Thông tin Y tế ngày 03/11/2019

03/11/2019 | 15:11 PM

 | 

NGÀY 03/11/2019

  1.  Bộ Y tế công bố 443 hoạt chất thuốc hiếm

Trong 443 hoạt chất thuốc hiếm, có 214 hoạt chất thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 228 hoạt chất thuốc không sẵn có, 1 loại vắc xin. Theo Bộ Y tế cho biết, tất cả các hoạt chất thuốc hiếm trên, trước khi được xét vào danh sách thuốc hiếm đều phải đáp ứng đủ các tiêu chí như: Thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hoặc thuốc có chỉ định được phân loại và cấp phép lưu hành là thuốc hiếm bởi một trong các cơ quan quản lý tham chiếu.

Đối với loại thuốc được xem xét để lựa chọn vào danh mục thuốc không sẵn có là thuốc mà trên thị trường Việt Nam chưa có sẵn các thuốc thay thế.

Hay thuốc có tài liệu chứng minh mang lại lợi ích đáng kể về chất lượng, an toàn, hiệu quả so với các thuốc khác có khả năng thay thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị các bệnh có tỷ lệ ca bệnh hiện lưu hành trong một quần thể ngay tại một thời điểm thấp không quá 0,05% dân số (Prevalence rate - tỷ lệ lưu hành) và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bệnh thuộc về gen; bệnh bẩm sinh; ung thư; tự miễn; truyền nhiễm; bệnh nhiễm trùng nhiệt đới và bệnh khác do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định theo tư vấn của Hội đồng chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập.

Vắc xin, thuốc chẩn đoán hoặc thuốc phòng bệnh có tỷ lệ sử dụng ước tính không quá 8.000 trường hợp mỗi năm tại Việt Nam. Tiếp theo là thuốc phóng xạ, chất đánh dấu. Hoặc là việc kinh doanh thuốc không tạo ra lợi nhuận đủ lớn để bù đắp chi phí đầu tư, tiếp thị thuốc tại thị trường Việt Nam. (346)

  1.  Bộ Y tế thí điểm 6 thủ tục hành chính mới về an toàn thực phẩm

Bộ Y tế cùng với các cơ quan chức năng đã xây dựng, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để kết nối liên thông với cổng thông tin một cửa quốc gia đối với 6 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và môi trường y tế.

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan thực hiện thí điểm 6 thủ tục hành chính mới liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường y tế từ ngày 1/10/2019. Quá trình thực hiện thí điểm sẽ chấp nhận song song cả giấy phép/thông báo bằng bản điện tử (qua cổng thông tin một cửa quốc gia) và bản giấy.

Theo đó, chủ trì Cục An toàn thực phẩm 2 thủ tục: Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường; kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt.Cục Quản lý môi trường y tế sẽ chủ trì 4 thủ tục gồm: Cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu để nghiên cứu; cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu phục vụ mục đích viện trợ; cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu là quà biếu, cho, tặng; cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu do thị trường không có sản phẩm và phương pháp sử dụng phù hợp.

Sau quá trình vận hành kiểm thử, tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp… Việc thí điểm được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899). (377)

  1.  Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Sau 7 năm triển khai, kết quả lớn nhất Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đạt được là nhận thức về thuốc Việt đã thay đổi rõ nét, sử dụng thuốc sản xuất trong nước đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Theo Bộ Y tế, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được xây dựng với mục tiêu: Đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Sau 7 năm triển khai, đề án đã hoàn thành tốt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược cũng được ngành Y tế hoàn thiện theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như: Luật Dược sửa đổi 2016, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Đấu thầu, Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp ngành dược trong nước đã không ngừng nỗ lực áp dụng kỹ thuật công nghệ cao sản xuất dược phẩm, đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao; liên tục cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thuốc, bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ.

Tuy nhiên theo đại diện Bộ Y tế, kết quả tốt nhất đề án đã đạt được sau 7 năm triển khai là nhận thức của người dân về thuốc Việt đã có sự thay đổi. Khái niệm “sử dụng thuốc sản xuất trong nước” đã hình thành trong tiềm thức của người dân đối với việc dùng thuốc phòng và chữa bệnh.

Có thể thấy, bằng những giải pháp đồng bộ và hoạt động thiết thực trong triển khai, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Nhận thức của cán bộ y tế và các tầng lớp nhân dân đã tin tưởng hơn vào thuốc do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Trong thời gian tới, để tiếp tục hưởng ứng CVĐ, Bộ Y tế xác định tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Cụ thể, thông qua công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo người đứng đầu cơ sở y tế xây dựng kế hoạch và tiêu chí phấn đấu để chỉ đạo hội đồng thuốc và điều trị đơn vị tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các bác sĩ, thầy thuốc trong công tác tư vấn, kê đơn thuốc cho người bệnh, từ đó hạn chế lạm dụng kê đơn thuốc nhập khẩu đắt tiền, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của đề án. Bộ đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất thuốc theo các tiêu chuẩn về “Thực hành tốt - GPs” bảo đảm chất lượng tốt, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; sắp xếp, đổi mới hệ thống phân phối, lưu thông, bảo quản thuốc sản xuất tại Việt Nam nhằm bảo đảm việc cung ứng thuốc kịp thời, hiệu quả, giảm chi phí trung gian và tăng sức cạnh tranh với thuốc nhập khẩu. Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là hành động thiết thực của ngành Y tế hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. (764)

  1.  Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất châu Á

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10, Diễn đàn “Tiến tới công bằng cho mọi lứa tuổi” đã được Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) và HelpAge International (tổ chức hỗ trợ người cao tuổi) vừa phối hợp tổ chức.

Hoạt động này nhằm kêu gọi xã hội có một cách nhìn nhận tích cực hơn về người cao tuổi ở Việt Nam, biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội và tăng cường sự hiểu biết về động lực của một xã hội đang già hóa.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Tại Diễn đàn, ông Đàm Hữu Đắc - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” khoảng 17 - 20 năm. Điều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với người cao tuổi. Vẫn còn có bộ phận không nhỏ người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.

Tham gia Diễn đàn liên thế hệ có ba nhóm đại diện trên sáu mươi tuổi, bốn mươi tuổi và hai mươi tuổi. Ba thế hệ đã chia sẻ, thảo luận về những kinh nghiệm đã trải qua, những bài học trong cuộc sống và những thành tựu đã đạt được trong hành trình chấm dứt bất bình đẳng liên quan đến tuổi tác. Các câu chuyện thú vị của ba thế hệ giúp chúng ta thay đổi những quan niệm và định kiến ​​tiêu cực liên quan đến người cao tuổi. Đại diện ba thế hệ đã có những chia sẻ đầy cảm hứng và khẳng định rằng tuổi tác chỉ là những con số mà thôi. Cả thế hệ trẻ và thế hệ cao niên đều có giá trị theo cách riêng của họ và khẳng định rằng những người lớn tuổi hơn vẫn là những thành viên tham gia tích cực, đầy đam mê và nhiệt huyết trong xã hội.

Phát biểu tại sự kiện, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định, già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỉ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà vì mức sinh giảm. Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi.

Thông qua tiếng nói của người cao tuổi tại Diễn đàn, một thông điệp cần phải được lan truyền và một phong trào cần phải được xây dựng, đó là người cao tuổi là những người tham gia tích cực trong xã hội, chứ không phải là gánh nặng của xã hội. Việt Nam cần thiết phải tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam và nữ, phát triển kỹ năng, chăm sóc sức khỏe toàn dân, an sinh xã hội và môi trường thân thiện với người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già; Phá bỏ các rào cản tiến tới công bằng cho người cao tuổi, đặc biệt chấm dứt phân biệt dựa vào tuổi tác nhằm đảm bảo hòa nhập xã hội đối với người cao tuổi – đây là cách hiệu quả nhất để ứng phó với vấn đề già hóa dân số và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. (834)

  1.  Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng

Xác định công tác phòng chống tác hại thuốc lá và đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, để phong trào phát triển có chiều sâu, rất cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cộng đồng.

Thuốc lá – “án tử” cho gia đình và xã hội

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho rằng: “Không khói thuốc là một vấn đề vô cùng nhân văn và ý nghĩa, dựa trên việc thực hiện vấn đề sức khỏe của cộng đồng. Mọi người đều nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá và thậm chí đứng trước hiểm họa rình rập do thuốc lá gây ra, chẳng hạn chúng ta có người nhà bị ung thư hoặc bị đột quỵ do xơ vữa động mạch do hút thuốc lá, khi đó chúng ta sẽ thấy những vất vả. Điều trị một tuần, một tháng, một năm không khỏi, những căn bệnh này như “án tử hình” và là gánh nặng lớn cho gia đình. Chúng ta cũng có thể thấy các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường hiện nay đang là một gánh nặng lớn nhất trên thế giới. 70% bệnh nhân đến các bệnh viện ở Việt Nam đang gây quá tải trầm trọng phần lớn là mắc các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường. Điều đáng nói, một trong những nhóm nguyên nhân chính là do hút thuốc lá, khói thuốc lá và thuốc lá tự động!”.

“Rõ ràng hành động hút thuốc lá tưởng chừng như rất bình thường nhưng đã làm xấu đi hình ảnh của thủ đô. Tôi vừa mới tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ. Tại đó, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự lo ngại vì con trai ông chỉ mới 13 tuổi trong khi hiện nay ở Mỹ đang có phong trào hút thuốc lá điện tử, và rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi thuốc lá điện tử. Thị trưởng thành phố NewYork Bill de Blasio cũng đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la để thực hiện chiến dịch phòng chống thuốc lá nói chung và phòng chống thuốc lá điện tử nói riêng. Đối với một đất nước văn minh như Mỹ, luật rất nghiêm, phạt rất nặng. Những minh chứng trên cho thấy công cuộc phòng chống thuốc lá còn rất khó khăn và rất vất vả nếu chúng ta không chủ động, khi đó hút thuốc lá sẽ trở thành thói quen xấu” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Được biết, mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” đã được triển khai trên thế giới. Tại Việt Nam, một số thành phố đã triển khai mô hình này như: Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Huế... và từ đầu năm 2019, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã duy trì và nhân rộng mô hình “Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc” và bước đầu triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc”.

Trước những mối nguy hại do thuốc lá và hút thuốc lá gây ra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê hi vọng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” sẽ sớm thành công, nhân rộng ra tất cả các điểm văn hóa, điểm du lịch của TP Hà Nội nói riêng và là mẫu hình cho các thành phố tham quan du lịch khác nói chung.

Tăng doanh thu nhờ mô hình “không khói thuốc”

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc phòng chống tác hại của thuốc lá, triển khai ở các nhà hàng, khách sạn và các điểm văn hóa, du lịch đã góp phần làm nên thương hiệu, uy tín, danh dự của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT bên lề hội nghị triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” vào ngày 1/10 tại Hà Nội, ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, với mục tiêu tạo dựng hình ảnh văn minh, thương mại gắn với môi truờng du lịch an toàn và trong lành, năm 2017 UBND quận đã chỉ đạo xây dựng và triển khai đề án số 100/ĐA-UBND về mô hình "Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm, không khói thuốc" giai đoạn 2017 - 2018. Đây là một đề án riêng được thực hiện tại quận Hoàn Kiếm. Đề án đã đưa ra 2 bộ tiêu chí gồm bộ tiêu chí ATTP (với 10 tiêu chí) và bộ tiêu chí phòng chống tác hại thuốc lá (8 tiêu chí). Sau 2 năm triển khai vận động, tuyên truyên đã có 109 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận được thẩm định và gắn biển "Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm, không khói thuốc".

“Theo khảo sát, các nhà hàng, khách sạn sau khi được gắn biển đã tăng doanh thu đáng kể, được nhiều thực khách và du khách biết đến; ý thức của cán bộ quản lý, của nhân viên cơ sở và khách hàng về phòng chống tác hại thuốc lá tăng lên rõ rệt. Năm 2017 số lượt khách đến thăm quan và lưu trú trên địa bàn quận là hơn 1,9 triệu lượt khách; năm 2018 con số này là 2,2 triệu lượt người; 9 tháng đầu năm 2019 số lượt khách du lịch đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tiệc cưới tổ chức trên địa bàn quận đều có thông báo rõ ràng là “Tiệc cưới không hút thuốc”. Mô hình này được Bộ Y tế và Thành phố Hà Nội đánh giá cao, trở thành mô hình thi đua của quận” – ông Đinh Hồng Phong cho biết thêm.

Đồng quan điểm với ông Đinh Hồng Phong, bà Domilyn C.Villarreiz – Quản lý chương trình Môi trường không khói thuốc, Liên minh Phòng chống tác hại thuốc lá khẳng định môi trường không khói thuốc sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho hoạt động kinh doanh, vì các gia đình có trẻ em, chủ yếu là người không hút thuốc và ngay cả người hút thuốc cũng thường thích đến những nơi không khói thuốc.

Bà Domilyn C.Villarreiz cũng cho rằng cam kết mạnh mẽ của chính quyền cũng như sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng là cần thiết để thực hiện các biện pháp bảo vệ tất cả mọi người khỏi tiếp xúc với khói thuốc lá. (1185)

  1.  Từ tháng 10, phạt 300 nghìn đồng nếu hút thuốc tại 30 điểm nổi tiếng Hà Nội

Trong tháng 10, Hà Nội sẽ chính thức thí điểm cấm hút thuốc lá tại 30 điểm du lịch nổi tiếng. Nếu người dân, du khách vi phạm có thể bị phạt tới 300.000 đồng.

Bên lề Hội nghị triển khai mô hình du lịch không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa diễn ra, bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, trong tháng 10, sẽ có 30/190 điểm văn hoá, di tích thuộc quận Hoàn Kiếm ký cam kết, triển khai mô hình du lịch không khói thuốc.

30 địa điểm này đều là những điểm tham quan rất nổi tiếng tại Hà Nội gồm: Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu, Chùa Quán Sứ, Chùa Bà Đá; Đình Yên Thái, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng, Thư viện Quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Nhà thờ Hàm Long, Nhà lưu niệm (48 Hàng Ngang), Nhà tù Hoả Lò, Nhà hát múa rối nước Thăng Long, Rạp Công nhân, Ngôi nhà di sản (phố Mã Mây), Trung tâm giao lưu phố cổ…

Ngay trong tháng 10, các điểm này sẽ gắn biển "không hút thuốc lá", "cấm hút thuốc lá", đồng thời sẽ có người nhắc nhở và xử phạt tại chỗ nếu người dân và khách du lịch cố tình vi phạm.

Ngoài 30 địa điểm nói trên, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã thực hiện mô hình không khói thuốc ở 12 nhà hàng và 11 khách sạn trên địa bàn.

Trước đó, các thành phố du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Hội An, Nha Trang cũng đã triển khai mô hình thành phố không thuốc lá.

Theo Nghị định 176/2013 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, việc hút thuốc lá tại những nơi cấm sẽ bị phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng; nhà hàng không có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng; bán thuốc lá không có giấy phép sẽ bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng và phạt 20 - 30 triệu đồng nếu tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 5 triệu người tử vong do thuốc lá, con số này sẽ tăng lên trên 8 triệu người vào năm 2020. Theo dự báo, nếu không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, trong thế kỷ này, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỉ người.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất. Trong đó có hàng trăm loại chất độc, 70 chất gây ung thư. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Ngoài ra, thuốc lá là thủ phạm gây ra ung thư miệng, tổn thương răng lợi, gây rụng tóc, đục thủy tinh thể, dễ gãy xương, bệnh tim mạch và rối loạn tình dục. (565)

  1.  Đón tiếp đoàn Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Sáng ngày 1/10/2019, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vinh dự đón tiếp Đoàn công tác của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế đến thăm và làm việc. Buổi đón tiếp do PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa Răng Hàm Mặt chủ trì.

Tham dự buổi đón tiếp, về phía Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế có TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng phụ trách; PGS.TS Phạm Ngân Giang, Chánh Văn phòng; TS. Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo cùng các chuyên viên.

Về phía Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đại diện Ban Giám hiệu có GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng; Về khối Chăm sóc sức khỏe của trường có GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Y; PGS.TS. Lê Văn Truyền, Chủ nhiệm Khoa Dược; TS. Đỗ Văn Bình, Chủ nhiệm Khoa Điều dưỡng cùng các Phó Chủ nhiệm Khoa và các cán bộ, giảng viên, kỹ thuật viên của Khoa Y, Khoa Dược, Khoa Răng Hàm Mặt và Khoa Điều dưỡng.

Phát biểu chào mừng tại buổi làm việc, GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cảm ơn Đoàn công tác của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế đã dành sự quan tâm cho nhà trường bằng chuyến thăm và làm việc lần này.

Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hóa mong muốn Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực thuộc khối sức khỏe của nhà trường, đồng thời đưa ra những giải pháp hoạt động Nghiên cứu khoa học và Đào tạo liên tục của nhà trường trong thời gian tới...

TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế cảm ơn Ban Giám hiệu cùng đại diện lãnh đạo các Khoa của khối Chăm sóc sức khỏe của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đón tiếp Đoàn công tác chu đáo, thân tình.

Chia sẻ tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Ngô Quang mong muốn các trường đại học, trong đó có Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý của Bộ Y tế trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với công tác đào tạo liên tục.

Phó Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang cho biết, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cũng đang dự thảo đề án xây dựng, đổi mới hệ thống khoa học công nghệ, quản lý đào tạo y tế trong giai đoạn mới và sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm với hy vọng giúp các cơ sở đào tạo đại học nhận thức sâu và rõ hơn về các vấn đề liên quan đến đào tạo, nâng cao chất lượng chương trình cũng như năng lực của các cán bộ, giảng viên thuộc ngành Bảo vệ sức khỏe.

Tại buổi làm việc, lần lượt 04 khoa (Y, Dược, Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng) thuộc khối Chăm sóc sức khỏe của trường đã giới thiệu ngắn gọn về cơ sở hình thành, quá trình phát triển, đội ngũ cán bộ, giảng viên, hoạt động đào tạo và chiến lược phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Buổi làm việc đã trao đổi, thảo luận sôi nổi, tập trung vào các vấn đề: Nâng cao chất lượng đào tạo trong trường; ngoài trường, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, mở thêm mã ngành đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.

Cuối buổi đón tiếp, đại diện lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cũng đã chia sẻ một số điểm chính trong dự thảo đề án xây dựng, đổi mới hệ thống khoa học công nghệ, quản lý đào tạo trong giai đoạn mới đã được TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng phụ trách đề cập trước đó. (750)

  1.  Vắc xin tiêu diệt tế bào ung thư giá 350 triệu đồng chưa được cấp phép

Sở Y tế TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra đột xuất World Medical Beauty & Healthcare - nơi đang quảng cáo cung cấp loại vắc xin có thể phòng và điều trị khoảng 30 loại ung thư.

Sau khi Zing.vn phản ánh việc World Medical Beauty & Healthcare (TP.HCM) quảng cáo về loại vắc xin có khả năng phòng ngừa và điều trị khoảng 30 loại ung thư có giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, tỷ lệ thành công 70-80%, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành thanh tra, xác minh vấn đề này.

Ngày 2/10, theo công văn của Sở Y tế TP.HCM trả lời Zing.vn, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết vắc xin Hasumi là loại vắc xin tự thân - phương pháp đánh thức hệ miễn dịch nhằm mục đích điều trị ung thư.

“Liệu pháp điều trị ung thư bằng vắc xin tự thân chỉ có vài phòng khám của Nhật Bản đang thử nghiệm. Hiện nay, chưa được bất kỳ hiệp hội, tổ chức y tế nào trên thế giới công nhận để sử dụng rộng rãi, kể cả Nhật Bản”, bác sĩ Mai nói.

Vì vậy, đại diện Sở Y tế TP.HCM khẳng định vắc xin này chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam nên không được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo.

Để tìm hiểu rõ thông tin hoạt động của trung tâm này, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại địa chỉ 17A Hồ Xuân Hương, phường 6, quận 3, TP.HCM.

Trung tâm này cung cấp giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình do bác sĩ Nguyễn Bạch Long phụ trách chuyên môn kỹ thuật, phòng khám chuyên khoa da liễu do bác sĩ Nguyễn Thị Phương Trang phụ trách chuyên môn kỹ thuật. Cả hai cơ sở này đều thuộc Công ty TNHH World Medical Beauty & Healthcare.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Sở Y tế, tháng 6, Phòng Y tế quận 3 đã tiến hành kiểm tra cơ sở và lập biên bản xử lý vi phạm của hai cơ sở. Mới đây, ngày 25/9, Phòng Y tế quận 3 tiếp tục hậu kiểm đối với Công ty TNHH World Medical Beauty và đang tổng hợp, xem xét và đề xuất xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. (433)

  1.  Hàng loạt điểm cấm hút thuốc lá ở Hà Nội và mức phạt tiền

Từ tháng 10-2019, 30/190 điểm du lịch nổi tiếng của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ triển khai mô hình điểm du lịch không khói thuốc. Theo đó, tại những điểm du lịch này, người dân, khách du lịch có hành vi hút thuốc, vứt mẩu, tàn thuốc lá bừa bãi sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Các điểm du lịch thực hiện mô hình trên bao gồm: Đền Ngọc Sơn, Đền Bạch Mã, Đền Bà Kiệu, Chùa Bà Đá, Chùa Quán Sứ, Đình Kim Ngân, Đình Nam Hương, Nhà hát lớn,....

Ngoài 14 đền chùa, 16 điểm văn hóa khác cũng nằm trong hệ thống các điểm du lịch không khói thuốc gồm: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng, Thư viện Quốc gia, Nhà thờ lớn, Nhà thờ Hàm Long, Nhà lưu niệm (48 Hàng Ngang), Nhà tù Hoả Lò, Nhà hát múa rối nước Thăng Long, Rạp Công nhân, Ngôi nhà di sản (phố Mã Mây), Trung tâm giao lưu phố cổ…

Tại các điểm trên sẽ được gắn biển báo “không hút thuốc lá”, “cấm hút thuốc lá”. Cá nhân vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phạt tiền tại chỗ.

Về các chế tài  xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm, Luật sư Nguyễn Thị Thu  - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết,  Điều 11 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định, có 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, đó là: Bệnh viện, trạm y tế; Trường học, trừ trường cao đẳng, học viện; Nơi chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Ngoài ra, 3 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, gồm: Cơ quan, công sở, nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện Địa điểm công cộng. Luật này cũng cấm hút thuốc trên máy bay, ô tô, tàu điện.

Tại Điều 9 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, việc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Nhằm cụ thể hóa quy định trên, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành, trong đó ghi rõ: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá; Sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.

Nghị định còn quy định, phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với chủ cơ sở không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở mình; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành...

Hành vi hút thuốc lá trên máy bay sẽ được áp dụng mức phạt theo quy định của Nghị định 147/2013/NĐ-CP. Theo đó, người hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử trên máy bay sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.

Còn theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Khoản 1, Điều 20 quy định, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

 Cách đây không lâu, Quỹ PCTH thuốc lá đã phối hợp với Bộ Công an, thanh tra Bộ Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá. Trong 3 năm, từ 2015-2018, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.740 cơ sở. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định của Luật PCTH thuốc lá lên tới trên 700 triệu đồng. (766)

  1.  Hàng trăm cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm

Thực hiện Công văn số 2537/ATTP-NĐTP ngày 8-8-2019 của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2019, Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra liên ngành về ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Theo đó, trong dịp Tết Trung thu tiến hành kiểm tra liên ngành về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố gồm TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các huyện Hà Trung, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Yên Định, Thiệu Hóa. Ban hành Quyết định số 3193/QĐ-BCĐ ngày 8-8-2019 về việc thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Kết quả, trong dịp Tết Trung thu năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập 641 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có 3 đoàn cấp tỉnh, 34 đoàn cấp huyện, 604 đoàn cấp xã. Tổng số cơ sở thực phẩm được kiểm tra trên địa bàn tỉnh là 7.416 cơ sở, phát hiện 436 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP, chiếm 5,9% (tỷ lệ cơ sở vi phạm giảm nhiều so với Tết Trung thu các năm 2017, 2018); phạt tiền 146/436 cơ sở vi phạm, chiếm 33,5%, với số tiền phạt là hơn 290 triệu đồng; nhắc nhở 290/436 cơ sở vi phạm, chiếm 65,5%; tiêu hủy 114 kg mứt, 32 cột bánh nướng Trung thu, 34 gói bánh, 2 hộp sữa Ensure hết hạn sử dụng..., giá trị hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy hơn 13 triệu đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu đó là: Điều kiện vệ sinh cơ sở không đạt yêu cầu; trang thiết bị dụng cụ không đạt yêu cầu; bảo quản thực phẩm không đúng quy định; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm có côn trùng và động vật gây hại; thực hiện không đúng quy định về kiểm thực 3 bước; kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng; kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP...

Riêng 3 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 51 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm 11 cơ sở với số tiền là 43.600.000 đồng. Cụ thể: Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tuấn Dũng (đổi tên từ Công ty TNHH DVTM sản xuất, kinh doanh rượu Ngọc Chuế), thôn Chuế 1, xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa), bị xử phạt hành chính số tiền 4.000.000 đồng về hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang. Cơ sở sản xuất bánh kẹo Phan Trường Sơn, thôn Định Tân, xã Quảng Định (Quảng Xương), bị xử phạt hành chính số tiền 4.000.000 đồng về hành vi vi phạm dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy. Cơ sở bánh kẹo Khánh Linh, xóm Đông Ninh, xã Hà Ninh (Hà Trung), bị xử phạt hành chính 6.000.000 đồng do vi phạm khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh. Cơ sở sản xuất bánh nướng Nguyễn Hữu Minh, thôn Tân Cộng, xã Đông Tân (TP Thanh Hóa), bị xử phạt hành chính số tiền 6.000.000 đồng do không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phần, sơ chế, chế biến đóng gói... (673)

  1.  Chăm sóc “lá phổi” thế nào khi không khí bị ô nhiễm?

Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm môi trường tại Hà Nội lên tới mức báo động. Điều này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Hồng, trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp của Bệnh viện Lao Phổi Trung ương đã chia sẻ với Báo GD&TĐ về vấn đề này.

Khói bụi ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe

- Thưa bác sĩ, do nhiều nguyên nhân đã khiến mức độ ô nhiễm không khí, tại các thành phố như Hà Nội lên tới mức báo động. Vậy ô nhiễm không khí với khói bụi ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ con người?

Bụi trong không khí là những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung. Kích cỡ của bụi bình thường theo phân loại của quốc tế có các loại như: bụi PM10 (từ 2.5 tới 10 micromet), PM2.5 (dưới 2.5 micromet), PM1.0 (dưới 1 micromet) PM0.1 (nhỏ hơn 0.1 micromet) còn được gọi là bụi nanomet, bụi nano.

Nano là loại bụi nguy hiểm nhất, loại bụi này có thể xâm nhập rất sâu vào cơ thể con người.

Trong cơ thể của con người, đường hô hấp là đường lưu thông giữa không khí từ môi trường vào cơ thể để trao đổi khí. Đó là một khoảng trống tự nhiên và có cả hệ thống bảo vệ cơ thể bao gồm hệ thống miễn dịch, hệ thống tế bào.

Với những hạt bụi có kích cỡ lớn sẽ bị hệ thống luân chuyển và các tác động vật lý ngăn chặn lại không cho xâm nhập vào sâu bên trong.

Nhưng những loại hạt bụi nhỏ dưới 10 micromet thì có thể xâm nhập vào phế quản và gây ra các bệnh lý như ho, sổ mũi… Trong đó, loại bụi nano nguy hiểm nhất có thể sẽ thâm nhập thẳng vào sâu trong cơ thể mỗi chúng ta.

- Với điều kiện môi trường khó bụi như vậy thì người dân có thể mắc những bệnh lý nào thưa bác sĩ?

Trong thời gian qua, môi trường ở Hà Nội rất bụi, chỉ số quan trắc AQI trên 170 như vậy là ở báo động đỏ. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tùy vào phản ứng nhạy cảm, mạnh hay yếu của cơ thể mà gây ra các triệu chứng khác nhau.

Tuy nhiên, điểm chung nhất đó là các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi… nặng hơn là gây ra các bệnh về tim mạch, các vấn đề phổi mãn tính… Và thông thường các bệnh lý sẽ tăng hơn ngoài dự đoán khi tiếp xúc với bầu không khí bị ô nhiễm.

- Thời gian khoảng 1 tuần trở lại đây, Bệnh viện Phổi TW đã tiếp nhận bao nhiêu trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp? Liệu điều này có liên quan tới vấn đề ô nhiễm không khí?

Bệnh nhân nhập viện mắc các chứng bệnh về hô hấp có phải do ô nhiễm không khí hay không, chúng tôi chưa thể khẳng định.

Trong tuần qua, số lượng bệnh nhân vào nhập viện ở Bệnh viện Phổi trung ương dù không tăng đột biến so với tuần trước, nhưng đáng lưu ý là các bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính nhập viện đông hơn so với những tuần trước.

Có lẽ điều này một phần nào đó liên quan tới việc không khí ô nhiễm, tuy nhiên chúng tôi chưa có nghiên cứu cụ thể.

Người dân nên dùng loại khẩu trang nào?

- Hiện nay, để ngăn bụi nhiều người dân đang sử dụng các loại khẩu trang khác nhau, bán tại các quầy hàng, hoặc các hiệu thuốc. Vậy những khẩu trang này có an toàn cho người sử dụng không?

Thông thường, người dân có thói quen sử dụng nhiều loại khẩu trang khác nhau trong có khẩu trang y tế. Khẩu trang này mỏng nhưng thường được làm từ 3 lớp vải và được tiệt trùng rất kỹ càng có khả năng tránh những vi khuẩn, virut,.. trong bệnh viện. Nhưng cần nói thêm, khẩu trang y tế chỉ sử dụng trong y tế, còn đi ra đường không có tác dụng ngăn bụi.

Muốn tránh những tác động của sự ô nhiễm tới sức khỏe bản thân, người dân phải hiểu rõ: Trên thực tế kích thước của các loại bụi khác nhau, các hoạt chất gây bụi khác nhau thì sẽ có các loại khẩu trang đeo để phòng tránh ngăn cản được những hạt bụi đó.

Loại bụi từ 2,5 PM trở lên thì những khẩu trang chuyên dụng có thể ngăn ngừa. Nhưng đối với bụi dưới 1 PM và bụi nano thì khẩu trang gần như vô hiệu không có tác dụng ngăn cản.

- Vậy những loại khẩu trang nào an toàn đối với người sử dụng, giá thành có đắt không? Người dân có thể dễ dàng mua được loại khẩu trang này hay không thưa bác sĩ?

Khẩu trang mà chúng tôi khuyến cáo nên dùng hiện nay vẫn là khẩu trang than hoạt tính. Khẩu trang hoạt tính có 3 lớp, ở lớp giữa có than hoạt tính để trung hoà các chất. Với môi trường ô nhiễm, nếu đi liên tục ngoài đường thì nên thay khẩu trang 2 tiếng/1 lần.

Theo tôi biết giá tiền những khẩu trang hoạt tính không đắt chỉ khoản vài ngàn đồng và tác dụng của loại khẩu trang này khá tốt đối với sức khỏe con người và đã được Bộ y tế xác nhận. Loại khẩu trang này cũng khá thịnh hành trên thị trường, người dân có thể tìm mua không hề khó khăn.

Với những khẩu trang đặc chủng thì có thể ngăn cản bụi dưới 2,5 PM. Những khẩu trang này vi khuẩn và một số loại vi rút không thể xâm nhập qua được.

Nhưng loại khẩu trang này khuyến cáo sử dụng trong vùng bệnh dịch, vì nếu đeo hàng ngày sẽ gây khó thở cho người dùng. Khẩu trang này được sản xuất theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Lao động Hoa Kỳ.

- Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Giải pháp bảo vệ sức khỏe: Điều tốt nhất là không để môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, điều này là quá khó đối với những đô thị như ở Việt Nam Vì vậy mọi người khi đi ra đường cần có khẩu trang bảo hộ đúng cách; Nên chọn môi trường sống xung quanh có hồ nước, cây cối để cản, giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm như bụi xâm nhập;

Theo dõi những thông tin quan trắc về môi trường, nếu mức độ ô nhiễm trên 150 nên hạn chế đi ra ngoài nhất là trẻ em và người già; Đối với các gia đình có điều kiện nên trồng thêm cây cối, có cửa kính và điều hòa không khí để tránh những tác động ô nhiễm môi trường đến không gian sống (1201)

  1.  VỤ KHÁM SỨC KHỎE SIÊU TỐC: Sở Y tế TP HCM vào cuộc, dưới vẫn dễ dãi

Tình trạng y - bác sĩ tham gia quy trình khám sức khỏe siêu tốc ở TP HCM vẫn khó chấm dứt dù Sở Y tế lập tức vào cuộc kiểm tra sau khi Báo Người Lao Động phản ánh

Sau phóng sự "Khám sức khỏe siêu tốc" đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 13-9-2019, phản ánh tình trạng các y - bác sĩ ở Bệnh viện (BV) quận 4 và quận 10 bất chấp cảnh báo, bất chấp quy định đã tham gia vào quy trình khám sức khỏe quá dễ dãi, đến thời điểm này, Sở Y tế TP HCM đã tổ chức thanh - kiểm tra quy trình khám sức khỏe hơn 31 đơn vị có công bố đủ điều kiện khám sức khỏe trên địa bàn. Qua đó, phát hiện thêm nhiều cơ sở sai phạm nhưng xem ra các cơ sở khám bệnh vẫn… không biết sợ!

Đình chỉ nhưng không tiện kể tên!

Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai, qua thanh - kiểm tra 31 đơn vị, đã phát hiện nhiều nơi tổ chức khám không bảo đảm về nhân sự và nhiều chuyên khoa quan trọng. Kiểm tra tại 2 đơn vị được phản ánh trực tiếp trong bài báo là BV quận 4 và BV quận 10, Sở Y tế đã phát hiện nhiều vi phạm về công tác khám sức khỏe vẫn đang tồn tại.

Qua lần thanh - kiểm tra này, sở đã tiến hành đình chỉ hoạt động khám sức khỏe tại 3 đơn vị là BV quận 4, BV quận 6 và một đơn vị nữa mà theo bà Mai là không tiện kể tên. Trong đó, BV quận 4 và BV quận 6 là 2 đơn vị không bảo đảm về số lượng bác sĩ khám sức khỏe và chất lượng khám ở chuyên khoa tâm thần.

Tương tự, trong công văn trả lời Báo Người Lao Động do Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng ký ngày 18-9, nhận định bài viết đã phản ánh rõ các vi phạm về công tác khám sức khỏe tại BV quận 4 và BV quận 10. Do đó, Sở Y tế đề nghị giám đốc BV quận 4 và BV quận 10 phải nghiêm túc xác minh nội dung mà bài phóng sự đã phản ánh để kịp thời chấn chỉnh và xử lý cá nhân có vi phạm.

Đồng thời, phải thực hiện công tác bố trí nhân sự phù hợp, bảo đảm tổ chức đầy đủ các chuyên khoa theo biểu mẫu khám sức khỏe. Bác sĩ phụ trách khám những chuyên khoa phải thực hiện đầy đủ các bước (nhìn, sờ, gõ, nghe) và thực hiện các kỹ thuật cần lâm sàng theo biểu mẫu khám sức khỏe, không thực hiện khám qua loa, đại khái. Niêm yết danh sách bác sĩ thực hiện khám theo các chuyên khoa ngay tại khu khám. Trong trường hợp BV cố tình vi phạm Sở Y tế sẽ tiến hành đình chỉ việc khám sức khỏe tại đơn vị và xử lý theo đúng quy trình.

Vi phạm vẫn diễn ra ở nhiều nơi

Trong khi Sở Y tế TP đang quyết liệt xử lý các cơ sở khám sức khỏe siêu tốc thì theo ghi nhận thực tế của chúng tôi vẫn còn không ít cơ sở khám sức khỏe đang… cẩu thả!

Bằng chứng là ngày 23-9, chúng tôi có mặt tại BV quận Tân Bình để đăng ký khám sức khỏe thi bằng lái xe theo Thông tư LT số 24 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải. Sau khi nộp 272.300 đồng tại quầy thu ngân ở tầng 1, chúng tôi bắt đầu thực hiện qua một loạt khâu khám tổng quát, test ma túy 4 trong 1 (morphine, amphetamin, methamphetamin, marijuana), đo nồng độ cồn. 15 giờ cùng ngày, chúng tôi mang kết quả xét nghiệm đến phòng khám nội khoa để bác sĩ kiểm tra và kết luận. Theo quy định, đối với người đăng ký khám sức khỏe thi bằng lái xe, tâm thần - thần kinh là chuyên khoa khám rất quan trọng. Tuy nhiên, khá bất ngờ là chưa đến 1 phút, chúng tôi đã nhận được kết luận khám nội khoa bao gồm tâm thần - thần kinh loại I.

Cùng ngày, tại BV quận Bình Thạnh, sau khi đăng ký khám sức khỏe tổng quát với giá 120.000 đồng, chúng tôi được hướng dẫn đến khu vực khám. Nơi khám sức khỏe là một dãy 7 phòng được đặt nối tiếp nhau. Ở phòng khám nội khoa (phòng số 7), phóng viên vừa ngồi vào ghế, vị bác sĩ đã nhanh chóng đặt ống nghe lên người phóng viên và chưa đến 2 giây nghe nhịp tim, bác sĩ này đã có một loạt kết luận: "Tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận - tiết niệu, cơ - xương - khớp, thần kinh, tâm thần loại II". Sau đó ký tên đóng dấu mà không có bất kỳ câu hỏi nào (!?).

Không chỉ bỏ lơ chuyên khoa tâm thần - thần kinh, theo ghi nhận của chúng tôi, vấn đề vệ sinh (trong đó có việc rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân) để phòng chống lây nhiễm chéo ở BV này gần như không được quan tâm. Bằng chứng là sau khi được cân đo, đo huyết áp, kiểm tra thị lực ở các phòng 1, 2, 3, chúng tôi bắt đầu vào phòng khám chuyên khoa. Ở phòng tai - mũi - họng, người vào khám liên tục và nữ bác sĩ khám tai - mũi - họng chỉ sử dụng duy nhất đôi găng tay. Ở phòng khám mắt, răng - hàm - mặt cũng tương tự, khi các bác sĩ cũng vô tư "sờ" mắt, "sờ" miệng hết người này đến người khác bằng… tay không.

Về phía đại diện Sở Y tế TP HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng để chấn chỉnh dứt điểm quy trình khám sức khỏe không bảo đảm ở nhiều BV như hiện nay, Sở Y tế sẽ tiếp tục hướng dẫn thêm cho các đơn vị xây dựng và thực hiện quy trình chuẩn theo đúng quy định của pháp luật. Bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn về nhân sự lẫn cơ sở vật chất ở đơn vị, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và xây dựng lòng tin đối với người dân trong công tác khám sức khỏe.

Khám mà dùng tay trần sờ hết người này đến người khác thì không khác gì truyền bệnh từ người này sang người khác. Không khéo người đang khỏe mạnh, đi khám sức khỏe về lại lăn ra ốm vì bị lây nhiễm chéo". (1169)

  1.  Vệ sinh tay sạch: Liều vắc xin chi phí thấp nhưng hiệu quả cực cao

Nhiễm khuẩn bệnh viện được coi là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới khi mà ngày càng có nhiều dịch bệnh bùng phát, nhiều chủng vi khuẩn đa kháng nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, di chứng, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.

Hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay bằng xà phòng, ngày 01/10, Bệnh viện K tổ chức Lễ Phát động Chiến dịch “Vệ sinh tay năm 2019”, nhằm tác động ý thức tới cộng đồng về tăng cường vệ sinh cá nhân, đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Ước tính ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại Việt Nam, kết quả điều tra nhiễm khuẩn bệnh viện tại 36 bệnh viện phía Bắc, tỉ lệ này là 7,9%.

Nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, trong đó vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện; đặc biệt là sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vệ sinh tay được coi là liều vắc xin tự chế đơn giản, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người.

Chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

Năm 2008, Liên hiệp quốc chọn ngày 15/10 hàng năm là ngày Thế giới rửa tay với xà phòng; Tổ chức y tế thế giới cũng đã chọn ngày 05/05 hàng năm là ngày Vệ sinh tay thế giới; trong những năm qua, Bộ Y tế cũng đã liên tục phát động phong trào vệ sinh tay ở cả bệnh viện lẫn cộng đồng.

Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh “Bệnh viện K là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về điều trị các bệnh ung bướu, với đặc điểm các bệnh nhân của Bệnh viện K đa số là người bệnh ung thư được điều trị với các liệu pháp như hóa trị, xạ trị gây suy giảm miễn dịch nên việc phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện rất quan trọng.

Trong những năm qua, Bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tốt nhất tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Bệnh viện đã và đang cố gắng xây dựng một mô hình phòng ngừa được nhiễm khuẩn bệnh viện, từ rất nhiều khâu theo mô hình một chiều…”.Ngoài ra hành động vệ sinh tay luôn được toàn thể nhân viên y tế, của người bệnh, người nhà người bệnh cũng như các đối tượng học viên, sinh viên tại bệnh viện quan tâm.

Chiến dịch Vệ sinh tay năm 2019 nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh về tầm quan trọng của vệ sinh tay với chăm sóc y tế.

Trong chương trình, Bệnh viện K cũng tổ chức ký cam kết thực hiện vệ sinh tay theo đúng quy định giữa Ban Giám đốc, Công đoàn Bệnh viện, lãnh đạo và nhân viên các khoa, phòng, đơn vị thuộc bệnh viện và đưa nội dung thực hiện vệ sinh tay, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và một trong các tiêu chí quan trọng trong công tác thi đua, khen thưởng của bệnh viện và các đơn vị. Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh: “Vệ sinh tay” là một việc làm vô cùng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa nhân văn. Chúng ta hãy làm những việc đơn giản nhất mà hiệu quả nhất để bảo vệ chính sự sống của mình cũng như cho bệnh nhân và người nhà của họ”. (710)

  1.  Cặp song sinh dính liền nhỏ tuổi nhất được tách rời thành công hơn mong đợi

Ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã phẫu thuật tách rời thành công cho cặp song sinh dính liền phần gan.

Tách rời thành công

Ngày 2.10, ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã phẫu thuật tách rời thành công cho cặp song sinh dính liền phần gan. Hai bé gái song sinh là con sản phụ N.T.H.H (40 tuổi, ngụ Quảng Nam). Đây là trường hợp song sinh dính liền nhỏ tuổi nhất được bệnh viện tách rời, khi hai em bé sơ sinh chỉ mới 1 tháng rưỡi tuổi; có tổng trọng lượng 7,8 kg.

Ca mổ kéo dài hơn 3 giờ. Theo thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), diễn biến trong cuộc phẫu thuật hoàn toàn nằm trong mọi tiên lượng của bác sĩ. Ca mổ hoàn thành sớm hơn so với dự tính khoảng 1 giờ 30 phút và thành công trên mức mong đợi.

Hai em bé song sinh dính nhau từ phần cuối của xương ức xuống bụng, bên trong dính nhau phần gan, các cơ quan khác phát triển bình thường. Các bác sĩ đã rạch đường mổ dài 6 cm, tách dính phần bụng và gan của hai em bé. Sau đó, hai bé được khâu đóng bụng, tạo hình rốn.

Sau mổ, các thông số theo dõi em bé, xét nghiệm máu, khí, huyết động học hoàn toàn bình thường. Hiện tại, cặp song sinh đang được chăm sóc hồi sức. Bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu, Phó Khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, một em bé dự tính có thể cai máy thở ngay trong tối 2.10, một bé có thể cai máy thở vào sáng 3.10.

“Để điều chỉnh dị tật bẩm sinh cho trẻ, nếu đủ điều kiện thì mổ càng sớm càng tốt. Cặp song sinh được mổ tách rời khi mới được 1 tháng rưỡi tuổi. Chúng tôi mổ sớm cho hai bé vì không có lý do gì để trì hoãn cuộc mổ. Sức khỏe hai bé ổn định, thể trạng đảm bảo cho cuộc mổ. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có kinh nghiệm mổ nhiều trường hợp song sinh dính liền trước đây, các điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện đều hoàn toàn có thể đáp ứng mổ tốt nhất”, bác sĩ Hiếu nhận định. (433)

  1.  Chuyển công tác điều dưỡng “hướng dẫn” người nhà sản phụ mua sữa, nước tắm... không đúng quy định

Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua có tình trạng bệnh viện cho toa người bệnh mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, hướng dẫn người nhà sản phụ mua sữa công thức không tuân thủ quy định.

Một báo cáo mới đây (tháng 9/2019) của Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, qua khảo sát tại các cơ sở y tế đều đảm bảo đủ danh mục thuốc theo danh mục BHYT để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua tại một số bệnh viện và Trung tâm y tế (kể cả Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau) vẫn còn có trường hợp cho toa người bệnh mua thuốc thêm bên ngoài ngoài danh mục thuốc BHYT.

Theo giải trình của bệnh viện thì khi ghi toa mua thuốc ngoài danh mục đều được bác sĩ tư vấn và có sự thống nhất của người bệnh, người nhà người bệnh. Bênh cạnh đó, có một số ít cá nhân ghi toa các thuốc hỗ trợ và thực phẩm chức năng.

Việc này bệnh viện đã phát hiện kịp thời, nhắc nhở các cá nhân không được ghi toa mua thuốc thêm ngoài danh mục BHYT và chỉ đạo nhà thuốc bệnh viện khi bán thuốc và thực phẩm chức năng phải đúng quy định.

Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã có chỉ đạo bệnh viện có kế hoạch chấn chỉnh và hiện bệnh viện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra giám sát thường xuyên, đột xuất và sẽ có hình thức kỷ luật nếu phát hiện sai phạm.

Cũng tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, Sở Y tế tỉnh Cà Mau thông tin, qua kiểm tra giám sát đã phát hiện một vài cá nhân không tuân thủ, vẫn hướng dẫn cho người nhà sản phụ mua sữa công thức, cho mua thêm nước tắm cho mẹ và bé,…

Trong khi đó, Ban giám đốc bệnh viện đã có ban hành quy định trong đó nêu rõ trường hợp nào bú mẹ trực tiếp hoàn toàn, trường hợp nào mẹ vắt sữa cho con bú gián tiếp và trường hợp nào phải sử dụng sữa công thức. Do đó, bệnh viện đã làm việc với các khoa liên quan để nhắc nhở và chuyển công tác một số điều dưỡng trực tiếp chăm sóc sản phụ sang các khoa, phòng khác.

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, để triệt để chấm dứt tình trạng trên, ngoài kiểm tra giám sát thường xuyên, hiện bệnh viện này cũng triển khai quy định chỉ Trưởng khoa mới được phép cho chỉ định sử dụng sữa công thức và phải có ghi rõ ràng trong hồ sơ bệnh án; nhân viên ký cam kết không sử dụng sữa công thức và các sản phẩm có liên quan cho sản phụ, em bé nếu không có chỉ định,… (513)

  1.  Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong lịch sử

Dịch hạch khiến 30-60% dân số châu Âu tử vong trong thế kỷ 14, là một trong những đại dịch gây chết chóc nhiều nhất.

