Biếng ăn - Nguyên nhân chính khiến trẻ suy dinh dưỡng
16/10/2015 | 02:16 AM
Dân trí Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đói kém mấy chục năm nay nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn cao. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao hiện nay là do… trẻ biếng ăn.
Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16-23/10/2015. Thực hiện chương trình này, báo Sức khỏe & đời sống của Bộ Y tế đã tổ chức Ngày hội dinh dưỡng tại TPHCM vào tối 15/10.
Tại đây, ban tổ chức cho biết Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã làm 1 nghiên cứu trên 50.000 trẻ ở độ tuổi 2-5 cho thấy có gần 20% trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và hơn 29% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, tình trạng thiếu vi chất vẫn còn phổ biến ở trẻ em Việt Nam, thể hiện ở tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng (retinol huyết thanh thấp), thiếu kẽm… còn ở mức cao.
Cũng theo nghiên cứu này, trẻ không thiết tha chuyện ăn uống, dẫn đến biếng ăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Cụ thể, số trẻ em đến khám suy dinh dưỡng vì lý do biếng ăn ở mức rất cao (tỷ lệ 45,9 - 57,7%). Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, biếng ăn ở trẻ là một hiện tượng thường gặp.
Tại ngày hội, các bác sĩ đã tư vấn cho các bà mẹ phương pháp dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và các phương thức tạo môi trường ăn lý tưởng cho trẻ, giúp trẻ ăn nhiều, bỏ thói quen biếng ăn nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Bởi thực tế cho thấy có rất nhiều cha mẹ hay gặp phải sai lầm khi cho trẻ ăn như: ép bé ăn thật nhiều, cho bé ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng, chỉ quan tâm tới cân nặng và chiều cao mà ít quan tâm tới tinh thần con trẻ… khiến trẻ bỏ bữa, kén ăn và biếng ăn.
ThS.BS. Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch hướng dẫn: “Bữa ăn của trẻ phải thật sự là một bữa ăn. Bữa ăn phải diễn ra ở bàn ăn; để trẻ tập trung toàn bộ giác quan vào bữa ăn, thức ăn và cách ăn. Thời gian một bữa ăn khoảng 30 phút. Gia đình phải tôn trọng đặc điểm cá nhân của trẻ; cho trẻ tự xúc, tự bốc, tự gắp thức ăn. Để giờ ăn trở nên hấp dẫn đối với trẻ thì cần phải có phương pháp dinh dưỡng hợp lý, đúng thời điểm và nhất là biết cách tạo môi trường ăn lý tưởng cho trẻ”.
Nguồn: http://dantri.com.vn/
Tin liên quan
- Chung tay nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú
- Hơn 100.000 kết quả quét mã QR đánh giá chất lượng gửi về Ban Tổ chức cuộc thi 'Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp'
- Nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM
- Triển khai hiệu quả Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao
- Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do nhiễm uốn ván sau lội nước bẩn trong mưa bão
- Thanh Hóa chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Hà Nội triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường sau bão lũ, ngập lụt