Thông tin Y tế ngày 01/11/2019

01/11/2019 | 15:15 PM

 | 

NGÀY 01/11/2019

  1. Việt Nam nỗ lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Xây dựng thêm hướng dẫn giám sát tiêu chí chẩn đoán nhiễm khuẩn phổi và nhiễm khuẩn vết mổ, đưa phần mềm báo cáo nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia vào hoạt động chính thức, đẩy mạnh triển khai hệ thống giám sát nhiễm khuẩn… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới. Sáng 30-9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám chữa bệnh với sự tham gia của hơn 400 đại diện cơ sở y tế trong cả nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn: bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh. Ngành y tế cũng đã từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch...

Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện còn rất cao và đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn bệnh viện còn nặng hơn bệnh mà chính bệnh nhân mắc phải. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%.

“Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế”, Bộ trưởng nói.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, kết quả khảo sát tự đánh giá tại 558 bệnh viện năm 2019 cho thấy, tại khoa Gây mê hồi sức, có 53,9% dụng cụ không được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; 31,2% đơn vị không có giám sát vi sinh không khí và môi trường… Trong khi đó, tại khoa Hồi sức tích cực, 56,1% dụng cụ không được xử lý tập trung tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 21% đơn vị không có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và vẫn còn khoảng 22,6% nhân viên vệ sinh chưa được đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn...

Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương (2013), khảo sát tại khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện từ ba miền bắc, trung, nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Đặc biệt các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75%.

Trước sự đe dọa của nhiễm khuẩn bệnh viện tới sức khỏe người dân, Bộ trưởng Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cam kết triển khai thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành. Ngoài việc bố trí đủ nhân lực có chuyên môn, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải thiết kế/cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, sinh viên, học sinh, người bệnh và người nhà.

ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, đến nay, Việt Nam đã xây dựng hệ thống giám sát nhiễm khuẩn tại sáu bệnh viện. Trong giai đoạn tới, Bộ đẩy mạnh triển khai tại 12 bệnh viện thí điểm và tiến tới chuyển giao kỹ thuật giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện cho 30 bệnh viện tiếp theo (796).

  1.  Hơn 50% khoa gây mê, 80% khoa hồi sức bệnh viện chưa đạt kiểm soát nhiễm khuẩn

Theo khảo sát được Bộ Y tế công bố vào sáng nay, 30-9, chỉ có hơn 46% khoa Gây mê hồi sức của các bệnh viện có dụng cụ được tiệt khuẩn tập trung, gần 80% số khoa Hồi sức tích cực không có giám sát nhiễm khuẩn…

Tại hội nghị Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa Hồi sức tích cực và khoa Gây mê hồi sức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức sáng 30-9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã công bố kết quả khảo sát tự đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của gần 560 bệnh viện trên cả nước.

Theo đó, chỉ có hơn 46% khoa Gây mê hồi sức của các bệnh viện có dụng cụ được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; vẫn còn hơn 11% khoa không giám sát tuân thủ vệ sinh tay và tuân thủ thực hành; gần 20% khoa Gây mê hồi sức không có khu riêng để xử lý dụng cụ. 11,6% khoa không bố trí phòng để dụng cụ vô khuẩn. Đặc biệt, hơn 1/4 số khoa Gây mê hồi sức được khảo sát không sử dụng kháng sinh dự phòng cho người bệnh phẫu thuật.

Tại khối khoa Hồi sức tích cực, chưa đến một nửa số khoa khảo sát có biển báo về khu vực cách ly. Gần 30% khoa Hồi sức tích cực có người nhà tham gia chăm sóc. 1/3 số khoa chưa có phòng riêng để đồ vải, dụng cụ sạch, bẩn.

Đặc biệt, 22% khoa Hồi sức tích cực của các bệnh viện không có nhân viên vệ sinh được đào tạo. Con số này tương đương với tỷ lệ các khoa có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện. Nghĩa là, vẫn còn gần 80% số khoa Hồi sức tích cực không có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, nhiễm khuẩn bệnh viện chính là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Hơn nữa, nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng, uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế.Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%. Khoa Gây mê hồi sức và Hồi sức tích cực tại các bệnh viện được đánh giá là hai nơi yêu cầu rất cao về kiểm soát nhiễm khuẩn (489).

  1.  Mọi người dân khi cần đều có thể sử dụng các dịch vụ nâng cao sức khỏe

Chiều nay ngày 30/9/2019 tại Hà Nội, Trường Đại học Y tế Công cộng đã tổ chức Lễ bế giảng khóa VII và khai giảng khóa IX - Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành y tế Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến giảng bài cho các học viên mới khoá IX.

Theo bà Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được Bộ Y tế giao cho Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với các chuyên gia trong nước và Trường Đại học Y tế công cộng Rennes – Pháp xây dựng.

Quá trình xây dựng các chương trình đào tạo này đã được thực hiện công phu, bài bản với nhiều lần hội thảo xin ý kiến góp ý của cán bộ quản lý y tế như lãnh đạo Vụ, cục của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các bệnh viện và các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước; đồng thời có sự tham vấn của các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế. Chương trình đã được Bộ Y tế thẩm định vào tháng 8/2017 và cho phép triển khai từ năm 2018.

Đối tượng tham dự các khóa học bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế; Giám đốc/phó giám đốc Bệnh viện và cán bộ quy hoạch lãnh đạo Bệnh viện.

Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức được 8 khóa đào tạo cho đối tượng lãnh đạo quản lý với tổng số 1.270 học viên được đào tạo. Các học viên đã hoàn thành các nội dung lý thuyết và thảo luận trên lớp, đi thực tế tại các cơ sở y tế của tỉnh, thực hiện áp dụng tại cơ quan công tác và chia sẻ kết quả áp dụng với giảng viên và học viên toàn khóa.

Trực tiếp giảng bài tại lễ khai giảng khoá IX Chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra những yêu cầu cơ bản về khả năng của nhà quản lý ngành y tế gồm các yếu tố nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư, công nghệ thông tin, kỹ năng quản lý và phương pháp quản lý. Trong đó, đối với kỹ năng quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh đến các yếu tố về quản lý bản thân như sức khỏe, stress, thời gian, kiên trì; Quản lý truyền thông, xử lý khủng hoảng truyền thông; các yếu tố về quan hệ xã hội, quan hệ cá nhân...Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đưa ra nội dung đổi mới chính sách y tế ở Việt Nam. Mục tiêu hướng tới của ngành y tế là sự bảo đảm để mọi người dân khi cần đều có thể sử dụng các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng và hiệu quả, đồng thời bảo đảm rằng việc sử dụng các dịch vụ này không gặp phải khó khăn tài chính.

Cùng với việc đổi mới chính sách y tế tại Việt Nam là chương trình Sức khoẻ Việt Nam và Đề án y tế cơ sở. Tập trung truyền thông, chăm sóc sức khoẻ cho người dân từ khi còn khoẻ và nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân được tiếp cận với chăm sóc sức khoẻ ngày càng có chất lượng cao ngay tại cơ sở.

Liên quan đến người bệnh, cần đổi mới chính sách y tế tại Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong y tế; quyết liệt xây dựng bệnh viện xanh- sạch- đẹp, đổi mới phong cách phục vụ để người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đến khám chữa bệnh. Cùng với đó, ngành y tế thực hện đổi mới về đào tao nhân lực y tế, đổi mới về tài chính y tế, phát triển hạ tầng và trang thiết bị y tế, phát triển công nghệ thông tin, cung ứng thuốc- vắc xin và đẩy mạnh hội nhập y tế quốc tế - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt nhấn mạnh (775).

  1.  Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BYT về việc hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình. Thông tư hướng dẫn thí điểm về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y học gia đình; nhiệm vụ của bác sĩ gia đình; văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình.   

Theo đó, để trở thành bác sĩ gia đình cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

Bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình ngay sau khi đáp ứng một trong các trường hợp sau đây:

- Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;

- Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng;

- Có giấy chứng nhận theo học từng đợt với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình;

Bac sỹ cần có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng để trở thành bác sỹ gia đình

Bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề và hiện đang khám, chữa bệnh y học gia đình: Sẽ tiếp tục được hoạt động khám, chữa bệnh và phải có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục tối thiểu 3 tháng để cập nhật kiến thức về y học gia đình;

Bác sĩ y học dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề: Có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng sẽ được tham gia khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn…

Các cơ sở y học gia đình được quy định tại thông tư là trạm y tế bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức; phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân; phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám chuyên khoa thuộc Trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám quân y; khoa khám bệnh thuộc bệnh viện quận, huyện hoặc Trung tâm y tế quận, huyện, hoặc bệnh viện của trường đại học y.

 Cơ sở y học gia đình chính là cơ sở đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình. Cơ sở y học gia đình có các nhiệm vụ như:

Thứ nhất là quản lý sức khỏe cộng đồng bằng cách lập hồ sơ quản lý sức khỏe; quản lý, chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình theo phân công của Sở Y tế địa phương.

Thứ hai là tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh. Cụ thể là tư vấn về dinh dưỡng, hoạt động thể lực, phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia và các yếu tố nguy cơ với sức khỏe, tư vấn về khám chữa bệnh cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng; truyền thông giáo dục sức khỏe; tham gia giám sát, phát hiện sớm, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng; tiêm chủng; phòng chống các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Thứ ba là thực hiện các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời; các chương trình mục tiêu y tế dân số, chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi, Dân số - KHHGĐ, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Thứ tư là khám chữa bệnh bao gồm sơ cấp cứu; khám sàng lọc phát hiện bệnh tật; chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà đối với người bệnh theo quy định. Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trong gói dịch vụ cơ bản; danh mục phân theo tuyến chuyên môn hoặc cá kỹ thuật chuyên môn khác ở tuyến cao hơn khi đủ điều kiện theo quy định và được Sở Y tế phê duyệt.

Thứ năm là chuyển người bệnh lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn phù hợp; tiếp nhận người bệnh đã điều trị ổn định từ tuyến trên chuyển về để tiếp tục điều trị, theo dõi.

Thứ sáu là tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về y học gia đình; là cơ sở thực hành trong đào tạo chuyên ngành y học gia đình theo quy định của pháp luật.

Thứ bảy là thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền quy định.

Về nhiệm vụ của bác sĩ gia đình chính là thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của cơ sở y học gia đình theo phân công của người phụ trách chuyên môn của cơ sở y học gia đình.

Về điều khoản chuyển tiếp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình trước ngày thông tư này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động y học gia đình nhưng phải cập nhật để đáp ứng quy định về đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình của người hành nghề theo quy định của Thông tư 21/2019/77-BYT. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15-10-2019 (1010).

  1.  Hà Nội: Lượng người đến khám da liễu tăng vọt

Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khoảng 2.500 bệnh nhân tới khám mỗi ngày, gần đây số lượng tới khám và được chẩn đoán mắc các bệnh dị ứng nghi liên quan đến môi trường như viêm da tiếp xúc, mày đay, viêm da cơ địa… tăng lên bất thường. Theo ThS.BS Trịnh Minh Trang, khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu Trung ương, tuy chưa thống kê cụ thể nhưng những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân tới khám tại viện và được chẩn đoán các bệnh liên quan đến dị ứng như viêm da tiếp xúc dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa… tăng lên rõ rệt.

“Sắp tới, nếu tình trạng bệnh nhân đến khám vẫn không giảm, bệnh viện sẽ có thống kê cụ thể” – bác sĩ Trang cho biết.

Về nguyên nhân, bác sĩ Trang cho rằng, ô nhiễm không khí có thể làm khởi phát hoặc nặng lên một số bệnh như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mày đay, lão hóa da, rám má, xạm da. Đặc biệt, tình trạng này còn làm cho một số bệnh da kém đáp ứng điều trị và dễ tái phát nặng lên, kéo dài, khó điều trị hơn.

Bác sĩ Trang nêu rõ, ô nhiễm không khí tác động trực tiếp, phá vỡ hàng rào bảo vệ da. Hơn nữa, các bụi mịn, siêu mịn còn tương tác với bức xạ mặt trời (các tia UV) để gây lão hóa da nhanh chóng, tổn thương da, thậm chí ung thư da thông qua việc tác động vào các thành phần trên da như tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào hắc tố…

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động bảo vệ sự khỏe trước các tác động tiêu cực của môi trường (324).

  1.  Lo sốt xuất huyết phức tạp thêm

Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở khu vực ĐBSCL với số ca nhập viện tăng đột biến nhưng người dân vẫn còn chủ quan, lơ là phòng tránh

BS Bùi Kim Đắng, Phó Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết do vào mùa SXH nên lượng bệnh nhân điều trị tại khoa thời gian gần đây tăng đột biến, khiến quá tải giường bệnh. Khoa có 75 giường nhưng những ngày qua có hơn 100 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH và tay chân miệng. Ngồi bên giường bệnh để chăm sóc cháu ruột 3 tuổi, bà L.T.P.M (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết cháu mắc SXH từ ngày 24-9, được đưa đến phòng khám tư điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm nên chuyển vào bệnh viện này. Theo bà M., ở khu vực nhà bà sinh sống, do có nhiều kênh rạch nên các gia đình rất lo con em mình mắc SXH. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có 822 ca SXH được phát hiện và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện này. "Số ca mắc SXH xuất hiện nhiều nhất ở thị trấn An Thới, thị trấn Dương Đông và xã Dương Tơ" - bác sĩ Võ Thành Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảo Phú Quốc, thông tin.

Trong khi đó, Đồng Tháp đang là địa phương có nhiều "điểm nóng" SXH. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, với trên 3.000 ca mắc SXH trên toàn tỉnh trong 9 tháng qua, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số này có 106 ca nặng, 2 ca tử vong.Điều đáng nói, dù bệnh SXH tăng nhưng một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết hoặc lơ là, chủ quan trong phòng chống. Tại các hộ dân, đa số trước và sau nhà có khá nhiều vỏ dừa, thau, bể chứa nước mưa; nhiều vũng nước kèm rác thải ứ đọng xung quanh. Chị N.T.N (ngụ xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có 3 người con bị bệnh SXH, nói: "Có nghe nói về SXH nhưng hồi nào giờ mấy đứa nhỏ không bị bệnh nên tôi cũng ít quan tâm. Con bị bệnh, tôi rất lo lắng nhưng cũng chưa biết làm sao để đề phòng cho tốt".

Mới đây, khi các tuyên truyền viên của ngành y tế đến tận nhà hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống SXH, bà P.T.G (ngụ xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) quả quyết: "Tôi súc lu để diệt lăng quăng, ngủ mùng tránh muỗi cắn, mua thuốc xịt muỗi, vệ sinh quanh nhà...". Tuy nhiên, qua kiểm tra, các tuyên truyền viên phát hiện nhà bà G. có 18 vật dụng chứa nước, trong đó 10 cái lu có lăng quăng.Do đặc thù công việc của người dân nơi đây là làm bột, chăn nuôi heo và trồng cây kiểng nên sử dụng rất nhiều lu, khạp để chứa nước và không dọn dẹp vệ sinh, úp lại sau khi sử dụng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, lăng quăng phát triển, dễ phát sinh các ổ bệnh.

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, các huyện, thị xã, TP trong tỉnh Đồng Tháp đã triển khai những biện pháp phòng chống như: giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch bằng hóa chất; tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng bệnh chưa mang lại hiệu quả cao; các hộ gia đình chưa ý thức tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, còn để các dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Tâm lý người dân còn trông chờ vào việc xử lý ca bệnh, ổ dịch bằng hóa chất mà không quan tâm đến diệt trừ lăng quăng tại nhà.

"Tình hình bệnh SXH trong tỉnh tăng từ tháng 7 đến nay và đang diễn biến phức tạp. Để phòng bệnh, giải pháp căn cơ trước mắt vẫn là các ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân các giải pháp phòng bệnh như: phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt. Phải tuyên truyền cho người dân hiểu lăng quăng là mầm mống của bệnh SXH để nâng cao ý thức phòng bệnh" - ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, khuyến cáo.

Ngành y tế các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đang quyết liệt triển khai các chương trình, chiến dịch phòng chống SXH; kêu gọi người dân không chủ quan trước dịch bệnh. Khi các bé có biểu hiện của bệnh, người nhà cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị.

Ban Chỉ đạo Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức lễ phát động chiến dịch "Nhà nhà diệt lăng quăng phòng chống SXH năm 2019". Tại lễ phát động, ông Nguyễn Lâm Thái Thuận kêu gọi các cấp chính quyền, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, hộ gia đình và người dân chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh SXH, không để bùng phát.

Sau lễ phát động, các huyện, thị xã, TP trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ phát động ra quân để tạo sự quan tâm của người dân; tổ chức hoạt động diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH ở xã/phường (970).

  1.  Bình Phước: Tập huấn về ATTP trên địa bàn TP Đồng Xoài

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Phước vừa tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP Đồng Xoài.

Khóa tập huấn nhằm hướng dẫn, phổ biến kiến thức về đảm bảo ATTP các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, góp phần nâng cao kiến thức và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Tại buổi tập huấn, các cơ sở được cập nhật những quy định mới về ATTP như Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 2/2/2018 về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/9/2018 về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, Quyết định 1246/2017/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 31/3/2017 về việc ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn  đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Các cơ sở được bổ sung, cập nhật thêm kiến thức về các mối ô nhiễm thực phẩm vào thực phẩm; Điều kiện và các phương pháp đảm bảo ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể, Luật ATTP…

Các báo cáo viên còn hướng dẫn nhiệt tình việc thực hiện một số mẹo lựa chọn, bảo quản thực phẩm; cách nhận biết cá, tôm, cua, ghẹ… tươi; cách rã đông thực phẩm an toàn... Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở bếp ăn tập thể thực hiện lưu mẫu và ghi chép theo các bước của quy trình kiểm thực 3 bước (351).

 

 

  1.  Những bất cập trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm hay có vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng KCB của người dân.

BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia, để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định. Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau.Từ lợi ích mà BHYT mang lại, nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao. Tuy nhiên, theo nhiều người dân (có BHYT) cho biết, tại một số bệnh viện, người dân bị hạn chế trong việc đăng ký KCB, như mỗi lượt khám chỉ được khám 1 chuyên khoa.

Bà Nguyễn Thị Lan, xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, cho biết: Tôi bị đau đầu, chóng mặt và bị tiểu đường. Khi tôi đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng (huyện Hoằng Hóa), nhân viên tại quầy tư vấn của bệnh viện “tư vấn”: Nếu khám tiểu đường trước thì ngày hôm sau tôi mới tiếp tục được khám đau đầu, chóng mặt. Tôi tuổi cao, từ nhà đến bệnh viện phải đi mất 7 km bằng xe đạp. Nếu có quy định như vậy trong việc KCB cho người bệnh có BHYT, sẽ rất bất lợi cho người dân chúng tôi.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hà (TP Thanh Hóa), khi được hỏi về nhu cầu muốn khám đồng thời xương khớp và mắt, nhân viên tại quầy tư vấn của bệnh viện cũng cho biết, chỉ khám được 1 chuyên khoa. Nếu muốn khám chuyên khoa khác phải đến vào hôm sau mới tiến hành khám theo BHYT được.

Bà Ninh Thị Dung, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa chia sẻ: Mỗi lần đi khám bệnh, tôi phải sắp xếp công việc nhà lại để đi. Bởi mỗi lần khám phải mất nửa ngày, có khi cả ngày (tùy vào từng loại xét nghiệm) mới xong. Thế nhưng, nhiều khi tôi muốn kết hợp khám thêm các bệnh khác lại không được. Hoặc, trong năm tôi cũng muốn kiểm tra sức khỏe định kỳ (khám tổng thể) nhưng BHYT lại không chi trả cho việc này.

Liên quan đến vấn đề trên, theo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa thì Luật BHYT hiện nay không có điều khoản nào quy định mỗi lần khám BHYT chỉ được khám một chuyên khoa. Trong Thông tư 39/2018/TT-BYT ban hành ngày 30-11-2018 của Bộ Y tế về việc Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp: Tại khoản 3, Điều số 5 quy định “Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh”. Chính quy định này khiến không ít cơ sở KCB đã “tư vấn” cho bệnh nhân có thẻ BHYT “mỗi lần chỉ được khám một chuyên khoa”.

Ông Lê Hữu Uyển, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cũng cho biết: BHYT chỉ chi trả cho đối tượng là người bệnh (khi đã bị ốm, đau), chưa chi trả việc khám dự phòng phát hiện sớm (kiểm tra sức khỏe). Để hạn chế việc lạm dụng quỹ BHYT, hàng năm các bệnh viện được Nhà nước giao dự toán kinh phí KCB. Điều này khiến các bệnh viện cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân. Để điều chỉnh, cân đối việc KCB BHYT của người dân, tại một số bệnh viện xảy ra tình trạng tách đợt điều trị ngoại trú của bệnh nhân không đúng quy định, như: Bệnh nhân tiểu đường, huyết áp, theo quy định cấp thuốc 1 lần/1 tháng, nhưng nhiều cơ sở KCB cấp thuốc 2 lần/1 tháng, làm tăng số lượt bệnh nhân để giảm chi phí bình quân đơn; tư vấn bệnh nhân mua thuốc ngoài chi trả BHYT...

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, một số cơ sở KCB thực hiện điều trị ngoại trú không đúng quy định như: Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Nội tiết...; một số cơ sở KCB có tăng số lượng KCB ngoại trú bất thường trong quý 2-2019 như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt Thanh An, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Thủy... Bên cạnh đó, bình quân chi phí cho một lần KCB BHYT trong tỉnh ở mức cao so với bình quân chung toàn quốc và so với các địa phương lân cận, trong đó, chi bình quân điều trị ngoại trú đứng thứ 7 toàn quốc (289.465 đồng/lượt) cao hơn Nghệ An (263.967 đồng/lượt) và Ninh Bình (229.575 đồng/lượt); bình quân đợt điều trị nội trú 3.309.044 đồng/lượt.

Việc giao mức trần chi phí KCB BHYT cho các cơ sở y tế nhằm hạn chế tình trạng trục lợi từ BHYT, tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số quyền lợi của người bệnh bị hạn chế.

Theo ông Lê Hữu Uyển, việc giao mức trần dự toán BHYT gây khó khăn cho các cơ sở KCB, người dân cũng chịu thiệt thòi. Vật tư, thuốc điều trị theo BHYT chủ yếu là thuốc nội, nhiều bệnh nhân có nhu cầu sử dụng vật tư, thuốc tốt hơn vượt quá chi trả của BHYT, buộc phải mua ngoài... vì vậy, KCB BHYT mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên phần nào vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng KCB của người dân.

Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, trần tình: Mẹ tôi nằm viện điều trị sau phẫu thuật cắt túi mật. Do có BHYT nên phần lớn chi phí phẫu thuật và điều trị đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, để được dùng thuốc tốt hơn, gia đình tôi còn phải mua thêm thuốc ngoài danh mục BHYT chi trả (theo đơn thuốc của bác sĩ) (1196).

  1.  Áp dụng kỹ thuật chèn bóng cứu sống mẹ con bị nhau cài răng lược

Kết quả sau ca phẫu thuật, bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh, sản phụ mất một lượng máu rất ít so với phẫu thuật thông thường, hồi phục nhanh chóng, không ghi nhận thiếu máu hay bất kỳ biến chứng nào.

Ngày 30/9, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa phối hợp liên chuyên khoa, thực hiện phẫu thuật thành công cho một sản phụ bị nhau cài răng lược.Đây là một trường hợp nặng, sản phụ có chỉ định mổ bắt con và cắt tử cung, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, các bác sỹ đã áp dụng thành công kỹ thuật hỗ trợ chèn bóng và cứu sống được cả mẹ lẫn con.

Sản phụ L.T.X.L, 35 tuổi (ngụ tại tỉnh Bạc Liêu) và đã có tiền sử 2 lần mổ lấy thai trước đây. Ở tuần thai thứ 29, sản phụ đi khám thai tại địa phương thì phát hiện nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ, có khả năng cài răng lược trên vết mổ cũ, sau đó thai phụ được chuyển lên Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các bác sỹ nhận thấy nhau thai đã xâm lấn đến bàng quang và quyết định phẫu thuật mổ bắt con, đồng thời cắt bỏ tử cung để bảo tồn tính mạng cho thai phụ khi thai ở tuần thứ 36.

Bác sỹ Lê Thị Kiều Dung thuộc Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là một cuộc mổ lớn với thời gian mổ kéo dài. Người bệnh đứng trước nguy cơ mất máu nhiều, rủi ro cao trong quá trình phẫu thuật, thậm chí có thể tử vong.

Do đó, các bác sỹ quyết định hỗ trợ chèn bóng vào động mạch chậu trong, nhằm giảm phần lớn máu đến vùng phẫu thuật, giúp cuộc mổ mất máu ít hơn. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng cho đối tượng thai phụ. Tuy nhiên, các bác sỹ vẫn lo lắng do kỹ thuật này cần sự điều hướng của tia X, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Mặt khác, thời gian giữa 2 quá trình mổ lấy thai và cắt tử cung chỉ cho phép giới hạn trong khoảng 15-20 phút bởi càng kéo dài, khả năng mất máu càng nhiều, càng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.

Mặc dù vậy, với sự phối hợp nhịp nhàng và thay phiên nhau liên tục, các bác sỹ sản khoa đã tiến hành mổ bắt con nhanh chóng và nhẹ nhàng. Ngay sau đó, nhóm bác sỹ chẩn đoán hình ảnh tiếp tục chèn bóng vào động mạch chậu trong, giúp nhóm phẫu thuật viên sản khoa trở lại sau đó cắt tử cung an toàn.

Kết quả sau ca phẫu thuật, bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh, sản phụ mất một lượng máu rất ít so với phẫu thuật thông thường, hồi phục nhanh chóng, không ghi nhận thiếu máu hay bất kỳ biến chứng nào. Vài ngày sau phẫu thuật, cả mẹ và bé đều được xuất viện trở về nhà.

Theo bác sỹ Lê Thị Kiều Dung, phụ nữ càng sinh mổ nhiều lần thì nguy cơ nhau cài răng lược càng cao, bên cạnh đó là các trường hợp sinh nhiều hoặc có tiền căn nạo phá thai nhiều lần... cũng dễ bị nhau cài răng lược.

Trên thực tế, tại Việt Nam tỷ lệ nhau cài răng lược đang ngày càng gia tăng bởi do quan niệm chọn ngày, giờ sinh con khiến tình trạng mổ lấy thai ngày càng phổ biến. Do đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc lựa chọn phương thức sinh con phù hợp, an toàn./.  (665)

  1.  Nhiều dịch vụ y tế sắp tăng giá

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo đưa chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, từng bước tính đủ phí dịch vụ vào giá

Giá khám bệnh và giá của hơn 1.900 dịch vụ y tế cũng được đề nghị điều chỉnh từ năm 2020, theo dự thảo Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh giá viện phí, trong đó tính thêm chi phí quản lý.

Đó là chi phí về điện, nước, nhiên liệu, vệ sinh, môi trường, xử lý chất thải của các bộ phận quản lý; cước dịch vụ viễn thông, bưu chính; chi phí ứng dụng công nghệ thông tin hoặc thuê dịch vụ, phần mềm quản lý; chi phí đào tạo; chi phí bảo hộ lao động, dự phòng lây nhiễm HIV, bảo đảm an ninh, an toàn; chi phí cho công tác truyền thông… Cùng với đó, chi phí duy tu, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn tài sản, mua sắm trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, vật tư, văn phòng phẩm… cũng sẽ được tính vào giá dịch vụ y tế.

Với việc điều chỉnh này, giá khám bệnh (gồm chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý) sẽ là 40.600 đồng đối với BV hạng đặc biệt/hạng I, 36.200 đồng với BV hạng II, 32.000 đồng với BV hạng III và 28.000 đồng ở BV hạng IV và trạm y tế xã. Sau đợt điều chỉnh từ ngày 20-8 vừa qua, giá khám chữa bệnh hiện ở mức 27.500-38.700 đồng.

Giá dịch vụ với giường bệnh cũng được đề xuất tăng lên mức tối đa là 821.100 đồng/ngày đối với BV hạng đặc biệt (hiện nay là 782.000 đồng/ngày). Đối với BV hạng I, mức tối đa được đề xuất là 740.200 đồng/ngày (hiện là 705.000 đồng/ngày); BV hạng II là 632.100 đồng/ngày (hiện là 602.000 đồng/ngày).

Cùng đó, giá của hơn 1.900 dịch vụ y tế cũng được đề nghị điều chỉnh tăng từ 3%-5%, đơn cử chụp CT 64 dãy đến 128 dãy tăng từ 1,7 triệu đồng lên 1.786.000 đồng; chụp CT toàn thân từ 256 dãy có thuốc cản quang từ 6.673.000 đồng lên hơn 7 triệu đồng; lọc màng bụng chu kỳ từ 562.000 đồng lên 590.000 đồng, lọc máu liên tục từ 2,2 triệu lên 2,3 triệu đồng; nội soi phế quản dưới gây mê lấy dị vật 3.261.000 đồng lên 3.424.000 đồng; phẫu thuật cắt u lành thực quản từ 5,4 triệu lên 5,7 triệu đồng; phẫu thuật cắt túi mật từ 4,5 triệu lên hơn 4,7 triệu đồng; phẫu thuật thay khớp gối bán phần từ 4,6 triệu lên 4,8 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 8-2019, Bộ Y tế đã điều chỉnh giá viện phí theo lương cơ sở mới. Với quy định đưa chi phí tiền lương và phụ cấp vào viện phí, việc điều chỉnh dịch vụ y tế theo lương sẽ được thực hiện hằng năm.

Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, giá dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm dịch vụ khám chữa bệnh sử dụng ngân sách nhà nước) thực hiện điều chỉnh theo lộ trình năm 2016-2020 theo hướng từng bước kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ.

Cụ thể, đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý); đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí quản lý (chưa tính kế hoạch tài sản cố định); đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương + chi phí quản lý + chi phí kế hoạch tài sản cố định. Theo Bộ Y tế, việc tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các BV vào giá viện phí, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết viện phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá với nguyên tắc từng bước tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh, chia sẻ trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người bệnh; nhà nước trợ giúp một phần hoặc toàn bộ viện phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu thông qua BHYT. Việc điều chỉnh này thực hiện theo Nghị định 16 của Chính phủ về quy định lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá đã chậm hơn lộ trình và đến thời điểm này, Bộ Y tế mới đưa ra dự thảo lấy ý kiến.

"Với các BV tự chủ về tài chính, nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho các khoản này. Nếu nghị định được ban hành, chi phí quản lý sẽ được tính vào giá dịch vụ y tế. Đơn cử như việc tính lương nhân viên y tế vào giá viện phí, năm 2018, ngành y tế đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 9.000 tỉ đồng. Số tiền tiết kiệm này, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua việc tăng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT" - ông Nguyễn Nam Liên nói.

Phân tích về những tác động tới người dân, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng theo chính sách hiện nay, các đối tượng nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công… đều đã được miễn phí mua thẻ BHYT và được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Do đó, việc tăng viện phí không ảnh hưởng đến người nghèo.

Đối với người cận nghèo có tỉ lệ đồng chi trả là 5%, theo ông Nguyễn Nam Liên, mức độ tác động không đáng kể. Với các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT, giá viện phí tăng nhẹ thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Ngoài ra, chính sách cũng có nhiều hỗ trợ khác như người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Với mức lương hiện nay, đối tượng này được thanh toán tăng từ 8.340.000 đồng lên 8.940.000 đồng. Đồng thời, mức thanh toán chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không quá 45 tháng lương cơ sở sẽ tăng lên, tương đương 67,05 triệu đồng.

"Tuy nhiên, với nhóm đối tượng hơn 10% chưa có thẻ BHYT nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật có thể bị tác động mạnh. Do đó, để giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tốt nhất người dân nên tham gia BHYT" - ông Nguyễn Nam Liên khuyến cáo. (1227)

  1.  Báo động tình trạng vi phạm quy định hành nghề y, dược ở Hà Nội

Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Hà Nội mới đây có báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn TP. Báo cáo cho biết, tính đến 30/6/2019, tổng số cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn TP là 3.788 cơ sở, trong đó có 38 bệnh viện, 170 phòng khám đa khoa, 725 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, 2.855 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Số cơ sở hành nghề dược là 7.728 cơ sở, bao gồm 1.165 công ty; 3.880 nhà thuốc; 2.530 quầy thuốc và 153 cơ sở kinh doanh dược với các hình thức tổ chức khác.

Theo báo cáo, trong 3 năm từ 2016 đến năm 2018, các cơ quan chức năng đã thanh kiểm tra 8.488 lượt cơ sở. Trong đó, Sở Y tế thanh tra 1.476 lượt cơ sở, kiểm tra, hậu kiểm y, dược 552 lượt cơ sở; Phòng Y tế cấp huyện thanh tra 7.012 lượt cơ sở; xử lý vi phạm hành chính với 1.757 trường hợp.

Báo cáo giám sát đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục, trong đó có việc ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận DN, người hành nghề y, dược tư nhân còn hạn chế, cố tình lợi dụng những kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi trái quy định. Tình trạng các cơ sở hoạt động “chui”, không có giấy phép hành nghề diễn ra khá phổ biến ở các quận, huyện, thị xã mà chưa kiểm soát được; một số y, bác sỹ tại các cơ sở y tế tư nhân hành nghề không đúng chuyên môn, chưa đặt sức khỏe người bệnh lên hàng đầu, chạy theo lợi nhuận...

Đối với các cơ sở hành nghề dược có tình trạng người bán thuốc không có bằng cấp chuyên môn; hoạt động khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; bán thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn của bác sỹ... Với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, vẫn tồn tại các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt theo quy định…

Qua giám sát, đoàn giám sát cũng nhận thấy việc quản lý nhà nước với lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân chưa thật sự sát sao, quyết liệt, còn mang tính nể nang, chủ yếu là nhắc nhở, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính thấp, nhất là với tuyến quận, huyện, xã, phường; chưa kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo khám, chữa bệnh; chưa kiên quyết xử lý đối với các cơ sở hoạt động không phép. Theo đoàn giám sát, trách nhiệm chủ yếu của tồn tại này là của UBND cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài còn hạn chế, còn để xảy ra tình trạng bác sĩ nước ngoài không có giấy phép nhưng vẫn hành nghề. Các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, spa không có chức năng nhưng vẫn quảng cáo việc thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh sau phẫu thuật thẩm mỹ; trong khi việc quản lý, xử lý các hoạt động quá phạm vi sang lĩnh vực y tế của các cơ sở thẩm mỹ viện, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, spa còn lúng túng, bất cập.

Báo cáo giám sát chỉ ra rằng những tồn tại trên xuất phát từ  nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, ở nhóm nguyên nhân khách quan, có việc theo quy định, khung xử phạt hành chính vi phạm với cơ sở kinh doanh được bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn của bác sỹ quá thấp, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 – 500 ngàn đồng, không đủ sức răn đe.

Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo nhấn mạnh việc chưa có những quy định cụ thể và biện pháp hiệu quả để quản lý với các loại hình nhạy cảm như thẩm mỹ viện, spa, chăm sóc sắc đẹp; mức xử phạt hành chính với các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là cơ sở không có giấy phép hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề chữa bệnh, vượt thẩm quyền xử phạt hành chính của UBND cấp huyện, khiến việc xử lý vi phạm khó khăn, bất cập.

Đặc biệt, một số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép hoạt động, đã kiểm tra, xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, cơ sở đã cam kết đóng cửa nhưng vẫn lén lút hoạt động. Bởi, theo quy định hiện hành, rất khó có thể đóng cửa được phòng khám tư nhân cho dù những cơ sở này liên tiếp tái diễn vi phạm, vì quy định chỉ cho phép đóng cửa phòng khám khi họ có giấy phép nhưng không hoạt động trong 12 tháng hoặc giấy phép hoạt động cấp không đúng thẩm quyền; mà không có quy định đóng cửa phòng khám tư nhân nếu vi phạm quy định về hành nghề trong nhiều lần liên tiếp.

Từ thực trạng trên, báo cáo đề xuất kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó đề xuất tăng mức phạt để đủ sức răn đe, bổ sung các hình thức đình chỉ vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, tăng nặng hình thức xử lý, xử phạt đối với cá nhân.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn về điều kiện hoạt động đối với các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như phun xăm thẩm mỹ, spa... vì đây là các loại hình kinh doanh nhạy cảm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với Sở Y tế TP Hà Nội, đoàn giám sát đề nghị Sở này tăng cường phối hợp các quận, huyện, thị xã, phối hợp liên ngành trong thanh kiểm tra, hậu kiểm hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; đặc biệt với các cơ sở khám chữa bệnh, các dịch vụ thẩm mỹ, spa... các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty xử lý rác thải y tế. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...  (1202)

  1.  Thanh tra tỉnh Cà Mau ra "tối hậu thư" cho Sở Y tế

Ngày 30-9, Thanh tra tỉnh Cà Mau cho biết, vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh phải khẩn trương thực hiện kết luận thanh tra.

Cụ thể, Thanh tra tỉnh Cà Mau đã nhiều lần đôn đốc, cũng như làm việc trực tiếp với lãnh đạo Sở Y tế về thực hiện quyết định xử lý về thanh tra. Sở Y tế cam kết sẽ thực hiện trước ngày 15-5-2019 nhưng đến nay chưa thực hiện đầy đủ 2 nội dung kết luận thanh tra.

Theo đó, kết luận thanh tra từ ngày 21-5-2013, Sở Y tế Cà Mau phải nộp 537 triệu đồng. Trong đó 525 triệu đồng do lập dự toán sai khối lượng so với bản vẽ hoàn công và khối lượng thực tế 17 công trình, dự án do Sở này làm chủ đầu tư; 11 triệu đồng tiền huy động để ngoài sổ sách kế toán...

Đồng thời chỉ đạo 3 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Nước, Bệnh viện Đa khoa huyện Năm Căn thu hồi số tiền 3,1 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra ngày 15-8-2012 về kiểm tra làm rõ Bệnh viện đa khoa huyện Trần Văn Thời sử dụng, thanh quyết toán hóa đơn thuốc số tiền 418 triệu đồng, số tiền quyết toán BHYT chênh lệch 439 triệu đồng...

Thanh tra tỉnh Cà Mau ra "tối hậu thư" cho Sở Y tế Cà Mau tổ chức thực hiện và chỉ đạo các bệnh viện nộp dứt điểm số tiền nêu trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra và thông báo về Thanh tra trước ngày 15-10-2019.Quá thời gian nêu trên, Thanh tra sẽ báo cáo UBND tỉnh Cà Mau xin ý kiến xử lý. (313)

  1.  Bệnh viện Vùng 'nghìn tỷ' Tây Nguyên: Liên tục ​bơm tiền khắc phục sự cố

Trong khi lãnh đạo tỉnh Ðắk Lắk tiếp tục phê duyệt chủ trương chi tiền ngân sách để “xử lý các sự cố” và “khắc phục các tồn tại” không ngừng nảy sinh ở Bệnh viện (BV) Ða khoa Vùng Tây Nguyên, thì Trưởng Ban Quản lý Dự án xây dựng công trìnhnghìn tỷ này đã làm đơn xin nghỉ việc.

Cuối tuần qua, nguồn tin của PV Tiền Phong xác nhận BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên lại vừa có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục đề nghị Ban Quản lý dự án phải có trách nhiệm khắc phục các sự cố và bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống làm lạnh cũng như hệ thống khí y tế của trung tâm.

Theo đó, từ tháng 2/2019, khi BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên bắt đầu đưa vào sử dụng tới nay, các hệ thống làm lạnh trung tâm và hệ thống khí y tế trung tâm liên tục gặp sự cố. Hệ thống lạnh nhà A vẫn chưa được lắp đặt 2 bộ điều khiển trung tâm, hướng dẫn vận hành, đang báo lỗi nước ngưng; Hệ thống làm lạnh trung tâm nhà B cũng đang trong tình trạng tương tự. Nhiều bệnh nhân đã nhắn tin kêu cứu với báo

Hệ thống làm lạnh cho các phòng mổ Chiller cũng báo đang hỏng mô tơ số 3; AUH3 bị rò rỉ nước nhiều. Hệ thống khí y tế hỏng Mainboad báo động trung tâm và Mainboad điều khiển máy hút trung tâm. Tới nay, dù đã đề nghị rất nhiều lần, BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên vẫn chưa được bàn giao hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của hệ thống lạnh trung tâm các khối nhà A, nhà B, hệ thống làm lạnh các phòng mổ, hệ thống y tế trung tâm; hồ sơ kiểm định chất lượng khí y tế và khí sạch phòng mổ.

Ngày 26/9, phóng viên Tiền Phong có mặt tại khoa Cấp cứu của BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên, chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang xô chậu để hứng nước… do bị dột. “Tôi mới vào cấp cứu sáng nay. Không thể tưởng tượng BV nghìn tỷ mới đưa vào sử dụng mà lại xuống cấp nhanh vậy”, một bệnh nhân phàn nàn.

Khắp khuôn viên BV đầy những hình ảnh xây dựng chắp vá, bổ sung, sửa chữa. Trong lúc công trình xử lý nước thải phía sau Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn đang xây dở dang, thì nhiều nơi trong các khối nhà điều trị, nước thải vẫn ngày ngày chảy lênh láng khắp hành lang, thấm xuyên qua các vách tường, bốc mùi hôi thối.

Như Tiền Phong đã nhiều lần đưa tin, từ ngày 26/2/2019 BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên chính thức đi vào hoạt động sau gần chục năm xây dựng, tiêu tốn hơn 1.100 tỷ đồng, với thiết kế 800 giường bệnh, diện tích mặt sàn hơn 70 nghìn m2, trên diện tích đất 12ha, rộng gấp hơn 2 lần so với diện tích BV cũ, là BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.Nhìn từ xa, các khối nhà của BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên  khá đồ sộ, khang trang. Thế nhưng vào tận nơi mới thấy chất lượng công trình quá kém từ thiết kế, xây dựng cho tới trang thiết bị. Tới nay, Ban Quản lý Dự án  vẫn chưa bàn giao đủ hồ sơ thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình này cho lãnh đạo BV này. Sau khi BV có công văn xin sửa chữa nhiều hạng mục, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 32,375 tỷ đồng để “khắc phục các sự cố”, trong đó có việc đập bỏ cầu nối 1 tầng công năng quá hạn chế, để xây cầu nối 4 khu điều trị.

Trong khi vẫn chưa có cá nhân, tập thể nào bị xử lý với bất kỳ hình thức gì về các dấu hiệu sai phạm liên quan quá trình đầu tư, xây dựng ở BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên, thì một số cán bộ, nhân viên Sở Y tế Đắk Lắk có liên quan vấn đề tài chính của công trình này mới đây đã nộp đơn xin nghỉ việc. Trong số đó có ông Đặng Minh Cảnh, Trưởng Ban Quản lý Dự án và ông Trần Vũ Sơn, Phó phòng Tài chính kế toán của Sở Y tế Đắk Lắk. Ông Cảnh là người từng trả lời đại diện báo Tiền Phong về lý do không cung cấp hồ sơ mua 111 máy tính trái nguyên tắc giá siêu đắt, và hồ sơ xây dựng BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên: “Tôi chỉ là nhân viên phòng Tài chính Kế toán. Sếp bắt làm trưởng ban quản lý thì phải làm, chứ có quyền gì đâu ?!”.

Ngày 1/7/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk có Thông báo số 107 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tại buổi kiểm tra hiện trạng các khu đất dự kiến xây thêm công trình tại BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Theo đó, lãnh đạo tỉnh này thống nhất kêu gọi đầu tư xây nhà lưu trú, siêu thị; Thống nhất nâng cấp Khoa Ung bướu quy mô 400 giường, “trong đó có bố trí khu vực để xử lý tồn tại của Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ chức trách cho biết, nguồn ngân sách sẽ phải tiếp tục chi theo Thông báo 107 ước phải trên dưới 200 tỷ đồng. Còn hiện tại, các gói thầu đang xây, sửa hơn 32 tỷ đồng vẫn do Ban Quản lý Dự án, triển khai trong 2 năm 2019-2020. Trong nguồn này chưa có khoản tiền xây Khu chống nhiễm khuẩn khác theo tinh thần “xử lý tồn tại” như Thông báo số 107 đã dẫn, để thay thế Khu chống nhiễm khuẩn trị giá nhiều chục tỷ đồng mới bàn giao nhưng không đạt yêu cầu chống nhiễm khuẩn, chỉ phù hợp bố trí làm khu giặt ủi cho BV.

Tới nay, Ban Quản lý Dự án  vẫn chưa bàn giao đủ hồ sơ thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình này cho lãnh đạo BV này. Sau khi bệnh viện có công văn xin sửa chữa nhiều hạng mục, HÐND tỉnh Ðắk Lắk đã phê duyệt chủ trương đầu tư 32,375 tỷ đồng để "khắc phục các sự cố", trong đó có việc đập bỏ cầu nối 1 tầng công năng quá hạn chế, để xây cầu nối 4 khu điều trị. (1126)

  1.  Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan ở Phú Thọ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan.

Trong 2 ngày 27- 28/09/2019, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ phối hợp với Hội Đột quỵ Việt Nam và Sở Y tế Phú Thọ tổ chức “Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan lần thứ 8”.

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nhân Kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Đột quỵ Việt Nam và 1 năm thành lập Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Huy Dụng – Phó trưởng Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương; GS.TS Lê Quang Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam; TS Nguyễn Huy Ngọc – Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ.

Đặc biệt có sự tham gia của GS. TS Michael Brainin – Chủ tịch Hội Đột quỵ Thế giới cùng các giáo sư hàng đầu của Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Áo. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của hàng trăm giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ và các nhà khoa học đến từ các cơ sở khoa học trong cả nước.

Hiện nay, bệnh đột quỵ đang gia tăng theo xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Đây là căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng và để lại di chứng nặng nề nếu không kịp thời phát hiện, có xử trí ban đầu đúng và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ là bệnh gây tử vong đứng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong ở con người và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Tại Việt Nam, số người phải nhập viện điều trị vì đột quỵ tăng lên từ 1,7% đến 2,5% trong 3 năm trở lại đây. Tỷ lệ nam giới cao gấp 4 lần nữ giới, số người đột quỵ trong độ tuổi trẻ từ 40 đến 45 tuổi đang có xu hướng gia tăng mạnh, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam đã chỉ rõ “Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp với hai mục tiêu chính là hạn chế hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương và ngăn chặn các tổn thương sau đột quỵ theo phương pháp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, điều trị tích cực, toàn diện và dự phòng tái phát. Việc chẩn đoán nhanh, kịp thời, làm việc theo nhóm, chăm sóc và điều trị đúng ở các tuyến theo từng giai đoạn cần phải rất khẩn trương để đem lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh”.

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/9/2018, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là trung tâm đầu tiên trong cả nước hoạt động theo quy trình khép kín, hoàn chỉnh (mô hình của Anh và Hoa Kỳ) với 3 đơn vị trực thuộc. Sau khi thành lập, trung tâm đã xây dựng một mạng lưới các đội đột quỵ tại các bệnh viện tuyến cơ sở, nhờ đó mà người bệnh đột quỵ đã được tiếp cận những kỹ thuật mới, chuyên sâu về đột quỵ.

Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị”cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ. Nhờ đó, các bác sỹ nhanh chóng đưa ra quyết định sử dụng các phương pháp tiêu can thiệp kịp thời trong cấp cứu người bệnh đột quỵ.

Trong khuôn khổ hội nghị, hơn 60 báo cáo được trình bày với các nội dung phong phú, tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực thuộc chuyên ngành đột quỵ như: Dịch tễ đột quỵ não và thần kinh liên quan; chẩn đoán, điều trị và dự phòng đột quỵ, các bệnh lý thần kinh liên quan; can thiệp mạch não, can thiệp thần kinh; chẩn đoán hình ảnh, hồi sức đột quỵ - thần kinh; điều dưỡng, phục hồi chức năng đột quỵ - thần kinh…

Là một trong những nhóm bệnh lý phức tạp có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng, thường để lại di chứng nặng nề, đột quỵ và bệnh lý thần kinh làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan lần thứ VIII là dịp để những người làm trong lĩnh vực y tế có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý này. (906)

 

  1.  Đưa y học cổ truyền vào đời sống

Mặc dù nền y học ngày càng phát triển, ứng dụng nhiều thành tựu của khoa học - công nghệ, nhưng vai trò của y học cổ truyền vẫn hết sức quan trọng, nhất là trong phối hợp đông y với tây y để điều trị cho người bệnh. Với 6.200 hội viên, Hội Đông y TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị y học cổ truyền.Thời gian gần đây, hoạt động của Trạm Y tế xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội) trở nên sôi động hơn. Người dân nhiều lứa tuổi đến khám sức khỏe và chữa bệnh. Đổi thay này bắt đầu từ khi Hội Đông y thành phố phối hợp Sở Y tế Hà Nội tổ chức đưa thầy thuốc y học cổ truyền vào làm việc tại trạm y tế. Tại đây đã thành lập tổ khám, chữa bệnh y học cổ truyền gồm ba cán bộ của Hội Đông y thành phố Hà Nội, hai cán bộ Hội Đông y huyện và một số cán bộ của huyện Thường Tín, xã Tô Hiệu. Các lương y bắt mạch, tư vấn, bốc thuốc, châm cứu, bấm huyệt… chữa trị nhiều loại bệnh: Đau vai gáy, thoái hóa cột sống, tim mạch, các bệnh về đường hô hấp… Bệnh nhân Phạm Thị Mai (xã Tiền Phong) cho biết: “Việc tổ chức khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã giúp chúng tôi không phải vất vả đi lên tuyến trên chữa bệnh. Chúng tôi rất phấn khởi với cách làm này”.

Việc đưa vào hoạt động phòng y học cổ truyền tại Trạm y tế xã Tô Hiệu là sản phẩm của Đề án đưa thầy thuốc, lương y vào khám bệnh tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn do Hội Đông y thành phố phối hợp Sở Y tế Hà Nội triển khai, nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở. Bốn quận, huyện được chọn triển khai thí điểm gồm: Thường Tín, Ba Đình, Chương Mỹ, Thanh Xuân. Giai đoạn đầu, mỗi địa phương thí điểm khoảng hai mô hình. Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội, Lương y Nguyễn Hồng Siêm cho biết: “Mỗi quận, huyện sẽ thí điểm tại hai xã. Đến cuối năm nay sẽ đánh giá kết quả hoạt động để mở rộng trong những năm tiếp theo. Phấn đấu sau 10 năm nữa, tất cả các xã, phường có phòng y học cổ truyền”.

Với 6.184 hội viên tại 30 quận, huyện, thị xã, những năm gần đây, Hội Đông y ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực, gắn với đời sống hơn như khám, chữa bệnh; nghiên cứu, ứng dụng, bào chế nhiều loại thuốc bắc, thuốc nam; đào tạo các lương y; vận động người dân xây dựng những vườn dược liệu… Từ năm 2016, Hội Đông y và Sở Y tế đã ký Kế hoạch số 1890-KH/SYT-HĐY về việc phối hợp hoạt động giữa Sở Y tế và Hội Đông y trong công tác “Kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”. Các hội viên của Hội Đông y đã cùng trạm y tế xã, phường xây dựng vườn thuốc mẫu, hướng dẫn sử dụng cây thuốc nam tại nhà cho người dân; tham gia cùng ngành y tế phòng, chống dịch bệnh... Hằng năm, các hội viên Hội Đông y đã khám, chữa bệnh cho hàng triệu lượt người. Tỷ lệ khỏi bệnh và đỡ đạt hơn 80%, trong đó có nhiều bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo. Khoảng 30-40% bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như: Xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống, diện chẩn... Đưa thầy thuốc của Hội Đông y vào các trạm y tế từ tháng 7-2019 đến nay là bước tiếp theo của việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa y học cổ truyền ứng dụng rộng rãi hơn trong điều trị bệnh.

Trên thị trường có nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc và dược liệu kém chất lượng. Ban lãnh đạo Hội Đông y đã vận động hội viên và cộng đồng phát triển công tác nuôi trồng, chế biến, sử dụng các loại dược liệu, phát triển nghề trồng dược liệu cùng với mô hình “vườn dược liệu” ở trạm y tế hay trong gia đình. Huyện Chương Mỹ là địa bàn trọng điểm trong phát triển vườn dược liệu. Toàn huyện đã có 40 vườn thuốc nam, 33 vườn thuốc mẫu tại các trạm y tế xã, thị trấn. Trong đó, xã Tân Tiến có vườn thuốc nam rộng tới 30 ha; các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Đông Sơn, Trần Phú… đều có những vườn thuốc khoảng 10 ha. Hiện nay, huyện Sóc Sơn có tổng diện tích trồng dược liệu gần 50 ha. Phối hợp Hội Đông y, Công ty cổ phần Ao Vua (huyện Ba Vì) đã đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng vườn dược liệu 20 ha với hơn 360 loài, trong đó có nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây được đánh giá là một trong những vườn dược liệu lớn nhất khu vực phía bắc. Hội Đông y thành phố còn phối hợp Hội Châm cứu Việt Nam, Trường Y dược Tuệ Tĩnh liên tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã kết hợp Trường Y dược Tuệ Tĩnh đào tạo gần 2.000 y sĩ y học cổ truyền. Hội cũng tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo thông qua các đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, kết hợp giữa đông y và tây y sẽ nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, động viên những người làm nghề y dược cổ truyền dân tộc cống hiến tài năng, kinh nghiệm vào công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tuyên truyền, hướng dẫn các trạm y tế và người dân chủ động tổ chức trồng và nhân giống nhiều loại dược liệu để phát triển vườn thuốc nam, bảo tồn những cây thuốc quý. (1087)

  1.  Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình trạm y tế điểm

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay, đã có 143/584 (24,49%) các trạm y tế triển khai mô hình trạm y tế điểm theo nguyên lý y học gia đình.

Nhằm thực hiện tốt việc triển khai mô hình trạm y tế điểm theo nguyên lý y học gia đình, Sở Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh công tác truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đài, báo đã đưa tin tuyên truyền về mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền việc các bác sĩ từ tuyến thành phố, tuyến huyện về tăng cường khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các Trung tâm y tế tổ chức sắp xếp lại các buồng, phòng của các trạm y tế xã theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quan tâm đến công tác khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, ưu tiên cho phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, phòng tiêm chủng, phòng khám bệnh y học cổ truyền, phòng truyền thông tư vấn sức khỏe.

Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã cũng đã quan tâm rà soát và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế như: Quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Đông Anh, Đan Phượng, Sóc Sơn, Thanh Trì... Các đơn vị đã bố trí vốn đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới các trạm y tế. Các Trung tâm y tế đang xây dựng kế hoạch cải tạo nhỏ như sơn sửa, mua sắm bàn, ghế, giường khám bệnh…cho phù hợp.

Đồng thời, các trạm y tế đã phối hợp với ban, ngành của xã, phường triển khai mô hình trạm y tế điểm tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương về việc tham gia Bảo hiểm y tế và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngay tại trạm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã tổ chức rà soát phê duyệt dự toán và kế hoạch đấu thầu thuốc cho các đơn vị theo nguồn quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho các trạm y tế thực hiện mô hình điểm.

Đặc biệt, các Trung tâm y tế đã bố trí đủ 100% các trạm y tế triển khai trong năm 2019 có đủ bác sĩ đa khoa công tác tại trạm y tế và bố trí y sĩ Đông y khám chữa bệnh y học cổ truyền. Hiện nay, các Trung tâm y tế đã chủ động liên hệ với các bệnh viện được phân công để được hỗ trợ từ các bệnh viện.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện của một số quận, huyện còn chưa đạt so với mục tiêu đề ra. Một số trạm y tế điểm đã triển khai nhưng chất lượng chưa đảm bảo, cơ sở vật chất, sắp xếp buồng phòng chưa đạt yêu cầu, thu hút người dân đến hưởng dịch vụ còn thấp. Một số trạm y tế thuộc quận nội thành chưa ký được hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội.

Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông và kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện mô hình trạm y tế điểm; nâng cao năng lực về công tác khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo nhân lực cho các trạm y tế; bố trí bác sĩ công tác tại trạm và tăng cường hỗ trợ bác sĩ từ bệnh viện tuyến trên... nhằm nâng cao công tác quản lý, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại y tế tuyến cơ sở ngày càng tốt hơn. (663)

 

 

  1.  Y tế học đường: Những khoảng trống cần quan tâm

Phát triển y tế học đường còn được coi là biện pháp chủ yếu để tạo nền tảng sức khỏe, trí tuệ, tinh thần giúp các em học sinh, sinh viên vững bước phát triển trong tương lai. Vừa qua tại Hà Nội, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDÐT) đã tổ chức hội thảo, tập huấn hướng dẫn về công tác y tế trong trường học. Ðây là hoạt động thiết thực của ngành giáo dục nhằm củng cố, kiện toàn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục về chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên thời điểm năm học mới sắp đến gần. Tham gia hội thảo, tập huấn có đại diện lãnh đạo và cán bộ của 40 Sở giáo dục và đào tạo trong cả nước.

Công tác y tế học đường ngày càng được đánh giá có vai trò quan trọng trong giáo dục, liên quan trực tiếp đến phát triển thể chất của học sinh sinh viên. Cả nước hiện có gần 23 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 dân số. Đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, dần hình thành thói quen sinh hoạt cho cuộc sống sau này, vì vậy rất cần được chú ý trong giáo dục, rèn luyện, qua đó tạo thuận lợi, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Trong quá trình trưởng thành của các em, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, vì lứa tuổi đi học là giai đoạn hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống. Hơn nữa trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, môi trường trường học ẩn chứa không ít nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh tật ở học sinh, sinh viên.

Nhiều nước phát triển trên thế giới luôn chú trọng vấn đề chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên, xem trường học là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai thông qua rèn luyện kỹ năng sống, cải thiện môi trường học tập và chăm sóc sức khỏe.

Phát triển y tế học đường còn được coi là biện pháp chủ yếu để tạo nền tảng sức khỏe, trí tuệ, tinh thần giúp các em học sinh, sinh viên vững bước phát triển trong tương lai.Tuy nhiên trên thực tế những năm qua công tác y tế trong các trường học còn nhiều bất cập, thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Bộ GDĐT cung cấp kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, cả nước hiện có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tuy nhiên tổng số nhân viên y tế trường học chỉ chiếm 74,9%, trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%. Số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non.

Ngành Giáo dục cũng đánh giá, hơn 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ y tế về chăm sóc sức khỏe học đường, công tác này vẫn chưa có những thay đổi vượt bậc ở hầu hết các địa phương. Tỷ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, cùng với đó có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của HS.  Nhiều bất cập đang tồn tại. Thông tư 13 quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên, nhưng số trường có cán bộ đảm bảo trình độ chuyên môn này chỉ đạt khoảng 30%.

Nhiều trường hiện nay chỉ tuyển dụng điều dưỡng, nữ hộ sinh nên hoạt động không theo “quy trình” nào, từ hồ sơ sổ sách đến lĩnh vực chuyên môn. Thậm chí có nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ, nhân viên thư viện... kiêm nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn “trắng” nhân viên y tế.

Phần lớn phòng y tế học đường chưa đáp ứng yêu cầu so với quy định mà mới chủ yếu tập trung vào công tác vận động tham gia bảo hiểm y tế, sơ cấp cứu các chấn thương thông thường.

Với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi hay bán trú thì vai trò nhân viên y tế nhà trường ngày càng trở nên quan trọng. Ngoài ra, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tế.

Thực trạng kể trên cho thấy, tâm lý xem nhẹ vai trò của công tác y tế học đường vẫn đang còn tồn tại ở nhiều địa phương. Việc đánh giá đúng vai trò của y tế học đường sẽ khiến cho chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên một bước.

Thực tiễn cuộc sống cũng như nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu đối với các nhà trường phải quan tâm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội.

Nghĩa là mỗi ngôi trường không chỉ có một phòng y tế cho đảm bảo về mặt hình thức mà còn phải thực sự quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Trong đó quan trọng nhất là yếu tố con người. Cán bộ y tế trường học phải là người tham mưu cho Hiệu trưởng và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch, bệnh, tật cho học sinh trong trường. Hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường, xây dựng khung dinh dưỡng-y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh, sinh viên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước.

Nhân viên y tế trong trường học phải là những người có năng lực chuyên môn, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh. Bên cạnh việc sơ cứu, khám, tư vấn còn là vấn đề an toàn thực phẩm, một yếu tố còn nhiều lo ngại hiện nay. Ở một số trường học, nhân viên y tế chính là người giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu không may xảy ra ngộ độc. Nhân viên y tế cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh trong trường học như sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay - chân - miệng, viêm màng não mô cầu... Ngoài ra, nhân viên y tế cũng là người chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học thông qua bệnh án được khám bệnh vào mỗi đầu năm. Chính vì những nhiệm vụ nặng nề đó, nhân viên y tế trong nhà trường phải được tập huấn, cập nhật thường xuyên kiến thức y khoa đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe học đường được hiệu quả nhất. (1311)

  1.  Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương – Phú Thọ kỉ niêm 9 năm thành lập

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (địa chỉ tại QL 2, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) vừa tổ chức kỷ niệm 09 năm thành lập và kí kết hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ chuyên môn y tế giữa BVĐK Hùng Vương với BV Hưng Thịnh, BV Đức Minh và Phòng khám đa khoa 153.

Tại lễ kỉ niệm, thay mặt Ban Giám đốc BV, Ông Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc BVĐK Hùng Vương gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban lãnh đạo BV, tập thể y bác sĩ sát cánh cùng Ban giám đốc BV hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo dựng được niềm tin đối với người bệnh. Dịp này, BV cũng đã trao những phần thưởng cho các tập thể khoa phòng, các tổ chức, câu lạc bộ trong BV có thành tích xuất sắc trong trong công tác cấp cứu bệnh nhân kịp thời và trách nhiệm trong thời gian qua.

Tại đêm Gala kỷ niệm thành lập - tối 28/9 - đã diễn ra Lễ ký kết biên bản hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ chuyên môn y tế giữa BVĐK Hùng Vương với BV Hưng Thịnh, BV Đức Minh và Phòng khám Đa khoa 153.

Các bên thống nhất thoả thuận các điều khoản BVĐK Hùng Vương hỗ trợ chuyên môn y tế cho các đơn vị như tiếp nhận, khám và điều trị người bệnh của các đơn vị. Các bên chấp nhận kết quả cận lâm sàng nếu đảm bảo chất lượng chuyên môn khi người bệnh đã thực hiện cận lâm sàng tại một trong các bên sau đó đến khám chữa bệnh tại bên còn lại. Chi phí người bệnh tự chi trả tại nơi đã thực hiện cận lâm sàng.

Việc ký kết còn là sự hợp tác hỗ trợ liên kết chuyên môn cùng thực hiện hoặc tham gia các hội thảo khoa học, các chương trình học tập được tổ chức trong hoặc ngoài các đơn vị. BVĐK Hùng Vương hỗ trợ về đào tạo kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật trong trường hợp sắp xếp đủ cơ sở vật chất và nhân lực.

Sau 9 năm hình thành và phát triển, ngoài sứ mệnh mang dịch vụ khám, chữa bệnh phục vụ khách hàng, BVĐK Hùng Vương còn là cơ sở đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị y tế bạn, là cơ sở y tế tổ chức mời các giảng viên, giáo sư, tiến sĩ tuyến trung ương về giảng dạy, tô chức hội thảo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên BV và các cơ sở y tế bạn.

Là mô hình bệnh viện tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và khu vực miền núi phía Bắc, trong suốt  9 năm qua, BVĐK Hùng Vương với sứ mệnh “chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ sức khỏe người dân ở địa phương./. (516)

  1.  Australia: Bệnh nhân mắc bệnh nan y được trợ giá thuốc

Các bệnh nhân mắc bệnh nan y như ung thư phổi, ung thư bạch cầu nguyên bào lymphô và ung thư bạch cầu cấp tính tại Australia sẽ được hưởng lợi từ chương trình trợ giá thuốc của chính phủ.

Dự kiến có thêm ít nhất 500.000 bệnh nhân mắc các căn bệnh nan y như ung thư phổi, ung thư bạch cầu nguyên bào lymphô và ung thư bạch cầu cấp tính tại Australia được hưởng lợi từ chương trình trợ giá thuốc của chính phủ, qua đó góp phần cải thiện chất lượng sống của họ trong thời gian chống chọi với bệnh tật. Trong thông báo ngày 30/9, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết thuốc đặc trị các căn bệnh trên và chứng buồn nôn liên quan đến hóa trị liệu đã được bổ sung vào danh sách dược phẩm thuộc Chương trình Trợ giá dược phẩm (PBS) của chính phủ.

Cụ thể, những loại thuốc này sẽ được bán với giá 40,3 AUD (khoảng 27,2 USD) cho mỗi đơn thuốc hoặc 6,5 AUD (4,3 USD) đối với bệnh nhân có thẻ ưu tiên - chủ yếu là những người đã nghỉ hưu.

Theo Bộ trưởng Hunt, chương trình trên sẽ giúp nhiều bệnh nhân tiết kiệm được hơn 100.000 AUD (67.619 USD) mỗi năm.

Với từng loại thuốc khác nhau, số tiền tiết kiệm được của các bệnh nhân cũng khác nhau - tùy thuộc vào giá các loại thuốc.

Đơn cử với thuốc Avastin - đặc trị ung thư phổi giai đoạn cuối - có tổng chi phí điều trị cả năm là 189.000 AUD (khoảng 127.700 USD), trong khi bệnh nhân thuộc diện ưu tiên được mua với giá 6,5 AUD/đơn thuốc và có khoảng 750 bệnh nhân diện này.  Các quy định mới về trợ giá dược phẩm này có hiệu lực từ ngày 1/10./. (327)


Thăm dò ý kiến