Dịch hạch

Bệnh gây ra bởi trực khuẩn Yersinia pestis lưu hành trong quần thể các loài gặm nhấm đào hang, trong đó có chuột và bọ chét sống ký sinh trên chuột.

Các triệu chứng ban đầu là sốt cao, đổ mồ hôi, gặp vấn đề tiêu hóa, người bệnh sau đó nổi hạch màu xanh đen trên người, đặc biệt ở nách và háng. Nếu không được trích bỏ kịp thời, hạch sẽ hóa mủ, tự vỡ, chảy dịch, người bệnh tử vong vì nhiễm độc. Song, trích hạch cũng rất nguy hiểm đến tính mạng, hơn thế có thể khiến nguồn bệnh lây lan trong không khí.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đây là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm bởi tốc độ lây lan mạnh, tỷ lệ tử vong cao (trên 70%) và diễn tiến nhanh. Dịch hạch từng làm rung chuyển châu Âu vào thế kỷ 14. Dịch hạch lần đầu tiên được ghi nhận là ở Justinian (năm 541-542) cướp đi sinh mạng khoảng 5.000 người châu Âu, Bắc Phi và Nga.

Ngày nay, dịch hạch vẫn được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử y khoa, dù đã có vắcxin phòng bệnh.

Đậu mùa

Bệnh đậu mùa do virus variola gây ra, dễ dàng lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc. Bệnh được đánh giá rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong 30%. Người sống sót sẽ bị biến chứng do nhiễm trùng như sẹo, viêm khớp, mù lòa.

Bệnh đậu mùa được cho là xuất hiện lần đầu khoảng 12.000 năm trước. Chứng tích xưa nhất của bệnh đậu mùa là những vết mụn mủ trên xác ướp của Pharaoh Ramses V thời Ai Cập cổ đại. Vào thế kỷ thứ 6, căn bệnh đã có mặt tại châu Âu, châu Á và châu Phi. Cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, thực dân châu Âu xâm chiếm châu Mỹ mang theo virus đậu mùa và lây lan tại châu lục này. Ước tính, khi ấy gần 90% người Mỹ bản địa tử vong do bệnh đậu mùa, nhiều hơn rất nhiều so với số người Mỹ chết trong chiến tranh thời trung cổ.

Căn bệnh đã giết chết khoảng 400.000 người dân châu Âu mỗi năm trong những năm cuối thế kỷ 18, trong đó có 5 quốc vương đương tại vị. Cuối năm 1960, dịch đậu mùa hoành hành tại châu Á và châu Phi, khoảng 2 triệu ca tử vong mỗi năm.

Thế kỷ 18, bác sĩ Edward Jenner, Anh, tìm ra vắcxin phòng đậu mùa. Năm 1800, tiêm chủng phổ biến ở hầu hết các nước châu Âu, sau đó lan rộng ra toàn thế giới, đẩy lùi đại dịch. WHO chính thức tuyên bố xóa sổ dịch bệnh đậu mùa vào năm 1979.

Bại liệt

Ngày nay, bại liệt là căn bệnh hiếm gặp. Trước khi Jonas Salk phát triển vắcxin bại liệt năm 1957, bệnh dễ dàng lây lan qua phân hoặc nước bọt, trở thành một trong những vấn nạn sức khỏe cộng đồng đáng sợ nhất thế giới. Năm 1952, Mỹ chứng kiến đợt bùng phát tồi tệ nhất với gần 58.000 ca nhiễm, 3.145 người chết, 21.269 người sống sót với di chứng bại liệt.

Bệnh bại liệt thường không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi các triệu chứng xuất hiện, cơ thể người bệnh sẽ suy nhược rất nhanh, cơ thể tê liệt, phải thở máy hay phổi sắt mới có thể hô hấp bình thường. Bệnh nhân bị liệt sau khi nhiễm virus bại liệt không thể hồi phục trở lại.

Lao

Lao là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp chết người, có hai thể: lao tiềm ẩn và lao hoạt động. Lao tiềm ẩn không lây nhiễm, hệ miễn dịch của con người có thể tự chống lại bệnh. 1/3 dân số thế giới mắc lao tiềm ẩn.

Những người có hệ miễn dịch kém có thể mắc lao hoạt động. Các triệu chứng gồm ho dai dẳng, đau ngực dữ dội, đổ mồ hôi vào ban đêm, chán ăn.

Đầu thế kỷ 19, ước tính cứ 7 người lại có một người chết vì bệnh lao. Nguyên nhân gây bệnh thời đó chưa được xác định, người dân thường đến các bệnh xá và tin rằng nghỉ ngơi, hít thở không khí sạch tại các bệnh xá sẽ khiến bệnh thuyên giảm.

Giữa những năm 1800, một số lượng lớn bò sữa nhiễm bệnh lao bò, khiến sữa bò bị nhiễm khuẩn.

Năm 1882, bác sĩ người Đức Robert Kock phát hiện nhiều trẻ sơ sinh tử vong có liên quan đến sữa bò nhiễm trùng. Sữa bò là trung gian lây lan nhiều mầm bệnh, trong đó có lao. Phương pháp thanh trùng sữa cũng ra đời trong khoảng thời gian này, giúp giảm đáng kể số ca nhiễm lao do uống sữa bò.

Sốt rét

Sốt rét là bệnh lây lan từ người qua người bởi muỗi nhiễm ký sinh trùng. Sau khi bị muỗi đốt, ký sinh trùng từ muỗi theo đường máu tấn công phổi con người, rồi sinh sản trong phổi, gây ra các triệu chứng như sốt cao, run rẩy, ớn lạnh, đau người. Trường hợp nguy hiểm, người bị sốt rét có thể bất tỉnh hoặc tử vong. Sốt rét là một trong những bệnh gây chết người nhiều nhất trên thế giới. Năm 2016, có hơn 200 triệu người mắc bệnh, trong đó 500.000 người chết.

Nguyên lý truyền bệnh sốt rét giúp các nhà khoa học hiểu biết cơ bản về các vectơ truyền bệnh, cũng như những phương pháp ngăn chặn sự lây lan một số nguồn bệnh.

Cúm

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 do một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế kỷ 20 gây ra. 1/3 dân số toàn cầu khi ấy nhiễm virus cúm, 20 triệu đến 50 triệu người tử vong, trong đó có một số lượng lớn lính tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất. Các đợt dịch bùng phát tại Mỹ và các nước châu Âu khiến căn bệnh lây lan toàn cầu. Vắcxin phòng cúm được tìm ra vào những năm 1940.

Tả

Đây là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Vibrio cholerae sống trong môi trường nước ấm, mặn, hoặc đồ ăn sống gây ra. Người bệnh thường bị tiêu chảy, dẫn đến mất nước. Nghiêm trọng có thể tử vong.

Theo WHO, mỗi năm có khoảng 1,3 đến 4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, từ 21.000 đến 143.000 người tử vong (1150).


Thăm dò ý kiến