Hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

29/11/2020 | 10:20 AM

 | 

Vĩnh Phúc đã có nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền giúp trẻ em nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống tốt hơn và có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng.

 

Thực hiện Quyết định số 570/2014 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, Vĩnh Phúc đã có nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền giúp trẻ em nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống tốt hơn và có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hàng trăm trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó, gần 30 trẻ đang được điều trị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH). Đa phần gia đình các em đều thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "26 trẻ em dưới 15 tuổi đang điều trị tại đây đều được hưởng dịch vụ chăm sóc, tư vấn tốt nhất, được hỗ trợ 100% chi phí điều trị, kể cả chi phí khám, chữa các bệnh khác".

Hiện nay, tất cả người nhiễm HIV đều được hỗ trợ mua thẻ BHYT, trong đó có trẻ em từ 6 đến 16 tuổi. Ảnh: T.L

Sau khi Quyết định 570 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5263/QĐ-UBND ngày 11/9/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội về công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trẻ em. Đảm bảo mọi trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn thích hợp, được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, các chính sách xã hội theo quy định hiện hành; các em được sống an toàn cùng bố mẹ, anh chị em ruột và người thân; trẻ nhiễm HIV trong diện quản lý được chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan và các bệnh khác. Không phân biệt kỳ thị với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đồng thời, tăng cường các nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc tốt cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, các ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh Đoàn, Sở GD&ĐT cùng phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội thi tuyên truyền về kiến thức bảo vệ trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động ngoại khóa với chủ đề giáo dục kỹ năng sống, giáo dục sức khỏe sinh sản… Đối với cấp học mầm non, kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS được cung cấp cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ.

Việc chăm sóc sức khỏe và khám, điều trị cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được các cơ sở y tế quan tâm. Sức khỏe của những trẻ nhiễm HIV được điều trị ARV được cải thiện rõ rệt. Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được mở rộng, nhằm giảm tình trạng trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Hoạt động chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi được triển khai kịp thời, làm giảm tình trạng tử vong và chi phí điều trị.

Thực tế, vai trò của gia đình và cộng đồng có ảnh hưởng không nhỏ tới giáo dục giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV và hỗ trợ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của UNICEF, ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 -2020, xây dựng bộ chỉ số giám sát về HIV/AIDS và kế hoạch giám sát lồng ghép liên ngành chương trình phòng, chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Do đó, công tác giáo dục giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong các trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trẻ em nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ học phí; hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội; hỗ trợ 100% chi phí đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS khi điều trị và khám, chữa bệnh khác… Tuy nhiên, trong công tác hỗ trợ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn, vì nhiều em theo bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng chuyển đổi nơi cư trú; việc phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS của trẻ em bậc tiểu học và mầm non chưa cao; nguồn kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế.

Đặc biệt, nhận thức của cộng đồng chưa cao, một số gia đình khi biết con em mình nhiễm HIV/AIDS đã từ chối chăm sóc, nuôi dưỡng… Do đó, để trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có cuộc sống tốt hơn, cần sự nỗ lực, chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Nguồn: Báo Gia đình và xã hội


Thăm dò ý kiến