Thông tin y tế 25 - 27/9/2020

27/09/2020 | 10:13 AM

 | 

1. Nhiều bệnh nhân nặng được hội chẩn trực tuyến hiệu quả

Tham gia mô hình khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, TTYT huyện Tam Đường (Lai Châu) đã có sự phát triển vượt bậc. Nhiều bệnh nhân nặng điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh được điều trị hiệu quả mà không phải chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ tại cơ sở có cơ hội được nâng cao tay nghề chuyên môn.

BS. Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua 26 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với BV Đại học Y Hà Nội, 29 bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

“Các thầy của BV Đại học Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau 1 tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện. Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa với BV Đại học Y Hà Nội không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn”, BS. Hoàng Quang Trung chia sẻ.

Thông qua hội nghị trực tuyến truyền hình và các công cụ truyền hình ảnh, xem hình ảnh Dicom, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển các thông tin liên quan đến 29 ca bệnh điều trị tại bệnh viện cho các BS BV Đại học Y Hà Nội.

Sau khi nghe các bác sĩ thông báo những phương pháp đã điều trị, xem các hình ảnh phim chụp, siêu âm, các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội đã tiến hành hội chẩn và phân tích hình ảnh trực tuyến. Trên cơ sở đó đã đưa ra các chẩn đoán và tư vấn cho bác sĩ tuyến dưới phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Theo đánh giá, các ca bệnh mà các bác sĩ hội chẩn cho BVĐK tỉnh đều là các ca bệnh nặng, khó, có độ phức tạp cao mà các bác sĩ ở tuyến cơ sở gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị và khả năng bệnh nhân phải chuyển tuyến cao

BS. Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Qua 8 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 29 bệnh nhân nặng của bệnh viện đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà việc triển khai khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn tạo điều kiện cho các y, bác sĩ tại các bệnh viện có thể học hỏi, nâng cao chuyên môn.

BS. Hoàng Quang Trung cảm kích: Trung bình mỗi buổi hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có từ 40 - 60 bác sĩ tham gia. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt cho các bác sĩ của bệnh viện được trao đổi, thảo luận và học hỏi các kinh nghiệm, kiến thức từ các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, từ đó tích lũy được cho bản thân những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quý trong hành nghề.

Một cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa cũng đã được hưởng lợi rất lớn từ Đề án Khám chữa bệnh vùng sâu, vùng xa là Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu.

Bệnh viện E đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế, gồm 21 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là hơn 54 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện... Trong đó, có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở các địa phương trên toàn quốc và đặc biệt là 2 TTYT huyện Tam Đường và Than Uyên của tỉnh Lai Châu.

Thông qua Dự án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025, Bệnh viện E sẽ phối hợp với các bệnh viện, TTYT vệ tinh tiến hành: Hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh từ xa các phương pháp điều trị cho ca bệnh cụ thể với các cơ sở y tế; Chia sẻ hình ảnh Xquang, siêu âm, điện tim, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ...; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh, miễn dịch, huyết học - truyền máu, vi sinh, hóa sinh để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa các ca mổ cấp cứu... cho bệnh viện, TTYT tuyến dưới. TTYT Tam Đường được hội chẩn trực tuyến 1 ca nội soi tiêu hóa đang điều trị.

Các bác sĩ TTYT Tam Đường đã trình bày hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và hướng điều trị cho bệnh nhân; song song đó, truyền hình ảnh trực tiếp đang nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân... Tại đầu cầu Bệnh viện E, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.

BS. Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Hiệu quả của Đề án khám chữa bệnh từ xa đối với bệnh viện, đó là phía cán bộ y tế tuyến cơ sở, được hỗ trợ về chuyên môn, tự học và bổ sung trực tiếp, thường xuyên từ ca bệnh thực tế. Giúp bác sĩ tự tin hơn, tạo hài lòng của người bệnh. Trong cơ sở điều trị, thống nhất chẩn đoán và hướng điều trị, từ đó hạn chế chuyển tuyến và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh. Người bệnh được tư vấn, tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến trên, được chẩn đoán điều trị kịp thời giúp giảm thời gian điều trị, hạn chế các biến chứng...

Đề án khám, chữa bệnh từ xa bước đầu giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa như huyện Tam Đường không cần phải lên tuyến trên vẫn có thể được khám, chẩn đoán và điều trị bệnh bởi các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế. (25.9.2020, 1259)

2. BVĐK Trung ương Cần Thơ: Khai trương Trung tâm khám chữa bệnh từ xa

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa công bố khai trương Trung tâm tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa với 32 điểm cầu trực tuyến là đơn vị y tế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đánh dấu sự phát triển của bệnh viện không ngừng hoàn thiện và phát triển cùng với xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là một trong 18 bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế trong mạng lưới bệnh viện tuyến trên tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT.

Trung tâm Tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được nối với 32 điểm cầu trực tuyến là đơn vị y tế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để triển khai xây dựng Trung tâm, bệnh viện đã thành lập Ban Điều hành Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa với thành phần Ban Giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng, các thành viên chuyên gia là những chuyên gia, bác sĩ giảu kinh nghiệm thuộc các chuyên khoa: Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Cấp cứu, Hồi sức tích cực – Chống độc, Hô hấp, Đột quị, Chẩn đoán hình ảnh… các bộ phận hỗ trợ kết nối trực tuyến cùng các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngay sau lễ công bố, Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa của bệnh viện đã kết nối hội chẩn trực tuyến ca bệnh cùng Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (Đồng Tháp) 01 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ sốc phản vệ đến muộn, phân biệt với choáng nhiễm trùng đường tiêu hóa và các đầu cầu tại các bệnh viện cùng tham gia. Đây là một trong tình huống thường gặp tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở địa phương. Từ trường hợp thực tế bệnh nhân sẽ giúp các bác sĩ tuyến dưới trong chẩn đoán và xử trí cá tình huống cấp cứu trong thực hành.

Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, góp phần thực hiện thành công chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. (25.9.2020, 433)

3. Hội thảo về truyền thông trong phòng chống dịch COVID - 19

Ngày 25/9/2020, Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương – Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (SCI) tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động Dự án tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro dịch bệnh COVID - 19.

Dự án “Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro dịch bệnh COVID-19” được triển khai tại cấp trung ương và 13 xã, 26 trường (tiểu học và trung học cơ sở) của 5 tỉnh/thành gồm: Sơn La, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị và TP Cần Thơ. Thời gian triển khai thực hiện dự án từ tháng 5/2020 đến 9/2020. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng về phòng, chống COVID-19.

Quang cảnh Hội thảo

Tại buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của dự án mang lại; đồng thời, nhận được sự đồng thuận và những ý kiến đóng góp, chia sẻ cũng như sự phối hợp hiệu quả các sở ban ngành, đoàn thể, trong đó hoạt động truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro dịch bệnh COVID-19 sẽ mang lại hiệu quả duy trì tốt cho dự án. Từ đó, khuyến khích thay đổi hành vi trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cộng đồng. (25.9.2020, 260)

4. WHO: Hợp tác và tiêm chủng để chấm dứt bệnh dại

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.

Nhân dịp Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa ngành hơn nữa nhằm gia tăng sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vắc xin cho người và động vật. Đồng thời tăng cường nhận thức của người dân về bệnh dại; và đạt được mục tiêu “biến cam kết thành hành động” ở cấp cao để chấm dứt bệnh dại.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cơ quan thường trực của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, từ đầu năm 2020 đến nay đã có 57 người tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành của Việt Nam. Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và đáng lo ngại vì đã có các trường hợp bệnh dại xuất hiện ở những tỉnh trước đây không có trường hợp bệnh nào.

Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh hiệu quả nhưng ước tính hàng năm có khoảng 59.000 người ở hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.

Chúng ta không thể chủ quan, chúng ta cần phải hành động. Cần đầu tư để loại trừ bệnh dại và tăng cường hệ thống y tế và hệ thống thú y qua đó giảm số tử vong mà có thể phòng được. FAO và WHO kêu gọi những hành động thiết thực để tăng cường hợp tác đa ngành, nâng cao nhận thức về nguy cơ, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng và công tác quản lý chó, nâng cao sự tin tưởng  của người dân đối với vắc xin phòng dại cho người và tăng cường nguồn lực tài chính và nhân lực để Việt Nam tiếp tục cuộc chiến phòng chống bệnh dại.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện FAO, nhấn mạnh “Chúng tôi kêu gọi chính phủ, các đối tác trong nước và quốc tế cùng nhau nỗ lực gia tăng độ bao phủ của vắc xin phòng ngừa bệnh dại cho chó và chấm dứt tử vong ở người do bệnh dại ở Việt Nam. Chúng ta có vắc xin tốt có thể giảm tối thiểu nguy cơ bệnh dại lây truyền qua chó. Thông qua hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt bệnh dại ở chó và cứu sống tính mạng con người”.

“Trong khi cuộc chiến chống COVID-19 vẫn đang còn tiếp diễn, chúng ta không được để gián đoạn nỗ lực chung nhằm đảm bảo các dịch vụ y tế quan trọng, bao gồm chương trình loại trừ bệnh dại quốc gia,” Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa sự đầu tư của quốc gia vào các chương trình phòng chống và loại trừ bệnh dại ở các cấp.

Ông cho biết thêm: “Chúng ta cần phải thúc đẩy để có được những chính sách và cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vắc xin dại cho cả chó và người”.

Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Y tế tiếp tục thực hiện Chương trình Quốc gia về Kiểm soát và Loại trừ bệnh Dại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2017 và Chỉ thị 31/ CT-TTg ngày 6/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường các Biện pháp Khẩn cấp để Phòng Chống bệnh dại. Hai bộ phối hợp với các đối tác Một Sức Khỏe, bao gồm FAO và WHO, đã cùng nhau vận động cho chiến dịch “biến cam kết thành hành động” của tất cả các cấp chính quyền trong công tác phòng chống bệnh dại; củng cố sự hợp tác liên ngành, bao gồm y tế, nông nghiệp, giáo dục và các tổ chức chính trị xã hội; và tăng cường truyền thông nhằm nâng cao việc quản lý đàn chó và tiêm vắc xin cho chó, đảm bảo rằng người bị chó cắn được tiêm vắc xin ngay lập tức, và có thể loại trừ được bệnh dại tại Việt Nam vào năm 2030.

Năm nay đánh dấu năm thứ 14 kỷ niệm ngày thế giới phòng chống bệnh dại hàng năm, kể từ khi chính phủ các nước trên toàn thế giới cùng nhau đáp lại lời kêu gọi loại trừ bệnh dại, tập hợp các ngành liên quan, và các bên liên quan cấp trung ương cũng như cấp địa phương cùng cộng đồng toàn cầu chung tay vào cuộc chiến đấu chống lại bệnh dại. (26.9.2020, 903)

5. Cán bộ điều dưỡng, "ong thợ" cần mẫn bên người bệnh

BVĐK Đức Giang là 1 trong 4 bệnh viện hạng I của Hà Nội nơi có sự hoạt động mạnh mẽ của các điều dưỡng yêu nghề, năng động, nhiệt tình, sáng tạo, có đủ năng lực thực hiện nhiều kỹ thuật chăm sóc đặc thù của các chuyên khoa, chuyên ngành, góp phần đưa bệnh viện có nhiều hoạt động chuyên môn tốt, được người bệnh tin tưởng.

Đội ngũ điều dưỡng của BVĐK Đức Giang đã chủ động tham gia tích cực trong chăm sóc người bệnh: Công tác tiếp đón người bệnh được thực hiện chuyên nghiệp, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và thực sự tiện ích.

Người bệnh được phát số đăng ký khám và đăng ký vào các bàn khám theo số tự động, khám theo hẹn giảm phiền hà và không còn cảnh chen lấn tại các quầy đăng ký.

Hoạt động của các đội điều dưỡng đã giảm thời gian chờ đợi lấy kết quả cận lâm sàng. Các phòng khám tư vấn hoạt động có hiệu quả, khách hàng được nhân viên y tế đón tiếp tận tình chu đáo.

Điều dưỡng các khoa đã nghiêm túc thực hiện Thông tư 07/2011/TT-BYT với một số nội dung hoạt động như tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khoẻ, hướng dẫn, giúp người bệnh tự tập luyện phục hồi chức năng, hướng dẫn chế độ ăn theo bệnh lí, vệ sinh cá nhân trong thời gian nằm viện và khi ra viện.

Chi đội điều dưỡng của các khoa tổ chức phân công điều dưỡng chăm sóc theo đội (đơn nguyên), người bệnh nằm viện được bác sĩ - điều dưỡng - hộ lí phụ trách buồng theo dõi chăm sóc từ khi vào viện đến khi ra viện. Người bệnh nằm điều trị được chăm sóc ân cần chu đáo và được tư vấn sức khoẻ đầy đủ, được cung cấp các vật dụng tối thiểu phục vụ sinh hoạt cá nhân, được biết quyền lợi và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Công tác đi buồng của điều dưỡng đã được duy trì thường xuyên: Điều dưỡng nắm được bệnh nhân phòng mình phụ trách, biết được các thông tin tối thiểu như tên, tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, chẩn đoán, diễn biến bệnh, hàng ngày người bệnh được công khai thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc. Người bênh được lập kế hoạch chăm sóc hàng ngày.

Điều dưỡng đơn nguyên đã thực hiện việc cập nhật vật tư tiêu hao trên phần mềm và công khai thuốc, vật tư tiêu hao cho từng bệnh nhân và có ký xác nhận vừa tạo niềm tin cho người bệnh trong việc sử dụng thuốc và vật tư tiêu hao trong chăm sóc vừa quản lý chặt việc sử dụng vật tư tiêu hao và thuốc dùng hàng ngày.

Từ khi có dịch COVID-19, đội ngũ điều dưỡng của trong toàn chi hội đặc biệt là điều dưỡng khu vực thường trực chống dịch đã ngày đêm sáng lọc, phân luồng, khám, chăm sóc cho người bệnh nghi nhiễm.

Điều dưỡng khu thường trực chống dịch đã phát huy tối đa sức lực phục vụ người bệnh không quản nguy hiểm có thể lây nhiễm trọng quá trình chăm sóc. Điều dưỡng, kỹ thuật viên các khoa trong bệnh viện cũng đã tích cực sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được khi được phân công nhiệm vụ tại bệnh viện và sẵn sàng hỗ trợ đơn vị bạn.

BS CKII Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BVĐK Đức Giang đánh giá, cách đây 5 năm tỷ lệ điều dưỡng đại học, cao đẳng trên trung học chỉ khoảng hơn 30%. Đến nay tỷ lệ này đã tăng hơn gấp 2,5 lần tức là khoảng 80%. Tuổi đời trung bình khoảng trên 30 tuổi, đây là độ tuổi vàng độ tuổi chín tới trong nhận thức, học thức, trong kiến thức, kỹ năng của mỗi con người.

Lãnh đạo BVĐK Đức Giang tin tưởng với tuổi trẻ, nhiệt huyết và lòng yêu nghề, toàn thể hội viên Chi hội điều dưỡng BVĐK Đức Giang cống hiến ngày càng nhiều cho bệnh viện và thắp sáng nhiều hơn cho mỗi số phận, người bệnh, đã tin tưởng lựa chọn và giao tính mạng và sức khỏe của họ cho bệnh viện. (26.9.2020, 745)

6. Sơn La: Những thay đổi từ can thiệp nâng cao hệ thống y tế và cải thiện dinh dưỡng

Phụ nữ mang thai được khám tiền sản từ bốn lần trở lên và được xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu gần như gấp đôi vào cuối kỳ so với đầu kỳ dự án (từ 29% lên 53%); Tỷ lệ trẻ mới sinh được bú mẹ hoàn toàn trong một giờ đầu sau sinh tăng từ 61% (đầu kỳ) lên 87%

Dự án nâng cao hệ thống y tế và cải thiện dinh dưỡng tại Sơn La được triển khai trong thời gian từ 2016-2020 đã đạt được các mục tiêu đề ra như nâng cao việc sử dụng dịch vụ y tế thiết yếu cho bà mẹ, phụ nữ mang thai, trẻ em mới sinh và trẻ em dưới 2 tuổi cùng với tăng cường tiêu thụ thực phẩm dinh dưỡng.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kết quả dự án nâng cao hệ thống y tế và cải thiện dinh dưỡng tại Sơn La do HealthBridge Canada và các đối tác phối hợp tổ chức diễn ra ngày 25/9 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị An - Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam cho hay Dự án nâng cao hệ thống y tế và cải thiện dinh dưỡng tại Sơn La giai đoạn 2016-2020 với sự hỗ trợ của Bộ các vấn đề toàn cầu Canada và Tổ chức HealthBridge Foundation Canada được triển khai thực hiện tại 102 bản thuộc 6 xã của 2 huyện Thuận Châu và Yên Châu của tỉnh Sơn La.

30% phụ nữ Sơn La sinh nở tại nhà, trên nương cả mẹ và con đều nguy hiểm

Tại hội thảo, TS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết tại tỉnh mỗi năm có 30.000 phụ nữ mang thai, trong đó có gần 30% trường hợp sinh con tại nhà, trên nương. Điều này đe dọa sức khỏe của nhiều bà mẹ và trẻ em

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều yếu tố ảnh hưởng như phong tục tập quán sinh con tại nhà, do khoảng cách địa lý đường xa… không tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở Sơn La cao hơn nhiều so với trung bình toàn quốc.

Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở người mẹ là 85 ca tử vong trên 1.000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ khi sinh là 24 ca trên 1.000 trẻ đẻ sống, cao hơn mức trung bình toàn quốc (tỷ lệ tử vong mẹ: 54 ca tử vong/1.000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ khi sinh là 16% ca tử vong/1.000 trẻ đẻ sống).

Tại 6 xã thực hiện dự án thậm chí 46% trường hợp sinh tại nhà mà chỉ có 5,4 trường hợp sinh được đỡ bằng người có kỹ năng đỡ đẻ). Cũng chỉ có dưới 30% các bà mẹ mang thai được khám thai đủ 4 lần.

Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở người mẹ là 85 ca tử vong trên 1.000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ khi sinh là 24 ca trên 1.000 trẻ đẻ sống, cao hơn mức trung bình toàn quốc (tỷ lệ tử vong mẹ: 54 ca tử vong/1.000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ khi sinh là 16% ca tử vong/1.000 trẻ đẻ sống).

Với mục tiêu chính hướng đến nhằm giảm tử vong bà mẹ và trẻ em, dự án được triển khai tại Việt Nam tập trung vào 2 mục tiêu cụ thê, trong đó mục tiêu đầu tiên là tăng  tiếp cận và sử dụng dịch vụ thiết yếu của phụ nữ có thai, bà mẹ và trẻ em (tập trung vào những việc cụ thể như nâng cao năng lực cho các đối tác về lập kế hoạch và triển khai các dịch vụ y tế; tăng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, đảm bảo chăm sóc liên tục; tăng sự hỗ trợ của nam giới và các thành viên gia đình);

Tuyền truyền kiến thức về dinh dưỡng cho bà mẹ tại tỉnh Sơn La.

Mục tiêu tiếp theo là tăng tiêu thụ thực phẩm và thức ăn bổ sung giàu dinh dưỡng (tập trung nâng cao kiến thức dinh dưỡng và thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho phụ nữ và nam giới; tăng cường tiếp cận và tiêu thụ thực phẩm và thức ăn giàu vi chất dinh dưỡng)

Những con số thay đổi hiệu quả từ sự can thiệp

Sau gần 5 năm triển khai, các chuyên gia đánh giá nhìn chung dự án đã đạt được 2 mục tiêu đề ra. Can thiệp đã đóng góp một cách rõ rệt vào nâng cao việc sử dụng các dịch vụ y tế thiết yếu cho bà mẹ, phụ nữ mang thai, trẻ em mới sinh và trẻ em dưới 2 tuổi. Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám tiền sản từ bốn lần trở lên và được xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu gần như gấp đôi vào cuối kỳ so với đầu kỳ dự án (từ 29% lên 53%).

Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhận được viên sắt và axit folic và tỷ lệ trẻ mới sinh được tiêm phòng uốn ván tăng đáng kể (từ 53% lên 62%). Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế tăng từ 53% lên 78%. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ sinh tại nhà giảm hơn một nửa (46% vào thời điểm đầu kỳ dự án so với 21% vào thời điểm cuối kỳ dự án); Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà cô đỡ tăng từ 5% lên đến 36%...

Kết quả đánh giá dự án cho thấy thành công trong việc tăng cường thực hành dinh dưỡng tốt. Tỷ lệ trẻ mới sinh được bú mẹ hoàn toàn trong một giờ đầu sau sinh tăng từ 61% (đầu kỳ) lên 87% vào cuối kỳ của dự án. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn tới sáu tháng tuổi tăng từ 17% vào đầu kỳ dự án lên 30% vào cuối kỳ dự án…

“Quan trọng hơn cả, trong quá trình thực hiện dự án đã can thiệp đã giải quyết được một số vấn đề giới, trong đó sự tham gia của nam giới vào vấn đề sức khoẻ bà mẹ trẻ em cải thiện rõ rệt. bao gồm cả việc người chồng tăng cường giúp đỡ phụ nữ mang thai tiếp cận dịch vụ”- bà Nguyễn Thị An nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng thông tin thêm, nhiều khuyến nghị cho việc duy trì bền vững đã được ghi nhận. Có bằng chứng cho thấy một số hoạt động của dự án được đối tác địa phương duy trì, đó là hỗ trợ cô đỡ thôn bản dân tộc thiểu số, các buổi truyền thồng về chủ đề dinh dưỡng và sức khoẻ bà mẹ trẻ em tại các bản, các sự kiện giáo dục sức khoẻ sinh sản tại trường học, chức năng của đơn nguyên sơ sinh ở bệnh viện huyện và tư vấn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở bệnh viện

Về phía địa phương thụ hưởng dự án, TS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cũng kiến nghị có thêm những nguồn ngân sách để có thể tiếp tục duy trì dự án tại các xã, huyện vùng sâu vùng xa.

Tại hội thảo, bà Sandra Le Courtois - đại diện đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho hay Canada luôn ưu tiên và quan tâm đầu tư cho các chính sách phát triển y tế cho những đối tượng bà mẹ và trẻ em ở những vùng khó khăn tại các quốc gia trên thế giới.

Bà Sandra Le Courtois cho biết bà đã trực tiếp có cơ hội đi tới vùng sâu vùng xa nơi thực hiện dự án của tỉnh Sơn La và thấy dự án được triển khai với nhiều thành công, góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em ở tỉnh Sơn La. (27.9.2020, 1430)

7. “Nhịp cầu nhân ái, kết nối từ trái tim đến trái tim”

Với mong muốn giúp đỡ bệnh nhân nghèo gặp khó khăn, bất hạnh nhất là mang lại trái tim khỏe mạnh cùng tương lai tươi sáng hơn cho các bệnh nhi bị tim bẩm sinh. Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tổ chức Chương trình “ Nhịp cầu nhân ái, từ trái tim đến trái tim”.

Tham dự chương trình có đồng chí Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; đại diện các bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh; các nhà hảo tâm; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và đông đảo người dân

Theo thống kê của Bộ Y tế: Ở Việt Nam cứ 1.000 trẻ được sinh ra thì sẽ có 8 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sau này, thậm chí có nguy cơ gây tử vong.

Còn tại Nghệ An, trung bình mỗi năm gần 100 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh phải chuyển tuyến Trung ương để điều trị. Điều đáng nói có đến 60% trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh rơi vào các hộ gia đình nghèo và cận nghèo rất cần được giúp đỡ.

Với mong muốn mang lại trái tim khỏe mạnh cùng tương lai tươi sáng hơn cho các bệnh nhi tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn; giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên đồng thời giúp cho các gia đình có bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh không phải đi xa, giảm tải về chi phí, bắt đầu từ năm 2009, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã quyết tâm triển khai chương trình can thiệp và phẫu thuật tim hở.

Từ 2009 đến nay, hơn 400 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật giúp các em trở lại cuộc sống bình thường. Tính riêng từ năm 2015 trở lại đây, Bệnh viện đã can thiệp thành công cho 287 bệnh nhân, phẫu thuật cho 108 trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh với kết quả khả quan, tỷ lệ biến chứng rất thấp.

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. BS CKII  Tăng Xuân Hải, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nêu rõ: “Với mỗi cuộc phẫu thuật tim, các gia đình có con bị tim bẩm sinh phải chuẩn bị một khoản kinh phí nhất định. Đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khoản kinh phí đó chính là  tất cả tài sản.

Giúp đỡ các cháu mắc bệnh tim bẩm sinh, bên cạnh việc phát triển chuyên môn, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tích cực kết nối cùng các nhà hảo tâm, các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ các cháu và gia đình. Chính sự đồng hành này mà Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có thể giúp đỡ cho nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh được điều trị, khỏe mạnh.

Tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều em nhỏ mắc bệnh tim có hoàn cảnh khó khăn cần kinh phí để phẫu thuật tim kịp thời. ( Ước tính chi phí cho mỗi ca phẫu thuật tim bẩm sinh từ 80 – 100 triệu đồng).

Chính vì vậy, Ban Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thực hiện đêm nghệ thuật từ thiện gây quỹ với thông điệp “Nhịp cầu nhân ái, kết nối từ trái tim đến trái tim” là nhằm kêu gọi ủng hộ kinh phí phẫu thuật cho các em Ban Giám đốc Bệnh viện rất mong muốn có thêm nhiều sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để mang đến cho các em một thế giới ngập tràn thương yêu và tiếng cười”.

Tại đêm nghệ thuật, các đại biểu, nhà hảo tâm đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các ca sỹ chuyên, không chuyên biểu diễn; giao lưu cùng gia đình 5 bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn chuẩn bị được phẩu thuật.

5 bệnh nhi sắp được phẫu thuật, cần được hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí là các cháu: Lữ Thị Thanh Thảo ( xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn); Võ Thị Như Quỳnh (xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn); Nguyễn Gia Bảo (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc); Nguyễn Thị Bảo Ngọc (xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương); Bùi Xuân Bản (xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương).

Chia sẻ với phóng viên, Bố cháu Lữ Thị Thanh Thảo chcho biết: “mặc dù phát hiện con mắc bệnh từ khi 04 tháng tuổi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại ở vùng miền núi xa xôi, đường đi hiểm trở, nên gia đình không thể đưa con lên thành phố chữa bệnh. Nhình con chiến đấu với căn bệnh tim bẩm sinh mỗi ngày, Thanh Thảo thường phải chịu những cơn đau, khó thở mỗi khi chơi đùa hay trái gió trở trời. Sau bao quyết tâm, gia đình em cũng dành dụm tích cóp được từ công việc lên nương rẫy, vay mượn anh em, họ hàng được khoản tiền nho nhỏ để đưa con xuống viện chữa trị. Gia đình mong muốn được bệnh viện, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ để cho con được phẫu thuật tim”.

Tại chương trình giao lưu các đồng chí Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế; Tăng Xuân Hải, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi đã trao quà cho các bệnh nhi bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khuôn khổ chương trình, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tổ chức gây quỹ từ thiện cho các bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được mổ sắp tới. Tất cả các cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện và nhiều nhà hảo tâm đã trực tiếp ủng hộ cho quỹ. Dịp này, quỹ ủng hộ các bệnh nhi mổ tim bẩm sinh đã nhận được số tiền là 623,5 triệu đồng.

Hiện vẫn còn rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cần kinh phí để phẫu thuật tim kịp thời, nhằm giúp các em có cơ hội được sống trong thế giới ngập tràn thương yêu, học tập, vui chơi bình thường với trái tim khỏe mạnh, cần có sự chung tay giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa của cộng đồng.

Để tiếp tục ủng hộ cho các bệnh nhi mổ tim bẩm sinh, các nhà hảo tâm có thể tiếp tục ủng hộ cho chương trình  bằng việc liên hệ trực tiếp tại Phòng Quản lý chất lượng - Công tác xã hội, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số 19 Tôn Thất Tùng, Tp Vinh, Nghệ An. (27.9.2020, 1193)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến