tờ thôi. 5-10 phút nữa sẽ có các cháu trợ lý của tôi gọi lại hoàn thiện hồ sơ cho anh/chị, để lưu lên hệ thống bệnh nhân của trung tâm, sau này còn tiện chăm sóc trong quá trình dùng”.

Sau những lời an ủi đầy hứa hẹn đó, một bộ phận khác sẽ lại tiếp nối. Và… “bài ca” bắt bệnh – kê đơn cũ rích lại được xướng lên huyên náo như phiên chợ sớm.

Có thể nói, kịch bản đã đánh vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của bệnh nhân. Một đội ngũ những người trẻ vì học theo "giáo trình ấy" mà trở thành những kẻ bịp bợm trắng trợn. (900)

  1.  Vì sao người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới?

Theo các chuyên gia, người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới là bởi những yếu tố bên ngoài như môi trường sống, thực phẩm, thói quen vận động… chứ không phải do gen.

Người Việt tiền sử không lùn Tổ chức độc lập World

Population Review (WPR) vừa công bố dữ liệu về sự gia tăng dân số toàn cầu. Trong đó, nổi bật là thông tin “người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới” với chiều cao trung bình của nam giới là 162,1cm và nữ giới là 152,2cm. Theo đó, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam trưởng thành chỉ xếp trên Indonesia (158cm), Bolivia (160cm) và Philippines (161,9cm).

Thậm chí, theo danh sách này, người Việt Nam còn thấp hơn cả Campuchia khi chiều cao trung bình của nam giới nước này là 162,5cm.

Trong nhóm 10 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới còn xuất hiện một số nước khác thuộc khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh với chiều cao trung bình của nam giới trưởng thành lần lượt là: Nepal (163cm), Ecuador (163,5cm), Sri Lanka (163,6cm), Nigeria (163,8cm) và Peru (164cm).

Theo TS Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, các số liệu nghiên cứu khảo cổ học cho đến thời điểm này thì chiều cao của người Việt Nam không có nhiều khác biệt so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tiến hành đo đạc xương từ những di cốt người tiền sử tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ học thấy rằng, có những người có chiều cao chỉ khoảng 1,50m, nhưng cũng có những người cao đến 1,89m.

Cụ thể, khi nghiên cứu về khu mộ ở Động Xá (Hưng Yên), các nhà nghiên cứu đã thu thập được đầy đủ xương cốt người tiền sử để đo đạc thì về cơ bản, phụ nữ cao khoảng 1,50m và đàn ông cao khoảng 1,65m.

Nhưng ở những di chỉ khác, cũng đã phát hiện những bộ xương cốt mà người đàn ông có chiều cao đến 1,80m, thậm chí có người cao đến 1,89m. Những bộ xương cốt tìm được ở Xóm Trại cho thấy chiều cao lên đến 1,7m, ở điểm diễn ra trận Bạch Đằng cũng con số 1,7m và ở Sơn La là 1,71m.

 “Chưa có thống kê cụ thể nào về chiều cao trung bình của người tiền sử ở Việt Nam, song những con số đo đạc rải rác từ các mẫu xương cốt cho thấy, chiều cao của người Việt Nam ở mức bình thường, thậm chí có những người rất cao. Việc công bố người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới với chiều cao trung bình của phụ nữ chỉ 1,52m và nam giới là 1,62m là dựa trên thống kê nào, thực hiện vào thời điểm nào?

Tôi cho rằng con số này chỉ phù hợp ở thời điểm những năm 70 đến 90 của thế kỉ XX. Còn chiều cao hiện nay của người Việt như thế nào, Bộ Y tế cần có thống kê và công bố cụ thể để người dân được nắm rõ”, TS Nguyễn Việt bày tỏ quan điểm.

Cao hay thấp do môi trường

Theo TS Nguyễn Việt, yếu tố chủ yếu quyết định đến chiều cao là nguồn dinh dưỡng. Ví dụ như người châu Âu, từ xa xưa người ta đã sử dụng thực phẩm từ những loài động vật lớn 4 chân như bò, cừu, dê, lợn… trong khi đó, người Việt lại chủ yếu ăn các loài động vật bậc thấp hơn như ốc, trai, sò, hến, tôm, cua…

Sự khác biệt trong ăn uống dẫn đến thể trạng khác nhau. Gen di truyền của mỗi dân tộc cũng là một yếu tố nhưng không mang tính quyết định. Ngoài ra, cũng có những lát cắt thế hệ. Ví dụ như thế hệ người Việt vừa trải qua chiến tranh, khan hiếm thức ăn, đói kém, thì chiều cao sẽ hạn chế.

Ngược lại, đến giờ, điều kiện sống đầy đủ hơn thì chiều cao cũng được cải thiện nhiều.

“Rồi một số nơi đồng bào dân tộc thiểu số như người Mông vẫn duy trì hôn nhân cận huyết. Đây cũng là lý do làm cho chiều cao của nhóm người này bị thấp đi. Khi thực hiện điều tra dân số, người ta phải tính toán cộng trừ giữa nhiều nhóm người khác nhau để đưa ra kết quả cuối cùng”, TS Nguyễn Việt cho biết.

GS.TS Lê Đình Lương, Hội Di truyền học Việt Nam khẳng định công thức luôn đúng là “kiểu gen + môi trường = kiểu hình”, trong đó kiểu hình là chiều cao.

Về gen của người Việt Nam, không có cơ sở để nói thấp hơn các nước khác. Trong hệ gen của con người nói chung, có đến 99,9% là giống nhau. Ở đây, chiều cao của người Việt Nam cao hay thấp là do môi trường, cụ thể là chế độ dinh dưỡng, môi trường sống, thói quen vận động cũng như sinh hoạt.

“Trước đây, người Nhật Bản được coi là người lùn, nhưng sau nhiều thập kỷ, họ cải thiện chế độ dinh dưỡng thì chiều cao của họ đã được cải thiện nhiều. Đến nay, chiều cao của người Nhật đã đạt mức rất đáng mơ ước. Do đó, việc cao hay thấp không nằm ở kiểu gen”, GS.TS Lê Đình Lương nhận định.

Năm 2017, theo số liệu từ Viện Y học ứng dụng, Việt Nam đứng trong top 20 nước lùn nhất thế giới. Cụ thể, nam giới đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164,4cm, nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 với chiều cao trung bình là 153,6cm, tương đồng với công bố trên Insider.

Cải thiện dinh dưỡng và vận động

Công bố Tổng điều tra và giám sát dinh dưỡng năm 2018 cho thấy, trong vòng 25 năm (1993 - 2018) chiều cao của người Việt tăng 3cm và hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuy nhiên, chiều cao này khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.

Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164,4cm, thua 8cm so với Nhật Bản và 10cm so với Hàn Quốc. Ở nữ là 153,4cm, thấp hơn chuẩn chung trên 10cm. Trong 30 năm qua, người Việt Nam có cao lên nhưng không nhanh, 10 năm chỉ cao thêm được 1cm.

Theo TS Nguyễn Việt, về nguyên lý, chiều cao của con người phải được cải thiện dần dần vì đời sống đi lên, loài người cũng có những chu kỳ tăng trưởng nhất định.

Tình trạng thoái hóa kích thước chỉ xảy ra với những trường hợp như có chiến tranh, đời sống quá kham khổ, hôn nhân cận huyết… Mức tăng cao hay thấp tùy thuộc rất lớn vào chế độ dinh dưỡng. Muốn cải thiện chiều cao, phải tập trung tổng lực vào chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động, sinh hoạt mà bài học ở Nhật Bản là một ví dụ.

Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia đạt được thành tựu to lớn về cải tạo chiều cao thân thể của dân tộc. Về dinh dưỡng, ngay từ những năm 1945, chính phủ Nhật đã tổ chức bữa ăn trưa cho tất cả học sinh tiểu học, mẫu giáo. Họ tiến hành nghiên cứu để bảo đảm chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng và hướng dẫn toàn dân thực hiện theo.

Nhật Bản rất chú trọng phát triển và đầu tư cao cho thể dục thể thao trường học. Để có tác dụng trực tiếp, góp phần tăng chiều cao thân thể, Nhật đã nghiên cứu và hướng dẫn những loạt bài tập thể dục đặc hiệu tập vừa sức, vận động toàn thân, đặc biệt vận động chi dưới, kéo dãn cơ thể. (1384)

  1.  Gần một triệu người dân New Zealand có nguy cơ bị lộ thông tin y tế

Trang web của trung tâm quản lý dữ liệu Tu Ora Compass Health, nơi chịu trách nhiệm quản lý và cung cấp thông tin y tế cho nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe của người dân New Zealand, đã bị tấn công mạng.

Gần một triệu người dân New Zealand đang phải đối mặt với nguy cơ các dữ liệu y tế của mình bị truy cập một cách bất hợp pháp sau vụ tấn công mạng vào trang web của trung tâm quản lý dữ liệu Tu Ora Compass Health, nơi chịu trách nhiệm quản lý và cung cấp thông tin y tế cho nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe của người dân New Zealand.

Trong một thông báo, Tu Ora Compass Health cho biết trang web của họ đã bị tấn công hồi tháng 8/2019, song các cuộc điều tra cũng đã phát hiện ra các cuộc tấn công trang web này trong thời gian từ năm 2006 đến tháng 3/2019.

Cả Bộ Y tế New Zealand và Tu Ora Compass Health đều cho biết họ chưa thể xác định được mức độ thiệt hại từ vụ tấn công mạng, những dữ liệu nào bị xâm nhập cũng như bao nhiêu thông tin y tế của người dân bị đánh cắp.

Bộ Y tế cho hay những dữ liệu có nguy cơ bị đánh cắp có thể gồm thông tin cá nhân của các bệnh nhân đến khám và điều trị tại các trung tâm y tế trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến nay, như họ tên, ngày sinh, dân tộc, địa chỉ và tình trạng sức khỏe./. (291)

  1.  Dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh ở Mexico

Bộ Y tế Mexico ngày 5-10 cho biết số ca sốt xuất huyết ở nước này đã tăng mạnh trong năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm tới nay, đã có 20.900 trường hợp được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, trong đó 72 người đã tử vong.

Bộ Y tế Mexico cảnh báo đây là vấn đề đáng lo ngại bởi dịch sốt xuất huyết đã lây lan mạnh so với 2.400 người mắc và 34 ca tử vong cùng kỳ năm ngoái. Khu vực dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất là bang Đông Nam Veracruz (Vê-ra-crút), nơi có 6 nghìn người mắc bệnh.

Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), năm nay, ngoài Mexico, nhiều nước khu vực Mỹ Latinh như Nicaragua, Honduras, Brazil và Colombia cũng phải đối mặt vớinhững đợt dịch bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng.

Sốt xuất huyết là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗn vằn truyền. Đây là căn bệnh được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm những bệnh lây nhiễm diễn biến nhanh và nguy hiểm cần được quan tâm. Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh là sốt cao đột ngột và đau đầu dữ dội. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả. (242)

  1.  Hội nghị đổi mới sáng tạo trong chăm sóc sức khỏe châu Phi 2019 sắp diễn ra tại Nam Phi

JOHANNESBURG, NAM PHI – Media OutReach – Ngày 3 tháng 10 năm 2019 – Vào hai ngày 8 và 9 tháng 10 năm 2019, Tổ chức IT News Africa sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đổi mới sáng tạo trong chăm sóc sức khỏe châu Phi năm 2019 (#HISA2019) lần thứ 5 tại Trung tâm.

JOHANNESBURG, NAM PHI – Media OutReach – Ngày 3 tháng 10 năm 2019 – Vào hai ngày 8 và 9 tháng 10 năm 2019, Tổ chức IT News Africa sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đổi mới sáng tạo trong chăm sóc sức khỏe châu Phi năm 2019 (#HISA2019) lần thứ 5 tại Trung tâm hội nghị Gallagher. Hội nghị năm nay sẽ tập trung vào việc áp dụng đổi mới sáng tạo vào thực tiễn, trình bày các công nghệ chăm sóc sức khỏe mới nhất và giới thiệu ứng dụng thực tế và tích hợp vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe hiện có. Các chuyên gia ngành y tế và công nghệ sẽ chia sẻ cách thức làm thế nào để việc áp dụng các công nghệ mới nổi giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho cả chuyên gia y tế lẫn bệnh nhân. Bên cạnh đó, họ cũng nêu bật những câu chuyện thành công về chăm sóc sức khỏe và cách thức thực hành tốt nhất trên phạm vi toàn cầu.

Hội nghị sẽ kết nối hàng trăm chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhà quản lý điều hành đến từ các tổ chức cấp cao như Bộ Y tế của Nam Phi, Sở Y tế tỉnh Tây Cape, Sở Y tế tỉnh Gauteng, Tập đoàn Life Healthcare, Deloitte, Netcare, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Alcatel-Lucent, Bộ Y tế của Zambia, Roche, T-Systems, Zebra Technologies, Metropolitan Hospital Nairobi, World Bank, (WB), IDEMIA, Momentum Metropolitan, Firstline Software…

Các chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ bao gồm cách các đổi mới trong công tác chăm sóc sức khỏe có thể trở thành hiện thực với sức mạnh của công nghệ, tương lai của chuyển đổi kỹ thuật số trong chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe dựa trên dữ liệu – cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe bằng dữ liệu, Y tế chính xác (Precision Medicine): một kỷ nguyên mới của chắm sóc với phương châm lấy bệnh nhân làm trung tâm và hồ sơ chăm sóc sức khỏe điện tử: Các cách thức thực hành tốt nhất, thách thức và cơ hội.

Các diễn giả và tham luận viên tại # HISA2019 sẽ bao gồm những chuyên gia có tầm nhìn, các nhà lãnh đạo đường lối, sáng chế công nghiệp, những chuyên gia thực hành, những người sẽ chia sẻ kiến thức sâu rộng về các giải pháp và xu hướng đổi mới sáng tạo trong việc chăm sóc sức khỏe trong thực tế. Hội nghị cũng sẽ có cuộc thảo luận do Tiến sĩ Rajeev Eashwari điều hành. Cuộc thảo luận của hội thảo sẽ đề cập đến các rào cản và hỗ trợ cho việc thực hiện đổi mới trong công tác chăm sóc sức khỏe thành công:

– Khái niệm, đặc tính và công dụng của đổi mới trong công tác chăm sóc sức khỏe.

– Hợp tác công-tư để thu hẹp khoảng cách về chuyên môn

– Sử dụng công nghệ như một yếu tố quyết định để thực hiện đổi mới trong công tác chăm sóc sức khỏe thành công.

Những người sẽ tham gia tranh luận: Tiến sĩ Adiel Chikobvu, Tiến sĩ Lance Lasersohn và Suren Govender.

Các diễn giả đã xác nhận tham gia #HISA2019 bao gồm:

Tiến sĩ Nomafbler Mbombo, Giám đốc Sộ Y tế tỉnh Tây Cape (Nam Phi)Nicole Hill, Giám đốc phụ trách mảng y tế của Tập đoàn Alcatel-LucentTiến sĩ Maximilien Goris-Gbenou, Bác sĩ tiết niệu- Bệnh viện Marseille Beauregard Vert-Coteau (Marseille, Pháp)Tiến sĩ Bandile Masuku, chuyên viên, Sở Y tế tỉnh Gauteng (Nam Phi) Tiến sĩ Lance Lasersohn, Chuyên gia gây mê sức và Bác sĩ điều trị tích cực, Phó chủ tịch của SASASuren Govender, Giám đốc phụ trách mảng Kỹ thuật số của Life Health GroupThạc sỹ về Quản trị kinh doanh Jane Mackenzie, CEO và người sáng lập của 365 Healthy By ChoiceValter Adao, Trưởng Bộ phận cán bộ kỹ thuật số và đổi mới của Deloitte châu PhiCheleile Moya, Nhà quản lý sản phẩm chuyên môn cho vùng hạ Sahara châu Phi của IDEMIA Tiến sĩ Herman Myburgh, người đồng sáng lập của Tập đoàn HearXTiến sĩ Rajeev R Eashwari, Giám đốc phụ trách mảng Bộ phận công nghệ thông tin/ Sức khỏe điện tử (E-Health) của Sở Y tế tỉnh Gauteng (Nam Phi) Tiến sĩ Moredreck Chibi, Cố vấn đổi mới khu vực – Văn phòng khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)Ulysse Baguida, CEO và đồng sáng lập của UHope

Cách tham gia:

Tham gia với tư cách là người tham dự: Tham gia với tu cách các giám đốc phụ trách các mảng khác nhau của bệnh viện Nam Phi và quốc tế, bác sĩ y tế, các công ty công nghệ thông tin chuyên phục vụ cho chăm sóc sức khỏe, nhà cung cấp dịch vụ và cá quan chức chính phủ – trong hai ngày với nội dung cấp cao, các nghiên cứu thực nghiệm, trình diễn trực tiếp, các phiên thảo luận chuyên biệt và nhiều cơ hội kết nối.

Tham gia với tư cách diễn giả: Thể hiện lãnh đạo tư duy, chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân. Định hình giải pháp cho những thách thức kinh doanh quan trọng.

Tham gia với tư cách nhà triển lãm: Giới thiệu các sáng kiến, dự án và giải pháp công nghệ y tế của doanh nghiệp. Đưa sản phẩm của doanh nghiệp vào hội nghị. Tìm đối tác mới, nhà đầu tư, khách hàng tiềm năng và cơ hội. (1042)

  1.  Ô nhiễm không khí và nước: Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư ở Lebanon

Số ca mắc ung thư tại Lebanon đã tăng gấp 3 lần trong vòng 15 năm qua. Nguyên nhân phổ biến gây ung thư là tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Ngày 4/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Lebanon Jamil Jabak cho biết, số bệnh nhân ung thư ở nước này đang gia tăng nhanh chóng, với tỷ lệ mắc tăng gấp ba lần trong 15 năm qua.

Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế Lebanon đã quyết định hỗ trợ trực tiếp Trung tâm Ung thư Trẻ em thông qua việc phân bổ nhiều hơn nguồn ngân sách nhà nước năm 2020, đồng thời xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm để có thể hạn chế thấp nhất các trường hợp nhiễm bệnh mới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, năm 2018, Lebanon có tới hơn 17.000 trường hợp ung thư mới được phát hiện. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất đối với các bệnh nhân ung thư là tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và tình trạng đốt chất thải./. (202)

  1.  Trang phục robot giúp người bị liệt di chuyển

PHÁPThibault 28 tuổi, ngã từ độ cao 12 m, bị đứt tủy sống, liệt từ vai xuống chỉ còn chuyển động nhẹ ở bắp tay, cổ tay trái.

Anh may mắn vẫn tự điều khiển được xe lăn. Hai năm trước, anh được mời tham gia thử nghiệm bộ trang phục robot có thể giúp anh di chuyển. Anh được cấy ghép thiết bị theo dõi giữa não và da ở một bên đầu nhằm tác động lên vỏ não vận động - khu vực điều khiển chức năng vận động và cảm giác.

Trong suốt thời gian này, Thibault dạy thuật toán hiểu suy nghĩ của mình bằng cách điều khiển một nhân vật ảo đi lại, chạm vào các vật thể 2D, 3D trên máy tính. Nhờ đó, bộ trang phục robot - với khung di chuyển gắn trên trần - có thể giúp anh đi bộ, sử dụng hai cánh tay trong các hoạt động đơn giản hàng ngày.

Kết hợp sử dụng nhân vật mô phỏng, video và bộ khung xương, Thibault đã di chuyển tổng cộng 480 bước (khoảng 145 m). "Dù chưa thể di chuyển khoảng cách xa với bộ trang phục này, nhưng tôi đã có thể tự bước đi mỗi khi muốn và dừng lại khi cần", Thibault nói.

Giáo sư Stephan Chabardes, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Đại học Grenoblem, tác giả nghiên cứu cho biết: "Có thể trong tương lai xe lăn sẽ được điều khiển bằng tín hiệu não bệnh nhân, thay vì dùng tay điều khiển như hiện tại".

Công nghệ này vẫn đang được thử nghiệm, có tiềm năng cải thiện đáng kể cuộc sống bệnh nhân bị liệt khi chính thức đưa vào sử dụng.

Nhóm nghiên cứu đã mời thêm ba bệnh nhân thử nghiệm bộ trang phục. Họ đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, tìm cách gỡ bỏ hệ thống khung di chuyển gắn trên trần nhà để thuận tiện hơn cho bệnh nhân.

Thành quả nghiên cứu là sự hợp tác giữa Đại học Grenoble, Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Lâm sàng và Trung tâm Nghiên cứu CEA, công bố trên tạp chí Lancet Neurology ngày 4/10. (380)


Thăm dò ý kiến