Thông tin y tế 09 - 12/10/2020

12/10/2020 | 08:59 AM

 | 

1. Ngày Thị giác thế giới: Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị mù lòa, có thị lực kém

Ngày 8/10/2019, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt TW, Hội Nhãn khoa Việt Nam và các tổ chức Phòng chống mù lòa quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ mít –tinh hưởng ứng Ngày thị giác thế giới (World Sight Day) năm nay với chủ đề “Hope in Sight - Ánh sáng hy vọng" . Đây là năm thứ 18 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới.

Phát biểu tại lễ Mít tinh Ngày Thị giác Thế giới năm 2020, PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cho biết nhiều bệnh lý về mắt đang diễn biến phưc tạp, đặc biệt 2 bệnh lý về mắt có thể phòng tránh được vẫn là những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa hiện nay: bệnh đục thủy tinh thể và tật khúc xạ ở trẻ em. PGS. TS Cung Hồng Sơn nhấn mạnh, công tác phòng chống mù lòa cần sự chung tay của toàn xã hội, không ngừng nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc mắt. Việc thăm khám định kỳ các bệnh về mắt tại các cơ sở chuyên khoa mắt sẽ giúp cho việc phát hiện sớm các bệnh về mắt, mang lại hiệu quả cao trong công tác điều trị.

Nhằm động viên toàn xã hội tham gia vào các hoạt động chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa, với mục tiêu giúp cho tất cả mọi người sẽ biết cách tự bảo vệ, chăm sóc và tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc mắt ở bất cứ nơi nào.

Vì vậy Ngày Thị giác thế giới là sự kiện truyền thông quan trọng nhất trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ mắt. Đây là thời gian để mọi gia đình bệnh nhân về mắt tham gia với thế giới rộng lớn, mọi người có thể tìm hiểu, chia sẻ những hiểu biết về chăm sóc mắt.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ dân số trên thế giới ngày càng tăng, thì giảm thị lực và mù từ những bệnh mạn tính cũng tăng.Hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, cần khám mắt định kỳ hàng năm, trong đó ước khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm khoảng 80%. Đặc biệt cứ 5 giây thế giới có thêm  một người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm một trẻ bị mù, 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn. Việt Nam được xếp trong các nhóm nước này.

Theo PGS.TS Hồng Sơn, Hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị mù lòa, có thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Tuy nhiên, nhiều bệnh liên quan đến tuổi tác dẫn đến mù lòa, như đục thủy tinh thể, glôcôm, bệnh võng mạc đái tháo đường…có thể được phòng ngừa hoặc điều trị một cách dễ dàng và ít tốn kém. Điều quan trọng là người bệnh có được sự can thiệp đúng, sớm, để có thể mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp phục hồi tốt thị lực.

Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thi, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15.000.000 em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị. Tuy nhiên, việc khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ (cận ,viễn, loạn thị) lại là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mù loà gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí....

Vì vậy,“Ngày Thị giác thế giới” là ngày có một ý nghĩa rất lớn, giúp mỗi người dù ở mọi độ tuổi, không phân biệt nghề nghiệp, mọi vị trí trong xã hội, hãy quan tâm chăm sóc sức khỏe thị giác, vì “có sáng mắt là có tất cả”. nhầm mục đích để nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về các vấn đề liên quan đến mù lòa và suy giảm thị lực, tầm quan trọng của mục tiêu thị giác 2020: "Hope in Sight - Ánh sáng hy vọng", và là vấn đề sức khỏe cộng đồng quốc tế, rất cần sự chung tay giúp sức từ mọi người trong xã hội.

Được biết, tại Bệnh viện Mắt TW trong những năm qua, với sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của ngành Y tế, đặc biệt là vai trò nòng cốt của cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Mắt, đã có nhiều sáng tạo, chủ động, nỗ lực để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mù lòa và chăm sóc mắt cho người dân. Nổi bật là Bệnh viện đã xây dựng được mạng lưới chăm sóc mắt và tổ chức hoạt động hiệu quả, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến cơ sở; áp dụng nhiều khoa học, kỹ thuật để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…(09.10.2020, 961)

2. Nhiều sáng kiến mới tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ Bệnh viện Quân y 103

Trong 2 ngày 08-09/10/2020 tại Hà Nội, Bệnh viện Quân y 103 tổ chức khai mạc Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ Bệnh viện năm 2020.

Hội thao nằm trong chuỗi các hội nghị, hội thảo khoa khoa học chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Bệnh viện Quân y 103 (20-12-1950/20-12-2020).

Phát biểu tại buổi khai mạc, Thiếu tướng, Trần Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết:Những năm qua, Đảng ủy Ban giám đốc Bệnh viện luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện, mang lại hiệu quả tích cực trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật đã giúp cho tuổi trẻ Bệnh viện Quân y 103 phát huy được trí tuệ, năng lực sáng tạo, khả năng tiếp cận và từng bước làm chủ kỹ thuật mới, có phương pháp tư duy, tác phong làm việc khoa học, góp phần phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kế cận của bệnh viện.

“Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ thầy thuốc trẻ bệnh viện phục vụ sự nghiệp đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, tôi mong muốn chỉ huy các Bộ môn - khoa, đội ngũ cán bộ khoa học giàu kinh nghiệm của bệnh viện quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật của tuổi trẻ bệnh viện được duy trì thường xuyên, thực sự đi vào chiều sâu”. Thiếu tướng, Trần Viết Tiến nhấn mạnh thêm.

Hội thao đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện nhằm đem đến những kỹ thuật mới, cải tiến mới, ứng dụng thực tiễn, nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh;  Các kỹ thuật mới tham gia lần này là: Kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn với điện cực thất tại vị trí bó His, kỹ thuật ghét tế bào gốc trung mô đồng loại cải tiến điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phương pháp lưỡng châm đơn huyệt trong điều trị liệt dây VII ngoại vi do lạnh... ( thuộc khối nội)...; Phẫu thuật hạ mu đường kế mạc cải tiến điều trị co rút cơ nâng mi trên, phẫu thuật nội soi cắt nang hố lưỡi thanh thiệt bằng lưỡi dao điện cải tiến, ứng dụng dụng cụ cải tiến trong phẫu thuật tạo hình bản sóng cổ lồi sau... ( khối ngoại).

Chia sẻ tại Hội thao Ths. Hoàng Tuấn Anh Khoa Mắt BV 103 cho biết; Tham gia Hội thao chúng tôi thật vinh dự và rất vui, đây là dịp để các bác sĩ trẻ của Bệnh viện có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn. Đồng thời đây là nguồn động viên, khuyến khích giúp các bác sĩ trẻ tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, phát huy tính sáng tạo trong chuyên môn phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân..

Được biết tham gia Hội thao lần này bệnh viện có 37 kỹ thuật trong đó 14 kỹ thuật thuộc khối Nội, 13 kỹ thuật thuộc khối Ngoại và 10 kỹ thuật thuộc khối Cận Lâm Sàng. Ban tổ chức sẽ trao 5 giải Nhất, 9 giải Nhì, 8 giải Ba. Qua hội thao, những kỹ thuật xuất sắc sẽ được lựa chọn tham gia hội thao cấp học viện và Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội. (09.10.2020, 659)

3. Hơn 3,5 triệu người Việt đang "chung sống" với bệnh đái tháo đường

Việt Nam hiện có tới 3,53 triệu người đang "chung sống" với căn bệnh đái tháo đường, và mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan.

Bắt đầu từ tháng 8 năm 2020, Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam (VADE) phối hợp cùng các đối tác triển khai Chương trình Đào tạo trực tuyến về Đái tháo đường -iSTEP-D Plus Online.

Chương trình nằm trong giai đoạn 3 của dự án đào tạo chuyên sâu quốc tế về Đái tháo đường - iSTEP-D Plus triển khai từ năm 2019 và kỳ vọng sẽ tiếp cận hơn 4.000 bác sĩ đa khoa trên toàn quốc. Cho đến nay, toàn bộ nội dung của Khóa học 1 đã được giới thiệu đến các bác sĩ đã đăng ký, dự kiến các bài giảng của Khóa học 2 sẽ tiếp tục ra mắt vào tháng 10.2020.

Những thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng nhanh ở Châu Á với khởi phát bệnh trên cả bệnh nhân tương đối trẻ có BMI thấp. Vì vậy, ngăn ngừa và kiểm soát đái tháo đường là ưu tiên chăm sóc sức khỏe cộng đồng hàng đầu đối với dân số Châu Á. Theo thống kê từ Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế, Việt Nam hiện có tới 3,53 triệu người đang chung sống với căn bệnh này, và mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan.

Với nỗ lực tiếp tục hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho nhân viên y tế một cách thuận lợi nhất, nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân đái tháo đường, việc triển khai đào tạo trực tuyến trên nền tảng ứng dụng di động MDCom là bước chuyển đổi đột phá từ hình thức đào tạo tại chỗ, nằm trong giai đoạn 3 của lộ trình iSTEP-D Plus (2019 – 2021) tại Việt Nam.

iSTEP-D Plus Online là chương trình đào tạo trực tuyến đầu tiên về đái tháo đường tại Việt Nam, bao gồm 3 khóa học với 15 bài giảng sinh động được trình bày bởi các chuyên gia Nội tiết đầu ngành, nhằm cập nhật kiến thức cho bác sĩ đa khoa thuộc các bệnh viện tuyến cơ sở trên khắp cả nước.

Sau khi hoàn tất khoá học và các bài kiểm tra đánh giá, các y bác sĩ sẽ nhận được chứng nhận đào tạo cấp bởi Tổng Hội Y học Việt Nam và Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam. Bên cạnh đó, nền tảng MDCom còn tích hợp thông tin về các hội thảo và cập nhật kiến thức y khoa đến nhân viên y tế Việt Nam.

 “Tiếp nối thành công của dự án iSTEP-D và iSTEP-D Plus, iSTEP-D Plus Online đánh dấu bước cải tiến trong công tác đào tạo phù hợp với xu thế số hóa hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của các bác sĩ trong chuyên ngành một cách linh động, tiện lợi, hướng đến mục đích cuối cùng là tối ưu hóa kiểm soát Đái tháo đường, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân tại Việt Nam”- GS.TS.BS Trần Hữu Dàng - Chủ Tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ. (09.10.2020, 588)

4. Triển khai nhiều kỹ thuật khó trong ung bướu và y học hạt nhân

Việc ứng dụng các kỹ thuật khó, chuyên sâu trong lĩnh vực ung bướu và y học hạt nhân đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân ung thư hiểm nghèo, nâng cao chất lượng điều trị, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Ngày 9/10, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai đã tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập (1970-2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bằng khen của Công đoàn ngành y tế.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã biểu dương và ghi nhận những kết quả xuất sắc mà Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã đạt được trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển chung của BV Bạch Mai.

Khẳng định những tiến bộ vượt bậc mà Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, Trung tâm sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, mang lại lợi ích cho ngành y học Việt Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, trải qua 50 năm xây dựng, phát triển đến nay đã trở thành Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu hoàn chỉnh, đầu ngành về Y học hạt nhân và là đơn vị hạt nhân về Ung bướu trong cả nước. Trung tâm đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu trong cả hai lĩnh vực Y học hạt nhân và Ung bướu, phục vụ chẩn đoán, điều trị đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn đã được thực hiện thành công, Trung tâm đã được Bộ Y tế, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trong đó nổi bật nhất là được Chủ tịch nước tặng thưởng: “Huân chương Lao động hạng Nhất”; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ do Chủ tịch nước trao tặng cho Cụm công trình: "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác".

Đây là một cụm công trình gồm 5 nhóm công trình, là tập hợp các kết quả nghiên cứu và đã được ứng dụng vào thực tiễn chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác tại Việt Nam. Giải thưởng cao quý và danh giá nhất về khoa học công nghệ ở Việt Nam được trao tặng cho cụm công trình này cho thấy rõ sự cần thiết của các kỹ thuật và công nghệ hiện đại để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác ở Việt Nam bằng bức xạ ion hóa.

Các thầy thuốc của trung tâm đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, như sử dụng SPECT, PET/CT chẩn đoán và mô phỏng lập kế hoạch xạ trị; Chẩn đoán và điều trị bệnh ung bướu: xạ trị gia tốc, xạ trị điều biến liều, xạ phẫu bằng dao gamma quay, cấy hạt phóng xạ I-125, xạ trị trong chọn lọc bằng vi cầu phóng xạ Y-90 trong điều trị ung thư gan nguyên phát, thứ phát; Chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ...

Ngoài ra, Trung tâm còn có các mối quan hệ hợp tác về chuyên môn với nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước về Y học hạt nhân và Ung bướu.

Thực tế, nước ta là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao, hàng năm, số lượng người mới mắc bệnh không ngừng tăng lên và một tỷ lệ rất lớn trong số đó đã tử vong. Riêng trong năm 2012, tại Việt Nam có khoảng 125.000 ca ung thư mới mắc và 94.700 người tử vong vì căn bệnh này.

Có nhiều nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do ung thư ở nước ta, trong đó một yếu tố rất quan trọng liên quan đến tỷ lệ tử vong là do công tác chẩn đoán, điều trị, đặc biệt là công tác chẩn đoán sớm, phát hiện tái phát, di căn ung thư… Nhiều bệnh nhân được phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng, do đó việc điều trị gặp nhiều khó khăn...

Được biết, trong thời gian tới, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai sẽ tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị lĩnh vực Y học hạt nhân, ung bướu, gen, tế bào gốc, sinh học phân tử… nhằm giúp nâng cao trình độ chuyên môn ngang tầm khu vực và một số nước trên thế giới.

Hiện, Trung tâm có một đội ngũ 171 cán bộ được đào tạo, huấn luyện đầy đủ bảo đảm cho hoạt động chuyên môn cả về Y học hạt nhân và Ung bướu. (10.10.2020, 924)

5. Không còn nằm ghép tại bệnh viện lớn nhất miền Bắc

Thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, hiện nay, tại các khoa lâm sàng của BV không còn tình trạng người bệnh phải nằm ghép, công tác chăm sóc toàn diện được triển khai đồng bộ.

Là cơ sở khám chữa bệnh tuyến cuối nên nhu cầu khám chữa bệnh và tiếp cận dịch vụ chất lượng cao của người bệnh và người nhà, tình trạng quá tải người bệnh, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng theo thời gian, đặc biệt là khu vực điều trị nội trú luôn là vấn đề tồn tại nhiều năm qua.

Đến thời điểm này, BV đã lắp đặt cây nước nóng lạnh sử dụng miễn phí, bố trí tủ để đồ cá nhân đầy đủ, có chỗ sạc điện thoại công cộng cùng với việc bố trí thêm cây xanh ở tất cả các môi trường làm việc.

Những người bệnh khó khăn được các cán bộ phòng công tác xã hội kết nối tìm nguồn hỗ trợ cho người bệnh an tâm điều trị, khu vực nhà vệ sinh sạch sẽ, đầy đủ nước rửa tay và luôn thoáng mát, không có mùi cũng là điểm có sự tiến bộ vượt bậc so với năm 2019 tăng 8,5% đạt 90,3%.

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân.

BV Bạch Mai từng được coi là "tâm dịch" COVID-19 và là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nhiều nhất, song ngay trong giai đoạn cách ly, lãnh đạo BV đã lên kế hoạch cải tổ toàn diện. Ngay sau thời điểm cách ly, Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp cải tổ đồng bộ, từ cơ cấu tổ chức đến các quản lý các hoạt động chuyên môn, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các bộ phận có liên quan, cải tạo, sửa chữa nhiều cơ sở hạ tầng, khẩn trương khắc phục những tồn tại qua công tác kiểm tra chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế và hài lòng người bệnh, hoàn thiện và ban hành nhiều văn bản hành chính để hướng dẫn và thực hiện đồng bộ hóa các hoạt động của bệnh viện.

Các phòng chức năng của BV thường xuyên kiểm tra công tác kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, nhắc nhở và hỗ trợ đeo khẩu trang tại lối ra vào ở từng đơn vị, phát khẩu trang miễn phí cho các đối tượng có nhu cầu, đảm bảo khoảng cách giường bệnh và thông thoáng khí tự nhiên. Đồng thời công tác truyền thông phòng chống dịch được triển khai đồng bộ, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sự tuân thủ trong phòng chống dịch COVID-19 đến từng đơn vị trong toàn bệnh viện đã tạo cảm giác an tâm và hài lòng của người bệnh.

Sau 2 tháng triển khai, Bệnh viện đã triển khai đánh giá hài lòng người bệnh nội trú và ngoại trú. Đối với hài lòng nội trú, tỷ lệ hài lòng người bệnh tăng 5,97% so với năm 2019 và đạt 96,35%, trong đó đặc biệt nhóm người bệnh có tỷ lệ rất hài lòng tăng thêm 28% (từ 42,65% lên 70,64%).

Nhóm tiêu chí có tỷ lệ hài lòng cao nhất là nhóm thái độ ứng xử và năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, đạt 97,6% và thấp nhất là nhóm cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ người bệnh, đạt 94,28%. .. (10.10.2020, 590)

6. Cảnh báo nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng, biến chứng lên não

Tại cả 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM hiện đang có xu hướng gia tăng nhanh số ca mắc bệnh tay chân miệng. Đáng chú ý có nhiều trường hợp biến chứng nặng hơn so với năm trước, cha mẹ cần hết sức cảnh giác.

Theo số liệu thống kê, cộng dồn từ đầu năm đến tuần 39, TP.HCM ghi nhận 6.358 ca bệnh tay chân miệng. Tính riêng trong tuần 39, ghi nhận 640 ca bệnh, là số ca bệnh cao nhất trong tất các tuần tính từ đầu năm đến nay.

Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận huyện trong đó có 4 quận huyện ở mức độ cảnh báo. Đây là số liệu đáng báo động và chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng.

Còn ở Hà Nội, thống kê từ đầu tháng 7 đến nay, số trẻ đến khám vì tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng nhanh liên tục, trong đó có nhiều trường hợp trong tình trạng nặng.

TS.BS Đỗ Thiện Hải - Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, hiện có 71 trẻ đang điều trị nội trú, phần lớn trong tình trạng nặng.

Điển hình là trường hợp bé T. (2 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chân tay run rẩy, kích động, quấy khóc kèm theo nôn trớ. Các bác sĩ đã chọc dịch não tủy và xác định cháu có dấu hiệu biến chứng não do mắc tay chân miệng.

Còn trường hợp bé A. (13 tháng tuổi, trú tại Hà Nội) đã 3 lần mắc tay chân miệng. Mé bé cho biết, hai lần trước bé điều trị ở nhà và tự khỏi, nhưng lần này bị nặng hơn nhiều, sốt cao nhiều ngày. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc tay chân miệng mức 2B.

TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết thêm: Thời điểm hiện tại, mỗi ngày có 15 - 20 trẻ nhập viện. Nhiều trẻ có dấu hiệu nhưng nhiều trẻ cũng không rõ dấu hiệu nên phụ huynh không phát hiện.

Đáng nói, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm não, viêm màng não, thần kinh. Số ca bị biến chứng do tay chân miệng năm nay nhiều hơn so với các năm khác.

Dấu hiệu nhận biết con mình đang bị biến chứng

Theo BS. Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1, thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 5 của bệnh, tức là sau khi nổi vết loét chỗ bóng nước. Dấu hiệu chính là trẻ là bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với.

Nếu nhẹ thì em bé khi thiu thiu ngủ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường.

Độ nặng hơn một chút là em bé vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với.

Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với.

Lúc này nên chú ý trong lòng bàn tay có nổi nốt hay không, miệng thì loét hay không, vài ngày trước trẻ có than đau miệng, chảy nước bọt hay không. Đó là những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng.

Nên đưa con đi khám sớm

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, tay chân miệng không còn là bệnh mới, trẻ có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, tuy nhiên cũng rất dễ dẫn đến biến chứng.

Hiện là thời điểm có nhiều dịch bệnh dễ bùng phát. Trong khi sốt xuất huyết vẫn ghi nhận số ca mắc tăng thì các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc trẻ để tránh dịch chồng dịch.

Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần vệ sinh tay chân, không chỉ có trẻ mà cả các bậc phụ huynh. Trước khi chi trẻ ăn thì phải rửa tay, sau khi ăn hay chăm sóc trẻ cũng phải vệ sinh cho trẻ và bản thân.

Nếu thấy trẻ nổi các nốt ở tay, chân, miệng, phụ huynh cần theo dõi sát, khi thấy bất thường nên đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp. (10.10.731)

7. “Sức khỏe tâm thần cho mọi người, đầu tư nhiều hơn chúng ta sẽ tiếp cận được nhiều hơn”

Chủ đề của Ngày Sức khỏe Tâm thần thần thế giới năm nay là “Sức khỏe tâm thần cho mọi người, đầu tư nhiều hơn chúng ta sẽ tiếp cận được nhiều hơn” Hãy cùng nhau mang đến sức khỏe tâm thần tốt cho tất cả mọi người. Cần sẵn sàng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người ở bất cứ nơi đâu.

Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới được đưa ra từ năm 1992 nhằm mục đích nâng cao ý thức của mọi người trên thế giới về sức khỏe tâm thần, loại bỏ sự kỳ thị phân biệt về bệnh lý tâm thần.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của những người làm việc trong lĩnh vực tâm thần và người bệnh tâm thần.

Dịch COVID- 19 đã đem lại nhiều khó khăn thách thức cho cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực tâm thần, điều kiện làm việc khó khăn hơn với nỗi lo lắng bị nhiễm COVID-19, căng thẳng vì bị cách ly, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho những người thân, bạn bè, giảm bớt đi sự tiếp xúc xã hội. Số lượng bệnh nhân gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng lên, công việc nhiều thêm…

Với người bệnh tâm thần, họ sẽ có sự cô lập về xã hội tăng lên, có những nỗi sợ hãi mất mát người thân trong hoàn cảnh cô đơn, không người đưa tiễn, hoặc nếu mình có chết sẽ không có ai đưa tiễn mình, nhất là với văn hóa của người Việt.

Thế giới đang chịu những ảnh hưởng không thể ngờ tới của đại dịch COVID- 19 và đại dịch này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Sự lo âu, sợ hãi, nỗi cô đơn, sự cô lập về xã hội, những trải nghiệm stress căng thẳng của người bệnh tâm thần nặng lên khi dịch chưa được kiểm soát và cả thế giới vẫn còn đang tìm kiếm giải pháp ngăn ngừa bệnh dịch.

Khoảng 450 triệu người có những vấn đề về rối loạn tâm thần trên thế giới và là một vấn đề hàng đầu về sức khỏe và tàn tật. Cứ bốn người lại có một người gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần trong cuộc sống của họ. Cứ 40 giây lại có một người chết do tự sát, hàng năm có khoảng 800.000 người tự sát trên toàn thế giới. Và còn có rất nhiều những trường hợp tự sát không thành công. Tự sát là nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết ở lứa tuổi từ 15 đến 29, 79% những người tự sát trên toàn cầu xảy ở những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Tự sát là bi kịch ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và đất nước và có ảnh hưởng lâu dài với những người thân còn lại.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới nói rằng thế giới cần chấp nhận khái niệm về sức khỏe toàn cầu (Universal Health Coverage – UHC) và sức khỏe tâm thần phải là một phần của sức khỏe toàn cầu. Không ai bị từ chối chăm sóc sức khỏe tâm thần chỉ bởi vì họ nghèo hoặc sống ở những vùng hẻo lánh.

Vì vậy chủ đề của Ngày Sức khỏe Tâm thần thần thế giới năm nay là “Sức khỏe tâm thần cho mọi người, đầu tư nhiều hơn chúng ta sẽ tiếp cận được nhiều hơn”  “Mental Health for All, Greater Investment – Greater Access”. Chúng ta hãy cùng nhau mang đến sức khỏe tâm thần tốt cho tất cả mọi người. Cần sẵn sàng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người ở bất cứ nơi đâu. Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới không chỉ đơn giản là sự kiện trong một ngày. Chúng ta cần bắt đầu từ bây giờ và tiếp tục để đảm bảo rằng không một ai bị bỏ lại phía sau. (11.10.2020, 741)

8. PGS.TS Trần Như Dương: Lập các tổ phòng chống COVID cộng đồng là sự sáng tạo, độc đáo của Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay khi cả Thế giới trong đó có Việt Nam đang phải quyết liệt phòng chống đại dịch COVID-19. Một trong những kinh nghiệm góp phần cho công tác chống dịch không thể không nói tới việc chống dịch dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh to lớn của nhân dân tham gia vào công tác phòng chống dịch.

Sáng 11/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2020), Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận, tuyên tương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc và trao giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017-2020.

Tại sự kiện này, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW là 1 trong 203 tấm gương điển hình “Dân vận khéo” được tuyên dương.

Trong bài tham luận tại hội nghị, PGS.TS Trần Như Dương chia sẻ là cán bộ ngành y tế làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, công việc hàng ngày, hàng giờ của chúng tôi đều gắn bó mật thiết với nhân dân. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng đều được triển khai ở nơi dân và đều phải dựa vào nhân dân để thực hiện.

 “Chúng tôi nhận thấy chỉ khi nào được dân hiểu, dân tin, dân hợp tác, dân ủng hộ thì công việc mới thành công được. Nhận thức sâu sắc được điều đó, những cán bộ y tế chúng tôi khi triển khai công việc luôn lấy người dân làm trung tâm cho mọi hành động và việc làm của mình với mục đích cao nhất là tất cả đều phải vì lợi ích, vì sức khỏe của nhân dân và phải thiết thực với nhân dân. Có được như vậy thì người dân mới tin, mới yêu, mới ủng hộ và cùng tham gia”-PGS.TS Trần Như Dương nói.

“Trong đợt chống dịch vừa qua tại miền Trung, chúng tôi được Bộ Y tế phân công vào tâm dịch để cùng sát cánh với chính quyền và nhân dân miền Trung tham gia chống dịch. Nhận thức được vai trò to lớn của cộng đồng, của người dân trong công tác chống dịch, vì thế đi đến đâu cán bộ y tế chúng tôi cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất cho ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương và trực tiếp hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật để thành lập ngay những tổ phòng chống Covid cộng đồng để tham gia chống dịch”- PGS.TS Trần Như Dương kể.

Với cách làm như vậy chỉ trong một thời gian ngắn trong vòng 10 ngày đầu của dịch, chính quyền các địa phương miền Trung thông qua công tác dân vận đã thành lập được hàng vạn tổ phòng chống COVID cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa (cụ thể là: Đà Nẵng: 2.200 tổ, Quảng Nam: 5.500 tổ, Quảng Ngãi: 2.300 tổ, Quảng Trị: 4434 tổ).

Với số lượng này đồng nghĩa với việc chúng ta đã huy động thêm được gần 3 vạn người dân trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Hơn nữa, tổ COVID cộng đồng cũng chính là để phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân tham gia vào những công việc chung của đất nước, đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị nhất là ở cơ sở, động viên nhân dân tham gia phòng chống dịch, củng cố mối quan hệ gắn bó, niềm tin giữa nhân dân với chính quyền.

Mục tiêu của tổ COVID cộng đồng chính là giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ Covid cộng đồng cũng chính là cầu nối chủ động, là cánh tay nối dài về công tác phòng chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.

Các tổ này đều hoạt động trên tinh thần tình nguyện, tự nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW bày tỏ: Càng làm việc và nhất là trong những lúc khó khăn nhất, chúng tôi lại càng thấm thía câu nói: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Cán bộ y tế chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ về điều đó và vận dụng trong công tác phục vụ nhân dân của mình.

“Có thể nói, việc thành lập các tổ phòng chống COVID cộng đồng trong phòng chống dịch chính là sự sáng tạo, sự độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Với sự hoạt động của tổ COVID cộng đồng, chúng ta thực sự đã đưa được các biện pháp phòng chống dịch vào tới từng hộ gia đình – chống dịch tại từng nhà mà tôi nghĩ ít nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy.

Những tổ COVID cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch và là biểu hiện sinh động của việc phòng chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng chống dịch. Điều đó cũng thể hiện chiều sâu thực chất của công tác dân vận chính quyền”- PGS.TS Trần Như Dương khẳng định. (11.10.2020, 1040)

9. Y tế miền Trung nỗ lực giúp dân vùng lũ

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, suốt nhiều ngày mưa to cộng với dông gió ập xuống miền Trung khiến lũ lụt nhấn chìm, phá hủy nhiều nhà cửa, hoa màu kéo nỗi đau từ nơi này đến nơi khác. Cùng với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và ngành y tế thì từng nhà đang gượng dậy trong khó khăn, tổn thất.

Thiệt hại nặng nề

Kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Định, nhiều khu dân cư đã phải sơ tán. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đến sáng ngày 11/10 đã có gần 200 xã thuộc 32 huyện bị ngập do lũ lụt (tâm lũ là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Nhiều xã mức lũ đã vượt cao hơn so với các đỉnh lũ lịch sử trước đó. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ các địa phương đã tiến hành sơ tán, di dời tổng số gần 10.000 hộ dân với trên 28.000 nhân khẩu, trong đó nhiều nhất là Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Đã có 6 người tử vong, nhiều người mất tích, hàng trăm người bị thương. Cùng với đó, hàng trăm ngàn héc-ta hoa màu bị ngập úng, hư hỏng nặng.

Ngày nhận thi thể ông Phạm Văn Neo (66 tuổi, ở thôn Nước Lầy, xã Ba Ngạc, Ba Tơ, Quảng Ngãi), nhiều người dân thôn Nước Lầy ngậm ngùi, đau tiếc. Hàng trăm gia đình nơi đây bốn bề trống hoác, gió lùa thông thốc. Tại Quảng Ngãi, lũ quét, sạt lở nguy hiểm nhất ở: Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà và Minh Long. Ngập lụt diễn biến khó lường ở huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi nên người dân phải đề cao cảnh giác.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, đến sáng 11/10 cũng đã tìm thấy thi thể em Hoàng Bảo Lâm (14 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa), hàng ngàn ngôi nhà còn ngập sâu trong nước. Điển hình như thôn Hà Môn (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch), 186 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn, hàng loạt căn nhà chìm trong biển nước.

Đến sáng 11/10, Tại Thừa Thiên Huế, nước sông Hương xấp xỉ báo động 3, sông Bồ vượt báo động 3, vượt mức lũ lịch sử năm 1999. Mưa lũ đã làm 1 người chết, 6 người bị thương. Gần 3.000 hộ dân phải sơ tán, 24.500 ngôi nhà bị ngập sâu, hư hại.

Khẩn trương ứng phó, cứu trợ

Trước diễn biến khó lường của lũ lụt và sạt lở, các tỉnh bị ảnh hưởng đã khẩn trương ứng cứu người dân ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ dân không đảm bảo an toàn. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.

Tiếp tục triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao được bố trí lực lượng trực canh, lên phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu bảo đảm an toàn khi có tình huống xấu; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã bố trí hơn 280 đội thường trực ứng cứu giúp dân. Đến sáng ngày 11/10, hầu hết các khu dân cư nằm trong vùng nguy hiểm đã được các lực lượng cứu hộ tiếp cận. Bên cạnh đó, nhu yếu phẩm và các lương thực cần thiết đã được bố trí đầy đủ đến các điểm sơ tán, điểm bị cô lập.

Cùng với các chỉ đạo, hỗ trợ từ Trung ương thì lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt quyết tâm hành động với khẩu hiệu: “Tính mạng và an toàn của người dân là trên hết”. Để ứng phó với mưa lũ trong thời gian dài sẽ duy trì, phát huy phương châm 4 tại chỗ là: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Y tế các địa phương chủ động xử lý tình huống

Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, Bình Định: Ngay từ khi nhận được thông tin lũ lụt, ngành y tế đã chỉ đạo cho tất cả các bệnh viện, Trung tâm y tế bố trí sẵn lực lượng y, bác sĩ giỏi túc trực, cấp cứu các ca bị thương. Bên cạnh đó, các đội y tế cơ động đến các địa bàn bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ cứu chữa. Hệ thống xe cứu thương, ứng phó nhanh cũng sẵn sàng. Bố trí đầy đủ lực lượng, thuốc men về các địa điểm nguy hiểm để cứu chữa, hạn chế tối đa các thiệt hại về người.

Ngành y tế các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và các địa phương bị ảnh hưởng khác cũng đã lập Ban Chỉ đạo, các đội cấp cứu ngoại viện, các đội dự phòng cơ động hỗ trợ phòng chống dịch, vệ sinh môi trường; triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn cũng như hỗ trợ tuyến dưới.

Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời cơ sở y tế, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong trường hợp xảy ra ngập, lụt, sập đổ để nhanh chóng thu dung cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống khẩn cấp; đảm bảo các cơ sở y tế hoạt động an toàn tuyệt đối, không để người bệnh, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi thiên tai; không để hư hỏng trang thiết bị, thuốc, hóa chất.

Đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phòng chống lụt bão, hóa chất, trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển trong phòng chống và khắc phục hậu quả. Công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho những đối tượng là người già, trẻ em và an toàn cộng đồng trong mùa mưa bão, lũ lụt cũng đã sẵn sàng. Đồng thời, ngay khi lũ rút, các nhân viên y tế sẽ đến tận các địa bàn bị ảnh hưởng để tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch.

Ngành y tế các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai cũng chỉ đạo, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các đơn vị trong ngành y tế phải triển khai đồng bộ, kết hợp các giải pháp phòng chống thiên tai và phòng chống dịch; chủ động sẵn sàng các phương án để tránh bị động, lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tất cả các đơn vị trong hệ thống y tế các tỉnh phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo đột xuất để có phương án xử lí kịp thời, hiệu quả.

*Lúc 10 giờ ngày 11/10, bão số 6 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 6 sau suy yếu thành vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 400-600mm, có nơi trên 600mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 300-500mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 200-400mm. Ở Nam Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên từ 200-300mm.

* Tính đến sáng 11/10/2020, tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đã có 9 người chết, 11 người mất tích và 7 người bị thương với nhiều thiệt hại nghiêm trọng do mưa, bão.

Trong đó, 9 người chết (Quảng Trị 3, Thừa Thiên Huế 2, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, ĐăkLăk 1, Quảng Nam 1); 11 người mất tích: (Quảng Trị 7, Đà Nẵng 3; Gia Lai 1), 7 người bị thương (Quảng Bình 1, Thừa Thiên Huế 6); 33.387 nhà bị thiệt hại, trong đó 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn. (11.10.2020, 1553)

10. Tay chân miệng tăng nhanh, rửa tay là cách phòng bệnh quan trọng

Hiện đã vào năm học mới, học sinh đến trường, dự báo số mắc tay chân miệng sẽ gia tăng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 38.704 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.536 trường hợp nhập viện, không có tử vong.

So với cùng kỳ năm 2019 (61.226), số mắc cả nước giảm 36,3%, số trường hợp nhập viện giảm 31,4%, so với cùng kỳ giai đoạn 2013-2017, số nhập viện giảm 57,6%. Tuy nhiên một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam 21.054 trường hợp (chiếm 54,4%), miền Bắc 12.671 trường hợp (chiếm 32,7%) miền Trung 4.007 trường hợp (chiếm 10,4%) và Tây Nguyên 972 trường hợp (chiếm 2,5%).

Các tỉnh có số mắc tích lũy/100.000 dân cao nhất chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung và miền Bắc: Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Bắc Cạn, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long A, Đắk Nông.

TS.BS Đỗ Thiện Hải - Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho hay, tay chân miệng không còn là bệnh mới, trẻ có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, tuy nhiên cũng rất dễ dẫn đến biến chứng. Hiện là thời điểm có nhiều dịch bệnh dễ bùng phát. Trong khi sốt xuất huyết vẫn ghi nhận số ca mắc tăng thì các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc trẻ để tránh dịch chồng dịch.

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Dịch tay chân miệng gia tăng sớm hơn mọi năm

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tay chân miệng gặp ở các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ma Cao (Trung Quốc) và phổ biến tại nhiều nước châu Á. Dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến 1 số quốc gia như Malaysia, đã có nhiều cơ sở bao gồm trường học, Trung tâm chăm sóc trẻ và Trường mầm non đã bị đóng cửa do căn bệnh này.

Bộ Y tế Malaysia đã thực hiện các biện pháp y tế công cộng, bao gồm tăng cường giám sát, tổ chức các chiến dịch truyền thông và tăng cường các biện pháp khử trùng, đặc biệt là đồ chơi và bề mặt bị ô nhiễm như sàn, bàn tại các trường học… để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Tại Việt Nam, năm 2020, dịch bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng sớm hơn mọi năm vào tháng 6-7, số mắc cao vào tháng 8; các tuần đầu tháng 9 hiện đang có xu hướng chững lại, trong 2 tuần cuối tháng 9, số mắc tăng nhanh (trung bình trên 3.500 trường hợp mắc/ tuần, tăng nhanh ở cả 4 khu vực, chủ yếu khu vực miền Nam).

Tuy nhiên, hiện đang vào năm học mới, các em học sinh đến trường, dự báo số mắc sẽ gia tăng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng này, các chuyên gia cho biết, bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.

Bệnh liên quan đến vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh nói chung và bệnh tay chân miệng nói riêng tại các địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo cần tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay chân miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các báo đài địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng. Đồng thời tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút.

Tăng cường hoạt động phối hợp liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh dịch tay chân miệng trong trường học năm học 2020-2021. Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng theo quy định của Bộ Y tế...

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. (12.10.2020, 1335)

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến