Thông tin y tế 4 - 6/8/2020

06/08/2020 | 11:12 AM

 | 

1. Triển khai phần mềm dịch vụ công xử lý, thu hồi thuốc vi phạm

Cục Quản lý Dược vừa có công văn gửi tới các đơn vị liên quan về triển khai phần mềm dịch vụ công xử lý, thu hồi thuốc vi phạm (TT-86).

Với mục đích tăng cường quản lý chất lượng thuốc ngày càng chặt chẽ hơn, kết hợp với việc cải cách thủ tục hành chính trong công tác xử lý, thu hồi thuốc vi phạm theo qui định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/05/2018 của Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thông tư 03/2020/TTBYT ngày 22/01/2020 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 11/2018/TT-BYT; ngày 13/11/2019, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn số 19356/QLD-CL gửi các Đơn vị để triển khai thí điểm phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục xử lý, thu hồi thuốc vi phạm (TT-86) trên cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.

Đến thời điểm hiện tại, phần mềm dịch vụ công xử lý, thu hồi thuốc vi phạm (TT-86) đã hoàn thiện và được tích hợp trên trang mạng của Cục Quản lý Dược (http://dichvucong.dav.gov.vn/), trong đó đã có kèm theo tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm xử lý, thu hồi thuốc vi phạm để các Đơn vị thực hiện.

Để đảm bảo tính thống nhất trong việc tiếp nhận thông tin từ các Sở Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp.HCM, hệ thống trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cắt giảm công văn, báo cáo giấy theo các quy định hiện hành, Cục Quản lý Dược đề nghị các Đơn vị nghiên cứu tài liệu và tiến hành triển khai phần mềm dịch vụ công xử lý, thu hồi thuốc vi phạm (TT-86) kể ngày 01/8/2020. Trong quá trình triển khai tác nghiệp các Đơn vị có khó khăn, vướng mắc hoặc ý kiến đóng góp xin liên hệ với Cục Quản lý Dược để được trao đổi, giải đáp. (04.8.2020, 364)

2. Triển khai phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 cho đoàn viên ngành y tế

Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã xuất hiện nhiều ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng lan ra nhiều tỉnh trong cả nước, đã có 11 cán bộ y tế và 2 sinh viên bị nhiễm COVID-19. Cán bộ y tế bị nhiễm bệnh sẽ chịu áp lực lớn về thể chất và tinh thần cho bản thân và đồng nghiệp, là nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân.

Để chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở, Công đoàn y tế đề nghị các công đoàn cơ sở thực hiện tốt các nội dung:

Tiếp tục quán triệt các quan điểm, nguyên tắc, phương châm và thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị 16,19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; Tuyên truyền tới đoàn viên là cán bộ nhân viên, người lao động trong ngành y tế tại các đơn vị không tham gia lễ hội tập trung đông người, tập trung cao vào nhiệm vụ chuyên môn và chống dịch COVID-19; Mỗi cán bộ  y tế là tuyên truyền viên tốt nhất để hướng dẫn gia đình mình, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, cộng đồng thực hiện đầy đủ 7 khuyến cáo của Bộ Y tế. Khai báo y tế trực tuyến tại: http://tokhaiyte.vn  hoặc tải ứng dụng công nghệ thông tin như: Ncovid, Bluezone để phát hiện, truy vết các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm; Chủ động trấn an người dân và gia đình người bệnh bình tĩnh, nâng cao sức khỏe, đeo khẩu trang đúng cách; Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm vi rút cúm và gọi điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế theo số điện thoại: 1900.9095; Yêu cầu toàn bộ đoàn viên, người lao động trong ngành y tế thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, sát trùng tay, đo nhiệt độ tại các công sở. Đối với đoàn viên các cơ sở y tế tuyệt đối tuân thủ quy định bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên, người lao động trong các cơ sở y tế, nhất là những đơn vị có phòng cách ly bệnh nhân bị bệnh dịch; Chủ động phối hợp với chuyên môn lên số liệu thống kê về nhu cầu bảo hộ lao động gồm khẩu trang, găng, mũ, áo và các phương tiện cần thiết để đề xuất lãnh đạo đơn vị trang bị cho đoàn viên tại đơn vị mình; Chủ động phối hợp với chuyên môn đề xuất chế độ phòng chống dịch cho cán bộ trực dịch theo đúng quy định hiện hành và các chế độ làm việc ngoài giờ khác theo quy chế của đơn vị; Chế độ bồi dưỡng độc hại và bữa ăn ca khi trực dịch để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ; Rà soát cán bộ y tế trong đơn vị đang trực tiếp làm công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng vẫn hết lòng hy sinh cứu chữa người bệnh, đề nghiệp tập hợp danh sách gửi về Công đoàn Y tế Việt Nam để được động viên quan tâm kịp thời. (04.8.2020, 609)

3. Dịch COVID-19: Người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính được cấp thuốc điều trị 3 tháng

Hướng dẫn kê đơn thuốc trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế nêu rõ: Việc kê đơn thuốc căn cứ vào tình trạng người bệnh để có thể kê số lượng thuốc sử dụng cho người bệnh cao tuổi, người mắc bệnh cần điều trị dài ngày không quá 3 tháng.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã ký công văn số 4112/BYT-KCB gửi các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành để hướng dẫn kê đơn thuốc trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.

Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, để bảo đảm công tác điều trị cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh cần điều trị dài ngày, đồng thời để giảm, hạn chế lượng người đến khám tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc kê đơn thuốc, dự trữ thuốc điều trị trong thời gian phòng, chống dịch COVID -19 tại các địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.

Theo đó, bác sỹ, y sĩ kê đơn thuốc căn cứ vào tình trạng người bệnh để có thể kê số lượng thuốc sử dụng trong đơn cho người bệnh là người cao tuổi, người mắc bệnh cần điều trị dài ngày không quá 3 tháng.

Cơ sở khám, chữa bệnh phải cung cấp số điện thoại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh để liên hệ khi cần thiết. Đồng thời tăng cường tổ chức khám bệnh và kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh tại trạm y tế xã, phường, trường hợp đặc biệt có thể tổ chức cấp phát thuốc tại nhà.

Việc kê đơn thuốc này chỉ thực hiện trong thời gian thực hiện giãn cách, cách ly xã hội của địa phương, khi hết thời gian giãn cách, cách ly xã hội thực hiện theo quy định hiện hành. (04.8.2020, 413)

4. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Các cơ sở y tế sàng lọc kỹ người bệnh để phòng dịch COVID-19

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người và sàng lọc kỹ toàn bộ người bệnh đang điều trị tại các khoa lâm sàng, thực hiện cách ly tại khu vực riêng và chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công điện số 1212/CĐ-BYT ngày 3/8 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao

Công điện của Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tình hình bệnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp; đã có trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang người bệnh, nhân viên y tế, người nhà, người chăm sóc người bệnh.

Bệnh dịch COVID-19 càng trở nên nguy hiểm khi lây sang những người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm theo, đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo...

Để hạn chế tối đa các hậu quả của dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

Với các cơ sở y tế

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu thực hiện triệt để Công điện số 1158/CĐ-BCĐQG ngày 27/7/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các quy định về các biện pháp phòng, và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành.

Khẩn trương rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất.

Thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh, tạo môi trường thoáng khí cho các buồng bệnh. Thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện tại các đơn vị cấp cứu và hồi sức tích cực.

Đồng thời tổ chức rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Sàng lọc kỹ lưỡng toàn bộ người bệnh đang điều trị tại các khoa lâm sàng, thực hiện cách ly tại khu vực riêng và chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 theo quy định.

Thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn, tối đa không quá 03 tháng cho tất cả các đối tượng. Đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn chi tiết cho các địa phương và điều chỉnh trên phần mềm thanh toán bảo hiểm y tế.

Với các trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh lý nền và các trường hợp có nguy cơ cao khác

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các trường hợp có nguy cơ cao khác hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác; khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sỹ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh; luôn sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.

Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt cho người cao tuổi, người có các bệnh mạn tính và các đối tượng có nguy cơ khác. (04.8.2020, 830)

5. 2 phụ nữ mang thai mắc COVID-19, Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ chăm sóc thai nghén, xử trí đỡ đẻ

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế vừa có công văn số 4143/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế Đà Nẵng về việc chăm sóc, theo dõi và xử trí phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19, trước thực tế có 2 thai phụ vừa được phát hiện mắc COVID-19.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, hiện có 02 phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng, bao gồm bệnh nhân số 495 (mang thai 11 tuần) và bệnh nhân số 569 (mang thai 35 tuần), đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng.

Đây là những trường hợp nhiễm COVID-19 trong thời gian mang thai được phát hiện đầu tiên tại Việt Nam. Để đảm bảo việc chăm sóc, theo dõi và xử trí hiệu quả đối với các trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Thành phố Đà Nẵng xây dựng phương án chăm sóc, điều trị cho các phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 và trẻ sơ sinh là con của họ (nếu có), đảm bảo tuân thủ đầy đủ Quyết định số 1271/QĐ-BYT ngày 21 tháng 3 năm 2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) ở phụ nữ mang thai và sơ sinh và các quy định khác về phòng chống dịch bệnh do COVID-19.

Đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang trong việc chăm sóc thai nghén, xử trí đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh, sẵn sàng cho cả hai tình huống đẻ thường và đẻ mổ cũng như xử trí các tai biến, bất thường xảy ra trong quá trình theo dõi, điều trị.

Đặc biệt lưu ý các biện pháp dự phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở điều trị, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bà mẹ nhiễm COVID-19 và trẻ sơ sinh là con của họ.

Bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi trong bối cảnh dịch COVID-19

Theo ý kiến các chuyên gia, chưa có cơ sở khoa học khẳng định thai nhi có khả năng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 qua bánh rau trong quá trình mang thai và COVID-19 cũng ảnh hưởng ít đến phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, nhưng cũng có bằng chứng cho rằng viêm phổi do vi rút ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh.... Một trường hợp từng được báo cáo là một phụ nữ mang thai 30 tuần nhiễm COVID-19 mức độ nặng phải thở máy đã được mổ lấy thai cấp cứu và hồi phục sức khỏe tốt.

Do vậy để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và con yêu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngoài việc bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, kết hợp nghỉ ngơi, làm việc, vận động hợp lý để cơ thể khỏe mạnh, bạn cần thực hiện tốt các điều sau đây:

- Hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, nếu thật cần thiết khi ra đường hoặc ở nơi công cộng, bạn cần cần đeo khẩu trang đúng cách. Giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Che mũi miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp.

- Vệ sinh sạch sẽ nhà ở: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc trưng của virus Corona chủng mới là không lơ lửng trong không khí mà bám trực tiếp vào các bề mặt gỗ, sắt, đá… với thời gian khá lâu, đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn khiến bạn có thể mắc bệnh. Việc thường xuyên vệ sinh nơi ở … bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà là điều quan trọng nhưng ít người chú ý. Nên lựa chọn các chất diệt khuẩn phù hợp và đúng nồng độ để đảm bảo an toàn cho mẹ bầu. Việc vệ sinh nhà cửa bạn cùng tham gia, nhưng cũng nên nhờ hỗ trợ từ các thành gia đình tránh tiếp xúc với hóa chất và chơn trượt.

- Khám thai định kỳ: Việc cần nhất thời điểm này bạn cần ở nhà là phương án tối ưu, tuy nhiên việc đi khám thai định kỳ rất cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh lịch khám thai cũng có thể linh hoạt hơn, bạn nên thảo luận với bác sĩ sản khoa về lịch hẹn, tránh lạm dụng siêu âm. Khi đến khám, mẹ bầu nên bảo vệ cơ thể bằng các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay và tránh giờ cao điểm…

Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi… hoặc biểu hiện khác thường, mẹ bầu báo với bác sĩ theo dõi, giữ tâm lý bình tĩnh, đến các cơ sở y tế gần nhất kiểm tra để có hướng xử trí kịp thời. (04.8.2020, 923)

6. Sức khỏe các bệnh nhân COVID-19 từ Guinea Xích đạo về nước hiện nay ra sao?

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi tiến hành xét nghiệm lại toàn bộ 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước ngày 29/7, chỉ mới ghi nhận 20 ca dương tính virus SARS-CoV-2. Sức khỏe các bệnh nhân đều diễn tiến tốt.

Có nhiều ca có biểu hiện mắc bệnh ở Guinea nhưng khi về nước có thể bệnh đã khỏi nên xét nghiệm âm tính. Tuy vậy, các y bác sĩ đều không chủ quan, thực hiện nghiêm túc các biện phòng chống dịch bệnh để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

Về tình hình của 9 bệnh nhân có diễn biến phức tạp trong đoàn, trong đó 6 người có dấu hiệu tổn thương phổi và 3 người đồng nhiễm COVID-19 và sốt rét, theo Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện tất cả 9 ca bệnh đều diễn biến tốt.

“Với các ca đồng nhiễm, nếu chúng ta chủ quan và bỏ sót bệnh sốt rét thì có thể rất nguy hiểm. Tuy nhiên, từ khi đón bệnh nhân về, chúng tôi đã tiên lường được nguy cơ đấy, cho giám sát kỹ, nên không xảy ra diễn biến nghiêm trọng” – BS. Cấp cho hay.

Trước đó, vào lúc 15h ngày 29/7/2020, chuyến bay đưa lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo trở về đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Sau khi hạ cánh 219 công dân cùng tổ bay được cách ly và điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.

Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất (khoa phòng, giường bệnh, máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc men) và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận, điều trị và phòng chống lây nhiễm cho các công dân Việt Nam trở về từ Guinea Xích đạo; tất cả bệnh nhân đang điều trị tại đây đã được chuyển sang các cơ sở y tế khác.

TS. Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trưởng đoàn Y tế của chuyến bay chia sẻ: Hành trình cả chuyến bay đi và về tổng cộng hơn 30 tiếng, lúc bay đến Guinea mất 12 tiếng, tuy nhiên khi đến sân bay ở Guinea không có sẵn xăng đổ cho máy bay, nên phải chờ xăng từ chỗ khác đến, vì vậy cả đoàn phải chờ mất 6 tiếng.

"Trên chuyến bay có khoảng 15-16 người có biểu hiện sốt nên xử trí bằng thuốc hạ sốt rồi uống nước. Còn lại có 5-6 người bị khó thở, thì các bệnh nhân đó không phải thở máy hay đặt ống nội khí quản. Có thể do áp suất thay đổi và đeo khẩu trang liên tục trên chuyến bay. Các bác sĩ xử trí đo thông số cơ thể các thành viên đều ổn định. Hành trình chuyến bay về cơ bản giống kịch bản đã được chuẩn bị, không có tình huống xấu hơn, về cơ bản chuyến bay đã an toàn" - TS. Hùng nhớ lại. (04.8.2020, 548)

7. Tuyến đầu chống dịch miền Bắc vào chi viện cho miền Trung ruột thịt

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Đà Nẵng, nhất là ở nhóm bệnh nhân nặng, Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào chi viện nhân lực hỗ trợ cho miền Trung chống dịch COVID-19.

Theo đó, trước mắt, 2 chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc chuyên môn của bệnh viện và BS. Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực sẽ vào "tâm dịch" để đánh giá tình hình, từ đó sẽ có phương án điều chuyển nhân lực phù hợp vào hỗ trợ.

BS. Cấp cho biết, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều trị một số ca bệnh nặng, đã có một chút kinh nghiệm và hi vọng có thể truyền đạt lại các kinh nghiệm ấy, giúp các đồng nghiệp vững tin hơn khi điều trị. "Điều quan trọng nhất là phải thiết lập 1 hệ thống mạnh, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến thì hiệu quả điều trị mới cao” - BS. Cấp nhấn mạnh.

Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị, cách ly rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo mới được đón về nước ngày 29/7 vừa qua.

Các chuyên gia nhận định, diễn biến dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang rất phức tạp. Tính đến 18h00 giờ ngày 03/8/2020, cả nước ghi nhận 642 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 324 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), 06 trường hợp tử vong.

Từ ngày 25/7/2020 đến nay đã có 227 trường hợp, trong đó có 195 trường hợp lây nhiễm trong nước tại tại 09 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (136), Quảng Nam (40), Đắk Lắk (03), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (03), Hà Nội (2), Thái Bình (01), Đồng Nai (01), Hà Nam (01).

Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng. Trong đó 06 trường hợp tử vong: TP. Đà Nẵng ghi nhận 05 trường hợp (BN428, BN437, BN499, BN475, BN429), Quảng Nam ghi nhận 01 trường hợp (BN524), đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng.

Riêng ngày 03/8/2020, ghi nhận 22 trường hợp mắc mới gồm 22 ca lây nhiễm trong nước liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng: Đà Nẵng (15); Quảng Ngãi (01), Quảng Nam (6).

Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch là 13 trường hợp, trong đó điều trị tại BV Trung ương Huế 7 ca, điều trị tại BV Đà Nẵng 6 ca. Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO, trong khi trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.

Nhận định về tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng, BS. Cấp cho rằng, có 3 yếu tố chính khiến diễn biến dịch COVID-19 ở Đà Nẵng trở nên nguy hiểm:

Thứ nhất là dịch đã lây lan trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, dịch bệnh tại Đà Nẵng xuất hiện từ tháng 7 đến nay đã trải qua 4-5 chu kì lây nhiễm. Tại Đà Nẵng khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau do đó việc truy vết F0 là không khả thi. Bên cạnh đó, khả năng lây nhiễm ngoài cộng đồng là khá cao.

Thứ hai là dịch tác động vào nhóm bệnh nhân có sức đề kháng rất yếu là người cao tuổi có nhiều bệnh phối hợp như suy thận nặng, chạy thận nhân tạo, nhóm bệnh nhân nằm ở khoa Ung bướu, nhóm bệnh nhân khoa Hồi sức tích cực... Những bệnh nhân này nếu không mắc COVID-19 thì nguy cơ tử vong cũng đã rất cao. Do đó, khi không may bị lây nhiễm virus SAR-CoV-2 thì như "giọt nước tràn ly", nguy cơ tử vong tăng lên rất nhiều.

Cuối cùng, theo BS. Cấp, chính là việc dịch đã tác động đến lực lượng y tế, với một số trường hợp điều dưỡng, bác sĩ mới đây đã được xác định bị lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW nhấn mạnh: “Nếu xu hướng này không được kiểm soát tốt thì việc y, bác sĩ bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân”.

Quyết liệt chống dịch, "chia lửa" với miền Trung ruột thịt

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục triển khai hoạt động Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp chỉ đạo, điều hành; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện truy vết các người đi/đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.

Về giám sát dịch bệnh: Bộ Y tế có Công điện đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Đồng Nai về việc tăng cường điều tra, xử lý ổ dịch trên địa bàn tỉnh; ban hành Thông báo khẩn số 22 của Bộ Y tế; đề nghị UBND tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tăng giá bất hợp lý tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân.

Về công tác xét nghiệm: Tính đến ngày 3/8/2020 trên cả nước đã thực hiện tổng số 493.481 xét nghiệm Realtime RT-PCR. Từ ngày 23/7 – 03/8, Đà Nẵng đã thực hiện 13.321 xét nghiệm (riêng ngày 03/8 xét nghiệm 1.140 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 3.336 xét nghiệm (riêng ngày 03/8 xét nghiệm 106 mẫu) ; TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 19.382 xét nghiệm (riêng ngày 03/8 xét nghiệm 3.421 mẫu).

Về công tác điều trị: Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tiến hành hỗ trợ, giám sát việc lắp đặt cơ sở điều trị Covid-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng; kiểm tra khu cách ly tập trung Bầu Tràm, trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt Hàn. Đề nghị Bệnh viện C Đà Nẵng cử cán bộ y tế hỗ trợ TTYT huyện Hoà Vang. Giao nhiệm vụ cho BVĐK Trung ương Quảng Nam tiếp nhận người bệnh dương tính COVID-19. Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc kê đơn thuốc trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.

Về truyền thông: Bộ Y tế xây dựng Chương trình truyền thông về chùm ảnh nhịp sống trong các khu dân cư cách ly tại tâm dịch Đà Nẵng, đội tình nguyện cộng đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Xây dựng và chuyển tải tin nhắn trên điện thoại di động, các khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay và đăng tải khuyến cáo trên các nền tảng truyền thông.

Về hậu cần: Bộ Y tế tiếp nhận 50.000 test RT-PCR trị giá 20 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế tiếp tục huy động, cử cán bộ y tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cử chuyên gia về hồi sức tích cực đến hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cán bộ xét nghiệm hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. (05.8.2020, 1368)

8. Nhiều điểm mới trong phác đồ điều trị COVID-19 lần thứ 4

Bộ Y tế vừa công bố hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất. Đây là bản cập nhật, sửa đổi lần thứ 4 kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên.

Nghi ngờ mắc COVID-19 người dân sẽ được xét nghiệm ngay

TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền vừa tiếp tục biến đổi gene tạo ra nhiều chủng mới (genotype). Riêng tại Việt Nam đã phát hiện 6 chủng, khác hẳn với chủng tại TP Vũ Hán (Trung Quốc). Chủng mới vừa phân lập nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nguồn nước ngoài vào Việt Nam.

“Điều đáng mừng là chủng này lây lan nhanh nhưng độc lực chưa có gì thay đổi so với chủng ban đầu. Những trường hợp nguy cơ tử vong cao là người già, suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền”, TS Kính nói.

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus này có thể tấn công vào tất cả cơ quan nội tạng cơ thể, trong đó nổi bật là đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng huyết nhưng bệnh cảnh nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cơn bão cytokin cũng làm bệnh cảnh nặng lên.

Cũng theo TS Kính, một điểm cập nhật là nghi ngờ mắc COVID-19 người dân sẽ được xét nghiệm ngay để tránh trường hợp bỏ sót thành nguồn lây nhiễm

Cụ thể, những trường hợp có sốt, ho và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính (không lý giải được bằng các nguyên nhân khác, kể cả những trường hợp được xác định , không cần yếu tố dịch tễ (đi từ vùng có dịch, tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca nghi ngờ) sẽ đều được lấy mẫu xét nghiệm.

Riêng với trẻ em, trong phác đồ mới, Bộ Y tế lưu ý các bác sĩ về tình trạng tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski với các biểu hiện sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, suy tuần hoàn, tổn thương tim, rối loạn đông máu…

Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song lần cập nhật thứ 4, Bộ Y tế đã cho biết  hiệu quả một số thuốc kháng virus như các thuốc Lopinavir, Ritonavir, Interferon sẵn có trong nước, hết virus sau 7 ngày, thuốc Remdesivir của Mỹ, thuốc IVIg...

Riêng Chloroquine, Hydroxychloroquine, Việt Nam ngừng sử dụng hoàn toàn. Thay vào đó sẽ sử dụng thêm huyết tương của người đã khỏi bệnh.

Thay đổi tiêu chuẩn ra viện, thay vì xét nghiệm 2 lần, phác đồ mới phải làm 3 lần

Hưỡng dẫn mới cũng thay đổi cách phân loại các thể lâm sàng. Theo đó, thay vì phân thành viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ, viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng…; lần này bệnh được phân theo 5 cấp độ: Thể không triệu chứng; Mức độ nhẹ- viêm đường hô hấp trên cấp tính; Mức độ vừa- viêm phổi; Mức độ nặng- viêm phổi nặng; Mức độ nguy kịch.

Về tiêu chuẩn xuất viện, TS Kính cũng lưu ý các cơ sở y tế nên xét nghiệm lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 24 giờ, sau đó cho bệnh nhân về nhà theo dõi tiếp tại cộng đồng 14 ngày, tự cách ly tại nhà, khi có bất cứ dấu hiệu thì đến cơ sở y tế gần nhất.

“Thực tế, gặp tình huống xét nghiệm 2 lần cách nhau 24 ngày, chúng tôi giữ lại bệnh viện cách ly chuẩn bị cho ra viện thì bệnh nhân tái dương tính. Chúng tôi nuôi cấy phân lập những trường hợp này thì thấy virus không phát triển, xét nghiệm những trường hợp F1 thì không có ai bị nhiễm. Xét nghiệm của chúng ta rất nhạy nhưng dù thế vẫn nên làm 3 lần cho chắc chắn”- TS Kính nói.

Tiêu chuẩn xuất viện gồm: hết sốt tối thiểu 3 ngày, hết các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm lại 3 lần cách nhau một ngày cho kết quả âm tính, theo dõi tiếp tại nhà 14 ngày.

GS Nguyễn Văn Kính cảnh báo, vừa qua nhiều trường hợp test nhanh trong cộng đồng dương tính, sau đó xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR âm tính đã vội mừng, nhưng thực tế test nhanh có dương tính giả, đồng nghĩa kết quả test âm tính chưa hẳn đã không mắc COVID-19.

Ngoài ra, tỉ lệ lớn trường hợp mới mắc COVID-19, cơ thể sẽ chưa sản sinh ra kháng thể ngay, test nhanh không phát hiện được.

Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày tại nhà.

Trong phác đồ mới, ngay khi phát hiện những ca nghi ngờ, không xác định được nguyên nhân, cơ sở y tế cần lập tức xét nghiệm Realtime RT-PCR, tránh bỏ sót. (05.8.2020, 885)

9. Tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong ở Đà Nẵng không phản ánh độc lực của virus

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết như vậy và nhấn mạnh, rất không may, đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào 3 nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm (gồm: bệnh nhân suy thận mạn tính, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ở khoa ung bướu và bệnh nhân khoa hồi sức).

Đây là nhóm bệnh nhân dù không mắc COVID-19 đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong, việc nhiễm bệnh chỉ như "giọt nước tràn ly" dẫn đến tử vong cao bất thường như hiện tại, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus.

Sáng 4/8, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca tử vong (BN426, BN496) vì suy thận mạn giai đoạn cuối và mắc COVID-19.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay còn một số bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, có nhiều bệnh mạn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày.

"Các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây. Hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu. Có những bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư; nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân đã 100 tuổi... Nay bệnh nhân bị mắc thêm COVID-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mạn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phân tích.

Tính đến 11h40 sáng 4/8, Việt Nam ghi nhận 652 ca mắc COVID-19, 374 ca đã điều trị khỏi (57,4%), 8 trường hợp tử vong (1,1%).

Ngoài ra, hiện có khoảng 13 trường hợp mắc COVID-19 trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, trong đó điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế 7 ca, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng 6 ca.

Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO, trong khi trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.

Một số ý kiến cho rằng, số lượng bệnh nhân tử vong đang tăng cao chứng tỏ độc lực của virus chủng SARS-CoV-2 mới tại Đà Nẵng cao hơn nhiều so với chủng trước đây?. Giải đáp vấn đề này, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, rất "không may", đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào 3 nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm gồm: bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ở khoa ung bướu và bệnh nhân khoa hồi sức. "Đây là nhóm bệnh nhân dù không mắc COVID-19 cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Việc bị nhiễm SARS-CoV-2 chỉ như "giọt nước tràn ly", dẫn đến tử vong cao bất thường như hiện tại, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus"- BS. Cấp nói.

Virus đột biến, tăng khả năng cảm nhiễm

Thực tế, số ca mắc COVID-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.

Cụ thể, về chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8 – 2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây. Đặc biệt lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh COVID-19 một cách hiệu quả.

Việc tử vong của người bệnh là điều bất khả kháng

Còn theo GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong theo tuổi (qua theo dõi 72.000 bệnh nhân ở Trung Quốc) cho thấy:

- Tỉ lệ tử vong trên 70 tuổi là 8%;

- Trên 80 tuổi tử vong là 14.9 %.

- Tại Ý, 90% tử vong là bệnh nhân 90 tuổi.

Trong đó, suy hô hấp là nguyên nhân chính, tiếp theo là suy tuần hoàn, suy đa tạng, do mắc từ trước : Tim mạch, suy thận, đái tháo đường, COPD, suy giảm miễn dịch….

"Tại Việt Nam, 8 bệnh nhân COVID-19 tử vong đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, cộng thêm mắc bệnh COVID-19 thì việc tử vong của người bệnh là điều bất khả kháng" - GS. Bình nhấn mạnh.

GS. Bình dẫn chứng bệnh nhân số 499 tử vong mới đây, bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối, không đáp ứng điều trị hóa chất. Hệ thống bạch cầu giống như hệ thống bảo vệ thì nay sinh ra bạch cầu bất thường, không có chức năng bảo vệ. Bệnh nhân bị viêm phổi rất nặng, rơi vào tình trạng sốc không phục hồi được. Vì thế, nguyên nhân tử vong không khẳng định hoàn toàn do COVID-19, mắc thêm bệnh COVID-19 nữa giống như "giọt nước làm tràn ly”.

Bộ Y tế cho biết hiện có 205 trường hợp lây nhiễm trong nước tại tại 09 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (143), Quảng Nam (43), Đắk Lắk (03), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (03), Hà Nội (2), Thái Bình (01), Đồng Nai (01), Hà Nam (01). Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng.

Trong đó 08 trường hợp tử vong: TP. Đà Nẵng ghi nhận 07 trường hợp (BN426, BN428, BN437, BN499, BN475, BN429, BN496), Quảng Nam ghi nhận 01 trường hợp (BN524), đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng. (05.8.2020, 1145)

10. Nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong

Những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp. Tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng, lập bộ phận thường trực đặc biệt,… tập trung chống dịch nhằm nhanh chóng kiểm soát được tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong,…

Để thực hiện được điều này, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ cùng với ngành y tế, các địa phương và lực lượng khác cũng phải đồng hành vào cuộc.

Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 14h hàng ngày.

Tính đến 14h00 ngày 4/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:

* Thế giới: 18.447.759 người mắc; 697.245 người tử vong; 11.680.369 người bình phục.

* Việt Nam: 652 người mắc; 374 người điều trị khỏi, 8 người tử vong

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

Việt Nam đứng thứ 162/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

- Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, hiện có 9 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần và 12 bệnh nhân có xét nghiệm 2 lần với virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng: Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực xử lý triệt để “ổ dịch”

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

Tình hình điều trị ca bệnh COVID-19

- Hiện có khoảng 13 trường hợp mắc COVID-19 trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, trong đó điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế 7 ca, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng 6 ca.

- Sáng 4/8, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca tử vong (BN426, BN496) vì suy thận mạn giai đoạn cuối và mắc COVID-19. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay còn một số bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Mọi diễn biến của bệnh nhân đều được theo dõi sát và được điều hành qua Trung tâm quản lý điều hành hỗ trợ trực tuyến chẩn đoán và điều trị COVID-19 đặt tại Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị hồi sức, thận nhân tạo, tim mạch, từ các BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh... đến tăng cường hỗ trợ cho Đà Nẵng (Riêng BV Bạch Mai đã cử gần 40 giáo sư, bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ cho Đà Nẵng). Cùng với đó, đã tổ chức 6 cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia cho công tác điều trị bệnh nhân.

Tiếp tục chi viện, tiếp sức cho y tế địa phương

- Trước diễn biến của dịch bệnh ở một số địa phương miền Trung, nhất là ở nhóm bệnh nhân nặng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cử chuyên gia về hồi sức tích cực đến hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cán bộ xét nghiệm hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

- Sáng nay 4/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã đi kiểm tra công tác sẵn sàng điều trị và thu dung bệnh nhân tại Bệnh viện Quân Y 17, Cục Hậu cần, Quân khu V. Đồng thời kiểm tra công tác sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân của BV Đà Nẵng âm tính với SARS-CoV-2 tại BVĐK Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, “chia lửa” cho Bệnh viện Đà Nẵng.

- Bộ Y tế cũng đã có Công điện về tăng cường quyết liệt phòng chống và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh. Công điện gửi Sở Y tế các địa phương về tăng cường phòng chống dịch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Công văn về việc chăm sóc, theo dõi và xử trí phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19, trước thực tế có 2 thai phụ vừa được phát hiện mắc COVID-19....

- Bộ Y tế giao các đơn vị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ ngành Y tế Hà Nội thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 trong giai đoạn trước mắt.

- Tiếp tục huy động, cử cán bộ y tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam...

- Theo các chuyên gia y tế, điểm nổi bật trong công tác phòng chống dịch những ngày qua  là chúng ta đang dồn lực để xử lý những điểm nóng, tuy nhiên cần hết sức chú ý đến nền dự phòng bởi mỗi người dân là 1 chiến sĩ chống dịch, nhưng hiện nhiều người có biểu hiện chủ quan. Do vậy, chúng ta cần nâng mức đề phòng của toàn xã hội. Mỗi người dân đều phải chủ động phòng dịch, thay vì thụ động, xảy ra cái gì làm cái đó.

Thêm một số địa phương cấm tụ tập đông người, thực hiện cách ly xã hội

- Đồng Nai sẽ tạm ngưng các hoạt động côg cộng, trường học, bệnh viện, công sở… từ lúc 0 giờ ngày 4/8/2020 cho đến khi có thông báo mới. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ được hoạt động phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; Bố trí đầy đủ dụng cụ, phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm khoảng cách khi tiếp xúc. Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động theo hướng dẫn của ngành y tế...

Hạn chế hội họp không cần thiết; đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng. Tạm ngưng tổ chức các hoạt động nghi lễ tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

- Tại Hà Nội: UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tuyên truyền tại phố đi bộ để người dân thực hiện đúng qui định về việc giữ khoảng cách. Tạm dừng tổ chức các lễ hội và các hoạt động tập trung đông người tại khu vực phố đi bộ.

Thành lập các đoàn kiểm tra đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng, các cơ sở y tế, khu cách li tập trung, phát hiện nhanh, xử lí kịp thời các trường hợp có dấu hiệu của COVID-19...

- TP.HCM: Tái lập các chốt kiểm soát; xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Việc cần làm ngay lúc này là ngăn chặn từ xa để phòng ngừa, phải thực hiện quyết liệt ba giải pháp chính là: Đeo khẩu trang; áp dụng các tiêu chí sản xuất, kinh doanh an toàn; ngăn chặn nhập khẩu trái phép... (05.8.2020, 1424)

11. Lâm Đồng: 178 mẫu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

BSCKII Nguyễn Đức Thuận –Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng thông tin, đến thời điểm này, Lâm Đồng đã thực hiện 178 mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp F1 đi về từ vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam và đối tượng tiếp xúc gần với ông Giám đốc người Nhật (bệnh nhân Covid-19 ở Nhật Bản). 100% các mẫu liên quan đến Giám đốc người Nhật đều âm tính.

Sáng nay (ngày 5/8), BSCKII Nguyễn Đức Thuận –Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng thông tin, đến thời điểm này, Lâm Đồng đã thực hiện 178 mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp F1 đi về từ vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam và đối tượng tiếp xúc gần với ông Giám đốc người Nhật (bệnh nhân COVID-19 ở Nhật Bản). Kết quả, 100% mẫu xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2, trong đó có 54 mẫu liên quan đến bệnh nhân COVID-19 người Nhật.

Toàn bộ mẫu xét nghiệm do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Lâm Đồng thực hiện bằng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử Realtime PCR, là phương pháp xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 hiện đại nhất hiện nay thế giới và Việt Nam đang áp dụng trong xét nghiệm các ca khẳng định SARS-CoV-2. CDC Lâm Đồng đã được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết thêm, từ ngày 1/8, khi nhận được thông tin ông M.N –Giám đốc Công ty Hokkaido Lutus (xã Đa Nhim –Lạc Dương) dương tính với SARS-CoV-2 khi về Nhật, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, ngành y tế đã chỉ đạo quyết liệt công tác truy vết, giám sát dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao. Đến nay, công tác khoanh vùng, xử lý dịch liên quan đến ca bệnh này đã hoàn thành, với 54 mẫu xét nghiệm âm tính, khoảng 500 trường hợp F1, F2 đã được giám sát cách ly y tế. Đặc biệt, tổ chức cách ly tập trung tại Công ty Hokkaido Lutus (xã Đa Nhim –Lạc Dương) 28 trường hợp (24 người công ty và 4 người thuộc 1 hộ dân cạnh có lối đi chung với công ty này ). Tất cả các trường hợp F1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn tiếp tục được giám sát cách ly y tế 14 ngày theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Từ ngày 1/8 đến nay, ngành Y tế, CDC Lâm Đồng, Công an và UBND các huyện, thành phố đã dồn lực truy vết, giám sát, cách ly các trường hợp đi về từ vùng dịch để đảm bảo khoanh vùng, phòng chống dịch bệnh Covid-19 kịp thời. Vì vậy, số trường hợp theo dõi, giám sát, cách ly y tế trong tỉnh Lâm Đồng đã tăng lên nhanh chóng. Riêng trong ngày hôm qua 4/8, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận có thêm 365 trường hợp được giám sát cách ly y tế, tập trung nhiều nhất ở huyện Lạc Dương 298 trường hợp và Đà Lạt 43 trường hợp.

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 875 trường hợp được giám sát, cách ly y tế, trong đó có nhiều người nước ngoài và nhiều người từ địa phương khác đến với 295 trường hợp ở huyện Lạc Dương. Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương đang tổng hợp danh sách báo cáo chuyển các trường hợp cách ly lưu trú (khách du lịch) về địa phương quản lý theo quy định.

Đến thời điểm này, có 36 người được cách ly tại cơ sở y tế như: BVĐK tỉnh BVII Lâm Đồng, BV Nhi Lâm Đồng, các Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Riêng Lâm Hà chuyển 2 ca về cách ly tại nhà.

Toàn tỉnh hiện có 110 người F1 đi về từ vùng dịch và tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 đang được cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung trong tỉnh.

Đồng thời, có 728 trường hợp đang được giám sát cách ly tại nhà nơi lưu trú. Có 4 người Israel, 1 Anh, 2 Nga, 3 Úc, 1 Singapore, 5 Mỹ. (06.8.2020, 744)

12. Tăng cường miễn dịch, sức đề kháng trong mùa dịch quan trọng thế nào?

Nếu một người có sức khoẻ tốt thì không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh mà khi đã nhiễm bệnh thì có thê diễn biến bệnh sẽ đỡ nặng hơn những người có sức đề kháng kém và nó cũng giảm nguy cơ bội nhiễm thêm mầm bệnh khác ngoài COVID-19.

Thông tin tại tọa đàm “Các biện pháp chủ động phòng dịch COVID-19 – Tăng sức đề kháng” do Công ty Trapharco và Báo Tuổi trẻ vừa tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh, dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, số người lây nhiễm và nghi ngờ lây nhiễm tăng cao mỗi ngày. Các trường hợp tử vong có liên quan COVID-19 đều rơi vào đối tượng người cao tuổi, người sức khỏe yếu, có nhiều bệnh lý nền như suy tim, suy thận, ung thư máu, … nhìn chung đây là nhóm người có sức đề kháng yếu, dễ lây nhiễm virus nhưng khó điều trị.

Đối với rất nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là những bệnh liên quan đến vi khuẩn, virus, vai trò của hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh cực kỳ quan trọng, là yếu tố quyết định. Trong phòng lây nhiễm, vũ khí tối thượng mà chúng ta có là hệ miễn dịch của chính mình. Tất cả các biện pháp đang được khuyến cáo như mang khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc... sẽ hạn chế khả năng virus này xâm nhập vào cơ thể; còn khi nó đã xâm nhập rồi, chỉ có hệ miễn dịch tốt mới giúp loại trừ tác nhân gây bệnh.

Các chuyên gia tham gia buổi giao lưu

Bổ sung các chất tăng cường miễn dịch có tác dụng hỗ trợ nâng cao miễn dịch cho cơ thể bằng cách gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt; trên cơ sở này sẽ gia tăng sự đáp ứng miễn dịch hoặc tác động kích thích làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.

Việc tăng sức đề kháng giúp cho mỗi chúng ta chống lại được sự xâm nhập của mầm bệnh. Nếu một người có sức khoẻ tốt thì không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh mà khi đã nhiễm bệnh thì có thê diễn biến bệnh sẽ đỡ nặng hơn những người có sức đề kháng kém và nó cũng giảm nguy cơ bội nhiễm thêm mầm bệnh khác ngoài COVID-19.

Các nghiên cứu cho thấy các bệnh lý có giảm sức đề kháng như người tiểu đường, suy thận... khi bị nhiễm COVID-19 thì thường có diễn biến nặng hơn, ở hai khía cạnh, thứ nhất là bản thân bệnh diễn biến nặng và thứ 2 là ngoài bị nhiễm COVID-19, khi người bệnh có bệnh nền thì có thể bội nhiễm thêm nhiều bệnh khác như nấm, vi khuẩn...

Việc tăng sức đề kháng giúp cho mỗi chúng ta chống lại được sự xâm nhập của mầm bệnh, giúp chúng ta giảm nguy cơ nhiễm bệnh

Những người có sức đề kháng yếu như đối tượng tiểu đường, suy thận hoặc các bệnh mạn tính khác thì phải tuân thủ tốt phương pháp phòng bệnh để tranh nguy cơ bị nhiễm COVID-19

Việc nâng cao sức đề kháng là đảm bảo chế độ sinh hoạt điều độ, hạn chế kiệt sức quá mức. Đảm bảo miễn dịch tại chỗ, ví dụ trong môi trường khô- hoặc lạnh quá thì niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, sẽ làm giảm sức đề kháng tại chỗ, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó nếu môi trường khô quá thì chúng ta phải tăng độ ẩm để làm giảm chuyện khô niêm mạc đường hô hấp hoặc tránh lạnh quá mức cũng có thể gây tổn thương hô hấp

Đồng thời chúng ta cũng phải nâng cao sức đề kháng chung bằng cách hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá vì các chất này sẽ làm cho diễn biến bệnh nặng hơn

Theo ý kiến chuyên gia, một lựa chọn an toàn để nâng cao đề kháng, được y khoa sử dụng phổ biến hiện nay là hoạt chất Thymomodulin. Bổ sung Thymomodulin giúp tăng cường miễn dịch, thúc đẩy và hoạt hóa các tế bào miễn dịch trong các bệnh nhiễn khuẩn, cảm cúm.

Với mong muốn chung tay ngăn chặn dịch bệnh giai đoạn mới, Công ty Cổ phần Traphaco tiếp tục đẩy mạnh năng lực sản xuất các dây chuyền cho Bộ 4 sản phẩm phòng dich, đó là: Antot Thymo tăng sức đề kháng, Nước súc miệng sát khuẩn T-B, Thuốc nhỏ vệ sinh mắt mũi và Dung dịch rửa tay khô.

Với mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ hàng phòng dịch cho người dân trên toàn quốc, đặc biệt đối với các điểm nóng như Đà Nẵng và một số địa phương khác, công ty cam kết không tăng giá sản phẩm và hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm, như những gì đã thực hiện và được ghi nhận trong giai đoạn phòng dịch đầu năm...

TPBVSK Antot Thymo giúp tăng sức đề kháng nhờ tác dụng kép: Thymomodulin tăng cường hệ miễn dịch; Đạm men bia thủy phân cung cấp các acid amin thiết yếu để tổng hợp lên kháng thể.

Antot Thymo dùng được cho phụ nữ mang thai và cho con bú; người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, gầy yếu; người già và trẻ em suy giảm sức đề kháng dễ bị nhiễm khuẩn và bệnh cảm cúm.

Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. (06.8.2020, 981)

13. "Đội ngũ y tế được cử đến chi viện miền Trung đều muốn ở lại cho đến khi hết dịch"

Trả lời báo chí trước việc đã chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng cho đến khi hết dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, đây là nghĩa vụ cũng là mong muốn hết sức bình thường của đội ngũ thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền Trung để giúp đẩy lùi dịch bệnh tại khu vực này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, báo cáo của Sở Y tế và Bộ Y tế trong giai đoạn 1 đã mua đầy đủ trang thiết bị. “Một số cơ sở sản xuất trong nước đang được huy động để sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó những cá nhân và tổ chức đã hỗ trợ nhập các trang thiết bị từ nước ngoài ủng hộ cho công tác phòng chống dịch. Nhiều đơn vị trong nước đã tăng cường sản xuất để giúp đỡ ngành Y đảm bảo đầy đủ trang thiết bị y tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trả lời về kế hoạch điều trị cho các cán bộ y tế mắc COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin: “Đối với các y, bác sĩ mắc COVID-19, Bộ Y tế cũng chỉ định điều trị như các bệnh nhân COVID-19 khác. Tuy nhiên các cơ sở điều trị sẽ bố trí khu cách ly riêng để đảm bảo thời gian điều trị, hồi phục đảm bảo phục hồi sức khỏe cho các bác sĩ để sớm tiếp tục quay lại phục vụ công tác phòng chống dịch”.

Trong những ngày qua, Thứ trưởng đã khảo sát, làm việc, chỉ đạo đối với nhiều bệnh viện tại TP Đà Nẵng. Thứ trưởng cũng thông tin: “TP Đà Nẵng có 3 bệnh viện công lớn nhất đã bị phong tỏa vì COVID-19, như vậy áp lực cho các cơ sở y tế khác tại địa phương là rất lớn trong công tác đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân".

Do vậy, Bộ Y tế đề xuất với Sở Y tế Đà Nẵng tận dụng các cơ sở y tế hiện có đặc biệt là hệ thống bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Gia Đình  và Bệnh viện Vinmec tham gia vào công tác thu dung khám bệnh, chữa bệnh và tiếp nhận các trường hợp nhiễm COVID-19, F1 tại bệnh viện Đà Nẵng”.

Về tầm quan trọng của việc xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đối với việc xây dựng bệnh viện nói chung và bệnh viện dã chiến nói riêng mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người bệnh trong đó có quy trình tiếp nhận, xử lý và thu dung điều trị. Ngoài ra còn phải bố trí phân luồng bệnh nhân và nhân viên y tế một cách hợp lý nhất đảm bảo môi trường y tế an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên khi thực hiện các quy trình về y tế cho người bệnh. Bộ Y tế đã thị sát Bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn, đây là một quyết định kịp thời và đúng đắn của Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng. Cơ sở này rất thoáng mát, có nhiều cửa để thông khí tránh việc virus phát tán”.

Đặc biệt, khi nhắc đến việc chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng "chiến đấu" đến khi hết dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả các thầy thuốc được  Bộ Y tế cử đến miền Trung đều có nguyện vọng muốn ở lại tham gia công tác phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của thầy thuốc để đảm bảo giúp đẩy lùi dịch bệnh tại miền Trung”. (06.8.2020, 684)

14. Khám chữa bệnh từ xa được BHYT thanh toán như thế nào?

Các bệnh viện phải đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa, phát huy kinh nghiệm điều trị của các chuyên gia đầu ngành trong giai đoạn này, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành. Khám chữa bệnh, tư vấn khám chữa bệnh từ xa là một loại dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả

Ngày 5/8, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Tập đoàn Vietel tổ chức Hội thảo góp ý kế hoạch triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa.

Trước đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phê duyệt Đề án Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/220 với mục tiêu: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Sớm triển khai đồng loạt khám chữa bệnh từ xa, đảm bảo an toàn bệnh viện trong phòng chống dịch COVID-19

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, đẩy mạnh trong giai đoạn này, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành là rất cần thiết

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, khám chữa bệnh từ xa không phải là việc xa lạ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đặc biệt phải đẩy mạnh trong giai đoạn này, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành.

“Bệnh nhân bình thường nếu bị cúm đã mệt, mắc bệnh COVID-19 còn mệt hơn rất nhiều, đặc biệt là rất khó khăn đối với Người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh lý nặng đi kèm..."- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam có gần 100 triệu dân trong đó khoảng 10 triệu người là người cao tuổi. Trong giai đoạn này, phải tăng cường tư vấn cho đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh mạn tính, thực hiện kê đơn thuốc kéo dài… để hạn chế người dân đến các bệnh viện, tránh các nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

"Các bệnh viện tuyến trung ương có đội ngũ giáo sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm cần phải phát huy trong giai đoạn này để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Những kinh nghiệm điều trị rất quan trọng và đáng trân trọng. Các bệnh viện phải quyết tâm thực hiện để phòng ngừa cho bệnh viện mình, không để tình trạng ‘’chưa đánh đã vỡ trận”- PGS. TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thời gian qua, Trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ trực tuyến chẩn đoán và điều trị COVID-19 đã huy động đội ngũ giáo sư giỏi hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị COVID-19.

Những kiến thức và kinh nghiệm của các giáo sư đều được sự đồng thuận của các bệnh viện. Hiện nay nhiều bệnh viện đến hỗ trợ các bệnh viện của Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam….,Do đó các bệnh viện nhu cầu và khả năng đáp ứng để Cục quản lý Khám chữa bệnh điều phối nhân lực cho các cơ sở đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo, PGS Khuê nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất các ý kiến phải sớm triển khai đồng loạt trong toàn hệ thống khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn bệnh viện trong phòng chống dịch COVID-19.

Khám chữa bệnh, tư vấn khám chữa bệnh từ xa là một loại dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả

Tại hội thảo, đại diện vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng các quy định về chi trả bảo hiểm đối với các dịch vụ y tế khám chữa bệnh từ xa tại các bệnh viện tuyến dưới, tuyến tuyến trên.

Theo đó xác định khám chữa bệnh, tư vấn khám chữa bệnh từ xa là một loại dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả (tương tự như hội chẩn trực tiếp đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể).

Trong đó, mức hưởng BHYT là 100% - 95% - 80% chi phí một lần tư vấn theo giá đã xác định. Các dịch vụ phát sinh trong quá trình tư vấn, hội chẩn (như điện tim, siêu âm, X quang… được thực hiện trong quá trình tư vấn, hội chẩn – dữ liệu theo thời gian thực) được quỹ BHYT thanh toán theo quy định.

Cả nước hiện có có 40 bệnh viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 Phòng khám tư nhân; 11.000 trạm y tế.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội- đơn vị tiên phong trong mùa dịch COVID-19 vừa qua ứng dụng triển khai khám chữa bệnh từ xa- TeleHealth. Từ 2 bệnh viện ban đầu là BVĐK Mường Khương (Lào Cai); BVĐK Quảng Xương (Thanh Hoá), đến nay sau gần 4 tháng triển khai đã có 64 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nôi.

Dự kiến đầu tháng 9, khoảng 1.000 cơ sở y tế sẽ tham gia vào kết nối khám chữa bệnh từ xa.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết, đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa".

Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên "chất lượng cao hơn"; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được "lan tỏa xa hơn" tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Trong giai đoạn 2020 - 2021 ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm…

Theo đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" của Bộ Y tế có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và sáu bệnh viện của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia. Ðề án hướng đến năm mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể cả bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn.

Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí tiền túi của người dân. (06.8.2020, 1389)

15. Nhiều bệnh nhân COVID-19 mắc thêm sốt rét, men gan gấp 15 lần, tổn thương nội tạng

Chiều 5/8, TS.BS Trần Văn Giang – Phó Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong đoàn 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước có 15 bệnh nhân mắc bệnh sốt rét thể ác tính, trong đó có 6 ca đồng nhiễm sốt rét và COVID-19, tổn thương nhiều tạng trong cơ thể. Các bác sĩ đang tích cực điều trị và theo dõi sát sao diễn biến bệnh.

Theo chuyên gia Virus – Ký sinh trùng - TS.BS Trần Văn Giang, tuy số ca được xác định dương tính với SARS-CoV-2 chỉ có 21 ca (ít hơn dự kiến ban đầu là 120 người) nhưng lại có những trường hợp bệnh nhân đồng nhiễm sốt rét và COVID-19 khiến nhiều tạng bị tổn thương. Đặc biệt có bệnh nhân men gan tăng cao gấp 10-15 lần bình thường. Điều này rất ít gặp ở bệnh nhân COVID-19 đơn thuần.

Chính vì thế, các bác sĩ phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng khi điều trị, nhất là việc sử dụng thuốc, tránh khả năng tương tác thuốc bất lợi cho người bệnh khi dùng.

“Việc điều trị cho bệnh nhân mắc cả COVID-19 và sốt rét vất vả hơn rất nhiều, chúng tôi phải tăng cường xét nghiệm theo dõi COVID-19 hàng ngày và xét nghiệm đánh giá ký sinh trùng sốt rét với cơ quan tạng của bệnh nhân”- TS.BS Trần Văn Giang cho hay.

Tuy nhiên, theo TS. Giang, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã từng tiếp nhận điều trị nhiều ca bệnh sốt rét “nhập khẩu” từ Châu Phi cho người lao động nước ngoài về nên cũng đã có kinh nghiệm nhất định trong việc điều trị lần này.

Đa số các bệnh nhân mắc sốt rét thể ác tính, dự báo số ca mắc sẽ còn tăng lên nữa do họ vừa ra khỏi vùng dịch tễ, chưa bộc lộ hết các triệu chứng. Song điều này cũng nằm trong kịch bản chi tiết mà BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương xây dựng ngay từ khi có kế hoạch đón 219 công dân từ Guinea Xích đạo về nước.

Chính vì vậy, ngay khi họ được cách ly, điều trị tại BV đã được làm các xét nghiệm sàng lọc, tầm soát sốt rét mặc dù họ chưa có triệu chứng. Việc này nhằm phát hiện kịp thời, tránh bệnh tiến triển nặng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc điều trị hiệu quả bệnh COVID-19 cho bệnh nhân.

Đến nay, sau 1 tuần về nước và cách ly, điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một số bệnh nhân sốt rét đã đáp ứng tốt với thuốc, mật độ ký sinh trùng trong máu có xu hướng giảm. Đáng chú ý có 3 bệnh nhân đã sạch ký sinh trùng trong máu. Các bác sĩ tiếp tục điều trị thuốc tốt nhất cho bệnh nhân, tránh tái phát về sau.

Với trường hợp bệnh nhân có men gan tăng cao bất thường, thời điểm hiện tại tổn thương gan đỡ hơn nhiều, tuy men gan vẫn tăng gấp 3 lần nhưng đã giảm đáng kể so với lúc mới về. Số lượng tiểu cầu máu đã tăng lên, tình trạng rối loạn đông máu được kiểm soát tốt, sức khỏe có nhiều khả quan - TS. Giang thông tin.

Được biết, hiện nay khoa Virus – Ký sinh trùng đang điều trị cho 30 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 21 bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về và 6 ca bệnh tại Bắc Giang, Lạng Sơn vừa được Bộ Y tế công bố tối 5/8.

Theo các chuyên gia, sốt rét là bệnh truyền nhiễm lây theo đường máu, do ký sinh trùng sốt rét được truyền từ người bệnh sang người lành bởi muỗi Anopheles.

Bệnh lưu hành mang tính địa phương và có thể phát thành dịch. Đặc điểm lâm sàng nổi bật của bệnh là sốt thành cơn với 3 giai đoạn: rét, nóng, vã mồ hôi; sốt có chu kỳ kèm theo gan to, lách to, thiếu máu. Khi điều trị đúng cách, người bị sốt rét thường có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. (06.8.2020, 751)

16. Chống “giặc COVID-19” - Quân y là điểm tựa vững vàng

Sáng 4/8/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP. Đà Nẵng đã đi kiểm tra công tác sẵn sàng điều trị và thu dung bệnh nhân tại Bệnh viện Quân y 17, Cục Hậu cần, Quân khu V. Cùng dự buổi làm việc có Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu V.

Thay mặt lãnh đạo ngành y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trân trọng cảm ơn sự hy sinh, đóng góp của lực lượng quân đội nói chung và cán bộ chiến sĩ, các lực lượng vũ trang Quân khu V nói riêng, trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu V cho biết, lực lượng toàn quân khu đã chuẩn bị sẵn sàng ở mức cao nhất.

Hiện tại, Quân khu V đã tổ chức 12 điểm cách ly tập trung cho các đối tượng tiếp xúc gần (F1 và F2) với số lượng hơn 3.000 người. Các bệnh viện, bệnh xá trong toàn quân khu đã chuẩn bị các kịch bản trong mọi tình huống sẵn sàng cao nhất cho phòng chống dịch COVID-19.

Theo dự kiến và kế hoạch của ngành y tế Đà Nẵng, trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, Bệnh viện Quân Y 17 - Cục Hậu cần - Quân khu V có thể trở thành nơi tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Thượng tá Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Bệnh viện Quân y 17 cho biết, hiện tại, bệnh viện có 200 giường bệnh, là bệnh viện tuyến 1 và sẵn sàng trở thành bệnh viện dã chiến số 3 khi có lệnh. Cán bộ chiến sĩ toàn bệnh viện đang ở tư thế sẵn sàng cao nhất và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bộ Quốc phòng cũng đã cử đoàn công tác Viện Y học dự phòng Quân đội; Trung tâm Y học nhiệt đới Việt Nga cùng các trang thiết bị xét nghiệm Realtime PCR, phương tiện lấy mẫu bệnh phẩm và các thầy thuốc có kinh nghiệm phòng chống dịch vào tăng cường cho Bệnh viện Quân y 17.

Trong buổi kiểm tra, làm việc với Bệnh viện Quân y 17 và Đội Y học dự phòng Quân khu 5 về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần tích cực, chủ động và quyết tâm chung tay cùng cả nước từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 của lực lượng vũ trang Quân khu nói chung và đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên 2 đơn vị nói riêng. Trong những ngày qua, quân đội đã điều động lực lượng, phương tiện phòng hóa đặc chủng tham gia tiêu độc, khử trùng tại các bệnh viện, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đăk Lăk; tiếp nhận, khám, điều trị cho các bệnh nhân bảo hiểm y tế từ các bệnh viện đang bị cách ly của thành phố Đà Nẵng; tham gia truy vết các đối tượng F1, F2, F3 trên địa bàn; hỗ trợ lực lượng, phương tiện phối hợp cùng lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19.

Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới của dịch COVID-19 với diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh ra nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn - Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong “Thư khen các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế” vào ngày 4/8. Trong thư khen, Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ Y tế và lực lượng quân y đã hết sức khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt, chi viện mọi nguồn lực chống dịch, đã xuất hiện nhiều tấm gương, lòng quả cảm, sự cống hiến, nghĩa cử cao đẹp ở mọi lứa tuổi, mọi lực lượng, mọi ngành nghề và thành phần kinh tế mà tiêu biểu là đông đảo đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa - những người chiến sĩ áo trắng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và nhiều bệnh viện, các viện nghiên cứu, trường đại học của ngành y tế trên toàn quốc đã nỗ lực không mệt mỏi, tiên phong đi vào tâm dịch, không ngại gian khổ, nguy hiểm, tranh thủ từng giờ, từng phút truy vết, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và giám sát y tế, tận tâm điều trị, cứu chữa người bệnh. (06.8.2020, 812)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến