Điểm tin y tế ngày 26/3/2019

27/03/2019 | 14:30 PM

 | 

I. TIN TRONG NƯỚC

  1. Đào tạo cán bộ quản lý ngành y tế theo mô hình của Pháp

Cán bộ quản lý ngành y tế bắt buộc phải trải qua khóa học bắt buộc, chuyên về quản lý y tế. Chương trình đào tạo do ĐH Y tế công cộng Hà Nội phối hợp với các chuyên gia Pháp, thực hiện.

Phát biểu tại lễ khai giảng khóa học dành cho cán bộ quản lý ngành y tế được tổ chức ngày 25-3 tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết từ tháng 10-2018, khóa học bày là bắt buộc đối với các cán bộ quản lý bệnh viện, trung tâm y tế, cán bộ lãnh đạo Sở Y tế và các Trung tâm trực thuộc. Đây cũng là một tiêu chuẩn bắt buộc để bổ nhiệm cán bộ quản lý ngành y tế.

Theo ông Tiến, ngành y tế có đặc thù là cán bộ quản lý chủ yếu là bác sĩ, dược sĩ, có chuyên môn chuyên ngành nhưng chưa đủ chuyên môn về quản lý. "Một bệnh viện luôn có những giai đoạn phát triển thăng, trầm hoặc bứt phá, trong những giai đoạn đó không thể thay thế toàn thể cán bộ mà có khi là thay đổi người/chuyên môn quản lý có thể thay đổi cả một bệnh viện"- ông Tiến nói.

Trước đây, ngành y tế rất lúng túng trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, đã có lúc ngành này dự định bệnh viện công sẽ có cả giám đốc chuyên môn và giám đốc điều hành, trong đó người điều hành có thể không phải là bác sĩ như từ trước đến nay. 

Tuy nhiên trong giai đoạn trước mắt, ngành y tế sẽ bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo theo hướng là bác sĩ/dược sĩ có thêm thời gian đào tạo về quản lý y tế như khóa học kể trên. Chương trình học này do ĐH Y tế công cộng phối hợp với các chuyên gia Pháp xây dựng.

  1. TPHCM: Bệnh truyền nhiễm có dấu hiệu tăng nhanh

Sáng 25-3, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM thông tin, từ 15-3 đến 21-3, số ca bệnh truyền nhiễm có dấu hiệu tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2018. Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 1.564 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ có 4 ca. Số ca mắc sởi phân bố ở tất cả 24/24 quận huyện, trong đó, các địa phương có số ca mắc sởi cao là quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. 

Trong số các ca mắc sởi có tới 48% là trẻ 18 tháng đến 10 tuổi; 96% bệnh nhân được tiêm chủng và hơn 4% chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Bên cạnh đó, còn có 19% bệnh nhi dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm chủng) không nhận được kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang. 

Bên cạnh đó, số ca mắc sốt xuất huyết cũng có sự gia tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2018 với 10.115 ca mắc từ đầu năm đến nay, tăng 243% so với cùng kỳ năm 2018 (2.960 ca); số ca tay chân miệng là 450 ca, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018 (369 ca). Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca tay chân miệng có xu hướng tăng và đang trong giai đoạn bắt đầu của mùa dịch hàng năm. 

Do vậy, Trung tâm Y tế dự phòng TP khuyến cáo người dân duy trì các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay nơi ở, nơi làm việc; phòng tránh muỗi đốt bản thân và người xung quanh; tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho người lớn và trẻ; giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng đồ chơi của trẻ. Trung tâm đã chỉ đạo và thường xuyên giám sát các trung tâm y tế quận, huyện thực hiện các hoạt động chuyên môn nhằm kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.

TPHCM cũng đã triển khai tiêm vaccine ComBE Five cho trẻ từ ngày 11-2. Đến nay có 6.153 trẻ đã được tiêm vaccine này, trong đó 4.909 trẻ tiêm mũi thứ 1; 779 trẻ tiêm mũi thứ 2 ; 465 trẻ tiêm mũi thứ 3 và không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.  

  1. TP Hồ Chí Minh: 9,7% trẻ tiêm vắc-xin ComBE Five có phản ứng sau tiêm

Ngày 25/3, thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, sau hơn một tháng triển khai tiêm phòng vắc-xin ComBE Five thay thế vắc-xin Quinvaxem (phòng ngừa 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), tỷ lệ phản ứng sau tiêm là 9,7%.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vắc-xin ComBE Five từ ngày 11/02/2019 và đến ngày 21/3/2019 đã có 6.153 lượt trẻ được tiêm chủng vắc-xin này, trong đó có  4.909 trẻ tiêm mũi thứ 1, có 779 trẻ tiêm mũi thứ 2 và 465 trẻ tiêm mũi thứ 3.

Trong số các trẻ được tiêm chủng vắc-xin ComBE Five tại thành phố vừa qua, ghi nhận 597 trường hợp xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… chiếm tỷ lệ 9,7% tổng số mũi tiêm, đặc biệt không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Nhằm hạn chế các rủi ro trong quá trình tiêm chủng, trong tháng 1/2019, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức 10 lớp tập huấn cho tất cả các cơ sở tiêm chủng mở rộng gồm 24 trung tâm y tế quận huyện, 319 trạm y tế phường xã và 14 bệnh viện, trung tâm chuyên khoa không giường bệnh. Các lớp tập huấn được đào tạo kỹ về tư vấn, khám, chỉ định tiêm chủng và theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Trong tháng 2/2019, Sở Y tế đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế về khám, chỉ định trước tiêm chủng, theo dõi – xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Cũng trong công văn này, Sở Y tế chỉ đạo mỗi trẻ đến tiêm chủng bất kỳ vắc-xin nào đều phải tuân thủ theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút và phải được cung cấp một bản hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau tiêm chủng tại nhà ít nhất 48 giờ. Đây là một biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sau tiêm chủng, giúp phụ huynh yên tâm hơn khi đưa con đi tiêm chủng.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng khuyến cáo các gia đình có trẻ em (không phân biệt thường trú hay tạm trú) cần liên hệ trạm y tế nơi cư ngụ để được tư vấn về tiêm chủng cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng bắt buộc.

Tất cả trẻ em sinh ra đều được quyền tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu cha mẹ có nhu cầu sử dụng vắc-xin dịch vụ vẫn phải tuân thủ lịch tiêm chủng bắt buộc đã được quy định tại Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để bảo vệ trẻ trước những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong những năm đầu đời.

  1. TPHCM: Hơn 6.100 lượt trẻ được tiêm vắc xin ComBE Five

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, đã có 6.153 lượt trẻ được tiêm vắc xin mới ComBE Five, không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm.

Theo đó, thực hiện kế hoạch chuyển đổi vắc xin DPT-VGB-HiB trong tiêm chủng mở rộng, TPHCM bắt đầu tiêm vắc xin ComBE Five từ ngày 11/2/2019. Đến ngày 21/3/2019, đã có 6.153 lượt trẻ được tiêm chủng vắc xin này, trong đó có 4.909 trẻ tiêm mũi 1, 779 trẻ tiêm mũi 2 và 465 trẻ tiêm mũi 3.

Trong số các trẻ được tiêm chủng vắc xin ComBE Five, ghi nhận 597 trường hợp xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm…, chiếm tỷ lệ 9,7%, không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.  

Trước khi triển khai tiêm chủng ComBE Five, trong tháng 1/2019, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức 10 lớp tập huấn cho tất cả các cơ sở tiêm chủng mở rộng gồm 24 trung tâm y tế quận huyện, 319 trạm y tế phường xã và 14 bệnh viện, trung tâm chuyên khoa không giường bệnh. Lớp tập huấn gồm 2 nội dung: Chỉ định – sử dụng vắc xin ComBE Five và Tư vấn, khám, chỉ định tiêm chủng - theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Trong tháng 2/2019, Sở Y tế đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế về khám, chỉ định trước tiêm chủng, theo dõi – xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Sở Y tế chỉ đạo mỗi trẻ đến tiêm chủng bất kỳ vắc xin nào đều phải tuân thủ theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút và phải được cung cấp 1 bản hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau tiêm chủng tại nhà ít nhất 48 giờ.

Bản hướng dẫn bao gồm cách chăm sóc trẻ tại nhà sau tiêm chủng, các triệu chứng cần theo dõi, phát hiện sớm và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

Bản hướng dẫn cũng cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để phụ huynh liên hệ khi cần thiết. Đây là một biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sau tiêm chủng, giúp cha mẹ yên tâm hơn khi đưa con đi tiêm chủng.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khuyến cáo các gia đình có trẻ em (không phân biệt thường trú hay tạm trú) cần liên hệ trạm y tế nơi cư ngụ để được tư vấn về tiêm chủng cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng bắt buộc và miễn phí tại các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nếu cha mẹ có nhu cầu sử dụng vắc xin dịch vụ thì vẫn phải tuân thủ lịch tiêm chủng bắt buộc đã được quy định tại Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để bảo vệ trẻ trước những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong những năm đầu đời.

  1. Cảnh giác khi dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm

Nếu như trong năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm gần 90% thì những tháng đầu năm 2019, số mắc lại có xu hướng gia tăng. Theo nhận định, năm nay dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn thông thường nên ngoài việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng bệnh.

Không đợi có dịch mới chống...

Theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Thế nhưng, hiện nay mới tháng 3 nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện cả nước đã ghi nhận gần 42.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 17-3, thành phố đã ghi nhận 144 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018), bệnh nhân xuất hiện rải rác tại 95 xã, phường, thị trấn của 27 quận, huyện, thị xã và chưa có ca tử vong.

Thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đã lên các phương án đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân lo ngại, với mật độ dân số đông, nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, vệ sinh môi trường kém là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát. Trước tình hình đó, quận đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, hóa chất, các phương tiện bảo hộ… để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Hiện Trung tâm Y tế quận đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết, khử khuẩn bằng Cloramin B cho 72/72 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn; tiến hành giám sát 100% ca bệnh, giám sát 13/53 ổ dịch sốt xuất huyết cũ của năm 2018.

Còn tại quận Ba Đình, theo ông Phạm Hữu Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế quận, dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, chiến dịch vệ sinh môi trường trên địa bàn quận cũng thay đổi so với mọi năm. Thay vì triển khai mỗi năm mấy đợt vệ sinh môi trường, quận chỉ đạo mỗi đơn vị phải thực hiện vệ sinh môi trường vào tuần cuối cùng hằng tháng. Hiện, quận đã củng cố lại đội ngũ nhân lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhất là đội ngũ công nhân tham gia phun hóa chất diệt muỗi.

Rút kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2017, Hà Nội đã chủ động hơn trong công tác phòng chống. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, không đợi có dịch mới chống mà phải chủ động xây dựng kế hoạch với những nội dung, tình huống, biện pháp ứng phó cụ thể như khi chưa có dịch, khi có bệnh nhân mà chưa có ổ dịch, số ca mắc gia tăng... Hiện nay, những nơi chưa có bệnh nhân thì giám sát véc tơ truyền bệnh, nếu số véc tơ cao thì phải vệ sinh môi trường và tuyên truyền cho người dân xử lý khu vực tập trung bọ gậy, lăng quăng chứ không đợi có bệnh nhân mới làm. “Với việc phòng chống dịch bệnh này, riêng ngành Y tế không thể làm được mà phải dựa vào cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nói.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết

Hiện Việt Nam chưa có hệ thống cảnh báo sớm dự đoán khả năng bùng phát các đợt dịch sốt xuất huyết. Do đó, từ tháng 6-2019, dự án “Hệ thống dự báo mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh” (D-MOSS) sẽ được triển khai tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai và Đắk Lắk dưới sự trợ giúp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, sốt xuất huyết là một dịch bệnh truyền nhiễm theo chu kỳ có liên quan đến các yếu tố như: Đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Việc xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết sẽ giúp ngành Y tế các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh được tốt hơn, từ đó giảm thiểu tác động và thiệt hại.

Bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các vi rút khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù sốt xuất huyết là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý, đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối. Vì vậy, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động, có ý thức dọn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo nhiều quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng… Đây là cách thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

  1. Thêm một trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại thành phố

Sáng nay 25-3, Trạm Y tế phường Tân Hưng, quận 7 là trạm y tế điểm thứ 7 của thành phố vừa được chính thức ra mắt. Đây là một trong những trạm y tế khang trang nhất trên địa bàn thành phố, được UBND quận 7 xây dựng mới và triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Trạm Y tế phường Tân Hưng, quận 7 chịu trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho hơn 40.000 người dân đang cư ngụ trên địa bàn. Để tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm, lãnh đạo quận đã đầu tư sơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị y tế cần thiết, có đủ các khu vực theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

 Trạm Y tế phường Tân Hưng có 10 nhân viên, trong đó có đến 5 bác sĩ với các chuyên khoa khác nhau. Ngoài ra, theo sự phân công của Sở Y tế, các bác sĩ của trạm còn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như BV Nguyễn Trãi, BV Nhi Đồng 2, BV Từ Dũ và các bệnh viện chuyên khoa khác.

Bên cạnh đó, UBND quận 7 sẽ ban hành quy chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Y tế quận và Bệnh viện quận trong hỗ trợ luân phiên 2 chiều bác sĩ đến trạm và đến bệnh viện công tác, đảm bảo luôn có ít nhất 2 bác sĩ có đủ năng lực khám, chữa bệnh ban đầu.

Sở Y tế cũng yêu cầu các bác sĩ của trạm tăng cường trao đổi, xin ý kiến chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa thuộc các bệnh viện đã được phân công thông qua “ứng dụng hội chẩn”.

  1. 70% bệnh nhân ung thư khám và điều trị ở giai đoạn muộn

Theo ghi nhận ung thư, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc và 114.871 ca tử vong do ung thư.

Tại chương trình kỷ niệm ngày Công tác xã hội do Bệnh viện K tổ chức chiều 25.3, ông Phạm Lương An - Phó Giám đốc Bệnh viện K - cho biết, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Theo ghi nhận, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc và 114.871 ca tử vong do ung thư. "Chúng ta rất trăn trở khi có đến trên 70% bệnh nhân ung thư tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn, rất nhiều người bệnh ung thư có hoàn cảnh quá khó khăn, đặc biệt các trường hợp không có thẻ BHYT cần được giúp đỡ. Có những người dù biết mình mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo nhưng vẫn phải canh cánh nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền bởi còn đó một gánh nặng gia đình phải mang vác, bởi thời gian điều trị bệnh ung thư kéo dài, số tiền điều trị quá lớn không có khả năng chi trả; một số người bệnh phải bỏ dở liệu trình điều trị"- ông An nói. 

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K, nhiều em nhỏ, mặc dù đã được BHYT chi trả phần lớn nhưng do phải điều trị kéo dài phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bạn bè và không thể tiếp tục chạy chữa do gia cảnh quá khó khăn.

Ông An cũng cho hay, trong những năm qua, công tác xã hội tại Bệnh viện K đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Riêng năm 2018, bệnh viện đã vận động, tiếp nhận hơn 800 cá nhân, tổ chức đến từ thiện tại bệnh viện với hơn 15 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ cho 50.751 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.

Vận động và duy trì các hoạt động cơm cháo từ thiện với hơn 60.000 suất/tháng, vận động tặng xe lăn, trang thiết bị y tế, TV,…. trị giá 11,2 tỷ đồng với một loạt các mô hình: Mô hình cơm cháo từ thiện, nhà lưu trú, thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh, câu lạc bộ hỗ trợ người bệnh ung thư, mang âm nhạc đến bệnh viện, chuyến xe yêu thương, trao xe lăn nhận nụ cười, chiếu phim cho người bệnh, cung cấp nước uống miễn phí, giá sách “Cẩm nang tư vấn đọc miễn phí”…

  1. Bác sĩ xuất hiện trong clip chùa Ba Vàng lên tiếng xin lỗi người dân

Chiều 25/3, BS Nguyễn Hồng Phong – khoa Nhi (BV Bạch Mai) đã lên tiếng xin lỗi người dân vì những phát ngôn ở chùa Ba Vàng gây ảnh hưởng đến uy tín Bệnh viện Bạch Mai, ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế.

Chiều 25/3, tại buổi cung cấp thông tin xung quanh những phát ngôn của BS Phong trong clip của Chùa Ba Vàng, BS Nguyễn Hồng Phong xin lỗi người dân vì đã gây nên hiểu lầm cho tất cả mọi người.

“Nhân đây tôi muốn nói, dân khi có bệnh cần phải đến viện khám, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Trong quá trình điều trị, hãy giữ một tinh thần lạc quan, tin tưởng. Điều này giúp bác sĩ rất nhiều trong quá trình điều trị”, BS Phong nói.

 “Nhân đây tôi cũng xin lỗi Ban giám đốc bệnh viện, xin lỗi các thầy, anh chị em đồng nghiệp trong BV Bạch Mai, đồng nghiệp trong ngành vì phát ngôn của em đã gây ra hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện, uy tín toàn ngành. Tất cả phát ngôn đó là do cá nhân, tự tôi xin chịu trách nhiệm những điều đã phát ngôn”, BS Phong nói.

GS.TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, đây là những phát ngôn mang tính cá nhân của BS Phong. Bản thân bác sĩ cũng đã lên tiếng xin lỗi vì những phát ngôn gây hiểu lầm.

Còn với người bệnh, khi có bệnh thì cần đến BV để được điều trị. Tại BV Bạch Mai đều có các đội, nhóm gồm nhiều chuyên ngành lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, ung bướu… cùng nhau tìm ra bệnh, điều trị triệt để cho bệnh. Thậm chí với những bệnh chưa biểu hiện triệu chứng cũng được tầm soát, tìm ra để điều trị sớm.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cũng khẳng định, việc khám chữa bệnh phải dựa vào bằng chứng khoa học. Người bệnh khi có bệnh cần đến cơ sở y tế được cấp phép để khám chữa bệnh.

“Còn với phát ngôn của BS Phong, BS cũng đã nhận ra lỗi, xin lỗi đồng nghiệp. Còn về việc xử lý kỷ luật, cần phải đưa ra Hội đồng kỷ luật của BV. Hiện trường hợp bác sĩ Phong chúng tôi chưa đưa ra Hội đồng kỷ luật. Tuy nhiên qua sự việc này tôi cũng khuyến cáo tất cả các bác sĩ khi khám chữa bệnh cần thực hiện theo Luật khám chữa bệnh, điều trị theo phác đồ, khám chữa bệnh dựa trên bằng chứng, cơ sở khoa học”, ông Hiền nói.

GS Phạm Huy Thông cũng cho rằng, bệnh viện gồm mấy nghìn cán bộ công nhân viên, không thể quản lý từng phút từng giây, khi mọi người không trong thời gian làm việc. Vì thế, bác sĩ cũng là công dân, mọi người đều phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, phải tự chịu trách nhiệm cho các hành vi của mình.

Chia sẻ về việc hiện nay nhiều người dân có niềm tin vào cúng bái chữa bệnh, GS Thông cho rằng việc cúng bái chỉ giải quyết vấn đề tâm lý, chưa có minh chứng nào về mặt khoa học nói rằng cúng khấn có thể khỏi bệnh.

“Chữa bệnh tâm lý, chúng tôi có Viện sức khỏe tâm thần, điều trị nhiều bệnh nhân khỏi với nhiều phương pháp, trong đó có liệu pháp tâm lý thậm chí không cần dùng thuốc. Đi chùa, cầu xin là một phần rất nhỏ liệu pháp tâm lý. Còn với y học hiện đại thì việc điều trị bài bản, khoa học, bác sĩ sẽ đánh giá trên từng bệnh nhân mắc bệnh gì, cần điều trị như thế nào, cần dùng thuốc hay không”, GS Thông nói.

TS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, BS Phong đã có quá trình công tác 6 năm tại BV Bạch Mai. BS Phong là cán bộ của khoa Nhi được cử đi học, hiện không tham gia điều trị bệnh nhân. Trong suốt 6 năm công tác, BS Phong được đánh giá là bác sĩ tốt bụng, tận tình điều trị và chưa có bất cứ phản ánh nào của người nhà bệnh nhân về thái độ, y đức của bác sĩ.

Trước đó, việc BS Phong xuất hiện trong clip Chùa Ba Vàng và nói: "Tôi chưa thỉnh oan gia trái chủ nhưng là người chứng kiến. Bệnh nhân của tôi khi chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ nhưng không thể ra được bệnh, hoặc diễn tiến bất thường. Tôi biết đến pháp hội và khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng xem thế nào. Người này đến chùa được thầy dạy về nhân quả, không mê tín gì đến bệnh nhân của tôi. Sau một thời gian biết sám hối, làm cơm chay, biết quỳ lạy tổ tiên, cha mẹ, biết xin lỗi những điều mà làm chưa tốt. Và có điều thần kỳ xảy ra, sau 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn".

Chia sẻ của bác sĩ đã gây xôn xao dư luận, thậm chí gây hiểu lầm “BS khuyên người bệnh lên Chùa Ba Vàng chữa bệnh”. Chia sẻ với phóng viên Dân trí sau sự việc, BS Phong chia sẻ bản thân BS luôn nhắc bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ bác sĩ đưa ra vì nó là Y học.

"Bên cạnh đó, tôi khuyên bệnh nhân luôn lạc quan hướng đến điều tốt đẹp để tâm lý được tốt hơn. Đạo Phật giúp người bệnh an được cái tâm của mình hơn".

BS Phong cũng khẳng định không ủng hộ cái gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ” của cô Phạm Thị Yến.

BS Phong cho rằng một số tờ báo xem clip, giật lên thông tin “Bác sĩ Bạch Mai khuyên bệnh nhân lên chùa Ba Vàng chữa bệnh” là không đúng. “Việc tôi xuất hiện ở đó để nói lên sự chân chính đạo Phật, người bệnh được tâm an thì việc điều trị sẽ mang lại kết quả. Còn nguyên tắc điều trị của tôi, đầu tiên bao giờ cũng phải tuân thủ phác đồ điều trị. Yếu tố tâm lý kèm theo vô cùng quan trọng, đạo Phật giúp người bệnh an được cái tâm của mình”, BS Phong nói.

  1. Đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm sữa rửa mặt của Công ty Lan Hảo

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc lô sản phẩm sữa rửa mặt hạt nghệ ngừa mụn do Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo sản xuất.

Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã có công văn kèm theo Phiếu kiểm nghiệm về kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm sữa rửa mặt hạt nghệ ngừa mụn (số lô: 06021802/SNNM; ngày sản xuất 6.2.2018; hạn dùng 6.2.2021; Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 001204/16/CBMP-HCM do Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo sản xuất).

Theo đó, mẫu sản phẩm trên do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm tỉnh Yên Bái lấy tại Quầy thuốc Trịnh Thị Diện – Công ty TNHH thương mại dược phẩm Thanh Phương (số 331 đường Đinh Tiên Hoàng, tổ 14, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) để kiểm tra chất lượng; mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.

Cục quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc sản phẩm Sữa rửa mặt hạt nghệ ngừa mụn trên.

Đồng thời Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm nêu trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế TPHCM kiểm tra Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo trong việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm và các quy định khác có liên quan. Ngoài ra, Sở Y tế cần tăng cường giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định, xử lý xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi lô sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

  1. Nguy cơ nhiễm khuẩn HP, virus viêm gan.... từ việc nội soi tiêu hóa

Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội nghị kiểm soát nhiễm khuẩn nội soi tiêu hóa tại Hà Nội. Bệnh tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao trên thế giới và nội soi là phương pháp duy nhất để thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa.

Tại khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai hiện có ba khu nội soi và một khu điều trị nội trú. Phòng nội soi duy trì 6-8 bác sĩ và 25 điều dưỡng. Năm 2018, khoa thực hiện 12.836 ca nội soi đại tràng và 52.299 ca nội soi dạ dày với trung bình thực hiện 400 ca nội soi/ngày.

“Với gần 400 ca nội soi/ngày, cho nên vai trò kiểm soát lây nhiễm khuẩn từ người này sang người khác trong nội soi là hết sức quan trọng vì khi số lượng bệnh nhân đông như vậy thì việc chúng ta khử khuẩn, tiệt khuẩn, từ máy đến dụng cụ  rất quan trọng. Cũng có thể do máy móc không đủ vì số lượng bệnh nhân quá đông, khi đó việc kiểm soát nhiễm khuẩn trở thành rất khó khăn, chính vì vậy chúng ta phải có chuyên đề để thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn một cách tốt nhất ”- TS. Khanh nói.

Theo TS. Khanh, việc kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt gây ra nguy cơ nhiễm khuẩn từ người này sang người khác. Với nội soi đường tiêu hoá trên, người bệnh có khả năng nhiễm vi khuẩn HP; chụp mật tuỵ ngược dòng có nguy cơ nhiễm HP, virus viêm gan; với tiêu hóa đường dưới có trường hợp bị lây thương hàn...

TS.BS Trương Anh Thư – Phó Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai cho biết, dụng cụ nội soi được sử dụng phổ biến tại các khoa tiêu hoá và là dụng cụ có cấu hình phức tạp, ô nhiễm nhiều dịch cơ thể sau sử dụng, khó làm sạch.

Đây là những điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh dễ dàng nhân lên, tạo màng sinh học cản trở hoá chất và các tác nhân khử khuẩn/tiệt khuẩn phát huy tác dụng nên để đạt hiệu quả tối ưu trong khử khuẩn/tiệt khuẩn dụng cụ nội soi cần có sự kết hợp thực hành an toàn, xây dựng văn hóa an toàn người bệnh và lựa chọn hoá chất, thiết bị khử khuẩn/tiệt khuẩn phù hợp.

Có thực tế tồn tại nữa là khu vực khử khuẩn chưa tách biệt với phòng nội soi và cũng chưa có sự tách biệt phòng nội soi đường tiêu hóa trên – tiêu hóa dưới… Đặc biệt, số lượng dây nội soi và máy rửa tự động hạn chế, vẫn phụ thuộc vào phương pháp rửa thủ công.

Để giảm thiểu nhiễm khuẩn từ nội soi tiêu hóa, các chuyên gia đề xuất, ngoài việc cần được đào tạo kiến thức và có quản lý, giám sát nhiễm khuẩn, việc quan trọng là cần ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ quản lý dược, vật tư tiêu hóa…. Đặc biệt, dụng cụ tái sử dụng phải bảo đảm cơ số đủ để tuân thủ quy trình khử khuẩn.

Mới đây, FDA khuyến cáo tiệt khuẩn hoặc khử khuẩn mức độ cao 2 lần dụng cụ nội soi tá tràng, ERCP. Do vậy, cần ưu tiên việc bổ sung thiết bị đánh giá chất lượng làm sạch dụng cụ, sử dụng hoá chất/thiết bị có thời gian khử khuẩn/tiệt khuẩn ngắn giúp tăng tốc độ quay vòng dụng cụ....

  1. 300 chuyên gia bàn về dinh dưỡng và tăng trưởng cho trẻ

Hơn 300 bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe đến từ 30 quốc gia đã cùng thảo luận về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và tăng trưởng ở trẻ em và nhiều vấn đề liên quan tới sự phát triển của trẻ.

Dinh dưỡng, lối sống quyết định sự tăng trưởng của trẻ

Từ ngày 6 - 8/3/2019 tại Valencia, Tây Ban Nha sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 3 về Dinh dưỡng và Sự tăng trưởng được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển Dinh dưỡng Abbott. Hội nghị thu hút hơn 300 bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe đến từ 30 quốc gia trên thế giới.

Giai đoạn 5 năm đầu đời (thường được gọi là giai đoạn “cửa sổ vàng”) đặc biệt quan trọng để tối ưu hóa tiềm năng phát triển của trẻ nhỏ. Nếu được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lý, trẻ sẽ có bàn đạp tốt nhất để đạt được tầm vóc tối ưu những năm về sau.Tuy nhiên, trên toàn thế giới, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở mức cao. Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, năm 2017, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi nước ta vẫn còn cao, khoảng 23,8%; trong khi đó, tỷ lệ thiếu cân là 13,8%.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng trẻ em, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trong 5 năm đầu đời, gen chỉ ảnh hưởng 20% đến sự tăng trưởng của trẻ, 80% còn lại là do dinh dưỡng và lối sống quyết định. Đặc biệt, trong giai đoạn này, dinh dưỡng chính là nguồn chủ yếu giúp tối ưu hóa tiềm năng phát triển của trẻ về chiều cao, cân nặng và sức đề kháng.

TS.BS Ricardo Rueda, Phó Giám đốc Nghiên cứu Chiến lược của Abbott cho biết: “Hội nghị lần này đã mang tới cơ hội để các chuyên gia hàng đầu thế giới bàn luận về các chủ đề khác nhau liên quan đến vấn đề dinh dưỡng và tăng trưởng ở trẻ em, đặc biệt là vai trò quan trọng của các dưỡng chất với sự phát triển xương ở trẻ nhỏ và có cơ hội trao đổi trực tiếp với những bác sĩ lâm sàng, chuyên gia dinh dưỡng và các nhà tâm lý học, dinh dưỡng nhi hàng đầu thế giới. Đội ngũ hơn 600 nhà khoa học và chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Phát triển Dinh dưỡng Abbott luôn tập trung nghiên cứu và cải tiến để đem lại nguồn dưỡng chất tốt nhất cho trẻ, cải thiện hiệu quả của dinh dưỡng, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người thông qua dưỡng chất.”

Suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng nặng nề tới trẻ

Nói về suy dinh dưỡng mãn tính ở trẻ em, Bác sĩ Dan Nemet, Giảng viên Nhi khoa, Trường Y Sackler, Đại học Tel Aviv, cho biết một trong những dấu hiệu là chiều cao không đạt chuẩn so với độ tuổi (suy dinh dưỡng thể thấp còi). Tỷ lệ thấp còi trên thế giới vẫn ở mức cao (30%), nguyên nhân là do sự hạn chế trong việc cung cấp kiến thức về dinh dưỡng cho các ngành liên quan.

Ông cũng đưa ra số liệu đáng báo động: khoảng 30-50% ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng cũng mang lại những hậu quả ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ. Ví dụ như suy giảm hệ miễn dịch, yếu cơ, dễ nhiễm bệnh, thời gian nằm viện kéo dài, trầm cảm… Mặt khác, nếu trẻ không được hưởng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển về mặt nhận thức cũng như khả năng học hỏi về sau này.

Tiến sĩ Robert Murray, Giáo sư về dinh dưỡng con người, trường Cao đẳng Giáo dục và Hệ sinh thái Con người thuộc Đại học bang Ohio, cho biết các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ; cố gắng đảm bảo sức khoẻ cũng như cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho phụ nữ mang thai, đồng thời đảm bảo kiểm soát được bệnh tật và tạo ra môi trường lý tưởng xung quanh bé. Sau khi sinh, dinh dưỡng trở thành yếu tố quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của trẻ. Đặc biệt trong năm năm đầu tiên, dinh dưỡng và lối sống là yếu tố quyết định tiềm năng tăng trưởng của bé.

Tại Việt Nam, nghiên cứu lâm sàng phối hợp giữa Abbott và Đại học Y Thái Bình về việc cung cấp dinh dưỡng đường uống cho 140 trẻ em ở tỉnh Thái Bình cho thấy kết quả tốt trong việc cải thiện suy dinh dưỡng ở trẻ, cũng như tăng trưởng khỏe mạnh lâu dài. Sản phẩm được sử dụng trong chương trình nghiên cứu là PediaSure với 37 dưỡng chất thiết yếu được chứng minh lâm sàng hỗ trợ trẻ tăng trưởng khỏe mạnh chỉ sau 9 tuần và duy trì đà tăng trưởng khỏe mạnh khi sử dụng lâu dài.

  1. Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đào tạo nhân lực y khoa trình độ cao

Chiều 25-3, tại Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội và Đại học Kanazawa (Nhật Bản) ký kết chương trình hợp tác đào tạo nhân lực lĩnh vực y khoa trình độ cao.

Theo đó, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ hợp tác trực tiếp với Trường ĐH Khoa học Y học và Trường ĐH Khoa học Y học dự phòng (thuộc Đại học Kanazawa) triển khai chương trình nhằm mục đích trao đổi sinh viên sau đại học thông qua nuôi dưỡng những tài năng, có tiềm năng được công nhận ở cấp độ quốc tế. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển của Nhật Bản và Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia và nâng cao danh tiếng quốc tế của hai trường.

Học viên tham gia chương trình sẽ theo học một số môn học khoa học cơ bản và phương pháp nghiên cứu tại Việt Nam, sau đó sẽ có cơ hội sang Đại học Kanazawa tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để chuẩn bị luận án tiến sĩ. Trong khi đó, các học viên của Nhật Bản cũng có thể sang Trường ĐH Y Hà Nội tham gia học tập và nghiên cứu.

GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nhấn mạnh, dù là một chương trình mới được khởi động, nhưng Trường ĐH Y Hà Nội và Đại học Kanazawa luôn tin tưởng sẽ có đông đảo các học viên tham gia.

Ngay sau lễ ký kết, Trường ĐH Y Hà Nội và Đại học Kanazawa phối hợp tổ chức hội thảo xây dựng và triển khai các nội dung chương trình hợp tác.

  1. Phẫu thuật khối bướu nặng 3,1kg cho bé sơ sinh mới 1 ngày tuổi

Chiều 25/3, bác sỹ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối bướu quái khổng lồ nặng đến 3,1 kg cho một trẻ sơ sinh mới 1 ngày tuổi.

Bác sỹ Hiếu cho biết, ngày 20/3, sản phụ L.T.N.M. (ngụ tỉnh Sóc Trăng) hạ sinh một bé gái tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre. Khi chào đời, bé gái mang khối bướu khổng lồ ở vùng cùng cụt và ngay lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để xử lý.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sỹ ghi nhận bệnh nhi tỉnh nhưng mang theo một khối bướu khổng lồ vùng cùng cụt có kích thước 30cm x 30cm x 20cm. Toàn bộ trọng lượng của cả bé gái và khối bướu nặng 5,2 kg.

Ngay sau khi nhập viện bé được nhanh chóng thực hiện các phương pháp chụp chiếu, xét nghiệm, siêu âm... các bác sỹ nhận định khối bướu này là bướu lành tính gồm các mô đặc, nang và vôi. Tuy nhiên, do khối bướu đang có tình trạng xuất huyết bên trong và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào nên các bác sỹ đã quyết định thực hiện phẫu thuật ngay khi em bé chưa tròn 1 ngày tuổi.

Ca phẫu thuật diễn ra vô cùng khó khăn do khối bướu quá lớn, bệnh nhi phải nằm sấp dễ chèn ép đường hô hấp đồng thời nguy cơ xuất huyết ồ ạt không thể kiểm soát và bệnh nhi có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Rất may mắn, sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sỹ đã cắt trọn khối bướu quái ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Trọng lượng khối bướu nặng đến 3,1kg trong khi trọng lượng của em bé chỉ là 2,1 kg.

Theo bác sỹ Hiếu, trẻ sơ sinh có bướu quái khổng lồ vùng cùng cụt khá hiếm gặp. Tại Việt Nam chưa ghi nhận khối bướu quái cùng cụt có kích thước lớn như vậy. Với những trường hợp trẻ sơ sinh có bướu quái cùng cụt khổng lồ cần được can thiệp phẫu thuật sớm để tránh nguy cơ bướu vỡ và trẻ sẽ tử vong.

Hiện bệnh nhi đã ổn định, cai máy thở, ăn bằng đường miệng và đang được theo dõi, chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

  1. 10 ngày nỗ lực giành giật mạng sống cho nạn nhân vụ sập tường ở Vĩnh Long

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) cho biết, bệnh nhân nam được chuyển đến cấp cứu trong vụ sập tường ở Vĩnh Long đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, vào lúc 10h ngày 15/3, khi các công nhân đang tô trát đoạn tường dài khoảng 30 mét, cao hơn 12 mét thì vách tường bị sập đổ hoàn toàn, đè lên người các công nhân đang làm việc. Vụ tai nạn khiến 6 người chết, 2 người bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) tiếp nhận bệnh nhân N.V.D. (46 tuổi, trú tại Tam Bình, Vĩnh Long) là bệnh nhân bị thương nguy kịch nhất trong tình trạng đa chấn thương nặng nề, lơ mơ, da niêm nhợt nhạt, mạch, huyết áp không đo được.

Bác sĩ Lê Đức Sĩ - Phó Giám đốc Bệnh viện Xuyên Á cho biết, các bác sĩ nhanh chóng hồi sức và chụp CT scan. Kết quả ghi nhận khung chậu của bệnh nhân gãy thành nhiều mảnh, gãy 8 xương sườn trái và hai xương sườn bên phải, tràn máu tràn khí màng phổi, vỡ cơ hoành trái, xuất huyết bên trong do chấn thương bụng kín. 

Nhận thấy tình hình bệnh nhân quá nguy kịch, ê-kip trực đã bật báo động đỏ nội viện huy động bác sĩ các khoa ngoại lồng ngực, ngoại tổng quát, ngoại chỉnh hình và ngoại niệu  cùng với ê-kíp phòng mổ, gây mê.

Bệnh nhân được tiến hành mở bụng khâu cầm máu, cột hai động mạch chậu trong để giảm mất máu do vỡ xương chậu, cố định xương chậu, cố định xương sườn, dẫn lưu máu và khí trong màng phổi trái.

Sau mổ, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy gan với men gan tăng 5 lần và suy thận cấp, được truyền tổng cộng 22 đơn vị máu, 8 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 4 khối tiểu cầu.

Sau 10 ngày "chiến đấu", hiện tình trạng bệnh nhân tạm ổn, đáp ứng tốt với điều trị, chức năng gan và thận ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đã rút được máy thở và các ống dẫn lưu, đã ngưng thuốc vận mạch, mạch 80lần/p, huyết áp ổn 130/80 mmHg, thở oxy qua sonde mũi.

Bệnh nhân được tiếp tục dùng kháng sinh, điều trị nâng đỡ, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch chăm sóc phục hồi chức năng.

II. TIN QUỐC TẾ

  1. Hong Kong đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch sởi

Dịch sởi có nguy cơ bùng phát tại Hong Kong (Trung Quốc) sau khi Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong (CHP) ngày 24/3 công bố có thêm 1 trường hợp mới mắc bệnh sởi dù đã tiêm phòng.

(TTXVN/Vietnam+) 25/03/2019 18:44 GMT+7 

Dịch sởi có nguy cơ bùng phát tại Hong Kong (Trung Quốc) sau khi Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong (CHP) ngày 24/3 công bố có thêm 1 trường hợp mới mắc bệnh sởi dù đã tiêm phòng.

Phóng viên TTXVN tại Hong Kong dẫn thông báo của CHP cho biết bệnh nhân nói trên là nam giới, người Hong Kong, đã tiêm phòng bệnh sởi, trước đó sức khỏe tốt và không làm việc tại sân bay.

Trong thời gian ủ bệnh không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, nhưng từ ngày 23/2 đến ngày 2/3 đã đi du lịch ở Fukuoka, Nhật Bản.

Số hiệu chuyến bay mà người bệnh từng đi và số người tiếp xúc gần với thời gian nhiễm virus vẫn đang được điều tra, theo dõi.

Trước đó ngày 22/3, Hong Kong đã ghi nhận có 3 ca mắc bệnh sởi. Cả 3 người này đều là nhân viên làm việc tại sân bay, không du lịch nước ngoài, không có người nhà bị mắc bệnh sởi.

Theo CHP, 1 trong 3 người mắc bệnh là nam thanh niên 22 tuổi sinh ra ở Hong Kong và đã được tiêm phòng sởi. Còn hai trường hợp kia đều sinh ra ở Trung Quốc và chưa được tiêm phòng sởi. CHP cũng đã cử người đến sân bay để tiêm phòng cho tất cả những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh.

Đồng thời, toàn sân bay Hong Kong cũng đã được khử trùng, giữ gìn vệ sinh môi trường theo sự chỉ dẫn của Cục Y tế Hong Kong.

Giới chức y tế Hong Kong cho rằng mặc dù 3 người mắc bệnh không làm việc tại cùng một vị trí ở sân bay, nhưng họ đều bị nhiễm cùng một bệnh, do đó nguy cơ sẽ có thêm một vài trường hợp nữa bị mắc trong một thời gian ngắn tới.

Trong 3 tháng đầu năm nay, Hong Kong đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm sởi, vượt quá tổng số của cả năm 2016, 2017 và 2018. Hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh sởi ở Hong Kong và duy trì liên lạc chặt chẽ với Cục Y tế Hong Kong.

Hiện tại, việc cung cấp vaccine phòng sởi MMR ở Hong Kong ổn định, có đủ vaccine dự trữ để đáp ứng nhu cầu tăng lên trong thời gian tới./.

  1. Gần 2/3 trong số 1.000 ca nhiễm virus Ebola tử vong trong vòng 8 tháng tại CHDC Congo

Gần 2/3 trong số hơn 1.000 ca nhiễm virus Ebola tại CHDC Congo trong gần 8 tháng qua đã tử vong. Đây là số liệu mới nhất về tình trạng dịch bệnh mà Bộ Y tế quốc gia châu Phi này thống kê và công bố ngày 25/3.

Theo bộ trên, kể từ khi phát hiện dịch bùng phát tại tỉnh Bắc Kivu ngày 1/8/2018 và sau đó lan sang tỉnh láng giếng Ituri, đã có 1.009 ca nhiễm bệnh, trong đó có tới 629 ca tử vong. Theo trang web của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, đây là đợt dịch gây tử vong lớn thứ 2 trong lịch sử dịch bệnh Ebola.

Năm 2014, dịch Ebola bùng phát tại 3 nước châu Phi Guinea, Liberia và Sierra Leone, đã cướp đi sinh mạng của 11.308 người. Virus Ebola được phát hiện lần đầu tiên năm 1974 tại một ngôi làng gần sông Ebola của CHDC Congo, và tên của dòng sông được đặt cho chủng virus gây tỷ lệ tử vong cao này. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ebola là căn bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như: sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài.

Căn bệnh này lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh. Tiếp đó, virus sẽ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh, hay lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó để chẩn đoán bệnh.

  1. Người đàn ông Trung Quốc bị ngộ độc nặng vì nhầm thuốc trừ sâu thành dầu gội đầu

Các bác sĩ ở Tây Nam Trung Quốc đã phải cạo đầu và cấp cứu cho một bệnh nhân sử dụng nhầm một chai thuốc trừ sâu để gội đầu.

Người đàn ông giấu tên đến từ Côn Minh ở tỉnh Vân Nam đã cất chai thuốc trừ sâu dichlorvos (DDVP) ngay bên cạnh chai dầu gội đầu của mình và rồi hoảng hốt khi thấy mùi lạ lúc gội đầu, trang tin tức Trung Quốc Kankanews.com đưa tin. Sau đó, cơ thể người này xuất hiện có các triệu chứng khác nhau, bao gồm run rẩy và đổ mồ hôi. Cho dù đã cố gắng xả nước để rửa trôi thuốc trừ sâu nhưng không thấy đỡ hơn, ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc Vân Nam.Tại đó, người đàn ông thừa nhận đã cố gắng rửa sạch bằng chất độc bám trên đầu tóc bằng nước và giấm. Trên thực tế, trong tình huống đó, hành động của ông càng khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, ông Wu Wu Ying - phó giám đốc khoa cấp cứu bệnh viện nhận định. Các bác sĩ đã điều trị ngộ độc cho ông và cắt bỏ hoàn toàn tóc trên đầu để loại bỏ dư lượng thuốc độc còn sót lại.

“Chúng tôi phải sử dụng dao cạo dùng một lần. Một vài bác sĩ nhanh chóng cắt tóc bằng kéo rồi dùng dao cạo cạo đi”, ông Wu cho biết.

Bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn sau một vài ngày điều trị. Thật may mắn là vì ông đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Được phát triển từ các tác nhân khí gas, DDVP được sử dụng trong thuốc trừ sâu hộ gia đình và công nghiệp. Sản phẩm đã bị cấm tại Liên minh châu Âu (EU) trong suốt hai thập kỷ qua vì độc tính cực mạnh và tác động lâu dài đến môi trường. Một số thành phố ở Trung Quốc như Quảng Châu cũng cấm buôn bán và sử dụng DDVP nhưng nó vẫn được bán ở nhiều khu vực, bao gồm cả Côn Minh.

Một số người dân ở nông thôn Trung Quốc cũng thường sử dụng DDVP như một biện pháp khắc phục tại nhà để ngăn chặn ngứa ngáy, bọ chét và bệnh chàm. Vào tháng 11/2018, một bé gái 5 tuổi ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc đã suýt chết sau khi được bà ngoại gội đầu cho bằng DDVP pha loãng để diệt chấy, Dahe Daily đưa tin.

  1. Thế giới có thêm hy vọng với bệnh nhân thứ 3 được chữa khỏi HIV

Bệnh nhân thứ 3 từng dương tính với HIV dường như không còn virus sau khi được ghép tủy xương.

Các bác sĩ cho biết, không còn dấu hiệu nào của HIV sau 3 tháng bệnh nhân ngừng uống thuốc kháng virus.

Trường hợp của “bệnh nhân Dusseldorf” (bệnh nhân thứ 3 được chữa khỏi HIV) đã được báo cáo tại hội nghị khoa học, nhưng các bác sĩ cho biết thêm rằng bệnh vẫn đang trong giai đoạn đầu bị đẩy lùi.

Tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội ở Seattle (Mỹ), các bác sĩ cho biết, trường hợp thứ ba này mới ngừng thuốc được 3 tháng, nhưng sinh thiết mô lấy từ các hạch bạch huyết và ruột đã không còn dấu hiệu nhiễm trùng.

Phương thức này không chắc là một giải pháp khả thi cho hàng triệu người nhiễm HIV. Một phần là do sự khan hiếm của gen đột biến CCR5 (một loại gen chịu trách nhiệm tổng hợp ra các thụ cảm thể, HIV muốn thâm nhập được vào tế bào người thì cần phải có mặt một thụ cảm thể do gen CCR5 mã hoá), phần khác là do các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình cấy ghép, đây mới là nguyên nhân chủ yếu.

HIV (màu vàng) tấn công các tế bào miễn dịch của con người (màu xanh) và có thể được ức chế bằng thuốc kháng retrovirus, trước đây người ta cho rằng không có thuốc chữa bệnh. Ảnh: AP

Có thể thấy các tế bào được hiến tặng bị từ chối và chỉ được thử ở những bệnh nhân ung thư máu bị đe dọa đến tính mạng - chẳng hạn như ung thư hạch không Hodgkin như trong trường hợp của bệnh nhân London (bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được chữa khỏi HIV).

Các bác sĩ cho biết họ đang theo dõi một số ít người khác bị nhiễm HIV và sau đó được ghép tủy xương CCR5 nhờ được hiến tặng từ những người có đột biến gen CCR5.

Điều này bao gồm 2 bệnh nhân vẫn đang dùng thuốc kháng retrovirus, vì ngừng dùng thuốc có nguy cơ gây hại cho hệ thống miễn dịch của họ và bị lây nhiễm trở lại.

Nhiều trường hợp đã chỉ ra rằng đột biến gen CCR5 có thể bảo vệ chống lại HIV, các nhà nghiên cứu đã nói rằng việc chèn gen bằng các công nghệ như kỹ thuật chỉnh sửa gen Crispr có thể là cách điều trị khả thi hơn trong tương lai.

  1.  Dịch Ebola lây lan rộng ở CHDC Congo: Hơn 1000 trường hợp nhiễm bệnh

Dịch Ebola vẫn tiếp tục lây lan rộng ở Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo đã khiến hơn 1.000 trường hợp Ebola được phát hiện nhiễm bệnh theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật  - CDC

Đây là đợt bùng phát dịch Ebola gây tử vong lớn thứ 2 trong lịch sử. Lần bùng phát tồi tệ trước đó được ghi nhận vào năm 2013 - 2016 tại Tây Phi với hơn 11.000 người tử vong.

Các chuyên gia CDC cho biết, tính đến thời điểm hiện tại - ngày 24.03.2019 đã có 1009 trường hợp được ghi nhận nhiễm bệnh, trong đó 625 trường hợp đã tử vong và 318 người sống sót. 

TS. Robert R.Redfield, Giám đốc CDC cho biết, đây là một điều đáng buồn cho Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, CDC sẽ tiếp tục làm việc liên tục với các đối tác ở nước này và trên toàn thế giới để tìm hướng ngăn chặn sự lây lan của Ebola và sớm chấm dứt dịch bệnh này.

Virus Ebola thường lây truyền qua đường máu hoặc các chất tiết ra từ cơ thể. Khi virus lây lan qua cơ thể, nó tổn thương hệ thống miễn dịch, các cơ quan nội tạng và gây xuất huyết cả bên trong lẫn bên ngoài.

  1. Phát hiện loại đường làm bánh thúc đẩy ung thư ruột

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện một loại đường dạng xi rô thường dùng để làm bánh, đồ uống ngọt đã trở thành nhiên liệu cho khối u của những con chuột bị ung thư ruột.

Dựa trên các báo cáo cho thấy tỉ lệ ung thư ruột ở người trẻ tuổi có sự gia tăng trong vài thập kỷ gần đây, nhóm khoa học gia đến từ Đại học Y khoa Baylor (Houston, Texas, Mỹ) đã tiến hành một thí nghiệm trên chuột và phát hiện ra mối nguy đến từ corn syrub (mật ngô, xi rô ngô, xi rô bắp), một loại đường fructose hàm lượng cao hay được dùng để làm bánh do có tính năng làm mềm kết cấu. Đây cũng là loại đường hiện diện phổ biến trong nước ngọt có gas và các nước giải khát ngọt khác.

Để thí nghiệm, nhóm nghiên cứu xóa gene tên APC để khiến các con chuột phát triển các polyp giai đoạn đầu của ung thư ruột. Ở con người, đột biến gene APC cũng xảy ra ở hơn 90% bệnh nhân ung thư ruột.

Khi những con vật thí nghiệm bị cho uống nước ngọt sử dụng corn syrup, các khối u trong đại tràng của chúng phát triển lớn hơn và nhanh hơn các con chuột chỉ uống nước, ngay cả ở các con chuột không béo phì.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy các khối u sử dụng cả glucose trong đường bình thường lẫn fructose trong corn syrup làm nhiên liệu. Tuy nhiên, tác động của fructose mạnh hơn. Một loại enzyme có tên KHK (ketohexokinase) trong cơ thể đã biến fructose thành một hợp chất gọi là fructose-1-phosphate, giúp thúc đẩy sản xuất chất béo cần thiết cho sự phát triển của khối u, đồng thời tăng cả mức độ khối u sử dụng glucose thông thường làm năng lượng.

Nhận xét về công trình Tiến sĩ Patrick Boland, trợ lý giáo sư ung thư và bác sĩ ung thư đường tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Roswell Park Comprehensive ở New York (Mỹ), một người không tham gia nghiên cứu, bày tỏ sự đồng tình. Ông cho biết một số nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữu việc tiêu thụ thực phẩm giàu đường và sự gia tăng tỉ lệ tái phát, tỉ lệ tử vong trong bệnh ung thư ruột kết. Nghiên cứu mới đưa ra những lời giải thích hợp lý, cho thấy nhóm người có nguy cơ cao hay đã được chẩn đoán bệnh ung thư ruột nên hạn chế thực phẩm có đường càng nhiều càng tốt.

Các tác giả cũng nên tiến thêm một bước bằng thử nghiệm lâm sàng trên người, điều đó sẽ gia tăng giá trị của các băng chứng và có tiềm năng góp phần phát triển các hướng dẫn điều trị phù hợp hơn cho bệnh nhân ung thư ruột.

Nghiên cứu của Đại học Y khoa Baylor vừa công bố trên tạp chí khoa học Science.

  1. Nhiều căn bệnh nguy hiểm đang 'phục kích' trẻ em ở... nhà banh

Lý do là bởi những nơi này thường rất ít khi được dọn dẹp. Trẻ em nô đùa, nằm, cầm trên tay và ném vào nhau những trái banh màu sắc đẹp mắt nhưng lại ẩn chứa hàng triệu triệu những con vi trùng gây hại cho sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện trong những trái banh có tới 31 loại vi trùng, vi khuẩn ấy, ít nhất 9 loại có khả năng khiến trẻ bị bệnh nguy hiểm. Trong đó có 8 vi khuẩn và một loại nấm gây bệnh,

Ví dụ vi khuẩn liên cầu đường ruột Enterococcus faecalis có thể gây viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm màng não; vi khuẩn Staphylococcus hominis gây nhiễm trùng máu; vi khuẩn Acinetobacter lwofii gây viêm phổi, viêm màng não, đường tiết niệu và nhiễm trùng da.

Tiến sĩ Mary Ellen Oesterle, Đại học Bắc Georgia, đã kiểm tra những nhà banh dành cho trẻ em trong các bệnh viện nhi ở Georgia và nhận ra rằng đây chính là thiên đường của vi khuẩn. "Các nhà banh thường bị nhiễm bẩn bởi bụi, thức ăn mà trẻ nôn ra, thậm chí có cả phân và nước tiểu. Tất nhiên nơi này sẽ được dọn sạch ngay sau đó, nhưng vẫn sẽ chứa rất nhiều vi khuẩn, vi trùng có hại".

Nhà banh cho trẻ em có ở mọi nơi như khu vui chơi, lễ hội, siêu thị, bệnh viện, trường học. Những nơi này không được làm sạch thường xuyên, trừ khi có vết bẩn quá lớn. Mỗi ngày có rất nhiều trẻ đến chơi và vô tình khiến vi trùng nhiều hơn.

Nguy cơ trẻ bị nhiễm các vi khuẩn này tăng lên nếu có vết cắt trên da, đặc biệt là những đứa trẻ có hệ miễn dịch kém.


Thăm dò ý kiến