Thông tin y tế 17 -20/10/2020

20/10/2020 | 09:02 AM

 | 

1. Bệnh viện Trung ương Huế đảm bảo tốt khám chữa bệnh ngày mưa lũ

Tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong những ngày mưa lũ vừa qua, bệnh viện đã ứng trực phòng chống bão lũ theo đúng phương châm 4 tại chỗ, chủ động trong mọi tình huống, thực hiện tốt công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra.

TS. BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, lãnh đạo bệnh viện đã phân công trách nhiệm , công việc cụ thể cho từng đơn vị , đảm bảo về nhân lực , thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác chăm sóc , chữa trị . bảo vệ sức khỏe của người bệnh cũng như phục vụ nhân dân khi có lũ lụt.

Sáng 16/10/2020, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Công Sinh Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Ảnh: V.T

Chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống, không để gián đoạn trong việc cấp cứu và phục vụ bệnh nhân. Bảo đảm đầy đủ về nguồn nhân lực, lương thực, thực phẩm, thuốc, hóa chất, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị y tế.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới với không khí mạnh tăng cường, trên địa bàn TP Huế đã có mưa rất lớn, gây ngập lụt diện rộng. Mực nước sông Hương đã đạt định lúc 0h ngày 12/10/2020 với mức 4,18m trên báo động 3 là 0,39m.

Rất may mắn, khu vực Bệnh viện TW Huế , Bệnh viện TW Huế Cơ sở 2 không xảy ra ngập nước, nên không có trường hợp phải di dời bệnh nhân. Các Kho Dược , Kho Vật tư thiết bị khô ráo, an toàn.

Bệnh viện đã tổ chức trực cấp cứu 24/24h, sẵn sàng thu dung và cấp cứu bệnh nhân. Các đội cấp cứu lưu động luôn túc trực, ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.

Nhân lực y tế đầy đủ đảm bảo công tác điều trị cho 3.857 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại cả hai cơ sở, cho dù mưa lũ đã gây ngập một số đoạn Quốc lộ 1A làm việc vận chuyển nhân viên y tế giữa hai cơ sở gặp nhiều khó khăn tuy nhiên đã được sự hỗ trợ tích cực của Công an huyện Hương Trà, Phong Điền nên công tác vận chuyển bệnh nhân được duy trì tốt và an toàn.

Tại Khoa Dinh dưỡng và các nhà ăn dã đảm bảo số lượng suất ăn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm .

Tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đảm bảo công tác Khai báo y tế trong công tác phòng chống dịch COVID - 19, đảm bảo đúng quy trình và phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Xxử lý rác thải y tế thực hiện đúng quy định.

Do mưa lớn kéo dài một số khoa, phòng của bệnh viện đã xuất hiện thấm dột. Các đơn vị liên quan đã kịp thời khắc phục đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân , thuốc trang thiết bị y tế. (17.10.2020, 596)

2. Ứng dụng công nghệ trong y tế: Bác sĩ có thể sớm khám, chữa bệnh tại nhà cho người bệnh

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa đã phát triển từ Telemedicine sang Telehealth, tiến tới triển khai phòng khám bệnh từ xa và cuối cùng khám bệnh tại nhà người bệnh

Chiều 16/10, trong khuôn khổ Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 đã diễn ra Hội thảo thảo Triển vọng y tế tư xa trong tim mạch đồng thời ra mắt nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa - Ourhealth.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho rằng những ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong khám chữa người bệnh, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 ở miền Trung, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy hiệu quả tuyệt vời để các bác sĩ nắm bắt thông tin về bệnh nhân nặng, đưa ra hội chẩn điều trị tốt nhất

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, các ứng dụng Telemedicine, Telehealth, Tele-ICU, mới nhất là trợ lý sức khỏe Ourhealth hỗ trợ rất lớn trong chẩn đoán, khám chữa bệnh, nâng cao năng lực của y tế cơ sở. Bác sĩ tuyến Trung ương có thể hội chẩn bệnh nhân, thậm chí siêu âm tim, đọc kết quả từ xa... để hội chẩn.

"Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa đã phát triển từ Telemedicine sang Telehealth (tư vấn trực tuyến đa bệnh viện), tiến tới triển khai phòng khám bệnh từ xa và cuối cùng khám bệnh tại nhà người bệnh"- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Ví dụ như siêu âm tim, một kĩ thuật vốn chỉ thực hiện được tại bệnh viện, thì nay bác sĩ ngồi tại viện vẫn có thể siêu âm tim cho bệnh nhân. Với đầu dò nhỏ, phát sóng wifi, người cầm đầu dò là kỹ thuật viên. Các thông số hiển thị ngay tức thì cho phép bác sĩ đang ở tại viện nắm bắt kết quả để đưa ra đánh giá.

Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ của công nghệ tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển. Hiện nay, tại BV Đại học Y Hà Nội mỗi tuần thực hiện 2 buổi hội chẩn trực tuyến với y tế cơ sở, với 10 bệnh nhân mỗi buổi.

"Con số bệnh nhân không lớn, nhưng rất có ý nghĩa nâng cao vai trò của bệnh viện vệ tinh, người dân tin tưởng hơn khi có bác sĩ tuyến đầu hỗ trợ. Đây cũng là phương pháp để đào tạo, hướng dẫn cho bác sĩ trẻ mới ra trường, bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa"- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Nhờ kho dữ liệu khổng lồ, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi bệnh nhân sau điều trị, tổng kết đánh giá tác dụng điều trị, tác dụng phụ, tránh tác dụng không mong muốn trong sự phối hợp các phương pháp điều trị, phối hợp các loại thuốc với nhau.

Đặc biệt, chúng ta sẽ có thể tối ưu hóa phương pháp điều trị dựa trên dữ liệu. Hiện nay với công nghệ thông tin sẽ có cách thu thập công nghệ, dự đoán chính xác nhất, đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất. Lúc đó, chỉ cần điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng có thể thực hiện kỹ thuật khám bệnh, siêu âm, nghe tim.. và bác sĩ có thể chẩn đoán từ xa.

Thông tin tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa - Ourhealth giúp bác sĩ, bệnh nhân và người thân kết nối trực tuyến để chia sẻ tình trạng sức khỏe hoặc tự động gửi cảnh báo khi có những dấu hiệu bất thường. Nền tảng cũng là diễn đàn mở giữa người bệnh, bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành để chia sẻ kiến thức y tế; đồng thời kết nối 24/7 tới đường dây nóng của bệnh viện, dẫn đường đến bệnh viện cấp cứu đột quỵ gần nhất.

Ourhealth sử dụng Big data (Phân tích dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích toàn bộ thông tin bệnh án, quá trình tư vấn, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt của bệnh nhân… nhằm ra đưa cảnh báo sớm về các chỉ số sức khỏe bất thường của người bệnh; các dấu hiệu cần cấp cứu, đồng thời giúp bác sĩ tư vấn chính xác và hiệu quả nhất.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, thông qua Ourhealth, người dân bị tăng huyết áp có thể đến trạm y tế địa phương để lấy thuốc mà không cần đi khám ở các bệnh viện tuyến trên như trước đây. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được tư vấn, điều trị kịp thời nếu có vấn đề bất thường về sức khỏe…

Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, để Ourhealth hoạt động hiệu quả cần tiếp tục hoàn thiện, mở rộng nền tảng, xây dựng chế độ đãi ngộ cũng như những ràng buộc trách nhiệm đối với những người tham gia tư vấn cho bệnh nhân…

Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hoa cho biết, hiện BVĐK tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thử nghiệm nền tảng Ourhealth. “Việc sử dụng nền tảng này giống như hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trên hệ thống phần mềm, giúp cho các bác sĩ khi tư vấn cho bệnh nhân nằm bắt được quá trình diễn biến bệnh và cập nhật tất cả những xét nghiệm của bệnh nhân. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân một cách chính xác và hiệu quả nhất”, BS Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Dự kiến, trong giai đoạn đầu, Ourhealth tập trung hỗ trợ cho các bệnh liên quan đến tim mạch. Đến quý 1/2021, sẽ mở rộng nền tảng cho các bệnh lý khác như tiểu đường, suy thận, bệnh nhi khoa… và đến cuối năm 2021 cơ bản hoàn thiện hệ sinh thái y tế như bảo hiểm, nhà thuốc.

Tính đến tháng 10/2020, Ourhealth đã và đang triển khai thử nghiệm tại BV E, BV 198 Bộ Công an, BVĐK tỉnh Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Ninh Bình. Trong thời gian tới, Ourhealth sẽ tiếp tục triển khai mở rộng tại các bệnh viện trên toàn quốc. (17.10.2020, 1126)

3. Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP cho người dân vùng bão lũ

Nhiều địa phương khu vực miền Trung vẫn đang gồng mình chống chọi với những thiệt hại nặng nề sau mưa bão và sạt lở đất vừa qua, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương vùng ảnh hưởng bão lũ duy trì trực đội cơ động cấp cứu, phòng chống dịch bệnh sẵn sàng chi viện cho khu vực bị thiên tai, bão lũ khi có yêu cầu... Các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP phòng tránh ngộ độc cũng được đưa ra...

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ...

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Đồng thời, thường xuyên rửa tay với xà phòng  trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ôtô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày.

Đảm bảo có nước sạch sử dụng sau bão lũ và xử lý môi trường ngay là yêu cầu quan trọng cấp thiết để phòng dịch. Hiện đã có nhiều nước đóng chai, đóng bình được vận chuyển cung cấp cho vùng lũ, nhưng so với nhu cầu thì số lượng này chưa đáng kể. “Người dân cũng cần thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đồng thời, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất”, TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý.

Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế khuyến cáo, đối với nước dùng để ăn uống, trong trường hợp giếng nước bị ngập, cách đơn giản nhất là người dân có thể dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Trong thời gian lũ lụt, người dân không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt.

Trong khi ngập lụt, gia súc gia cầm phải được quản lý chặt chẽ, không thả rông tránh làm ô nhiễm môi trường; làm vệ sinh chuồng trại và tẩy uế hàng ngày bằng các loại hóa chất thông thường như vôi bột, cloraminB. Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, người dân phải cách ly hoặc đem tiêu hủy (chôn hoặc đốt) theo đúng quy định...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh,  Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn những biện pháp cần thiết đẩy mạnh triển khai để phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Theo đó, các cơ quan quản lý ATTP tại địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn chọn lựa, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Với hoạt động cứu nạn trong thời điểm bão chồng bão, Bộ Y tế yêu cầu duy trì các đội, tổ chống dịch lưu động; Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam và các đơn vị y tế chủ động liên hệ với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn địa phương thống nhất phương án hỗ trợ, cấp cứu nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng, tổn thất do thiên tai, đặc biệt là sự cố sạt lở ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. (17.10.2020, 906)

4. Mỗi năm ghi nhận hơn 15.200 ca ung thư vú, nhiều chị em vẫn e ngại không đi khám sàng lọc

Mỗi năm trung bình Việt Nam ghi nhận khoảng 15.229 ca ung thư vú, chiếm gần 21% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Gần đây, độ tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt, nhiều chị em chỉ đến viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, tốn kém.

Thông tin trên được công bố tại lễ phát động chiến dịch khám sàng lọc ung thư vú năm 2020 mang tên “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” và chiến dịch nhắn tin hỗ trợ bệnh nhân ung thư “Một tin nhắn, triệu nghĩa tình gửi trao bệnh nhân ung thư,” tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tháng phòng chống ung thư vú thế giới.

Trong chiến dịch khám sàng lọc ung thư vú, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng sẽ phối hợp với Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ… triển khai khám sàng lọc miễn phí (gồm khám lâm sàng, siêu âm vú cho 100% phụ nữ tới khám và chụp nhũ ảnh các trường hợp nghi ngờ ác tính) cho 5.000 chị em phụ nữ.

Chiến dịch trên sẽ được triển khai tại các địa phương gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Thành phố Hồ Chí Minh, từ 18/10 đến hết ngày 15/11.

Phát biểu tại buổi lễ phát động, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của ác quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ung thư vú là bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

“Theo thống kê của Hệ thống ghi nhận ung thư, mỗi năm cả nước có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó có khoảng 15.229 ca ung thư vú, chiếm gần 21% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Đáng lưu ý, nhiều năm trở lại đây, độ tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hóa”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Tại chương trình, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, bệnh ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm điều trị càng hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao, chi phi phí thấp. Theo số liệu của Bệnh viện K những năm gần đây tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70%.

Vậy nên việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng thấp. Tuy nhiên do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ Việt Nam còn e ngại, không đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm nên nhiều chị em tới bệnh viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Vì thế, thứ trưởng Trần Văn Thuấn kêu gọi các chị em phụ nữ hãy quan tâm và thực hiện khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú. Các doanh nghiệp cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đối với phụ nữ bước sang tuổi 40 vào chương trình khám sức khỏe định kỳ, hướng tới dần kiểm soát được căn bệnh này.

“Với việc tăng cường kiến thức cùng những biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú, chúng tôi hy vọng căn bệnh này sẽ không còn là vấn đề lớn và cuộc sống của phụ nữ Việt sẽ trở nên hạnh phúc và vui vẻ. Tôi kêu gọi chị em phụ nữ hãy quan tâm và thực hiện việc sàng lọc phát hiện sớm”- PGS.TS Trần Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng nhấn mạnh.

Chiến dịch có tên “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” được khởi động bằng các hoạt động khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư từ ngày 18/10 tại Hà Nội và từ ngày 25/10 tại TP Hồ Chí Minh.

Điểm mới của chương trình khám sàng lọc ung thư vú năm nay đó là có các chuyến xe đưa các chị em phụ nữ tại Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Hải Dương đến khám tầm soát tại 2 cơ sở của Bệnh viện K.

Một chiến dịch khác của Quỹ Ngày mai tươi sáng nhằm hỗ trợ bệnh nhân ung thư là chiến dịch nhắn tin ủng hộ bệnh nhân nghèo với thông điệp “một tin nhắn, triệu nghĩa tình gửi trao bệnh nhân ung thư.” Chiến dịch bắt dầu từ ngày 5/10 đến 3/12/2020. Mỗi tin nhắn với cú pháp UT gửi đến 1406 sẽ đóng góp 20.000 đồng cho các chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Quỹ.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư vú cũng được tổ chức trong dịp này.

Lần đầu tiên, kể từ khi tổ chức chiến dịch, vào 20 giờ đến 20 giờ 30 phút ngày 19/10 đồng loạt các toà nhà cao tầng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng thắp sáng màu hồng trong thời gian 30 phút. Màu hồng là màu biểu tượng của hoạt động phòng ung thư vú, sự kiện này nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội vào công cuộc phòng chống ung thư. (18.10.2020, 1028)

5. Tận tụy, sáng tạo, nâng cao y đức, tô điểm thêm truyền thống của ngành y

Với những phong trào thi đua thiết thực, gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, có thể khẳng định phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành y tế trong giai đoạn 2015-2020 thực sự đã trở thành động lực phát triển, góp phần quan trọng đưa ngành y tế hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu được đề ra trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân...

Công tác thi đua, khen thưởng ngành y tế đổi mới cả về nội dung và hình thức

Trong giai đoạn 2015-2020, Bộ Y tế duy trì được sự đoàn kết thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, căn cứ vào chương trình mục tiêu, nhiệm vụ công tác hằng năm, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng công tác thi đua, khen thưởng; phát động nhiều đợt thi đua thiết thực. Cũng trong giai đoạn 2015-2020, phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành y tế đã được đổi mới như tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng; đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi cán bộ, công nhân viên chức khi tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

5 năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của ngành y tế đã có những bước đổi mới cả về nội dung và hình thức với nhiều hoạt động thi đua được tổ chức thường xuyên, liên tục, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Ngành y tế lấy phong trào thi đua làm động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi đơn vị, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm và kế hoạch 5 năm (2015-2020). Hằng năm, lãnh đạo Bộ Y tế phát động các phong trào thi đua yêu nước, tôn vinh các điển hình tiên tiến và có những việc làm thiết thực để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam và những ngày lễ lớn của đất nước...

Công tác khen thưởng, việc thực hiện chính sách khen thưởng trong 5 năm qua đã có sự chuyển biến tích cực. Khen thưởng cho người lao động trực tiếp tăng lên rõ rệt...

Lấy phong trào thi đua làm động lực thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

Trong giai đoạn 2015-2020, các phong trào thi đua yêu nước của ngành với những mục tiêu, kế hoạch và biện pháp rõ ràng, gắn chặt với các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của từng đơn vị góp phần tích cực vào thành công của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đó là các phong trào điển hình như:

Phong trào “Chung tay giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng sự hài lòng của nhân dân” năm 2015 đã giải quyết tình trạng quá tải và nằm ghép ở trên 80% số bệnh viện Trung ương, bệnh viện tuyến cuối. Hoạt động hiệu quả của mô hình bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt từ 65-100% ở những chuyên khoa được chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh. Phong trào đã thúc đẩy việc hoàn thành và đưa vào sử dụng, bổ sung trên 4.500 giường bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Năm 2016, phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” theo Quyết định số 2151/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế với các nội dung được triển khai đồng bộ, toàn diện như tiếp sức người bệnh, đường dây nóng; thành lập phòng công tác xã hội nhằm hỗ trợ và giúp đỡ những người gặp khó khăn, bệnh tật hoặc những người kém may mắn; đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế các tỉnh đã tiến hành ký cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ. Các cơ sở y tế đã có sự thay đổi đáng ghi nhận, được cộng đồng quan tâm, hưởng ứng và ủng hộ.

Năm 2017, phong trào “Y tế Việt Nam đổi mới, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được Bộ Y tế phát động nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật cao của tuyến Trung ương xuống Y tế tuyến tỉnh giúp người dân được tiếp cận với nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại tại địa phương mà không phải lên tuyến Trung ương khám, chữa bệnh. Việc triển khai giai đoạn II của Đề án giảm quá tải bệnh viện, mô hình bệnh viện vệ tinh đã được mở rộng ra 63 tỉnh/thành trên cả nước. Y tế tuyến tỉnh đã có khả năng triển khai nhiều kỹ thuật cao của tuyến Trung ương...

Bộ Y tế mong muốn cuối năm 2020, toàn ngành y tế có hơn 1.200 cơ sở khám chữa bệnh từ xa (Telehealth Vietnam) để người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Đề án hướng tới mục tiêu mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến các cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đồng thời trong tương lai sẽ tiến hành kết nối các bệnh viện tuyến trên với các nước có nền y khoa tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Năm 2018, Bộ Y tế phát động phong trào “Tăng cường Y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” - đây cũng là năm đầu tiên Bộ Y tế tiến hành xây dựng mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, phường điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, theo hướng hội nhập quốc tế để tiến tới nhân rộng toàn quốc.

Năm 2019, Bộ Y tế phát động Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” đưa Nghị quyết số 20 và Nghị quyết số 21 của Đảng về công tác y tế và dân số trong tình hình mới vào cuộc sống; nhằm nâng cao sức khỏe, nâng cao tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người dân Việt Nam...

Năm 2020, phong trào thi đua của ngành y tế có chủ đề: “Y tế Việt Nam: 65 năm đổi mới, hội nhập và phát triển” cùng với việc tổ chức các hoạt động thi đua, khen thưởng gắn với nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế và các chính sách về y tế như: giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, hỗ trợ khám, chữa bệnh nhân đạo, phong trào vệ sinh yêu nước, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong y tế... Đảm bảo sự công bằng, hiệu quả trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Năm 2020 cũng là một năm đặc biệt của ngành y tế khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế”, Bộ Y tế đã kịp thời phát động phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch COVID-19”. Có thể nói, phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch COVID-19” đã phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc cùng đồng lòng, đoàn kết của toàn ngành y tế cùng cả hệ thống chính trị trong quyết tâm chiến thắng đại dịch; bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân và ổn định của kinh tế, xã hội... Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, được nhân dân ủng hộ...

Các phong trào thi đua của Bộ Y tế trong giai đoạn 5 năm qua đều có mục tiêu và mục đích rõ ràng, thiết thực, với hình thức phong phú và sinh động, có tác dụng thúc đẩy thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước hiệu quả hơn trong thực tiễn, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong đội ngũ cán bộ ngành y tế.

Trong 5 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của ngành y tế đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế ghi nhận, tuyên dương và trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý. Đó là, 9 danh hiệu Anh hùng Lao động; 328 Huân chương các loại; 120 Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân; 1.717 Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; 10 Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; 08 Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 47 Cờ thi đua của Chính phủ; 22 Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; 535 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 384 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Y tế; 440 Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; 19.947 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; 22.422 Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”; 33.549 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số”; Hàng ngàn danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”...

Phát huy truyền thống, phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025 tiếp tục có những bước phát triển mới

Bộ Y tế đã đề ra phương hướng trong giai đoạn 2020-2025 là đổi mới mạnh mẽ toàn diện ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngày càng cao của nhân dân; phấn đấu đạt thứ hạng cao về y tế - chăm sóc sức khỏe so với các nước ASEAN và khu vực Tây Thái Bình Dương. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế của phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020, đẩy mạnh phong trào thi đua trong những năm tiếp theo của ngành y tế cần tập trung vào một số nội dung:

Tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ ngành y tế về ý nghĩa, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng một cách thiết thực, hiệu quả. Từ đó nâng cao nhận thức và phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân...

Để thực hiện được những phương hướng đã đề ra, ngành y tế đề ra một số nhiệm vụ trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn cũng như trong công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2020-2025, đó là, tập trung hoàn thành các chương trình, đề án, nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết: 18/NQ-TW; Nghị quyết 19/NQ-TW, Nghị quyết 20/NQ-TW; Nghị quyết 21/NQ-TW; đặc biệt là hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia theo Luật Quy hoạch, Nghị quyết TW 20/NQ-TW; chuyển một số đơn vị thuộc Trung ương về địa phương quản lý. Hoàn thành mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, mô hình trung tâm y tế đa chức năng trực tiếp quản lý trạm y tế xã. Hình thành cơ quan kiểm soát bệnh tật Trung ương và một số vùng; cơ quản quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế tại Trung ương và vùng.

Toàn ngành tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng, xem đây là một nhiệm vụ thường xuyên.

Tiếp tục phát động Phong trào Thi đua yêu nước sâu rộng trong toàn Ngành theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trên mọi lĩnh vực, nhất là các nhân tố mới, các mô hình mới để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng, tạo động lực phát triển và lan tỏa sâu rộng.

Quan tâm, kịp thời chỉ đạo thi đua, khen thưởng sát với tình hình thực tế của ngành, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Kịp thời đề xuất văn bản phù hợp với yêu cầu của Trung ương, Chính phủ về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng sửa đổi các văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của Bộ phù hợp với luật, nghị định của Chính phủ, đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất.

Toàn thể cán bộ ngành y tế nước nhà, những chiến sĩ áo trắng luôn thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y như từ mẫu - Thầy thuốc như mẹ hiền”, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức tiếp tục soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ y tế nước ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách, không ngừng tu dưỡng rèn đức, luyện tài, trau dồi chuyên môn... Với truyền thống thi đua yêu nước được hun đúc từ nhiều năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ cùng sự hưởng ứng tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, Phong trào Thi đua yêu nước Bộ Y tế giai đoạn 2020-2025 sẽ có bước phát triển mới, đạt được nhiều thành công mới... (18.10.2020, 2640)

6. Bộ Y tế hướng dẫn phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão

Bộ Y tế cho biết, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Bước vào đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng  trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất. (19.10.2020, 440)

7. Trường Đại học Y Hà Nội khai giảng năm học 2020-2021

"Tôi muốn nói với tất cả các em rằng, con đường để trở thành bác sĩ, cử nhân y khoa hay trở thành các chuyên gia y tế giỏi không phải là con đường nhung lụa, trải đầy thảm hoa. Đó thực sự là con đường thấm đẫm mồ hôi, đôi khi có cả những giọt nước mắt"- GS.TS Tạ Thành Văn- Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ như vậy với các tân sinh viên tại Lễ Khai giảng năm học 2020-2021 của nhà trường diễn ra ngày 19/10

Trước khi phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng Tạ Thành Văn chia sẻ: Lễ khai giảng năm nay diễn ra trong bối cảnh lũ lụt đang hoành hành tại các tỉnh miền Trung gây tổn thất lớn về người, cơ sở vật chất và Thủ tướng Chính phủ vừa kêu gọi “Cả nước chung tay vì người nghèo” và người dân ở một số tỉnh miền Trung, "tôi kêu gọi toàn thể cán bộ viên chức, học viên và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nôi hãy chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung. Tôi giao nhiệm vụ cho công đoàn, đoàn thanh niên hãy tổ chức những hành động thiết thực nhất vì đồng bào miền Trung ruột thịt.

Khi lũ lụt qua đi, chăm sóc y tế và môi trường sẽ là vấn đề đặc biệt quan trọng. Trường Đại học Y Hà Nội sẵn sàng cử các chuyên gia y tế và thuốc men để góp phần làm giảm sự mất mát và hậu quả của thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng..."

Năm học 2020-2021, tổng số sinh viên nhập học của Trường Đại học Y Hà Nội là 1142 em, trong đó có 38 sinh viên tuyển thẳng, được đào tạo ở 9 chuyên ngành: Y Đa khoa, Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Dinh dưỡng, Điều dưỡng và Khúc xạ nhãn khoa.

Chúc mừng các sinh viên vừa vượt qua một cách ngoạn mục kỳ thi quốc gia nổi tiếng khó khăn cũng như các học viên để hôm nay chính thức trở thành tân sinh viên và tân học viên Trường Đại học Y Hà Nội 118 năm tuổi- ngôi trường có truyền thống lâu đời trong sự nghiệp đào tạo nhân lực cho ngành y tế.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, trở thành tân sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, một điểm mốc đặc biệt quan trọng trong cuộc đời, một niềm tự hào không chỉ của các em mà của gia đình và bè bạn. Các em hãy để dấu ấn đặc biệt này trở thành kỷ niệm.

"Tôi muốn nói với tất cả các em rằng, con đường để trở thành bác sĩ, cử nhân y khoa hay trở thành các chuyên gia y tế giỏi không phải là con đường nhung lụa, trải đầy thảm hoa. Đó thực sự là con đường thấm đẫm mồ hôi, đôi khi có cả những giọt nước mắt. Các em hãy cam đảm chấp nhận điều đó để sẵn sàng bước vào một chặng đường mới, dài hơn, vất vả hơn rất nhiều trong lộ trình trở thành các bác sĩ, cử nhân, trở thành chuyên gia có trình độ sau đại học tại Trường Đại học Y Hà Nội giàu lòng nhân ái và giỏi về chuyên môn"- GS.TS Tạ Thành Văn nhắn nhủ.

Tại lễ khai giảng, GS.TS Tạ Thành Văn thông tin, Trường Đại học Y Hà Nội đang trong quá trình cải cách sâu rộng tất cả các lĩnh vực hoạt động; từ lĩnh vực quản trị hệ thống đến việc đổi mới chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học; từ việc triển khai các chiến lược mới trong khoa học công nghệ, tài chính đến việc đầu tư tạo thương hiệu cho các dịch vụ y tế của nhà trường.

"Tất cả sự thay đổi này cần sự quyết tâm cao của tập thể cán bộ viên chức và người lao động trong toàn trường với mục đích cuối cùng là tạo nên một thương hiệu Trường Đại học Y Hà Nội mà mỗi chúng ta khi nhắc đến đều có quyền tự hào, nơi mà tất cả các em đều có thể thực hiện ước mơ của mình"- Hiệu trưởng Tạ Thành Văn nói (19.10.2020, 761)

8. Hà Tĩnh: Sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân trong mưa lũ

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to, đến rất to, cộng vơi việc xả lũ, xả tràn đã khiến cho nhiều địa bàn bị ngập lụt nặng. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự chuẩn bị chu đáo, đến nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn duy trì bình thường hoạt động thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng phương án để tiếp nhận cấp cứu cho các bệnh nhân vào viện trong mưa lũ.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, mặc dù trên địa bàn một số địa phương của tỉnh Hà Tĩnh bị ngập nước, nhưng mọi hoạt động thăm khám và điều trị tại bệnh viện vẫn đang diễn ra bình thường. Trong ngày 19/10, toàn tỉnh có trên 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú đang điều trị nội trú được các cơ sở y tế chăm sóc, điều trị ổn định, bảo đảm an toàn.

Do mưa lớn, nên nhiều tuyến đường của thành phố Hà Tĩnh, nhưng trong ngày Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh  vẫn tiếp nhận, khám, cấp cứu cho 66 bệnh nhân, trong đó có 11 ca đẻ, 1 trường hợp bị tai nạn. Hiện, khu vực cấp cứu đã được bệnh viện tăng cường nhân lực, vật lực sẵn sàng cấp cứu, thu dung bệnh nhân khi có tình huống xấu xảy ra trong mưa lũ.

Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Tĩnh, ngoài việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân nội trú, bệnh viện còn cung cấp cơm miễn phí cho người bệnh và người nhà chăm sóc bệnh nhân trong những ngày ngập lụt không thể di chuyển được.

BVĐK huyện Đức Thọ, hoạt động thăm khám, điều trị vẫn đang diễn ra như những ngày bình thường. Hiện, toàn bệnh viện có trên 220 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng rà soát các trường hợp bệnh nhân cũng như người nhà đến chăm sóc có nhà ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt thì bố trí cho ở lại bệnh viện và bố trí ăn uống tại căng tin để đảm bảo an toàn.

Đối với hệ thống y tế cơ sở, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, do mưa lớn cũng như việc xả tràn trong nhiều ngày qua đã làm hàng chục trạm y tế ở các địa phương đã bị ngập nặng, nhất là các xã nằm ở khu vực 6 xã vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ thuộc huyện Cẩm Xuyên trong đó Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên ngập sâu hơm 1m, 80% trạm y tế của huyện Cẩm Xuyên cũng bị ngập sâu, tuy nhiên nhờ chủ động từ sớm nên hiện nay tất các các vật tư y tế, thuốc men đều đã được các trạm di chuyển lên tầng 2 để đảm bảo an toàn. Ngoài ra các xã vùng hạ lưu huyện Vũ Quang, các xã nằm dọc sông Ngàn Sâu, huyện Hương Khê… cũng bị ngập nặng.

Sáng ngày 18/10, nhận được thông tin có sản phụ chuyển dạ cần đưa đến cơ sở y tế để sinh con, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã dùng bè kịp thời đưa sản phụ vượt lũ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên để sinh con kịp thời. Theo báo cáo của  Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên, mặc dù bị ngập lụt những nhờ có sự chuẩn bị, lên phương án chu đáo nên hoạt động khám, chữa bệnh vẫn diễn ra, trong 2 ngày qua, tiến hành đỡ đẻ và mổ đẻ thành công cho 15 sản phụ, còn 3 sản phụ đang chờ sinh.

Để kịp thời động viên các bệnh viện trên địa bàn, lãnh đạo Sở y tế đã đi thị sát, hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm cho bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên.

Trước đó, để ứng phó với lụt bão Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành triển phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xẩy ra lũ lụt, sạt lở đất. Chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng dịch bệnh có thể phát dịch trong, sau mưa lũ. Tổ Chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất.

Đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện, nhu yếu phẩm thiết yếu và phân công các đội y tế cơ động trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả. (20.10.2020, 882)

9. Giải pháp về chính sách để kiểm soát hiệu quả quỹ BHYT và quỹ BHXH

BHYT hay chính xác hơn là BHYT xã hội, là chính sách an sinh xã hội, một phương tiện cơ bản để thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo do Ủy ban Về các vấn đề xã hội diễn ra cuối tuần qua.

Thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân

Báo cáo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định Quỹ BHYT được hình thành từ nguồn đóng BHYT của người tham gia và các nguồn thu hợp pháp khác. Vì vậy, quỹ BHYT có tính chất chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng tham gia có nguy cơ và nhu cầu khác nhau về chăm sóc sức khỏe nói chung cũng như khám chữa bệnh (KCB) nói riêng, chia sẻ về tài chính giữa những người có điều kiện kinh tế khá giả với người khó khăn, chia sẻ giữa các khu vực kinh tế xã hội khác nhau.

Nhìn chung, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn luật để đảm bảo tính chặt chẽ về nguyên lý của BHYT, chức năng của quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số bất cập do những thay đổi và sự phát triển kinh tế xã hội và đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước, quản lý hệ thống BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế kiến nghị, cần phân bổ quỹ KCB và quỹ dự phòng BHYT hợp lý (giới hạn số tiền nhất định cho quỹ dự phòng để tăng cho quỹ KCB BHYT); quy định quyền lợi về khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, quản lý sức khỏe (là một trong những giải pháp cơ bản để giảm chi phí sử dụng dịch vụ của BV); quy định các nguyên tắc và điều kiện để điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT; cơ chế mua sắm thuốc, VTYT do quỹ BHYT chi trả thực hiện BHYT bổ sung (quỹ BHYT bổ sung)...; tiếp tục các hoạt động thanh tra, kiểm tra, truyền thông về BHYT...

Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính thống nhất để triển khai mạnh mẽ phương thức thanh toán chi phí theo nhóm bệnh được chẩn đoán áp dụng trong điều trị nội trú. Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế, chính sách và quy định phối hợp giữa BHYT (xã hội) với BHYT thương mại để huy động thêm nguồn lực tài chính cho chăm sóc sức khỏe và đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân.

Đẩy mạnh KCB từ xa, quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm

Để mang lại hiệu quả hơn cho các bệnh nhân và quỹ BHYT, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu quan điểm cần đẩy mạnh KCB ngoại trú cho bệnh nhân. Điều này sẽ góp phần giúp cho bệnh nhân đỡ khỏi phải nằm viện nếu thực sự không cần thiết; giảm chi phí, công sức cho người nhà bệnh nhân. Điều đặc biệt là giảm tải bệnh nhân cho các BV tuyến trên và cơ quan BHYT đỡ bớt phải chi trả, nhất là tiền giường bệnh.

Để thực hiện được việc làm này, các BV cần tổ chức thật tốt quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm tại y tế cơ sở xã, phường. Đó là các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường... Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, lợi ích của quản lý tốt các bệnh mạn tính không lây nhiễm tại y tế cơ sở xã, phương là bệnh nhân được quản lý gần nhà nhất, đúng phương châm “chăm sóc sức khỏe ban đầu”, đỡ tốn nhiều công, nhiều kinh phí mà vẫn chăm sóc sức khỏe tốt.

Để thực hiện được giải pháp trên, cơ sở y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn để cán bộ y tế  cập nhật được việc quản lý, chăm sóc, chẩn đoán và điều trị các bệnh như yêu cầu của Bộ Y tế; Tổ chức thẩm định, kiểm tra để cấp phép; Cho phép ứng dụng mạnh mẽ KCB từ xa, đặc biệt là tư vấn qua video call; Cho phép ký kết lấy bệnh phẩm tại nhà, tại các cơ sở y tế phường xã... Để thực hiện được, BHYT cũng cần đồng ý thanh toán cho tất cả các hoạt động KCB theo hình thức này.

Ngoài ra, cần quyết liệt tổ chức và triển khai sâu rộng KCB theo hình thức “Bác sĩ gia đình”; KCB từ xa; Liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và các thăm dò chức năng.

TS. Nguyễn Văn Tiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng để đảm bảo quỹ BHYT KCB cho người dân, cần thiết là nên đưa ra mức đóng BHYT với các quy định giá cụ thể vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đối với Bộ Y tế, cần nghiên cứu để tăng cường đưa KCB ngoại trú, KCB theo hình thức “Bác sĩ gia đình” và KCB từ xa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). (20.10.2020, 943)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến